[15] Ý kiến tư vấn của Tòa ICJ năm 1996 về Tính hợp pháp của việc đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ khí hạt nhân

Phiên họp thực chất lần I của Hội nghị quốc tế về Vũ khí hạt nhân của Liên hợp quốc vừa kết thúc (ngày 27 – 31/03/2017); trước đó Hội nghị cũng đã có một phiên thủ tục vào tháng 01/2017. Phiên họp này có sự tham dự của đa số các quốc gia thành viên Liên hợp quốc nhưng vẫn có gần 40 quốc gia từ chối tham gia, trong đó, tất nhiên bao gồm các nước sở hữu vũ khí hạt nhân và đồng minh của họ.[1] Hội nghị này được triệu tập theo Nghị quyết 71/258 của Đại hội đồng LHQ thông qua ngày 23/12/2016. Đoạn 8 của nghị quyết này “quyết định triệu tập một hội nghị Liên hợp quốc vào năm 2017 để đàm phán một văn kiện ràng buộc pháp lý nghiêm cấm vũ khí hạt nhân, hướng đến việc loại trừ loại vũ khí này”.[2]

Đến năm 2016, ước tính thế giới có khoảng 15,000 đầu đạn hạt nhân.[3] Ngoài 05 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Anh, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Pháp), Pakistan và Ấn Độ cũng là các quốc gia có vũ khí hạt nhân. Có nghi ngờ rằng Triều Tiên và Israel cũng sở hữu vũ khí hạt nhân.

Nagasaki nuclear 1945

Nhân những bước phát triển mới trên, xin giới thiệu lại Ý kiến tư vấn của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) vào năm 1996.

Ý kiến tư vấn của Tòa ICJ năm 1996 về tính hợp pháp của vũ khí hạt nhân

Ngày 15 tháng 12 năm 1994, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 49/75, mục K xin ý kiến tư vấn của Tòa ICJ cho câu hỏi: “Liệu việc đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ khí hạt nhân có được luật pháp quốc tế cho phép trong bất kỳ hoàn cảnh nào hay không?

Ngày 8 tháng 7 năm 1996, Tòa ICJ đưa ra ý kiến tư vấn cho câu hỏi trên.

Nhìn chung, các thẩm phán nhất trí tuyệt đối hoặc gần như tuyệt đối về việc không có quy định của luật pháp quốc tế (điều ước và tập quán) cụ thể cho phép hay cấm toàn diện việc đe doạn sử dụng hay sử dụng vũ khí hạt nhân,[4] và việc sử dụng vũ khí hạt nhân phải tuân thủ Điều 2(4), Điều 51 Hiến chương Liên hợp quốc[5] cũng như các quy định áp dụng trong xung đột vũ trang như luật nhân đạo quốc tế.[6] Từ các kết luận nêu trên Tòa đi đến kết luận quan trọng nhất của mình – Kết luận E. Tuy nhiên Kết luận E lại là một kết luận được thông qua với đa số rất mong manh, 07/07 thẩm phán với phiếu quyết định của Chánh án, thể hiện sự chia rẽ lớn trong quan điểm của các thẩm phán của một tòa án có uy tín nhất về luật pháp quốc tế. Thật thú vị khi từ những kết luận đạt được nhất trí hoặc đồng thuận cao lại đi đến một kết luận chung không được ủng hộ cao. Kết luận này – kết luận E, gồm hai kết luận nhỏ (xin gọi tắt là kết luận E1 và E2), cụ thể:

“… việc đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ nhìn chung trái với các quy định của luật pháp quốc tế áp dụng trong xung đột vũ trang và cụ thể là các nguyên tắc và quy định của luật nhân đạo; [kết luận E1]

Tuy nhiên, với hiện trạng của luật pháp quốc tế và các yếu tố bằng chứng hiện có trước Tòa, Tòa không thể kết luận một cách chắc chắn liệu việc đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ khí hạt nhân có hợp pháp hay bất hợp pháp trong hoàn cảnh tự vệ cực đoan khi sự tồn vong của một quốc gia bị đe dọa. [kết luận E2]

Ủng hộ kết luận trên bao gồm các thẩm phán Bedjaoui (Chánh án, người Algeria), Ranjeva (người Madagascar), Herczegh (người Hungary), Shi (người Trung Quốc), Fleischhauer (người Đức), Vereshchetin (người Nga), và Ferrari Bravo (người Ý).

Bỏ phiếu phản đối có các thẩm phán Schwebel (phó chánh án, người Mỹ), Oda (người Nhật Bản), Guillaume (người Pháp), Shahabuddeen (người Guyana), Weeramantry (người Sri Lanka), Koroma (người Sierra Leone) và Higgins (người Anh).

Nhìn vào tỷ lệ bỏ phiếu ở Kết luận E này có thể có ý kiến rằng kết luận này có nhiều khả năng không đứng vững, theo nghĩa nó quá mong manh để trở thành một án lệ và hoàn toàn có thể bị bác bỏ, thay đổi trong một vụ việc tương tự trong tương lai. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn vào giải thích của các thẩm phán khi đưa ra quyết định bỏ phiếu thì bức tranh phong phú và phức tạp hơn nhiều!

Kết luận F cuối cùng của Tòa lại được thông qua bằng nhất trí, theo đó Tòa cho rằng các quốc gia có nghĩa vụ theo đuổi một cách thiện chí nhằm đạt được một thỏa thuận đàm phán hướng đến giải trừ hạt nhân. Dưới đây xin phân tích lập luận của Tòa trong các kết luận trên.

Không có quy định cho phép đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ khí hạt nhân

Các thẩm phán nhất trí tuyệt đối với kết luận này. Tòa ICJ đã rà soát tất cả các quy định có liên quan trong các điều ước quốc tế cũng như tập quán quốc tế và đã không tìm ra bất kỳ quy định nào cụ thể và rõ ràng cho phép các quốc gia được đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, kết luận này không đồng nghĩa với và không nên được hiểu theo nghĩa rộng là các quốc gia không được đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ khí hạt nhân. Tòa cho rằng:

“… luật điều ước và tập quán quốc tế không có bất kỳ quy định cụ thể nào cho phép đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ khí hạt nhân hay bất kỳ vũ khí nào khác nói chung hay trong các hoàn ảnh nhất định. Tuy nhiên, cũng không có bất kỳ nguyên tắc hay quy định nào của luật pháp quốc tế đặt ra điều kiện rằng tính hợp pháp của việc đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ khí hạt nhân phải phụ thuộc vào một sự cho phép cụ thể. Thực tiễn quốc tế cho thấy tính bất hợp pháp của việc sử dụng các vũ khí nhất định như vậy không phải là kết quả của việc không có sự cho phép mà, ngược lại, được xác định theo các quy định cấm.”[7]

Không có quy định cấm đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ khí hạt nhân[8]

Như Tòa đã nói ở trên về thực tiễn, tính bất hợp pháp của một vũ khí phải được xem xét theo các quy định cấm. Vậy luật pháp quốc tế không quy định nào cấm tuyệt đối và toàn diện vũ khí hạt nhân hay không? Câu trả lời của 11 trên 14 thẩm phán Tòa ICJ là không. Luật pháp quốc tế không có quy định cho phép và cũng đồng thời không có quy định cấm toàn diện vũ khí hạt nhân. Ba thẩm phán không đồng ý với kết luận này là các thẩm phán Shahabuddeen, Weeranmantry và Koroma. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ ý kiến đi kèm của ba thẩm phán này thì có vẻ ý kiến của ba thẩm phán này không trái ngược hoàn toàn với 11 thẩm phán còn lại của Tòa ICJ. Ba thẩm phán này bỏ phiếu chống kết luận trên bởi vì họ tin rằng luật pháp quốc tế gián tiếp cấm vũ khí hạt nhân do việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ chắc chắn và hiển nhiên vi phạm luật nhân đạo quốc tế.[9] Còn 11 thẩm phán còn lại cho rằng không có quy định cấm trực tiếp vũ khí hạt nhân.

Tòa rà soát hai nguồn chính của luật pháp quốc tế để đi đến kết luận trên: điều ước và tập quán. Trong các điều ước cấm các loại vũ khí cụ thể, Tòa không cho rằng vũ khí hạt nhân là một vũ khí chất độc bị cấm, đồng thời Tòa cũng không tìm thấy bất kỳ quy định cụ thể nào cấm sử dụng vũ khí hạt nhân trong các điều ước nghiêm cấm việc sử dụng một số loại vũ khí hủy diệt hàng loạt như vũ khí sinh học và vũ khí hóa học.[10] Cũng có các điều ước quốc tế điều chỉnh trực tiếp đến vũ khí hạt nhân như Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (1967), Hiệp ước Tlatelolco về Cấm vũ khí hạt nhân ở châu Mỹ Latinh (1967), Hiệp ước Rarotonga về Thành lập khu vực phi hạt nhân Nam Thái Bình Dương (1985), Hiệp ước về Khu vực không vũ khí hạt nhân Đông Nam Á (1995), Hiệp ước về thành lập khu vực phi vũ khí hạt nhân ở châu Phi (1996), hay một số điều khoản trong các điều ước quốc tế khác. Tuy nhiên theo Tòa, các điều ước này chỉ điều chỉnh duy nhất vấn đề liên quan đến thu mua, sản xuất, sở hữu, triển khai và thử vũ khí hạt nhân mà không đề cập cụ thể đến việc đe dọa sử dụng hay sử dụng loại vũ khí này. Do đó không có bất kỳ điều ước quốc tế nào cấm toàn diện và phổ quát việc đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ khí hạt nhân.

Về luật điều ước quốc tế, Tòa đã xem xét và kết luận thực tiễn quốc gia và việc thông qua các nghị quyết kêu gọi cấm vũ khí hạt nhân tại Đại hội đồng LHQ không đủ để cấu thành một quy định tập quán quốc tế. Thực tiễn về việc sau năm 1945 không có nước nào sử dụng vũ khí hạt nhân tồn tại song song với chính sách răn đe hạt nhân tạo ra sự chia rẽ quan điểm của cộng đồng quốc tế. Sự không thống nhất này cũng thể hiện rõ ở việc các nghị quyết của Đại hội đồng về vấn đề này đều không được nhất trí hay đồng thuận thông qua, mà luôn có phiếu chống hay phiếu trắng, và chính nội dung của các nghị quyết cũng cho thấy Đại hội đồng không nghĩ rằng vũ khí hạt nhân đã bị cấm theo luật mà thường mang tính kêu gọi là chính. Do đó, không những không có quy định điều ước cấm việc đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ khí hạt nhân mà cũng không có quy định tập quán tương tự.

Việc đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ khí hạt nhân phải phù hợp Điều 2(4) và 51 Hiến chương LHQ

Tất cả các thẩm phán đều nhất trí cho rằng việc đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực bằng vũ khí hạt nhân sẽ là bất hợp pháp nếu trái với Điều 2(4) Hiến chương LHQ và không thỏa mãn các điều kiện về quyền tự vệ ở Điều 51. Mặc dù không có quy định trực tiếp cấm hay cho phép nhưng do đặc tính là một loại vũ khí quân sự, việc sử dụng vũ khí hạt nhân cần trong giới hạn của nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực nói chung theo Điều 2(4) Hiến chương Liên hợp quốc và việc sử dụng cũng phải thỏa mãn các điều kiện về tính cần thiết và tính tương xứng trong khi thực hiện quyền tự vệ theo Điều 51.

Kết luận này không có nghĩa là Tòa nhất trí cho rằng vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng trong trường hợp việc sử dụng đó thỏa mãn các quy định trên. Nếu hiểu như thế sẽ không đúng với chính Kết luận E và ý kiến đi kèm theo của các thẩm phán. Kết luận này nên chỉ được hiểu là với ý nghĩa là một kết luận lý thuyết, là kết quả của suy luận logic và tư duy pháp lý thuần túy, mà chưa chắc chắn sẽ đúng. Kết luận này chỉ là một bước trong lập luận của Tòa để đi đến kết luận cuối cùng (Kết luận E), do đó cần phải được xem xét trong tổng thể các kết luận và lập luận, tránh xem xét độc lập.

Việc đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ khí hạt nhân phải phù hợp với luật pháp quốc tế áp dụng trong xung đột vũ trang[11]

Ngoài Điều 2(4) và Điều 51 Hiến chương LHQ, các thẩm phán cũng nhất trí rằng việc đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ khí hạt nhân cũng nên tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế áp dụng trong xung đột vũ trang, cụ thể là luật nhân đạo quốc tế và các nghĩa vụ và cam kết khác liên quan đến vũ khí hạt nhân. Luật nhân đạo quốc tế điều chỉnh hành vi của các bên trong một cuộc xung đột vũ trang, trong khi luật trung lập bảo vệ các quốc gia trung lập. Việc đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ khí hạt nhân phải tuân thủ các quy định này.

Kết luận E1: việc sử dụng vũ khí hạt nhân nhìn chung trái với luật pháp quốc tế áp dụng trong xung đột vũ trang

Một số quốc gia đã lập luận trước Tòa rằng vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng một cách giới hạn như việc sử dụng  “sạch” các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật, phạm vi hẹp và nhỏ hơn. Nhưng không nước nào có thể chỉ rõ ra được hoàn cảnh cụ thể nào cho việc sử dụng “sạch” nêu trên và cũng không chỉ ra được liệu việc sử dụng có giới hạn đó có khả năng trầm trọng thành việc sử dụng toàn diện vũ khí hạt nhân hay không. Do đó, Tòa không có đủ thông tin để xác định liệu quan điểm về loại vũ khí hạt nhân hay cách sử dụng giới hạn này có giá trị hay không.[12] Đồng thời, Tòa cũng không thể xác định được liệu có đúng là việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ luôn vi phạm luật pháp quốc tế trong mọi hoàn cảnh do đạt tính không phù hợp một cách tự nhiên và toàn diện của loại vũ khí này với luật pháp quốc tế áp dụng trong xung đột vũ trang.[13] Mặc dù đưa ra hai quan điểm bất định nêu trên, Tòa lại kết luận rằng “Với các đặc tính đặc thù của vũ khí hạt nhân… việc sử dụng loại vũ khí này trên thực tế có vẻ hiếm khi phù hợp với việc tôn trọng các yêu cầu trên [của luật nhân đạo quốc tế]. Nhưng Tòa cũng không có đủ yếu tố để cho phép kết luận chắc chắn rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ nhất thiết xung đột với các nguyên tắc và quy định của luật áp dụng trong xung đột vũ trang trong mọi hoàn cảnh.” Đây là lý do Tòa kết luận việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ nhìn chung trái với luật áp dụng trong xung đột vũ trang, cụ thể là luật nhân đạo quốc tế (Kết luận E1).

Khi đọc các ý kiến của các thẩm phán có thể thấy hầu hết tất cả các thẩm phán đều không phản đối quá mạnh[14] với Kết luận E1 này, bao gồm cả các thẩm phán bỏ phiếu chống. Ba thẩm phán bỏ phiếu chống và không đồng ý không phải bởi vì nó hoàn toàn sai mà bởi lẻ kết luận này chưa đi xa đến mức mong muôn của các thẩm phán. Thẩm phán Shahabuddeen, Weeranmantry và Koroma cho rằng Tòa không nên dùng từ “nhìn chung” mà nên tuyên bố rõ ràng rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân chắc chắn vi phạm luật quốc tế áp dụng trong xung đột vũ trang, cụ thể là luật nhân đạo quốc tế.[15] Do đó, có thể thấy rằng ít nhất 10 thẩm phán đều nhất trí rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân nhìn chung trái với luật pháp quốc tế.

Thẩm phán Schwebel bỏ phiếu phản đối kết luận E cũng cho rằng kết luận E1 “không phải không có lý.”[16] Hai thẩm phán có ý kiến phản đối mạnh nhất này là Thẩm phán Guillaume và Higgins. Thẩm phán Guillaume cho rằng vũ khí hạt nhân không nhất thiết là sẽ vi phạm luật nhân đạo quốc tế và luật trung lập; vũ khí hạt nhân không phải lúc nào cũng nhất thiết không mang tính phân biệt giữa mục tiêu dân sự và mục tiêu quân sự, hay luôn gây ra đau đớn không cần thiết, hay luôn vượt quá mức cần thiết về quân sự.[17]

Còn thẩm phán Higgins thì cho rằng Tòa đã không lập luận chặt chẽ, và do đó (có vẻ) sai khi đi đến kết luận.[18] Bà cho rằng các nguyên tắc luật nhân đạo quốc tế đặt ra yêu cầu phải cân bằng giữa lợi ích quân sự và thiệt hại gây ra[19] và hơn nữa luật nhân đạo quốc tế điều chỉnh hành vi chứ không phải các loại vũ khí cụ thể;[20] do đó, để kết luận liệu vũ khí hạt nhân có vi phạm luật quốc tế áp dụng trong xung đột vũ trang hay không thì phải xem xét việc sử dụng vụ thể loại vũ khí này trong từng trường hợp cụ thể, không thể nào “nhìn chung” được. Tóm lại, thẩm phán Guillame và Higgins chia sẽ cùng quan điểm rằng việc khái quát hóa cao độ về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân với góc nhìn quá khứ về tác hại của vũ khí hạt nhân là việc mà Tòa không nên làm (hoặc thậm chí đã làm sai).

Đối với Kết luận E1, điểm khác biệt lớn nhất xoay quanh từ “nhìn chung”. Ba thẩm phán Shahabuddeen, Weeranmantry và Koroma cho rằng là sử dụng vũ khí hạt nhân luôn luôn và rõ ràng vi phạm luật quốc tế áp dụng trong xung đột vũ trang trong mọi trường hợp.[21] Thẩm phán Schwebel, Gaullaume và Higgins không cho rằng như thế, bởi vì nhìn chung thì việc sử dụng vũ khí hạt nhân là vi phạm nhưng nhìn riêng thì có thể không vi phạm. Những trường hợp “nhìn riêng” này có thể bao gồm trường hợp vũ khí hạt nhân chiến thuật chống lại tàu ngầm mang đầu đạn hạt nhân ở dưới biển sâu hay tấn công hạt nhân chiến thuật ở khu vực xa mạc như ví dụ của Thẩm phán Schwebel.[22]

Kết luận E2: Với hiện trạng luật quốc tế, Tòa không thể kết luận chắc chắn rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp tự vệ cực đoan, khi sự tồn vong của một quốc gia bị đe dọa có bất hợp pháp hay hợp pháp.

Kết luận E2 này không được giải thích một cách cụ thể trong Ý kiến tư vấn, mà là một kết luận tổng hợp toàn bộ Ý kiến tư vấn của Tòa. Do Kết luận E2 nằm chung với E1 do đó cần phải giải thích tiếp nối với Kết luận E1. Sau khi cho rằng nhìn chung việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ vi phạm luật áp dụng trong xung đột vũ trang, Tòa có nhắc đến 03 yếu tố sau ở đoạn 96: (i) quyền được tồn tại và tự vệ, (ii) thực tiễn ủng hộ chính sách răn đe hạt nhân của một bộ phận đáng kể cộng đồng quốc tế và (iii) quan điểm của các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Cụ thể:

“96. Hơn nữa, Tòa không thể bỏ qua mà không tính đến một quyền cơ bản của mỗi quốc gia là quyền được tồn tại, và theo đó quyền của mỗi quốc gia được tự vệ, phù hợp với Điều 51 Hiến chương khi sự tồn vong của mình bị đe dọa.

Tòa cũng không thể phớt lờ thực tiễn về “chính sách răn đe hạt nhân” mà một bộ phận đáng kể của cộng đồng quốc tế dựa vào trong nhiều năm qua. Tòa cũng ghi nhận thực tế rằng nhiều bảo lưu mà một số quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đã đưa ra kèm theo các cam kết của các quốc gia này, đặc biệt là theo các Nghị định thư của Hiệp ước Tlatelolco và Rarotonga và cũng như các tuyên bố không sử dụng đến loại vũ khí này đưa ra khi mở rộng Hiện ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân.”

Dựa trên quan điểm của mình về Kết luận E1, các thẩm phán cũng khác biệt, và khác biệt rất lớn, trong Kết luận E2. Hai thẩm phán Weeranmantry và Koroma dựa trên quan điểm rất cứng rắn rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân chắc chắn và rõ ràng vi phạm luật pháp quốc tế áp dụng trong xung đột vũ trang, do đó trong mọi hoàn cảnh, kể cả hoàn cảnh tự vệ cực đoan khi sự tồn vong của một quốc gia bị đe dọa, cũng không được phép sử dụng vũ khí hạt nhân.[23] Bởi lẻ đặc thù của vũ khí hạt nhân chắc chắn gây thiệt hại khủng khiếp, trước mắt và lâu dài, cho con người, cho những quốc gia khác (kể cả quốc gia trung lập, không tham chiến) và đe dọa cả loài người và nền văn minh con người. Việc tự vệ bằng vũ khí hạt nhân gây thiệt hại khủng khiếp cho các nước khác và cả cộng đồng quốc tế là không thể được chấp nhận. Quan điểm của Thẩm phán Shahabuddeen không rõ ràng nhưng có vẻ ông cũng chia sẽ quan điểm của hai thẩm phán trên.[24]

Ở góc độ đối lập, một số thẩm phán cho rằng tự vệ bằng vũ khí hạt nhân vẫn hợp pháp trong những trường hợp tự vệ đặc biệt. Thẩm phán Schwebel lấy ví dụ về loại vũ khí hạt nhân chiến thuật, có tầm ảnh hưởng giới hạn, ví dụ như việc sử dụng vũ khí hạt nhân chống tàu ngầm mang đầu đạn hạt nhân, theo đó do sử dụng ở dưới biển sâu nên sẽ ít có tác động đến con người hơn, và đặc biệt nếu sử dụng để ngăn chặn việc phóng tên lửa hạt nhân lên đất liền thì sẽ giới hạn tốt việc gây ra thiệt hại nếu tên lửa đó bị phóng và phát nổ trên đất liền![25] Còn Thẩm phán Guillaume đưa nhận xét chung rằng câu thứ hai trong kết luận E đã sai khi không khẳng định quyền tự vệ của một quốc gia theo luật pháp quốc tế, khi việc sử dụng vũ khí hạt nhân là biện pháp cuối cùng khả dĩ để bảo vệ sự tồn vong của một quốc gia.[26] Thẩm phán Higgins[27] đưa ra một lập luận mang tính rất hiện thực. Bà cho rằng trong những vấn đề còn tranh cãi giữa các quy định đối lập nhau thì quan trọng nhất là phải dựa vào “các giá trị mà luật pháp quốc tế tìm cách thúc đẩy và bảo vệ… là sự sống còn của các dân tộc…”. Bà tiếp tục rằng thế giới hiện nay là thế giới phân cực, có nhiều quốc gia mong muốn hay đã sở hữu vũ khí hạt nhân mà vẫn không tham gia vào cơ chế cấm phổ biến (thậm chí, một vài nước trong số các thành viên của cơ chế này cũng có mong muốn này hay đang tiến hành nghiên cứu), do đó bà ám chỉ rằng trong bối cảnh đó sẽ chẳng có gì tốt đẹp cho nhân loại nếu cấm sử dụng vũ khí hạt nhân tuyệt đối. Lo-gic này cũng vừa được Đại sứ Mỹ Nikki R. Haley tại Liên hợp quốc đưa ra để từ chối tham gia Hội nghị LHQ về Vũ khí hạt nhân, viện dẫn trường hợp Iran và Bắc Triều Tiên. Bà Haley phát biểu rằng:

“Tôi không mong muốn gì hơn cho gia đình mình hơn là một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Nhưng chúng ta phải rất thực tế. Có bất kỳ ai nghĩa rằng Bắc Triều Tiên sẽ cấm vũ khí hạt nhân?”[28]

Một điểm thú vị là một thẩm phán ủng hộ Kết luận E2 cũng có quan điểm gần như với các thẩm phán bỏ phiếu chống Schwebel và Guillaume. Đây là do cách viết của kết luận E mở ra khả năng giải thích theo nhiều nghĩa khác nhau. Thẩm phán Fleischhauer bỏ phiếu ủng hộ câu thứ hai trong kết luận E nhưng giải thích rằng câu này hàm ý cho phép các quốc gia sử dụng vũ khí hạt nhân nhưng phải bảo đảm thỏa mãn điều kiện về tính cần thiết (necessity) và tương xứng (proportionality) của quyền tự về và chỉ giới hạn trong những trường hợp cực đoan.[29]

Một vài suy nghĩ riêng về Kết luận E2

Kết luận E2 thể hiện sự chia rẽ lớn giữa các thẩm phán. Nếu đọc các ý kiến của các thẩm phán mong muốn Tòa tuyên bố cấm sử dụng vũ khí hạt nhân có thể thấy các thẩm phán này có vẻ chịu ảnh hưởng mạnh của đòi hỏi phi hạt nhân hóa của dư luận quốc tế. Họ đã có vẻ phớt lờ đi khả năng về một loại vũ khí hạt nhân có tác động hạn chế. Trong khi đó các thẩm phán mong muốn Tòa trả lời khác hơn theo hướng bảo đảm quyền tự vệ bằng vũ khí hạt nhân thì triển khai lập luận một cách rất kỹ thuật và đặt biệt bám sát vào nguyên tắc Lotus[30] và tin tưởng vào khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân phù hợp với luật pháp quốc tế áp dụng trong xung đột vũ trang.

Trong sự chia rẽ này, có vẻ như kết luận E lại là kết luận mà đáng nhẽ ra sẽ trung hòa hai quan điểm trên, để tất cả các thẩm phán đều có thể chấp nhận. Tòa cho rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân nhìn chung là trái với luật pháp quốc tế áp dụng trong xung đột vũ trang, do đó trước mắt việc sử dụng vũ khí này là bất hợp pháp cho đến khi nào mà các quốc gia có thể phát triển một vũ khí hạt nhân có phạm vi tác động hạn chế và kiểm soát được để phù hợp với yêu cầu của luật pháp quốc tế. Kết luận này hoàn toàn phù hợp với kết luận đồng ý cao độ A, B, C và D: Luật quốc tế không cho phép cũng không cấm trực tiếp vũ khí hạt nhân và vũ khí hạt nhân có thể sử dụng nếu trong khuôn khổ Điều 2(4) và Điều 51 Hiến chương LHQ và luật quốc tế áp dụng trong xung đột vũ trang. Câu thứ hai trong kết luận E Tòa cho rằng Tòa không thể trả lời chắc chắn được; câu trả lời gần như không trả lời này cũng hoàn toàn hợp lý bởi lẻ việc lựa chọn giữa luật quốc tế áp dụng trong xung đột vũ trang và quyền tự vệ bằng vũ khí hạt nhân vô cùng khó khăn. Sẽ thật vô lý khi buộc các quốc gia có vũ khí hạt nhân phải không sử dụng vũ khí hạt nhân khi có thể đây là biện pháp, là vũ khí duy nhất còn lại của họ để bảo đảm sự tồn tại của dân tộc và quốc gia của họ. Nhưng cũng vô lý không kém nếu cho phép các quốc gia tự vệ bằng vũ khí hạt nhân và gây ảnh hưởng khủng khiếp đến những quốc gia khác và cả cộng đồng quốc tế, có thể dẫn đến sự tuyệt chủng của loài người và sự sống trên Trái đất. Có thể cho đến tận bây giờ – 21 năm sau Ý kiến tư vấn – sự lực chọn có vẻ vẫn khó khăn như cũ như đã thấy khi gần 40 quốc gia từ chối tham gia Hội nghị LHQ về vũ khí hạt nhân gần đây.

Trên đây là những lựa chọn mà các nhà chính trị và ngoại sẽ phải suy nghĩ. Còn về mặt pháp lý không nằm ở chỗ lựa chọn nào tốt hơn mà logic pháp lý nào nên được chấp nhận trong hiện trang hiện nay của luật pháp quốc tế. Đối mặt với sự lựa chọn này – giữa các nguyên tắc nhân đạo và quyền tự vệ, đều có giá trị pháp lý bằng nhau – Thẩm phán Fleischhauer cho rằng cách tiếp cận đúng đắn nhất là tìm ra mẫu số chung của các nguyên tắc và quy định xung đột;[31] nhưng mẫu số chung mà ông tìm ra cũng có vẻ không phải là câu trả lời thỏa đáng, mặc dù nhìn chung rất có cơ sở pháp lý. Hay Thẩm phán Higgins cho rằng Tòa nên lựa chọn một trong hai, và Tòa được phép làm như thế; và tiêu chí lựa chọn theo bà là dựa vào các giá trị mà luật pháp quốc tế thúc đẩy và bảo vệ, trong vụ này là sự tồn tại của loài người.[32] Tuy nhiên, sự lựa chọn của Thẩm phán Higgins ngầm ủng hộ giữa nguyên trạng và bảo vệ quyền tự vệ bằng vũ khí hạt nhân.[33] Có thể có người đề xuất rằng các quy định của luật nhân đạo quốc tế rồi cũng sẽ được xem là quy phạm jus cogens và do đó có ưu thế pháp lý hơn so với một quyền tự vệ thông thường.

Cá nhân tác giả cảm thấy Thẩm phán Fleischhauer rất có lý. Việc tuyên bố vũ khí hạt nhân là bất hợp pháp là không tưởng và bất khả thi, và không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy sự hình thành của một tập quán như thế khi những quốc gia chịu ảnh hưởng nhất là các nước sở hữu loại vũ khí này liên tục phản đối. Giải pháp vừa có cơ sở pháp lý vừa có thể chấp nhận được là đặt việc sử dụng vũ khí hạt nhân vào trong khuôn khổ các quy định của jus in bellum và jus in bello và các quy định khác. Với các giới hạn pháp lý nghiêm ngặt này các quốc gia có thể sẽ bảo đảm vũ khí hạt nhân mãi mãi chỉ mang tính “răn đe chiến lược” hoặc sẽ phải phát triển để vũ khí hạt nhân có thể được “thông thường hóa”. Logic ở đây tương tự như việc Nhà nước chỉ đặt ra tiêu chuẩn và quy chuẩn cho sản xuất một hàng hóa nào đó, còn việc doanh nghiệp tự quyết định sản xuất như thế nào, miễn sao đảm bảo các tiêu chuẩn và quy chuẩn do Nhà nước đặt ra.

Có vẻ, Thẩm phán Ranjeva đã nói đúng.[34] Nếu quy định của Tòa cho phép, ông đã bỏ phiếu trắng với câu thứ hai trong kết luận E. Ông hy vọng không có tòa án nào sẽ phải ra phán quyết dựa trên câu thứ hai của kết luận E này. Nhưng với chức năng tư pháp của mình, Tòa phải có ý kiến và Chánh án Bedjaoui đã có lý khi cho rằng:

“Câu hỏi rất quan trọng này về vũ khí hạt nhân chứng minh là một vấn đề mà Tòa phải thừa nhận rằng sẽ không có câu trả lời rõ ràng và ngay lập tức. Hi vọng rằng cộng đồng quốc tế sẽ đánh giá cao Tòa vì đã thực hiện nhiệm vụ của mình – thậm chí khi câu trả lời của Tòa có vẻ không làm thỏa mãn – và sẽ thúc đẩy nhanh chóng nhất việc khắc phục sự không hoàn hải của luật pháp quốc tế – một hệ thống pháp lý do chính các quốc gia tạo nên. Ít nhất Tòa đã chỉ ra được những chổ không hoàn hảo và đã kêu gọi công đồng quốc tế nỗ lực khác phục.

… Như trong Ý kiến tư vấn cho thấy, không khi nào mà Tòa quên sự thật rằng vũ khí hạt nhân là một phương tiên tiềm ẩn khả năng hủy diệt toàn nhân loại. Không có bất kỳ thời điểm nào mà Tòa không xem xét đến yếu tố có tầm quan trọng đặc biệt cho sự tồn vong của loài người. Tình thế lưỡng nan đạo đức đã đối đầu với lương tâm cá nhân có thể thấy phản ánh rất nhiều trong Ý kiến tư vấn này. Nhưng Tòa rõ ràng không đi vượt quá giới hạn mà luật pháp quy định. Tòa đã không tuyên bố cái mà luật pháp không quy định.”[35]

Trần H.D. Minh

Xem thêm post về:

  1. Nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực
  2. Quyền tự vệ chính đáng

————————————————————————————————

[1] Kambiz Foroohar, Trump’s UN envoy seeks to derail nuclear ban conference, The Bloomberg, 27/3/2017, xem tại https://www.bloomberg.com/politics/articles/2017-03-27/trump-s-un-envoy-haley-seeks-to-derail-nuclear-ban-conference

[2] Đại hội đồng Liên hợp quốc, Nghị quyết 71/258, ngày 23/12/2016, đoạn 8.

[3] United Nations Conference on Legally Binding Instrument leading towards total elimitation of nuclear weapons set for headquaters, 27 – 31 March, xem tại https://www.un.org/press/en/2017/dc3689.doc.htm

[4] Tòa ICJ, Ý kiến tư vấn về Tính hợp pháp của vũ khí hạt nhân, 1996, đoạn 105(2)(A) và (B).   [5] Như trên, đoạn 105(2)(C).   [6] Như trên, đoạn 105(2)(D).   [7] Như trên, đoạn 52.   [8] Như trên, đoạn 53 -73.

[9] Ý kiến phản đối của Thẩm phán Shahabuddeen, tr. 376; Ý kiến phản đối của Thẩm phán Weeramantry, tr. 435 ; Ý kiến phản đối của Thẩm phán Koroma, tr. 556.   [10] Như trên, đoạn 53 – 57.   [11] Như trên, đoạn 74 -87 về liệu luật nhân đạo quốc tế có áp dụng cho vũ khí hạt nhân hay không khi vũ khí này ra đời sau; đoạn 88 – 89 về nguyên tắc trung lập.   [12] Như trên, đoạn 94.   [13] Như trên, đoạn 95.

[14] Kể cả phản đối mạnh nhất là Thẩm phán Guillaume cũng chỉ đưa ra ý kiến riêng mà không phải ý kiến phản đối.

[15] Ý kiến phản đối của Thẩm phán Shahabuddeen, tr. 376; Ý kiến phản đối của Thẩm phán Weeramantry, tr. 435; Ý kiến phản đối của Thẩm phán Koroma, tr. 556.

[16] Như Thẩm phán Schwebel, xem Ý kiến phản đối của Thẩm phán Schwebel, tr. 321 – 322. Ông viết: “Kết luận đó, mặc dù thiếu độ chính xác, nhưng không phải phi lý. Việc sử dụng vũ khí hạt nhân… đặc biệt khó có thể hòa giải với các quy định của luật pháp quốc tế áp dụng trong xung đột vũ trang, cụ thể là các nguyên tắc và quy định của luật nhân đạo quốc tế… như kết luận cuối cùng đã thừa nhận, trong khi chúng “nhìn chung” xung đột nhưng có thể trong các trường hợp cụ thể chúng không xung đột.”

[17] Ý kiến riêng của Thẩm phán Guillaume, đoạn 5 – 6.

[18] Ý kiến phản đối của Thẩm phán Higgins, đoạn 7.   [19] Như trên, đoạn 13 – 24, đặc biệt đoạn 15 và 20.   [20] Như trên, đoạn 26.   [21] Xem chú thích 6.

[22] Ý kiến phản đối của Thẩm phán Schwebel, tr. 320 – 321. Ông viết: “At the other extreme is the use of tactical nuclear weapons against discrete military or naval targets so situated that substantial civilian casualties would not ensue. For example, the use of a nuclear depth-charge to destroy a nuclear submarine that is about to fire nuclear missiles, or has fired one or more of a number of its nuclear missiles, might well be lawful. By the circumstance of its use, the nuclear depth-charge would not give rise to immediate civilian casualties. It would easily meet the test of proportionality; the damage that the submarine’s missiles could inflict on the population and territory of the target State would infinitely outweigh that entailed in the destruction of the submarine and its crew. The submarine’s destruction by a nuclear weapon would produce radiation in the sea, but far less than the radiation that firing of its missiles would pro duce on and over land. Nor is it as certain that the use of a conventional depth-charge would discharge the mission successfully; the far greater force of a nuclear weapon could ensure destruction of the submarine whereas a conventional depth-charge might not. An intermediate case would be the use of nuclear weapons to destroy an enemy army situated in a desert. In certain circumstances, such a use of nuclear weapons might meet the tests of discrimination and proportionality; in others not.”

[23] Ý kiến phản đối của Thẩm phán Weeramantry, tr. 436: “It seems self-evident to me that once nuclear weapons are resorted to, the laws of war (the jus in bello) take over, and that there are many principles of the laws of war, as recounted in this opinion, which totally forbid the use of such a weapon.”; Ý kiến phản đối của Thẩm phán Koroma, tr. 570: “the Court should have led it inexorably to conclude that any use of nuclear weapons is unlawful under international law, in particular the law applicable in armed conflict including humanitarian law.” .

[24] Ý kiến phản đối của Thẩm phán Shahabuddeen, tr. 402 “vũ khí hạt nhân không được chấp nhận là phương tiện chiến tranh”, tr. 404-405 “vũ khí hạt nhân gây ra đau đớn không cần thiết”, tr. 411 “vũ khí hạt nhân bị cấm theo Điều khoản Martens”.

[25] Ý kiến phản đối của Thẩm phán Schwebel, xem chú thích 15.

[26] Ý kiến riêng của Thẩm phán Guillaume, đoạn 8: “international law cannot deprive a State of the right to resort to nuclear weapons if such action constitutes the ultimate means by which it can guarantee its survival. In such a case the State enjoys a kind of “absolute defence” (“excuse absolutoire”) similar to the one which exists in al1 systems of criminal law.”

[27] Ý kiến phản đối của Thẩm phán Higgins, đoạn 41: “The judicial lodestar, whether in difficult questions of interpretation of humanitarian law, or in resolving claimed tensions between competing norms, must be those values that international law seeks to promote and protect. In the present case, it is the physical survival of peoples that we must constantly have in view. We live in a decentralized world order, in which some States are known to possess nuclear weapons but choose to remain outside of the non-proliferation treaty system; while other such non-parties have declared their intention to obtain nuclear weapons; and yet other States are believed clandestinely to possess, or to be working shortly to possess nuclear weapons (some of whom indeed may be party to the NPT). It is not clear to me that either a pronouncement of illegality in all circumstances of the use of nuclear weapons or the answers formulated by the Court in paragraph 2E best serve to protect mankind against that unimaginable suffering that we all fear.”

[28] Sengupta & Gladstone, United States and Allies protest U.N. talks to ban nuclear weapons, The New York Times, ngày 27/3/2017, xem tại https://www.nytimes.com/2017/03/27/world/americas/un-nuclear-weapons-talks.html

[29] Ý kiến riêng của Thẩm phán Fleischhauer, tr. 308: “although recourse to nuclear weapons is scarcely reconcilable with humanitarian law applicable in armed conflict as well as the principle of neutrality, recourse to such weapons could remain a justified legal option in an extreme situation of individual or collective self-defence in which the threat or use of nuclear weapons is the last resort against an attack with nuclear, chemical or bacteriological weapons or otherwise threatening the very existence of the victimized State.”

[30] Đây là nguyên tắc mà Tòa án Công lý Thường trực Quốc tế đưa ra trong phán quyết vụ Lotus (1927): Các quốc gia được làm những gì mà luật pháp quốc tế không cấm (tr. 8, 21, 31).   [31] Như trên.

[32] Ý kiến phản đối của Thẩm phán Higgins, xem chú thích 18.   [33] Như trên.

[34] Ý kiến riêng của Thẩm phán Ranjeva, tr. 304.

[35] Tuyên bố của Chánh án Bedjauoi, đoạn 8 – 9.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: