[14] Quan điểm pháp lý chính thức của Việt Nam trước Tòa ICJ về Tuyên bố độc lập đơn phương của Kosovo năm 2008

Đây là lần đầu tiên Việt Nam xuất hiện và trình bày trước Tòa án Công lý Quốc tế, trễ hơn nhiều so với một số nước trong khu vực như Thái Lan và Campuchia (năm 1959-1962, vụ Đền Preah Vihear), Singapore và Malaysia (năm 2003-2008, vụ Tranh chấp chủ quyền đối với các đảo Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks và South Ledge) và Indonesia (năm 1998-2002, trong vụ Tranh chấp chủ quyền đối với các đảo Pulau Ligitan và Pulau Sipadan với Malaysia). Đây có thể là lần đầu tiên Việt Nam đưa ra một tuyên bố pháp lý với đầy đủ lập luận; gần đây nhất là các phát ngôn liên quan đến sự kiện hạ đặt giàn khoan Hải dương 981 của Trung Quốc năm 2014.

Lý do của việc trình bày quan điểm trước Tòa ICJ trong vụ việc này có thể nằm ở việc tại thời điểm đó Việt Nam là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ do đó đòi hỏi phải có quan điểm rõ ràng về các vấn đề quốc tế, đặc biệt là trường hợp Kosovo đang nằm trong chương trình nghị sự của cơ quan này, cũng có thể do vụ việc liên quan đến nội dung nhạy cảm mà Việt Nam quan tâm (ly khai đơn phương) hay do quan hệ truyền thống với bạn bẻ XHCN cũ. Có vẻ như sau sư kiện này Việt Nam đã bắt đầu nhom nhem ý tưởng đưa người vào các tổ chức tài phán quốc tế.

Ba điểm lập luận của Việt Nam

Về cơ bản Việt Nam đưa ra ba điểm lập luận, đơn giản nhưng khá thuyết phục, với đầy đủ trích dẫn có giá trị. Theo đó, Việt Nam cho rằng một trong những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế là nguyên tắc bình đẳng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và đây cũng là một quy phạm jus cogens – quy phạm có giá trị pháp lý cao nhất trong toàn bộ hệ thống luật pháp quốc tế, mà không một quy định điều ước hay tập quán có thể trái lại. Nguyên tắc này bảo đảm chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, và với giá trị pháp lý đó, thì việc thực hiện quyền dân tộc tự quyết không thể xâm phạm hay trái với nguyên tắc trên.

Việt Nam công nhận quyền dân tộc tự quyết là một nguyên tắc quan trọng (không phải cơ bản) của luật pháp quốc tế. Nhưng Việt Nam không cho rằng quyền này có thể vượt qua nguyên tắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, hay quyền này có thể dẫn đến một quyền ly khai đơn phương. Nói cách khác, quyền dân tộc tự quyết phải được thực hiện trong khuôn khổ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Và lập luận cuối cùng của Việt Nam liên quan đến Nghị quyết 1244 của Hội đồng Bảo an. Nghị quyết này được thông qua theo Chương VII Hiến chương Liên hợp quốc do đó có tính ràng buộc pháp lý. Nghị quyết rõ ràng quy định tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Nam Tư và không có bất kỳ câu chữ nào gợi ý việc Kosovo độc lập hay cho phép bất kỳ bên nào, Nam Tư và chính quyền lâm thời Kosovo, được đơn phương áp đặt một giải pháp. Giải pháp cho vấn đề Kosovo phải được đưa ra qua một tiến trình chính trị có sự tham gia của tất cả các bên liên quan.

Một số điểm chú ý khác

  • Ngoài danh sách gợi ý của quy phạm jus cogens trong Bình luận của ILC về Dự thảo điều khoảng về Luật điều ước quốc tế năm 1966 (bao gồm cấm sử dụng vũ lực, cướp biển, nô lệ, hay diệt chủng,…), Việt Nam cho rằng nguyên tắc bình đẳng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng là quy phạm có tính chất jus cogens.
  • Quyền dân tộc tự quyết là một nguyên tắc quan trọng (essential principle) không phải là một nguyên tắc cơ bản (fundamental principle) của luật pháp quốc tế.

————————————————-

Văn bản gốc

Đại diện của Việt Nam gồm Đại sứ Hà Huy Thông (Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan), TS. Nguyễn Thị Hoàng Anh (Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao, hiện là Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao), ThS. (Havard) Nguyễn Thị Thanh Hà (Minister counselor, Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc), và TS. Phan Duy Hảo (chuyên gia pháp lý, Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao, hiện là nghiên cứu viên cao cấp, Trung tâm Luật pháp Quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore).

Bản gốc xin đọc: Public sitting held on Friday 11 December 2009, at 10 a.m., at the Peace Palace, President Owada, presiding, on Accordance with International Law of the Unilateral Declaration of Independence by the Provisional Institutions of Self-Government of Kosovo (Request for advisory opinion submitted by the General Assembly of the United Nations), CR 2009/33, tr. 16 – 23.

*   *   *

“…

Bà NGUYỄN ANH:

1. Thưa Chủ tọa và các thành viên của Tòa, đây là vinh dự cho tôi khi đại diện cho Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện trước Tòa án Công lý Quốc tế trong thủ tục xin ý kiến tư vấn liên quan đến tính phù hợp với luật pháp quốc tế của Tuyên bố Độc lập Đơn phương của các thiết chế lâm thời chính phủ tự quản Kosovo. Tôi xin bắt đầu bằng việc khẳng định rằng Việt Nam ủng hộ các công việc của Tòa và công nhận nhu cầu hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực Balkan.

2. Theo Nghị quyết 63/3 ngày 8 tháng 10 năm 2008, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định áp dụng Điều 96, khoản 1 của Hiến chương Liên hợp quốc để xin ý kiến tư vấn của Tòa về câu hỏi sau: “Liệu tuyên bố độc lập đơn phương của các thiết chế lâm thời chính phủ tự quản Kosovo có phù hợp với luật pháp quốc tế hay không?”

3. Với tư cách là Quốc gia thành viên của Liên hợp quốc và là một thành viên của Quy chế Tòa án Công lý Quốc tế theo Điều 92 của Hiến chương Liên hợp quốc, và phù hợp với quan điểm của Việt Nam rằng Đại hội đồng có thẩm quyền hợp pháp để xin ý kiến tư vấn này và cam kết của Việt Nam với nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế, Việt Nam đã bỏ phiếu thuận cho Nghị quyết 63/3. Việt Nam tin rằng không có bất kỳ “lý do xác đáng” nào để Tòa từ chối trả lời yêu cầu này. Việt Nam tư tin rằng một ý kiến tư vấn của Tòa sẽ giúp làm sáng tỏ các quan điểm pháp lý khác nhau trong vấn đề này, bao gồm một số vấn đề quan trọng của luật pháp quốc tế, đóng góp vào sự phát triển của luật pháp quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp và duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực Balkan cũng như tang cường vai trò của luật pháp quốc tế trong quan hệ quốc tế.

4. Trong tuyên bố này, phái đoàn Việt Nam xin tập trung vào ba điểm chính sau: thứ nhất là nguyên tắc bình đẳng chủ quyền và toàn vẹ lãnh thổ; thứ hai là về vấn đề dân tộc tự quyết và nguyên tắc bình đẳng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; và cuối cùng là Nghị quyết 1244 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và tình hình tại Kosovo.

I. NGUYÊN TẮC BÌNH ĐẲNG CHỦ QUYỀN VÀ TOÀN VẸN LÃNH THỔ

5. Thưa Chủ tọa và các thành viên của Tòa, theo luật pháp quốc tế, nguyên tắc bình đẳng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là một nguyên tắc cơ bản có tính chất của một quy phạm jus cogens, ràng buộc tất cả các quốc gia thành viên và các thành viên của cộng đồng quốc tế. Bất kỳ nổ lực nào nhằm làm tổn hại, hoàn toàn hay một phần, biên giới của các quốc gia độc lập, có chủ quyền mà không có sự đồng ý đều không phù hợp với luật pháp quốc tế, cả điều ước và tập quán.

6. Trong số bảy nguyên tắc định hướng ở Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc, nguyên tắc đầu tiên là nguyên tắc bình đẳng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các Quốc gia thành viên. Khoản 4 Điều 2 Hiến chương quy định rằng

“Tất cả các Quốc gia thành viên sẽ hạn chế trong quan hệ quốc tế việc đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hay độc lập chính trị của một Quốc gia bất kỳ, hoặc theo cách thức khác không phù hợp với Mục đích của Liên hợp quốc.”[1]

7. Tuyên bố về các Nguyên tắc của luật pháp quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc xác nhận rằng nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị là bất khả xâm phạm.[2] Việc tái khẳng định nguyên tắc quan trọng này cũng có thể được tìm thấy trong Tuyên bố về Trao trả độc lập lại cho các quốc gia và dân tộc thuộc địa,[3] Tuyên bố Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc,[4] Văn kiện kết quả của Thượng đỉnh thế giới năm 2005[5] và nhiều văn kiện khác của Liên hợp quốc.

8. Tất cả các tổ chức khu vực chính đều đã trịnh trọng công nhận nguyên tắc này, như trong Văn kiện cuối cùng Helsinki[6], Hiến chương các Quốc gia khối thịnh vượng chung,[7] Hiến chương Tổ chức Hợp tác Hồi giáo,[8] Hiến chương ASEAN,[9] Văn bản thành lập Liên minh Châu Phi,[10] và Hiến chương Tổ chức các quốc gia châu Mỹ.[11]

9. Trong vụ Kênh đào Corfu Tòa thể hiện quan điểm rằng “việc tôn trọng chủ quyền lãnh thổ là nền tảng thiết yếu của quan hệ quốc tế” (Vụ Kênh đào Corfu (Anh v. Albania), Phán quyết thực chất, Báo cáo của Tòa I.C.J. năm 1949, tr. 35). Trong phán quyết vụ Các hoạt động quân sự và bán quân sự ở và chống lại Nicaragua, Tòa cho rằng “nghĩa vụ của mỗi quốc gia là phải tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của quốc gia khác” (Vụ Các hoạt động quân sự và bán quân sự ở trong và chống lại Nicaragua (Nicaragua vs Mỹ), Phán quyết thực chất, Báo cáo của Tòa I.C.J. năm 1986, tr. 111, đoạn 213). Trong vụ Tranh chấp lãnh thổ, Tòa cũng ghi nhận rằng “một khi đã được đồng ý, đường biên giới sẽ được giữ vững, bởi vì bất kỳ cách tiếp cần nào khác sẽ làm tổn hại đến nguyên tắc cơ bản về bảo đảm sự ổn định của biên giới quốc gia, mà tầm quan trọng của nguyên tắc này đã được Tòa nhấn mạnh nhiều lần” (Vụ Tranh chấp lãnh thổ (Libya/Chad), Phán quyết, Báo cáo của Tòa I.C.J. năm 1994, tr. 23) và trong vụ Chủ quyền đối với các đảo Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks và South Ledge, “điều quan trọng trong việc Tòa đánh giá hành vi của các bên nằm ở tầm quan trọng trung tâm trong luật pháp quốc tế và quan hệ giữa các quốc gia của chủ quyền đối với lãnh thổ và sự ổn định cũng như chắc chắn của chủ quyền đó” (Vụ Chủ quyền đối với các đảo Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks và South Ledge (Malaysia/Singapore), Phán quyết ngày 23 tháng 5 năm 2008, đoạn 122).

10. Nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ đã được quy định nhiều lần trong nhiều điều ước khu vực và quốc tế cũng như trong luật pháp quốc gia, được khẳng định một cách mạnh mẽ bởi các cơ quan tài phán chính, và được áp dụng thống nhất trong rất nhiều trường hợp bởi các quốc gia và tổ chức quốc tế, bao gồm cả Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an. Tôn trọng nguyên tắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là cơ sở cho hòa bình và an ninh quốc tế và cũng như hòa bình và an ninh ở khu vực Balkans. Do đó, điều quan trọng là phải có một giải pháp cho tình hình ở Kosovo phù hợp với nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ. Để xác định tính hợp pháp của Tuyên bố độc lập đơn phương, cần phải xem xét đến các nguyên tắc cơ bản và các quy định khác của luật pháp quốc tế chung.

II. VẤN ĐỀ TỰ QUYẾT DÂN TỘC VÀ NGUYÊN TẮC BÌNH ĐẲNG CHỦ QUYỀN VÀ TOÀN VẸN LÃNH THỔ

11. Thưa Chủ tọa và các thành viên của Tòa, như đã được ghi nhận trong Nghị quyết 2625 của Đại hội đồng Liên hợp quốc và Tòa cũng đã khẳng định trong vụ Đông Timor, quyền tự quyết dân tộc cũng là một nguyên tắc quan trọng của luật pháp quốc tế. Quyền này đã được quy định trong nhiều văn kiện pháp lý quốc tế, bao gồm và trước hế là Điều 1(2) và Điều 55 của Hiến chương Liên hợp quốc, theo đó một trong những mục đích của Liên hợp quốc là pháp triển quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc về quyền bình đẳng và tự quyết. Quyền tự quyết dân tộc cũng được ghi nhận tại Điều 1 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Điều 1 của Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, và các văn kiện khác được các quốc gia và các tổ chức quốc tế và khu vực thông qua.

12. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng việc thực hiện quyền dân tộc tự quyết không vượt quá các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bao gồm nguyên tắc tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia độc lập, có chủ quyền.

13. Quyền dân tộc tự quyến không nên được giải thích là quyền ly khai đơn phương. Trên thực tế, ly khai đơn phương không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào trong luật pháp quốc tế. Như Ủy ban Loại trừ phân biệt chủng tộc đã nhấn mạnh: “luật pháp quốc tế không công nhận một quyền chung dành cho các dân tộc để đơn phương tuyên bố ly khái khỏi một quốc gia” và rằng “việc tan rã của một quốc gia có thể gây hại cho việc bảo vệ quyền con người cũng như duy trì an ninh và hòa bình.”[12]

14. Quyền dân tộc tự quyết, được hình thành nguyên gốc trong bối cảnh phi thực dân hóa, cũng nên được phân biệt với các quyền của các dân tộc thiểu số. Như Ủy ban Nhân quyền đã có ý kiến đúng đắn rằng, trong khi quyền dân tộc tự quyết chỉ đến các quyền thuộc về các dân tộc, thì quyền của các dân tộc thiểu số liên quan đến các quyền được trao cho các cá nhân thuộc về một nhóm sắc tộc thiểu số.[13]

15. Tuyên bố về các nguyên tắc của luật pháp quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc khẳng định quyền dân tộc tự quyết được quy định trong Tuyên bố này sẽ không được giải thích là cho phép hay khuyến khích bất kỳ hành động nào nhằm làm tan rã hay tổn hại đến sự toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất chính trị của các quốc gia độc lập, có chủ quyền.[14] Tuyên bố của Liên hợp quốc về Quyền của người bản địa và Tuyên bố và Chương trình hành động Viên năm 1993, được 171 quốc gia thông qua bằng đồng thuận ngày 25 tháng 6 năm 1993, khẳng định nhận định trên tại Điều 46 và Mục I.2.

16. Trong Ý kiến thứ 2 của Ủy ban Trọng tài của Hội nghị về Nam Tư (Ủy ban Badinter), “chắc chằn rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, quyền dân tộc tự quyết phải không liên quan đến sự thay đổi đường biên giới đang hiện hữu ngay tại thời điểm độc lập (uti possidetis juris) trừ khi các quốc gia liên quan đồng ý .”[15]

III. NGHỊ QUYẾT 1244 (1999) CỦA HỘI ĐỒNG BẢO AN LIÊN HỢP QUỐC VÀ TÌNH HÌNH TẠI KOSOVO

17. Thưa Chủ tọa và các thành viên của Tòa, liên quan đến tình hình tại Kosovo, Việt Nam có quan điểm rằng Nghi quyết 1244 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thông qua ngày 10 tháng 6 năm 1999, xác lập và vẫn là cơ sở cho việc giải quyết vấn đề này. Do Nghị quyết được thông qua theo Chương VII Hiến chương Liên hợp quốc, nghị quyết này có hiệu lực ràng buộc tất cả các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc theo Điều 25 và 49 của Hiến chương.

18. Nghị quyết 1244 nhiều lần nhắc lại chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Cộng hòa Liên bang Nam Tư. Lời nói đầu của Nghị quyết đã nhắc lại các nghị quyết 1160 (1998), 1199 (1998), 1203 (1998) và 1239 (1999) của Hội đồng Bảo an, tất cả nghị quyết trên đều khẳng định chủ quyền của Cộng hòa Liên bang Nam Tư.[16] Lời nói đầu còn nhấn mạnh xa hơn rằng tất cả các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc cam kết tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Cộng hòa Liên bang Nam Tư và các quốc gia khác trong khu vực, như đã được quy định trong Văn kiện cuối cùng Helsinki.[17]

19. Thực hiện đoạn thực chất số 10 của Nghị quyết, Phái bộ hành chính lâm thời Liên hợp quốc (UNMIK) đã được thành lập để quản lý tạm thời nhằm bảo đảm người dân ở Kosovo có thể hưởng “sự tự trị thực chất bên trong Cộng hòa Liên bang Nam Tư.” Theo đoạn thực chất số 11 của Nghị quyết, trách nhiệm chính của việc triển khai lực lượng dân sự quốc tế bao gồm “thúc đẩy việc xây dựng một nền tự trị, trong khi chờ giải pháp cuối cùng”, điều này cũng được ghi nhận trong lời nói đầu và Phụ lục 2 của Nghị quyết.[18] Từ những quy định trên, Nghị quyết xem Kosovo là một phần của Cộng hòa Liên bang Nam Tư và được hưởng “sự tự trị thực chất” chứ không phải các quyền độc lập và chủ quyền.

20. Trong khi xác lập quy chế quốc tế cho Kosovo, Nghị quyết 1244 cũng dự phóng một tiến trình chính trị nhằm tìm ra giải pháp giải quyết tranh chấp. Nghị quyết yêu cầu giải pháp chính trị phải dựa trên các nguyên tắc chung nêu tại Phụ lục 1 và Phụ lục 2.[19] Một lần nữa, toàn vẹn lãnh thổ của Cộng hòa Liên bang Nam Tư được tái khẳng định trong Nghị quyết khi đoạn 6 Phụ lục 1 và đoạn 8 Phụ lục 2 đều khẳng định tiến trình chính trị nhằm tìm giải pháp cho vấn đề quy chế của Kosovo phải xem xét đầy đủ đến các nguyên tắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Cộng hòa Liên bang Nam Tư.

21. Không có bất kỳ điều gì trong Nghị quyết đề cập đến khả năng độc lập hay xem việc Kosovo độc lập là một giải pháp cuối cùng cho vấn đề quy chế của Kosovo. Không có gì trong Nghị quyết cho phép Cộng hòa Liên bang Nam Tư hay các thiết chế lâm thời chính phủ tự quản Kosovo được đơn phương chấm dứt tiến trình và đơn phương đưa ra quyết định cuối cùng cho vấn đề quy chế của Kosovo. Đoàn 21 của Nghị quyết chỉ ra rằng Hội đồng Bảo an tiếp tục xem xét vấn đề này. Hội đồng Bảo an sẽ quyết định, bằng việc thông qua một nghị quyết khác, khi tiến trình kết thúc và sau đó ủng hộ bất kỳ giải pháp nào mà tiến trình này đạt được. Bằng cách sử dụng nhắc lại thuật ngữ “giải quyết” trong các đoạn khác nhau và Phụ lục 2,[20] Nghị quyết 1244 yêu cầu vấn đề này cần phải được đàm phán và đồng ý giữa các bên liên quan, phù hợp với Điều 33 của Hiến chương Liên hợp quốc và nguyên tắc hòa bình giải quyết các tranh chấp.

22. Thưa Chủ tọa và các thành viên của Tòa, giải pháp cho vấn đề quy chế của Kosovo đòi hỏi phải xem xét đầy đủ bối cảnh khu vực Balkans và phải được sự đồng ý của tất cả các bên liên quan và phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có nguyên tắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và hòa bình giải quyết tranh chấp. Vì một khu vực Balkans hòa bình và ổn định, Việt Nam ủng hộ vai trò quan trọng của Liên hợp quốc và phái bộ UNMIK trong vấn đề này và kêu gọi tất cả các bên liên quan tái củng cố quan hệ có tính xây dựng với Liên hợp quốc và phái bộ UNMIK trong khuôn khổ Nghị quyết 1244 của Hội đồng Bảo an và sẽ làm việc hướng đến một giải pháp lâu dài bằng các biện pháp hòa bình và phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, và Nghị quyết 1244 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các quy định khác của luật pháp quốc tế chung.

23. Thưa Chủ tọa và các thành viên của Tòa, tôi xin kết thúc tuyên bố của Việt Nam. Tôi xin chân thành cảm ơn Tòa đã lắng nghe. Xin cảm ơn.”

(Trần H.D. Minh dịch và tóm tắt)

———————————————————————

[1] Hiến chương Liên hợp quốc, Điều. 2 (4).

[2] Nghị quyết Đại hội đồng LHQ 2625 (XXV) về Tuyên bố về các Nguyên tắc của luật pháp quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc (ngày 24 tháng 10 năm 1970).

[3] Nghị quyết Đại hội đồng LHQ 1514 (XV) về Tuyên bố về Trao trả lại độc lập cho các quốc gia và dân tộc thuộc địa (ngày 12 tháng 12 năm 1960), điểm 6.

[4] Nghị quyết Đại hội đồng LHQ 55/2, Tuyên bố Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (ngày 18 tháng 9 năm 2000), đoạn 4.

[5] Nghị quyết Đại hội đồng LHQ 60/1 về Văn bản kết quả của Thượng đỉnh thế giới năm 2005, đoạn 5.

[6] Văn kiện cuối cùng của Hội nghị An ninh và Hợp tác châu Âu thông qua tại Helsinki, Nguyên tắc số IV.

[7] Hiến chương các Quốc gia độc lập thuộc khối thịnh vượng chung, Điều 3.

[8] Hiến chương Tổ chức hội nghị Hồi giáo, Điều II.

[9] Hiến chương ASEAN, lời nói đầu, Điều 2.2 (a), Điều 2.2 (k).

[10] Văn kiện thành lập Liên minh Châu Phi, Điều 3 (b).

[11] Hiến chương Tổ chức các quốc gia Châu Mỹ, Điều 1, Điều 3 (b).

[12] Ủy ban Loại trừ phân biệt chủng tộc, Khuyến nghị chung số 21, đoạn 6.

[13] Ủy ban Nhân quyền, Nhận định chung số 23, đoạn 3.

[14] Nghị quyết Đại hội đồng LHQ 2625 (XXV) về Tuyên bố về các Nguyên tắc của luật pháp quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc (ngày 24 tháng 10 năm 1970).

[15] Ý kiến thứ 2 của Ủy ban trọng tài của Hội nghị về Nam Tư (ngày 11 tháng 1 năm 1992), được tái xuất bản trong tài liệu ILM, Vol. 31, 1992, tr. 1497.

[16] Nghị quyết Hội đồng Bảo an LHQ 1244 (1999), đoạn mở đầu 2.   [17] Ibid., đoạn mở đầu 10.   [18] Ibid., đoạn mở đầu 11, Phụ lục 2 đoạn 6.   [19] Ibid., đoạn thực chất 1.   [20] Ibid., các đoạn 11.a.,11.c, 11.f., Phụ lục 2, đoạn 8.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: