[207] Nghĩa vụ không để lãnh thổ của mình được sử dụng để vi phạm quyền của quốc gia khác

Vụ Kênh Corfu (Anh v. Albania) – Vụ Nhà máy Trail Smelter (Mỹ/Canada) – Vụ tính hợp pháp của việc đe doạ sử dụng hay sử dụng vũ khí hạt nhân – Vụ Nhà máy bột giấy (Argentina v. Uruguay)

Mọi quốc gia đều có chủ quyền, và với chủ quyền đó, một quốc gia có quyền tối cao trong đối nội và đối ngoại (xem thêm post này). Tuy nhiên, chủ quyền cần được thực thi trong những giới hạn của luật pháp quốc tế. Bài viết xin giới thiệu một trong những giới hạn đó: Nghĩa vụ không được để lãnh thổ của mình được sử dụng để vi phạm quyền của quốc gia khác.

Nghĩa vụ này được Toà án Công lý Quốc tế (ICJ) tuyên bố trong Vụ kênh Corfu giữa Anh và Albania vào năm 1949. Riêng trong lĩnh vực luật môi trường quốc tế, nghĩa vụ này được nhắc đến trong phán quyết trọng tài năm 1941 trong Vụ Trail Smelter giữa Mỹ và Canada, trong ý kiến tư vấn của Toà ICJ năm 1996 trong Vụ tính hợp pháp của việc sử dụng hay đe doạ sử dụng vũ khí hạt nhân, và trong phán quyết năm 2010 trong Vụ Nhà máy bột giấy giữa Argentina và Uruguay. Bài viết tóm lược vụ việc và trích các đoạn quan trọng liên quan đến nghĩa vụ này trong các phán quyết nêu trên.

Vụ Kênh Corfu (Anh v. Albania)

Vụ việc này phát sinh khi hai tàu chiến của Anh bị nổ do va chạm với thuỷ lôi trong lãnh hải của Albania tại Kênh Corfu vào ngày 22.10.1946. Anh cáo buộc Albania vi phạm luật pháp quốc tế và có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do vụ nổ gây ra cho Anh. Toà ICJ chấp nhận đệ trình của Anh.

Trong Phán quyết về nội dung năm 1949, Toà cho rằng không có bằng chứng trực tiếp cho thấy thuỷ lôi gây ra vụ va chạm do Albania hạ đặt. Tuy nhiên, các bằng chứng gián tiếp cho thấy rằng các thuỷ lôi này không thể hạ đặt trong lãnh hải của Albania tại Kênh Corfu nếu không có sự cho phép của Albania hoặc ít nhất Albania đã phải biết về việc hạ đặt này. Từ đó, Toà kết luận rằng “việc hạ đặt bãi thuỷ lôi gây ra vụ va chạm ngày 22.10.1946 không thể thực hiện xong nếu Chính phủ Albania không biết”.[1]

Với việc biết việc hạ đặt thuỷ lôi như thế, chính phủ Albania có các nghĩa vụ theo luật quốc tế. Toà cho rằng:

“Các nghĩa vụ phát sinh cho chính quyền Albania bao gồm việc phải thông báo, thuần tuý vì lợi ích hàng hải nói chung, về các bãi thuỷ lôi trong lãnh hải của Albania và cảnh báo các tàu chiến Anh đang tiến vào về các nguy hiểm nhãn tiền mà bãi thuỷ lôi có thể gây ra. Các nghĩa vụ như thế  trên […] các nguyên tắc chung được xác lập vững chắc, cụ thể là: các yếu tố cơ bản về nhân văn, có vai trò trong thời bình hơn là thời chiến; nguyên tắc về tự do thông tin hàng hải; và nghĩa vụ của mỗi Quốc gia không cố ý cho phép lãnh thổ của mình được sử dụng để thực hiện các hành vi trái với quyền của các Quốc gia khác.”[2]

Việc Albania có vi phạm các nghĩa vụ nêu trên không phục thuộc vào (1) liệu Albania có biết trước về các bãi thuỷ lôi và có đủ thời gian để thông báo trước ngày 22.10.1946, và (2) liệu các cơ quan chức năng của Albania có đủ thời gian để cảnh báo tàu chiến của Anh hay không.[3] Toà cho rằng Albania có đủ thời gian để cảnh báo tàu chiến của Anh, kể cả khi bãi thuỷ lôi được đặt vào đêm trước khi vụ va chạm xảy ra.[4] Theo các bằng chứng mà Toà có được, cơ quan chức năng của Albania phát hiện tàu chiến của Anh vào 13:00 ngày 22.10, trong khi vụ va chạm xảy ra vào 14:53 hoặc 14:55 sau đó. Thời gian này đủ để Albania cảnh báo các tàu chiến của Anh. Do đó, việc không cảnh báo đã dẫn đến thiệt hại về tài sản và nhân mạng cho Anh. Albania vi phạm các nghĩa vụ của luật quốc tế và phải chịu trách nhiệm cho các thiệt hại phát sinh, bao gồm nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.[5]

Vụ Nhà máy Trail Smelter (Mỹ/Canada)

Trail Smelter là một nhà máy luyện kim tại Bang British Columbia, Canada. Hoạt động của nhà máy này thải ra khí thải độc lại, bay sang và gây thiệt hại cho lãnh thổ Bang Washington của Mỹ. Năm 1935, hai nước ký thoả thuận thành lập một toà trọng tài để giải quyết tranh chấp liên quan đến nhà máy này giữa hai nước.

Phán quyết của Toà trọng tài vào năm 1941 khẳng định Canada phải bồi thường thiệt hại cho Mỹ. Toà cho rằng:

“theo các nguyên tắc của luật quốc tế […] không một Quốc gia nào có quyền sử dụng hoặc cho phép sử dụng lãnh thổ của mình theo cách thức gây thiệt hại thông qua việc thải khí thải trong hay cho lãnh thổ của một quốc gia khác hoặc cho tài sản hay con người trên đó.”[6]

Screen Shot 2020-11-07 at 22.06.00

Vụ tính hợp pháp của việc sử dụng hay đe doạ sử dụng vũ khí hạt nhân

Năm 1994, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 49/75 K đề nghị Toà ICJ cho ý kiến tư vấn cho câu hỏi: “Liệu việc đe doạ sử dụng hay sử dụng vũ khí hạt nhân có được luật quốc tế cho phép trong bất kỳ hoàn cảnh nào?”

Ý kiến tư vấn của Toà được đưa ra vào năm 1996, có đoạn xem xét đến liệu việc sử dụng vũ khí hạt nhân có mặc nhiên vi phạm nghĩa vụ bảo vệ môi trường trong luật quốc tế hay không. Trước hết, Toà xác nhận rằng:

“Có tồn tại trong luật quốc tế về môi trường một nghĩa vụ chung của các Quốc gia bảo đảm rằng các hoạt động trong phạm vi thẩm quyền và kiểm soát của mình phải tôn trọng môi trường của các Quốc gia khác hoặc của các khu vực nằm ngoài quyền tài phán quốc gia.”[7]

Từ đó, Toà kết luận rằng:

“trong khi luật quốc tế hiện hành về bảo vệ môi trường không nghiêm cấm cụ thể việc sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng luật quốc tế chỉ ra rằng yếu tố môi trường quan trọng cần được xem xét thích đáng trong khi thực thi các nguyên tắc và quy định của luật áp dụng trong xung đột vũ trang”.[8]

Xem thêm các điểm chính của Ý kiến tư vấn này tại post này.

Vụ Nhà máy bột giấy (Argentina v. Uruguay)

Sông Uruguya là dòng sông biên giới giữa Argentina và Uruguay. Uruguay dự định xây dựng hay nhà máy bột giấy bên bờ sông của dòng sông này. Argentina cho rằng các nhà máy này sẽ gâyt hiệt hại đáng kể cho môi trường của sông Uruguay, nên đã phản đối việc xây dựng này. Năm 2006, Argentina khởi kiện Uruguay ra Toà ICJ.

Trong Phán quyết năm 2010, Toà ICJ xác nhận lại nghĩa vụ không để hoạt động trên lãnh thổ của một nước có thiệt hại đáng kể về môi trường cho nước khác. Toà cho rằng:

“nguyên tắc ngăn ngừa, như một quy định tập quán, có nguồn gốc từ nghĩa vụ cẩn trọng thích đáng […] Đó là “nghĩa vụ của mỗi QUốc gia không được cho phép lãnh thổ của mình được sử dụng để vi phạm quyền của các Quốc gia khác” (Vụ Kênh Corfu (Anh v. Albania), Phán quyết về nội dung của Toà ICJ năm 1949, tr. 22). Theo đó, một Quốc gia có nghĩa vụ phải sử dụng tất cả các biện pháp trong phạm vi khả năng của mình để tránh cho các hoạt động trong lãnh thổ của mình, hoặc trong các khu vực thuộc thẩm quyền của mình, gây ra thiệt hại đáng kể cho môi trường của một Quốc gia khác. Toà đã khẳng định nghĩa vụ này “đã là một phần của luật quốc tế về môi trường” (Vụ tính hợp pháp của việc đe doạ sử dụng hay sử dụng vũ khí hạt nhân, Ý kiên tư vấnc ủa Toà ICJ năm 1966, tr. 242, đoạn 29).[9]

Lưu ý rằng, Toà sử dụng từ “thiệt hại đáng kể” (significant damage), do đó, hàm ý rằng không phải tất cả các thiệt hại môi trường đều cấu thành vi phạm nghĩa vụ trên. Chỉ khi thiệt hại đạt đến mức “đánh kể” (significant) thì mới cấu thành vi phạm.

Tóm lại, trong luật quốc tế, các quốc gia có nghĩa vụ chung không được để lãnh thổ của mình được sử dụng để vi phạm quyền của quốc gia khác. Yếu tố quan trọng là phải chứng minh quốc gia liên quan phải biết nhưng vẫn để hành vi vi phạm diễn ra. Trong luật môi trường quốc tế, nghĩa vụ này yêu cầu các quốc gia không để các hoạt động trong lãnh thổ của mình gây thiệt hại đáng kể về môi trường cho quốc gia khác.

Trần H. D. Minh


[1] Vụ Kênh Corfu (Anh v. Albania) [1949] (Phán quyết về nội dung) ICJ Rep 4, tr. 22. [2] Như trên. [3] Như trên. [4] Như trên, tr. 22-23. [5] Như trên, tr. 23.

[6] Vụ Nhà máy Trail Smelter (Mỹ/Canada) [1941] (Phán quyết trong tài) III RIAA 1905, tr. 1965.

[7] Vụ tính hợp pháp của việc sử dụng hay đe doạ sử dụng vũ khí hạt nhân [1996] (Ý kiến tư vấn) ICJ Rep 226, tr. 241-242, đoạn 29. [8] Như trên, tr. 243, đoạn 33.

[9] Vụ Nhà máy bột giấy trên sông Uruguya (Argentina v. Uruguay) [2010] (Phán quyết) ICJ Rep 14, tr. 55-56, đoạn 100.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: