[13] Quyền tự vệ chính đáng (Right to Self-Defence)

Tấn công vũ trang – Tự vệ phủ đầu – Tự vệ phòng ngừa – Trường hợp Lý Thường Kiệt (1075 – 1076) đánh sang nhà Tống – Tấn công vũ trang do nhóm phi quốc gia – Điều kiện cần thỏa mãn khi tự vệ

Quyền tự vệ chính đáng là một trong hai ngoại lệ được công nhận rộng rãi của nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực trong luật pháp quốc tế. Điều 51 Hiến chương Liên hợp quốc quy định quyền tự vệ là một quyền tự nhiên (inherent right/droit naturel) của các quốc gia khi bị tấn công vũ trang. Do là quyền tự nhiên nên quyền này cũng tồn tại trong tập quán quốc tế, độc lập với quy định điều ước trong Hiến chương.[1]

51 UN Charter

Khi nào được sử dụng vũ lực để tự vệ? – Tấn công vũ trang

Điều 51 quy định việc tự vệ bằng vũ lực chỉ có thể khi (a) bị tấn công vũ trang và (b) trong khi Hội đồng Bảo an chưa có quyết định áp dụng biện pháp cần thiết. Tranh cãi nhiều nhất cho đến hiện nay liên quan đến khái niệm “tấn công vũ trang” (armed attack), cụ thể hơn là làm thế nào và với tiêu chí nào thì một hành vi bạo lực được xem là tấn công vũ trang vào nước khác, qua đó kích hoạt quyền tự vệ.

Trong phán quyết kinh điển của mình trong Vụ Hoạt động quân sự và bán quân sự ở Nicaragua (Nicaragua v Mỹ) năm 1986, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đã giải thích cụ thể hơn khái niệm này. Trong vụ việc này, Nicaragua đã cáo buộc Mỹ thông qua việc hỗ trợ tài chính, cung cấp vũ khí, hỗ trợ huấn luyện các nhóm vũ trang chống chính phủ ở Nicaragua, và, do đó, đã vi phạm nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực. Do Mỹ từ chối tham gia tranh tụng, Tòa phải tự mình xem xét liệu Mỹ thực hiện các hành vi đó có thể được biện minh bằng quyền tự vệ hay không.

Theo Tòa, tấn công vũ trang phải là hành vi sử dụng vũ lực ở mức nghiêm trọng nhất (most grave forms of use of force).[2] Các hành vi ít nghiêm trọng hơn như đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực xâm phạm biên giới quốc tế, để buộc giải quyết tranh chấp, trả đũa bằng vũ lực, sử dụng vũ lực ngăn chặn các dân tộc thực thi quyền bình đẳng và tự quyết, tổ chức hay khuyết khích tổ chức các nhóm vũ trang không chính quy, bao gồm cả lính đánh thuê, tấn công vào lãnh thổ nước khác, hoặc tổ chức, xúi giục, hỗ trợ, tham gia vào các cuộc bạo động dân sự, hoạt động khủng bố ở nước khác, dung dưỡng cho các hoạt động có tổ chức trong lãnh thổ của mình để thực hiện các hành vi trên.[3]

Như vậy, theo quan điểm của Tòa, vào thời điểm năm 1986, những hành vi sử dụng vũ lực nêu trên, do ít nghiêm trọng, nên không được xem là tấn công vũ trang và do đó không thể kích hoạt quyền tự vệ. Cụ thể hơn, Tòa cho rằng hành vi cung cấp vũ khí cho lực lượng đối lập ở nước khác không cấu thành tấn công vũ trang (trong vụ này là việc Nicaragua cung cấp vũ khí cho phe đối lập ở El Salvador).[4]

Tiêu chí để xác định và phân biệt giữa hành vi sử dụng vũ lực thông thường và hành vi tấn công vũ trang được Tòa sử dụng là tiêu chí được quy định ở Điều 3(g) của Tuyên bố về Định nghĩa hành vi xâm lược (Nghị quyết 3314(XXIX) của Đại hội đồng LHQ năm 1974).[5] Tòa xem Điều 3(g) là quy định tập quán quốc tế và ghi nhận ‘nhận thức chung về bản chất của hành vi cấu thành tấn công vũ trang’.[6] Cụ thể,

“[…] một cuộc tấn công vũ trang phải được hiểu không chỉ bao gồm các hành động của lực lượng vũ trang chính quy xuyên qua biên giới quốc tế, mà còn bao gồm cả ‘việc gửi bởi hoặc trên danh nghĩa của một Quốc gia các nhóm, băng nhóm, lính đánh thuê hay lính không chính quy có vũ trang để thực hiện các hành vi vũ lực vũ trang chống lại một Quốc gia khác với mức độ nghiêm trọng tương đương’ với hành vi tấn công vũ trang thực sự được thực hiện bởi lực lượng chính quy, ‘hoặc nước này có dính líu thực chất’… quy định cấm tấn công vũ trang có thể được áp dụng cho việc một Quốc gia gửi các nhóm vũ trang sang lãnh thổ một Quốc gia khác, nếu hành động này, do quy mô và tác động của nó, cũng được xem là một cuộc tấn công vũ trang hơn chỉ là một xung đột biên giới thuần túy như được thực hiện bởi lực lượng vũ trang chính quy. Tuy nhiên Tòa không tin rằng khái niệm ‘tấn công vũ trang’ không chỉ bao gồm các hành vi của các nhóm vũ trang khi hành vi đó ở quy mô đáng kể mà còn bao gồm việc hỗ trợ cho các nhóm nổi loạn thông qua việc cung cấp vũ khí, hậu cần hay các hỗ trợ khác… chính Quốc gia là nạn nhân bị tấn công vũ trang phải xác định và đưa ra tuyên bố quan điểm rằng nước này bị tấn công vũ trang.”[7]

Như vậy, trong đoạn phán quyết quan trọng này, Tòa ICJ đưa ra điểm quan trọng. Một, tấn công vũ trang có thể được thực hiện bởi lực lượng vũ trang chính quy hoặc các nhóm vũ trang phi chính quy do một quốc gia gửi sang quốc gia khác hoặc thực hiện hành vi tấn công vũ trang trên danh nghĩa của quốc gia đó. Tiêu chí để xác định ở đây là mối liên hệ giữa nhóm/đơn vị thực hiện hành vi tấn công vũ trang và quốc gia bị cáo buộc tấn công vũ trang, mà không cần thiết chú ý đến quân chinh quy hay quân không chính quy, kể cả chỉ là lính đánh thuê đa quốc tịch.

Hai, về bản chất của tấn công vũ trang, Tòa chỉ nói một cách chung chung và chỉ xác định một tiêu chí khá mơ hồ là “quy mô và tác động đáng kể” (significant scale and effects). Tiêu chí này có vẻ tương ứng với tiêu chí phân biệt dựa vào “mức độ nghiêm trọng” nêu ở trên.

Ba, chính quốc gia bị tấn công vũ trang phải tự mình xác định liệu mình có bị tấn công vũ trang hay không; và chỉ có quốc gia này mới có quyền như thế. Như vậy có thể thấy một tiêu chí khác cần xem xét đến, bên cạnh tiêu chí quy mô và tác động đáng kể, là liệu quốc gia liên quan có tự mình xem mình bị tấn công vũ trang hay không. Trong vụ kiện này, đây là yếu tố khá quan trọng khi Tòa xem xét. Tòa còn xem xét rằng liệu quốc gia (trong trường hợp này là Mỹ) khi sử dụng vũ lực có viện dẫn Điều 51, có tuyên bố thực hiện quyền tự vệ tập thể, hay nói chung là có tự tuyên bố là tự vệ chống lại tấn công vũ trang hay không[8] hay những quốc gia bị tấn công có tuyên bố hay không và nếu có thì ngay lập tức hay sau đó.[9] Trong Vụ Côngô v. Uganda, một trong những bằng chứng hoàn cảnh mà Tòa xem xét đến để biết quan điểm các bên là liệu quốc gia liên quan có báo cáo cho Hội đồng Bảo an theo đúng quy định thủ tục của Điều 51 hay không.[10] Có thể thấy, quan điểm của các quốc gia liên quan, mặc dù là chủ quan, nhưng sẽ rất quan trọng, đặc biệt trong trường hợp bằng chứng không đầy đủ.

Có thể thấy Vụ Nicaragua v. Mỹ này đã chỉ cung cấp một hình dung cơ bản về những yếu tố cần quan tâm khi xác định liệu một hành vi sử dụng vũ lực đạt mức cấu thành tấn công vũ trang hay không. Không phải tất cả hành vi sử dụng vũ lực đều là hành vi tấn công vũ trang, qua đó kích hoạt quyền tự vệ. Hai yếu tố quan trọng nhất là mức độ nghiêm trọng về quy mô và tác động của hành vi và quan điểm đánh giá của quốc gia liên quan. Tùy từng vụ việc và những bằng chứng trực tiếp cũng như bằng chứng hoàn cảnh mà kết luận đưa ra có thể khác nhau.

“Tự vệ phủ đầu”?[11]

Sự kiện 11/9 năm 2001 tại Mỹ đã khiến chính quyền Tổng thống Bush phải đưa ra chiến lược an ninh quốc gia mới, mạnh mẽ hơn vào năm 2002 – học thuyết tự vệ phủ đầu (preemptive self-defence). Mỹ cho rằng:

“luật pháp quốc tế công nhận rằng các quốc gia không cần phải bị tấn công trước khi họ có thể tự vệ hợp pháp chống lại các lực lượng là mối nguy cơ đe dọa tấn công khẩn cấp… Các học giả và luật gia quốc tế thường đặt điều kiện cho tính chính đáng của tự vệ phủ đầu dựa trên sự tồn tại của mối đe dọa khẩn cấp – ví dụ thường thấy như việc điều chuyển công khai quân đội, hải quân, không quân chuẩn bị tấn công.”[12]

Quan điểm của Mỹ cũng được Anh ủng hộ.[13] Hơn nữa, Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Anan cũng thể hiện quan điểm ủng hộ trong một báo cáo năm 2005 của ông trước Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ông viết:

“các mối đe dọa khẩn cấp được điều chỉnh đầy đủ theo Điều 51, theo đó bảo đảm quyền tự vệ tự nhiên của các quốc gia có chủ quyền nhằm tự vệ chống lại tấn công vũ trang. Các luật sư đã từ lâu công nhận Điều này bao quát cả các nguy cơ bị tấn công khẩn cấp (imminent attack) cũng như các cuộc tấn công vũ trang đã xảy ra.”[14]

Nhiều học giả ủng hộ học thuyết này thường viện dẫn Vụ Caroline vào đầu thế kỷ XIX, theo đó cho rằng quyền tự vệ phủ đầu có thể được thực hiện nếu tình huống có tính cấp thiết ngay lập tức và áp đảo, không có biện pháp khác (ngoài sử dụng vũ lực) và không có thời gian để cân nhắc (“an instant and overwhelming necessity for self-defense, leaving no choice of means, and no moment of deliberation”).[15] Họ cũng viện dẫn rằng các tiêu chí trong Vụ Caroline đã được Tòa án Quân sự Nuremberg công nhận.[16]

Mặc dù tự vệ phủ đầu xuất phát từ một vụ việc kinh điển (Vụ Caroline), và sau đó được Tòa Nuremberg tái viện dẫn, nhưng cho đến nay không có bất kỳ vụ việc nào đề cập đến quyền tự vệ này, theo kiến thức của tác giả. Thậm chí, trong Vụ Nicaragua v. Mỹ, Tòa ICJ đã khẳng định rằng “việc thực hiện quyền tự vệ giả định trước rằng đã có tấn công vũ trang xảy ra”[17] và Tòa từ chối đưa ra quan điểm về tính hợp pháp của các hành động ứng phó lại mối đe dọa tấn công vũ trang khẩn cấp.[18] Trong bài viết của mình Sean D. Murphy,[19] hiện là thành viên của Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC), cũng đã cho biết có đến 04 trường phái quan điểm khác nhau về tự vệ phủ đầu. Trong kết luận của mình ông cho rằng hầu hết các luật sư quốc đều không ủng hộ tự vệ phủ đầu, nhưng tranh cãi vẫn còn và sẽ tiếp tục tồn tại. Kết luận của Sean D. Murphy cũng là kết luận của tác giả, đây là vấn đề còn tranh cãi và chưa thực sự rõ ràng là liệu luật pháp quốc tế có quyền tự vệ phủ đầu hay không.

 “Tự vệ phòng ngừa”?[20]

Khác với tự vệ phủ đầu, tự vệ phòng ngừa (preventive self-defence) có vẻ nhận được ít sự ủng hộ hơn. Do tự vệ phòng ngừa được hiểu là tự vệ đối với mối nguy cơ bị tấn công vũ trang chưa thực sự hiện hữu hoặc sẽ chỉ hình thành trong tương lai.[21] Hay một định nghĩa khác rằng tự vệ phòng ngừa là việc sử dụng vũ lực để tự vệ nhằm ngăn chặn một mối đe dọa bị tấn công vũ trang nghiêm trọng trong tương lai, mà không chắc chắn liệu khi nào và ở đâu vụ tấn công sẽ xảy ra.[22]

Lý do  để tự vệ phòng ngừa ít được ủng hộ có thể là do học thuyết này loại trừ mọi khả năng đưa ra đánh giá pháp lý hồi tố (ex post facto) do nó hướng đến xử lý các đe dọa chưa hình thành.[23] Ngoài ra, nếu chấp nhận học thuyết tự vệ phòng ngừa thì sẽ ra nguy cơ lạm dụng quyền tự vệ chống lại các mối đe dọa chưa hình thành và mơ hồ.[24] Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan trong khi ủng hộ tự vệ phủ đầu là quyền tự vệ của các quốc gia nhưng lại cho rằng khi mối đe dọa không khẩn cấp và chỉ tiềm ẩn thì quyền hành động chỉ thuộc về Hội đồng Bảo an,[25] và do đó các quốc gia không có quyền tự vệ đối với những mối đe dọa xa xôi này.

Trong tiếng Anh, có ba thuật ngữ sử dụng và chưa thống nhất nhau: pre-emptive, anticipatory, và preventive self-defence. Nhưng dù được định nghĩa thế nào thì nội dung chính của quyền tự vệ này là tự vệ khi chưa bị tấn công vũ trang, mà chỉ là mối đe dọa bị tấn công. Sự khác nhau nằm ở chỗ mối đe dọa đó có nhãn tiền, khẩn cấp, ngay lập tức (imminent) hay là mối đe dọa sẽ nhãn tiền trong tương lai nếu không có hành động trước. Ví dụ, Sean Murphy sử dụng từ anticipatory self-defense để chỉ tự vệ khi có mối đe dọa nhãn tiền, trong khi preemptive self-denfese được hiểu là tự vệ với mối đe dọa trong tương lai.

Lý Thường Kiệt (1075 – 1076): Tự vệ? Tự vệ phòng ngừa hay phủ đầu?

Nếu nhìn lại lịch sử Việt Nam thì cũng đã có ít nhất một lần triều đình phong kiến Việt Nam viện dẫn logic tương tự như Mỹ – chiến dịch đánh sang đất nhà Tống năm 1075 – 1076 của Nhà Lý. Ngay khi có thông tin nhà Tống chuẩn bị tiến đánh Đại Việt, vua Lý và Lý Thường Kiệt đã quyết định “tiên phát chế nhân”, cho quân đội sang lãnh thổ nhà Tống, đánh vào 03 châu của nước này, sau đó rút về. Đại Việt Sử ký Toàn thư viết:

“Ất Mão, [Thái Ninh] năm thứ 4 [1075], (Tống Hy Ninh năm thứ 8)…. Vương An Thạch nhà Tống cầm quyền, tâu [với vua Tống] rằng nước ta bị Chiêm Thành đánh phá. Quân còn sót lại không đầy vạn người, có thể dùng kế chiếm lấy được. Vua Tống sai Thẩm Khởi, và Lưu di làm tri Quế Châu ngầm dấy binh người Man động , đóng thuyền bè, tập thủy chiến, cấm các châu huyện không được mua bán với nước ta. Vua biết tin, sai Lý Thường Kiệt, Tông Đản đem hơn 10 vạn binh đi đánh. Quân thủy, quân bộ đều tiến. Thường Kiệt đánh các châu Khâm, Liêm; Đản vây châu Ưng, Đô giám Quảng Tây nhà Tống là Trương Thủ Tiết đem quân đến cứu. Thường Kiệt đón đánh ở cửa ải Côn Lôn (nay là phủ Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây của nhà Minh) phá tan được, chém Thủ Tiết tại trận. Tri Ưng châu là Tô Giám cố thủ không hàng. Quân ta đánh đến hơn 40 ngày, chồng bao đất trèo lên thành. Thành bèn bị hạ. Giám cho gia thuộc 36 người chết trước, chôn xác vào hố, rồi châm lửa tự đốt chết. Người trong thành cảm ân nghĩa của Giám, không một người nào chịu hàng, giết hết hơn 5 vạn 8 nghìn người, cộng với số người chết ở các châu Khâm, Liêm thì đến hơn 10 vạn. Bọn Thường Kiệt bắt sống người ba châu ấy đem về.”[26]

Rõ ràng rằng tại thời điểm đó nhà Tống chưa có bất kỳ hoạt động tấn công vũ trang nào vào lãnh thổ của Đại Việt. Và qua cách đánh giá của giới sử gia xưa nay thì đây là chiến thuật “tiên phát chế nhân” như vậy càng khẳng định nhà Lý tấn công vũ trang nhà Tống trước nhằm loại trừ hoặc làm chậm lại cuộc tấn công vũ trang dự kiến của nhà Tống. Hơn nữa, theo Trần Trọng Kim, nhà Lý cũng không lý do là chống lại ý đồ xâm lược của nhà Tống mà viện dẫn đến một lý do hoàn toàn khác (“…nhà Tống đặt ra phép mới làm khổ trăm họ. Vậy quân Đại Việt sang đánh để cứu vớt nhân dân…”).[27] Với thông tin ít ỏi như thế, khó có thể xác định đây là tự vệ phủ đầu hay tự vệ phòng ngừa.

“Tấn công vũ trang do các nhóm phi quốc gia thực hiện”?

Trong Vụ Nicaragua v Mỹ, do giới hạn của vụ kiện Tòa chỉ xem xét quyền tự vệ và tấn công vũ trang trong khuôn khổ quan hệ giữa hai quốc gia. Theo truyền thống, quyền tự vệ là quyền của một quốc gia sử dụng vũ lực để tự vệ chống lại một cuộc tấn công vũ trang của quốc gia khác. Trong Ý kiến tư vấn về Tính hợp pháp của việc xây dựng bức tường trên lãnh thổ chiếm đóng Palestine (2004), Tòa ICJ đã xác nhận lại cách hiểu trên:

“Điều 51 Hiến chương công nhận sự tồn tại của một quyền tự vệ tự nhiên trong trường hợp bị tấn công vũ trang bởi một quốc gia chống lại một quốc gia khác. Tuy nhiên, Israel không có cáo buộc rằng các cuộc tấn công chống lại nước này có thể quy trách nhiệm cho một quốc gia nước ngoài.”[28]

Nói cách khác, lý do chính mà Israel không thể sử dụng quyền tự vệ theo Điều 51 là do tự nước này không tin rằng mình bị một quốc gia khác tấn công. Một năm sau đó, năm 2005, trong Vụ Côngô v. Uganda, Tòa ICJ vẫn giữ quan điểm rằng quyền tự vệ phải được thực hiện trong quan hệ giữa quốc gia – quốc gia. Tòa cho rằng Uganda không có quyền tự vệ theo Điều 51 do “không có bằng chứ thuyết phục vệ sự can dự của Chính phủ CHDC Côngô vào các cuộc tấn công này, trực tiếp hoặc gián tiếp. Các cuộc tấn công không xuất phát từ các nhóm vũ trang hay quân phi chính quy do CHDC Côngô gửi sang hoặc hành động thay mặt cho CHDC Congo… Theo quan điểm của Toà, với các bằng chứng có được… các cuộc tấn công không thể quy trách nhiệm của CHDC Côngô.”[29] Tòa ngầm cho rằng phải có mối liên hệ giữa cuộc tấn công do nhóm vũ trang thực hiện và quốc gia sở tại, và mối quan hệ này phải ở mức độ cuộc tấn công có thể quy trách nhiệm cho quốc giao đó. Qua việc áp đặt tiêu chuẩn rất cao như thế, Tòa đã cố đưa việc sử dụng vũ lực của nhóm vũ trang vào lại trong khuôn khổ sử dụng vũ lực giữa quốc gia và quốc gia.

Tuy nhiên, trong hai vụ việc này một số thẩm phán đã đưa ra quan điểm khác. Họ cho rằng hay lấy làm tiếc rằng Tòa đã không đi xa hơn Phán quyết trong vụ Nicaragua cách đây hơn 20 năm để giải thích pháp luật phù hợp hơn với tính hình mới. Các thẩm phán này bao gồm thẩm phán Buergenthal (người Slovakia),[30] thẩm phán Kooijma (người Hà Lan),[31] thẩm phán Simma (người Đức)[32] và thẩm phán ad hoc Kateka (người Tanzania);[33] trong đó thể hiện quan điểm rõ ràng và hệ thống nhất là ý kiến của thẩm phán Kooijma.

Trong Ý kiến riêng của mình về hai vụ việc trên, thẩm phán Kooijma cho rằng Tòa ICJ nên vượt  qua cách hiểu truyền thống về quyền tự vệ trong Vụ Nicaragua v. Mỹ. Ông triển khai hai dòng lập luận chính. Thứ nhất, dựa trên cách giải thích bám sát câu chữ của văn bản, ông cho rằng câu chữ của Điều 51 Hiến chương chỉ nhắc đến quyền tự vệ khi bị tấn công vũ trang mà không có bất kỳ câu chữ nào yêu cầu cuộc tấn công đó phải được tiến hành bởi một quốc gia. Thứ hai, ông viện dẫn hai nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về chống khủng bố, cụ thể Nghị quyết 1368 (2001) và Nghị quyết 1373 (2001) để cho rằng quyền tự vệ có thể được kích hoạt khi bị tấn công vũ trang bởi các nhóm phi quốc gia và các quốc gia có quyền sử dụng vũ lực để tự vệ chống lại các nhóm phi quốc gia này. Ở đây có hai điểm quan trọng:

  • Tấn công vũ trang không nhất thiết phải do các quốc gia. Tấn công vũ trang có thể do các nhóm phi quốc gia, và do đó khi chứng minh mình bị tấn công vũ trang từ bên kia biên giới, các quốc gia không cần phải chứng minh hành vi tấn công là do quốc gia khác thực hiện, hoặc có thể quy trách nhiệm cho quốc gia khác.
  • Quyền tự vệ vượt khỏi khuôn khổ tự vệ của một quốc gia chống lại một quốc gia (quốc gia-quốc gia) mà trở thành quyền tự vệ của một quốc gia chống lại mọi thực thể đã tấn công vũ trang vào quốc gia đó.

Có thể thấy việc các nhóm vũ trang phi quốc gia tiến hành tấn công các quốc gia là hiện thực hiện nay trong quan hệ quốc tế, do đó quan điểm tương tự như thẩm phán Kooijma sẽ nhiều khả năng còn được viện dẫn, sử dụng, biện minh trong tương lai. Quan điểm này có điểm hợp lý ở chỗ nó dựa trên một logic rằng liệu các quốc gia có thể làm gì để bảo vệ an ninh của chính mình khi bị các nhóm phi quốc gia tấn công với quy mô và mức độ không khác mấy so với quân đội chính quy?[34] Hơn nữa, trong hai án lệ trên, chính Tòa ICJ cũng không bác bỏ trực tiếp và rõ ràng khả năng tự vệ bên ngoài khuôn khổ quốc gia-quốc gia, dù là dựa trên Điều 51 hay Nghị quyết 1368 và 1373 của Hội đồng Bảo an.

Các điều kiện cần thỏa mãn khi tự vệ bằng vũ lực

Trong phán quyết Vụ Nicaragua v. US, Tòa ICJ cho rằng luật pháp quốc tế yêu cầu việc thực hiện quyền tự vệ phải thỏa mãn hai điều kiện: tính cần thiết (necessity) và tính tương xứng (proportionality).[35] Nếu sử dụng vũ lực quá mức sẽ có thể được xem là sử dụng vũ lực vi phạm nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực hoặc thậm chí là tấn công vũ trang.

Trần H.D. Minh

Xem thêm về các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế:

  1. Nguyên tắc cấm sử dụng hay đe doạ sử dụng vũ lực (ví dụ thực tiễn cáo buộc sử dụng vũ lực gần đây tại post này, này, này, này).
  2. Ý kiến tư vấn của Tòa ICJ về Tính hợp pháp của việc đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ khí hạt nhân năm 1995
  3. Nguyên tắc hoà bình giải quyết tranh chấp quốc tế (phần đầu của post này).
  4. Nguyên tắc cấm can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác
  5. Nguyên tắc pacta sunt servanda 
  6. Nguyên tắc bình đẳng chủ quyền
  7. Nguyên tắc dân tộc tự quyết

———————————————————————————————–

[1] Tòa ICJ, Vụ Nicaragua v. Mỹ, Phán quyết ngày 27/6/1986, đoạn 193.   [2] Như trên, đoạn 191.   [3] Như trên. Tòa ICJ trích lại nội dung của Tuyên bố về các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế năm 1970, Nghị quyết 2625.

[4] Như trên, đoạn 230; xem thêm Separate Opinion of Judge Ruda, đoạn 12 – 15. Thẩm phán Schwebel (người Mỹ) trong Dissenting Opinion của mình cho rằng hành vi hỗ trợ và cung cấp vũ khí quy mô lớn của Nicaragua cho các nhóm nổ dậy ở El Salvador cấu thành tấn công vũ trang (đoạn 6).   [5] Như trên, đoạn 195.   [6] Như trên.   [7] Như trên.   [8] Như trên, đoạn 235.   [9] Như trên, đoạn 232-234.

[10] Tòa ICJ, Vụ các hoạt động vũ trang trên lãnh thổ của Congo (Cộng hòa Dân chủ Congo v. Uganda), Phán quyết, 2005, đoạn 145.

[11] Phần này chủ yếu tóm tắt lại bài của Sean D. Murphy, The Doctrine of Preemptive Self-Defense, 50 Vill. L. Rev. 699 (2005), download tại http://scholarship.law.gwu.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1899&context=faculty_publications

[12] The National Security Strategy of the United States of America (2002), tr. 15, xem tại https://www.state.gov/documents/organization/63562.pdf

[13] Xem Daniel Bethlehem, Notes and Comments on Principles relevant to the scope of a state’s right of self-defense against an imminent or actual armed attack by nonstate actors, 160 AJIL (2012), tr. 2 – 3.

[14] Report of the Secretary-General, In larger freedom: towards development, security and human rights for all, A/59/2005, ngày 24/3/2005, đoạn 124. Tuy nhiên cũng lưu ý, báo cáo này của Tổng thư ký mang tính chất khuyến nghị và định hướng việc Cải tổ LHQ, do đó nhiều nhận định có thể không thể hiện sự chính xác về mặt pháp lý.

[15] Marc Weller (ed.), The Oxford Handbook of the Use of Force in International Law, OUP, 2015, tr. 20.

[16] Như trên, tr. 701. Trong phán quyết năm 1946 của Tòa Nuremberg Tòa cho rằng: “It must be remember that preventive actionin foreign territory is justified only in case of an instant and overwhelm necessity for self-defense, leaving no choice of means, and no moment of deliberation”, tr. 207, xem tại https://www.loc.gov/rr/frd/Military_Law/pdf/NT_Vol-I.pdf

[17] Vụ Nicaragua vs. Mỹ, xem chú thích số 1, đoạn 232.   [18] Như trên, đoạn 194.   [19] Xem chú thích 11.

[20] Cũng cần lưu ý là việc gọi tên “tự vệ phòng ngừa” hay “tự vệ phủ đầu” đôi khi được dùng trộn lẫn với nhau; điểm phân biệt chủ yếu là ở các tiêu chí thực chất.

[21] The Chatham House, Principle of International Law on the Use of Force by States in Self-defence, ILP WP 05/01, Oct 2005, tr. 9.

[22] US National Security Strategy, tr. 1, trích lại trong Marc Weller (ed.), xem chú thích 14, tr. 663.   [23] Như trên.   [24] Marc Weller, xem chú thích 14, tr. 719.   [25] Xem chú thích 13, đoạn 127.

[26] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sỹ Liên (…) (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam dịch), Đại Việt Sử ký Toàn thư, NXB. KHXH, Hà Nội, năm 1993, tr. 110, xem tại http://thuvienso.bvu.edu.vn/bitstream/TVDHBRVT/4546/1/Dai%20viet%20su%20ky%20toan%20thu.PDF

[27] Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, NXB. Tổng hợp TP. HCM, 2005, tr. 98.

[28] Tòa ICJ, Ý kiến tư vấn về Tính hợp pháp của việc xây dựng bức tường trên lãnh thổ chiếm đóng Palestine, 1004, đoạn 139.

[29] Xem chú thích 10, đoạn 146.

[30] Tuyên bố của Thẩm phán Buergenthal trong vụ Ý kiến tư vấn, xem chú thích 27, đoạn 6.

[31] Ý kiến riêng của Thẩm phán Kooijma trong vụ Ý kiến tư vấn, xem chú thịch 27; Ý kiến riêng của Thẩm phán Kooijma trong trong vụ Congo v. Uganda, xem chú thích 28.

[32] Ý kiến riêng của Thẩm phán Simma trong vụ Congo v. Uganda, xem chú thích 28.

[33] Tuyên bố của Thẩm phán Kateka trong vụ Congo v. Uganda, xem chú thích 28.

[34] Ý kiến riêng của Thẩm phán Kooijma trong vụ Congo v. Uganda, đoạn 26. Thẩm phán Simma trong vụ Giàn khoan dầu (Iran vs Mỹ, Phán quyết 2003) cho rằng những hành động quân sự gây hấn chưa đạt ngưỡng tấn công vũ trang có thể được đáp trả bằng các biện pháp tự vệ quân sự tức khắc và tương xứng (xem Ý kiến riêng của Thẩm phán Simma, đoạn 12 – 13).

[35] Vụ Nicaragua v. Mỹ, xem chú thích số 1, đoạn 194 – 195.

18 bình luận về “[13] Quyền tự vệ chính đáng (Right to Self-Defence)

Add yours

  1. Em chào thầy ạ. Em cảm ơn thầy nhiều vì 1 bài viết hay. Em có 1 câu hỏi liên quan đến quyền tự vệ mà Tổng thống Putin viện dẫn trước khi tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào Ukraine.
    Ông Putin đã viện dẫn Điều 51, Hiến chương Liên Hợp Quốc và các hiệp ước hữu nghị, tương trợ với DPR và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) đã được quốc hội phê chuẩn để làm cơ sở tiến hành cuộc chiến. Theo em hiểu, thì ông Putin cho rằng bởi vì DPR và LPR đang bị tấn công bởi Ukraine vậy nên Nga hoàn toàn có thể sử dụng collective self-defence, dẫn quân vào bảo vệ 2 khu vực (2 quốc gia- theo quan điểm của Nga) này.
    Nếu xét trên góc độ LQT và chỉ nhìn vào Điều 51 thì có vẻ như việc Nga đưa quân vào khu vực Donbass này là hợp pháp.
    Vậy thì em có câu hỏi mong thầy giải đáp là ở đây ông Putin viện dẫn collective self-defence có làm cho “chiến dịch quân sự đặc biệt” này phù hợp với LQT không ạ? Còn những khía cạnh nào em có thể xem xét khi bàn đến cơ sở pháp lý của cuộc xung đột này ạ?
    Em cảm ơn thầy ạ!

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: