Cập nhật: Ngày 17 tháng 5 năm 2018, Việt Nam đã nộp văn kiện phê chuẩn Hiệp ước cho Liên hợp quốc. Việt Nam là nước thứ 10 phê chuẩn Hiệp ước này. Hiệp ước cần 50 quốc gia phê chuẩn để có hiệu lực.
Ngày 07 tháng 07 năm 2017 Hội nghị Liên hợp quốc đàm phán một văn kiện ràng buộc pháp lý về cấm vũ khí hạt nhân đã thông qua dự thảo Hiệp ước về Cấm vũ khí hạt nhân. 122 quốc gia đồng ý (trong đó có Việt Nam), 01 quốc gia phản đối (Hà Lan) và 01 quốc gia bỏ phiếu trắng (Singapore). Các quốc gia không tham gia bỏ phiếu gồm: các nước có vũ khí hạt nhân (Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Anh, Nga, Ấn Độ, Pakistan). Israel bị nghi ngờ sở hữu vũ khí hạt nhân cũng không tham gia bỏ phiếu. Hầu hết tất cả các nước ở châu Âu (trừ Ireland, Cyrus, Áo, Vatican, Liechtenstein, Malta, Moldova, Thuỵ Điển, Thuỵ Sĩ). Trong ASEAN, ngoại trừ Singapore bỏ phiếu trắng, 09 nước còn lại bỏ phiếu thuận.
Hiệp ước bao gồm các điều khoản chính như sau. Điều 1 yêu cầu tất cả các quốc gia thành viên “không bao giờ trong bất kỳ hoàn cảnh nào” phát triển, thử nghiệm, sản xuất, chế tạo, mua, sở hữu, tàng trừ, chuyển giao, nhận chuyển giao, nhận kiểm soát, sử dụng, đe doạ sử dụng vũ khí hạt nhân và các thiết bị nổ hạt nhân khác. Điều 1 cũng cấm việc hỗ trợ, khuyến khích hay dụ dỗ tham gia, tìm kiếm hay nhận hỗ trợ để tham gia vào các hoạt động bị cấm, cũng như cấm việc cho phép đặt, lắp đặt hay triển khai vũ khí hạt nhân hay các thiết bị nổ hạt nhân khác trên lãnh thổ hay bất kỳ đâu thuộc thẩm quyền hay sự kiểm soát của quốc gia thành viên. Tuy nhiên Điều 1 không cấm việc quá cảnh vũ khí hạt nhân.
Điều 2 quy định mỗi quốc gia phải đệ trình một tuyên bố cho Tổng thư ký Liên hợp quốc, trong đó nêu rõ liệu quốc gia đó có đã từng sở hữu, kiểm soát vũ khí hạt nhân hay đã huỷ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình hay không, liệu quốc gia đó có hiện đang sở hữu hay kiểm soát vũ khí hạt nhân, và liệu quốc gia đó có cho phép quốc gia khác triển khai hay kiểm soát vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình hay không.
Điều 4 của Hiệp ước về “Hướng đến loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân” đặt ra các nghĩa vụ cụ thể cho các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Điều này yêu cầu các quốc gia đang sở hữu hay kiểm soát vũ khí hạt nhân phải ngay lập tức đặt các vũ khí này khỏi trạng thái hoạt động, phá huỷ càng sớm càng tốt. Các quốc gia, mà sau ngày 07 tháng 07 năm 2017đã sở hữu hay kiểm soát vũ khí hạt nhân và đã loại bỏ chương trì vũ khí hạt nhân của mình, bao gồm việc loại bỏ hay chuyển đổi không thể đảo ngược tất cả các cơ sở liên quan đến vũ khí hạt nhân trước ngày có hiệu lực của Hiệp ước ngày, sẽ hợp tác với tổ chức quốc tế có thẩm quyền được thành lập theo khoản 6 của Điều này để xác nhận việc loại bỏ trên. Tất cả các quốc gia trên phải ký kết thoả thuận bảo đảm với Cơ quan Năng lương Nguyên tử Quốc tế (IAEA) để có sự bảo đảm đầy đủ rằng các nguyên liệu hạt nhân không được sử dụng cho mục đích phi hoà bình và không có nguyên liệu hạt nhân không được khai báo ở quốc gia đó. Đối với những quốc gia cho phép quốc gia khác triển khai hay kiểm soát vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình phải bảo đảm việc tháo dỡ nhanh chóng các vũ khí này.
Điều 4 nêu trên không chỉ áp đặt nghĩa vụ liên các quốc gia đang có vũ khí hạt nhân mà cả các quốc gia đã từng có loại vũ khí này hay đã từng có chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Các quốc gia này có thể đã từ bỏ hay đã có tuyên bố từ bỏ vũ khí hạt nhân và các chương trình vũ khí hạt nhân của mình trong quá khứ nhưng Hiệp ước vẫn mong muốn có sự bảo đảm xác thực về sự từ bỏ này bởi đây là những nước đã từng năm giữ hay có khả năng nắm giữ công nghệ liên quan đến vũ khí hạt nhân.
Hiệp ước quy định Hiệp ước này cần phải được phê chuẩn, chấp nhận hay chấp thuận (Điều 14) và sẽ có hiệu lực sau 90 ngày kể từ ngày mà văn bản phê chuẩn thứ 50 được nộp lưu chiểu (Điều 15).
Hiệp ước cũng cấm hoàn toàn bảo lưu (Điều 16). Điều đặc biệt là Hiệp ước cho phép các quốc gia thành viên rút khỏi Hiệp ước . Điều 17 quy định “mỗi quốc gia thành viên, thực hiện chủ quyền quốc gia của mình, có quyền rút khỏi Hiệp ước này nếu quốc gia này nhận thấy các sự kiện đặc biệt liên quan đến nội dung của Hiệp ước đã làm tổn hại đến lợi ích tối cao của nước mình.” Như vậy Hiệp ước công nhận các quốc gia có quyền rút khỏi Hiệp ước theo chủ quyền quốc gia của mình. Tuy nhiên việc rút khỏi này phải thoả mãn ít nhất hai điều kiện:
- Có sự kiện đặt biệt liên quan đến nội dung của Hiệp ước (extraordinary events related to the subject matter of the Treaty), và
- Các sự kiện đó làm tổn hại đến lợi ích tối cao của mình (jeopardized the supreme interests of its country).
Việc rút khỏi chỉ có hiệu lực sau 12 tháng. Một điểm đặt biệt nữa là Điều 17(3) quy định “nếu khi hết hạn 12 tháng, quốc gia xin rút khỏi là một bên trong xung đột vũ trang, quốc gia này sẽ tiếp tục chịu ràng buộc bởi các nghĩa vụ của Hiệp ước này và bất kỳ nghị định thư bổ xung nào cho đến khi nước này không còn là một bên trong xung đột vũ trang.” Quy định này có thể nhằm ngăn chặn trường hợp một quốc gia thành viên đang có xung đột vũ trang rút khỏi Hiệp ước để có thể sử dụng, đe doạ sử hay hay cho phép triển khai vũ khí hạt nhân nhằm chống lại bên còn lại trong xung đột vũ trang. “Xung đột vũ trang” được sử dụng mà không có giới hạn cụ thể là xung đột vũ trang quốc tế (giữa các quốc gia) hay xung đột vũ trang phi-quốc tế (nội chiến).
Xem thêm bài: Tính hợp pháp của việc đe doạ sử dụng hay sử dụng vũ khí hạt nhân
Trần H.D. Minh
Nguồn tổng hợp từ: https://www.un.org/disarmament/ptnw/index.html
Em chào thầy ạ,
Em muốn hỏi về hiệu lực của việc rút khỏi Hiệp ước ạ.
1. Theo như em hiểu, sau khi quốc gia nộp văn kiện rút khỏi Hiệp ước, quốc gia này sẽ không chịu sự điều chỉnh của Hiệp ước sau 12 tháng từ khi LHQ nhận được văn kiện xin không tham gia nữa. Cách hiểu như này có đúng không ạ?
2. Nếu như theo Điều 17(3) ở trên, quốc gia dù không còn tham gia Hiệp ước thì vẫn chịu nghĩa vụ ràng buộc với Hiệp ước sau 12 tháng.
2.1. Vậy khoảng thời gian mà quốc gia này tiếp tục chịu sự ràng buộc với Hiệp ước này là bao lâu sau khi rút khỏi Hiệp ước và khoảng thời hạn 12 tháng ạ? 2.2. Đây là câu hỏi bổ sung ý cho câu 2.1 ạ (tuỳ thuộc vào quy định của Hiệp ước). Nếu không quy định thời hạn tiếp tục chịu sự ràng buộc thì quốc gia đã từng tham gia Hiệp ước sẽ thiệt thòi vì họ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đúng không ạ? Vậy quốc gia này có quyền/lợi ích gì để cân bằng với những nghĩa vụ này ạ?
Em cảm ơn thầy nhiều ạ!
Epiphyllum
Chào Epiphyllum,
Về câu hỏi 1, cách hiểu của em là chính xác (cách dùng từ “xin không tham gia” nên chỉnh lại thành “xin rút khỏi”).
Về câu hỏi 2, Điều 17(3) quy định rõ điều kiện mà một Quốc gia thành viên tiếp tục chịu ràng buộc bởi Hiệp ước sau mốc 12 tháng: “nếu Quốc gia thành viên đó là một bên trong một xung đột vũ trang”. Việc tiếp tục chịu ràng buộc sẽ kéo dài cho đến khi Quốc gia đó không còn là một bên trong xung đột vũ trang đó (Article 17(3): “If, however, on the expiry of that 12-month period, the withdrawing State Party is a party to an armed conflict, the State Party shall continue to be bound by the obligations of this Treaty and of any additional protocols until it is no longer party to an armed conflict”). Khi nghiên cứu em nên đọc trực tiếp vào văn bản thì nhiều vấn đề sẽ rõ ràng hơn.
Duy Minh