Giá trị pháp lý – Nội hàm chính của nguyên tắc – Quan hệ với vấn đề chủ quyền đối với lãnh thổ theo luật quốc tế về thụ đắc lãnh thổ – Xung đột với quyền dân tộc tự quyết? – Thực tiễn hoạch định biên giới Việt Nam với Trung Quốc, Lào và Campuchia
Nguyên tắc uti possidetis juris có thể được dịch là nguyên tắc đường biên giới lịch sử. Nguyên tắc này là một quy định tập quán khu vực (local/regional custom) Mỹ Latin, được hình thành dựa trên thực tiễn các quốc gia Mỹ Latin trong quá trình giành độc lập vào thế kỷ 19 đã sử dụng các đường ranh giới hành chính do Tây Ban Nha vạch ra trong thời thuộc địa để làm đường biên giới quốc gia. Nguyên tắc trên sau đó được sử dụng rộng rãi tại châu Phi. Năm 1964 Tổ chức Liên minh châu Phi ra nghị quyết về các đường biên giới giữa các quốc gia châu Phi, ghi nhận: “các đường biên giới của các Quốc gia châu Phi hiện hữu vào ngày giành độc lập của họ là một tồn tại thực tế”, và “tất cả các Quốc gia thành viên cam kết tôn trọng các đường biên giới hiện hữu khi các nước giành độc lập quốc gia.”[1]
Nguyên tắc này nhằm giảm thiểu tranh chấp giữa các quốc gia mới giành độc lập từ các nước thực dân – đế quốc thông qua việc giữ nguyên hiện trạng phân chia quản lý về mặt lãnh thổ do chính quyền thực dân – đế quốc để lại, chuyển các ranh giới hành chính thuộc địa thành đường biên giới quốc gia.
1. Giá trị pháp lý
Trong phán quyết năm 1986 trong Vụ tranh chấp biên giới (Burkina Faso/Mali), Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đã xem xét giá trị pháp lý và nội dung của nguyên tắc uti possidetis. Về giá trị pháp lý, Tòa ICJ khẳng định nguyên tắc uti possidetis là “một nguyên tắc chung” liên quan đến hiện tượng giành độc lập dân tộc trong quan hệ quốc tế.”[2] Nguyên tắc uti possidetis không chỉ là một nguyên tắc tập quán quốc tế khu vực mà đã là một quy định chung trong luật pháp quốc tế. Tòa cho rằng: “Thực tiễn các quốc gia mới ở châu Phi đã tôn trọng đường ranh giới và biên giới hành chính do chính quyền thuộc địa xác lập không chỉ là thực tiễn dần cấu thành một nguyên tắc tập quán quốc tế có hiệu lực giới hạn trong lục địa châu Phi như đã từng áp dụng cho châu Mỹ thuộc Tây Ban Nha trước đây, mà thực tiễn này cần phải được xem là việc áp dụng vào châu Phi một quy định chung.”[3] Với kết luận này, nguyên tắc này có thể được áp dụng ở mọi nơi có hiện tượng giành độc lập dân tộc từ chế độ thực dân – đế quốc. Alain Pellet còn đi xa hơn khi cho rằng nguyên tắc uti possidetis là một nguyên tắc có tính phổ quát và mệnh lệnh – một quy phạm jus cogens.[4]
2. Nội hàm chính của nguyên tắc
Trong Vụ tranh chấp biên giới (Burkina Faso/Mali), Tòa ICJ khẳng định việc áp dụng nguyên tắc uti possidetis sẽ chuyển đổi hay nâng cấp (upgrade) đường ranh giới hành chính giữa các thuộc địa của cùng một quốc gia thực dân – đế quốc thành đường biên giới quốc tế giữa các quốc gia mới hình thành từ các thuộc địa đó.[5] Đây là trường hợp phát sinh ở châu Mỹ Latin khi lãnh thổ ở đây hầu hết đều thuộc về Tây Ban Nha, hay như trong trường hợp Burkina Faso và Mali trong vụ việc này đều là thuộc địa của Pháp. Mở rộng ra có thể thấy Campuchia, Lào và Việt Nam cùng thuộc Pháp cũng rơi vào trường hợp này. Viện thuộc Tòa ICJ trong phán quyết năm 1992 trong Vụ tranh chấp đất liền, đảo và ranh giới trên biển giữa El Salvador và Honduras (Nicaragua can thiệp) đã khẳng định lại nội hàm của nguyên tắc này như Tòa ICJ đã giải thích trong Vụ tranh chấp biên giới (Burkina Faso/Mali) nêu trên.[6] Viện còn nhận định thêm rằng, nguyên tắc uti possidetis về bản chất là một nguyên tắc hồi tố, trao quy chế của biên giới quốc tế cho các đường ranh giới hành chính, những ranh giới mà chính quyền thuộc địa vạch ra vì mục đích hoàn toàn khác.[7]
Đối với đường biên giới quốc tế giữa thuộc địa của hai hay nhiều nước thực dân – đế quốc khác nhau, hoặc giữa thuộc địa của một nước và lãnh thổ của một nước khác, Tòa không khẳng định nguyên tắc uti possidetis áp dụng đối với những đường biên giới này nhưng khẳng định rằng Tòa “không nghi ngờ rằng nghĩa vụ phải tôn trọng đường biên giới quốc tế đã tồn tại trước đó trong trường hợp thừa kế quốc gia xuất phát từ một quy định chung của luật quốc tế, bất kể có được thể hiện qua nguyên tắc uti possidetis hay không”.[8] Nhận định trên của Tòa có vẻ hàm ý rằng nghĩa vụ đó không chỉ áp dụng cho các quốc gia mà còn cho các thuộc địa. Như vậy, việc áp dụng nguyên tắc uti possidetis và nguyên tắc tôn trọng đường biên giới quốc tế vào trường hợp một thuộc địa sẽ chuyển đổi tất cả các đường ranh giới (cả ranh giới hành chính giữa các thuộc địa, và biên giới quốc tế giữa thuộc địa và quốc gia khác) thành đường biên giới quốc tế của quốc gia mới.
Trong Vụ việc El Salvador và Honduras (Nicaragua can thiệp), Viện thuộc Tòa ICJ cũng đã mở rộng phạm vi áp dụng của nguyên tắc uti possidetis. Nguyên tắc này không chỉ áp dụng cho các biên giới đất liền mà còn có thể áp dụng để xác lập danh nghĩa với các vùng biển. Viện cho rằng có sự khác nhau cơ bản giữa đất liền và vùng biển, nhưng việc ba nước trong vụ việc này thừa kế Vịnh Fonseca như vùng nước lịch sử chung của ba nước có vẻ “là kết quả logic của chính nguyên tắc uti possidetis juris.”[9]
Một điểm cần lưu ý rằng mặc dù nguyên tắc uti possidetis là một quy định tập quán quốc tế nhưng các quốc gia có thể lựa chọn áp dụng hoặc không áp dụng. Trong phán quyết ở vụ việc trên, ở đoạn 25 Tòa cho rằng “các quốc gia châu Phi đã sáng suốt đồng ý” (consent), còn ở đoạn 26, Tòa nhấn mạnh việc áp dụng nguyên tắc uti possidetis là “được các quốc gia châu Phi lựa chọn một cách chủ tâm” (by deliberate choice that African States delected). Điều đó có nghĩa rằng các quốc gia có quyền lực chọn áp dụng hay không áp dụng nguyên tắc này. Do đó, nguyên tắc uti possidetis cần được áp dụng “trừ khi các quốc gia liên quan có thỏa thuận khác.”
Quan hệ với vấn đề chủ quyền đối với lãnh thổ theo luật quốc tế về thụ đắc lãnh thổ
Trong Vụ tranh chấp đất liền, đảo và ranh giới trên biển giữa El Salvador và Honduras (Nicaragua can thiệp), Viện thuộc Tòa ICJ đã xem xét quan hệ giữa vấn đề chủ quyền và vấn đề biên giới.[10] Cụ thể, Viện đã xem xét quan hệ giữa “danh nghĩa” đối với lãnh thổ (chủ quyền) và nguyên tắc uti possidetis (biên giới). Nhìn qua có thể thấy hai vấn đề này có sự khác nhau: danh nghĩa chủ quyền đối với lãnh thổ được xác định theo luật quốc tế về thụ đắc lãnh thổ, trong khi nguyên tắc uti possidetis chỉ xác định đường biên giới giữa lãnh thổ hai nước kế thừa từ ranh giới hành chính thời thuộc địa.
Viện cho rằng “danh nghĩa” chủ quyền của EL Sanvador và Honduras đối với các khu vực tranh chấp xuất phát từ việc thừa kế lãnh thổ thuộc địa của Tây Ban Nha, và “phạm vi của lãnh thổ mà mỗi quốc gia được thừa kết được xác định theo nguyên tắc uti possidetis juris.”[11] Trong vụ việc này, Honduras cho rằng vấn đề xác định chủ quyền đối với các đảo tranh chấp cần dựa vào nguyên tắc uti possidetis juris, trong khi El Salvador cho rằng cần áp dụng luật quốc tế về thụ đắc lãnh thổ, xem xét đến yếu tố thực thi chủ quyền quốc gia hữu hiệu đối với các đảo cũng như dnah nghĩa lịch sử.[12] Tòa bác bỏ lập luận của El Salvador, và cho rằng vì danh nghĩa chủ quyền của cả hai nước xuất phát từ việc thừa kế lại lãnh thổ thuộc địa của Tây Ban Nha, do đó, “vấn đề ở đây là việc thừa kế của các quốc gia mới giành độc lập đối với tất cả các đảo thuộc Tây Ban Nha trước đây.”[13] Không có đảo nào là lãnh thổ vô chủ (terra nullius) tại thời điểm hai nước giành độc lập để áp dụng hình thức chiếm hữu (occupation) để xác lập chủ quyền. Chủ quyền đối với các đảo đã thuộc về Tây Ban Nha và sẽ được thừa kế bởi hoặc El Salvador hoặc Honduras. Theo đó, Tòa xem xét xem thuộc địa nào có quyền đối với các đảo. Nói cách khác, các đảo đó nằm trong ranh giới hành chính của thuộc địa nào, và việc áp dụng nguyên tắc uti possidetis sẽ xác định được các đảo nằm bên nào của đường biên giới quốc gia hình thành từ ranh giới hành chính thời thuộc địa. Nếu theo pháp luật thời thuộc địa, các đảo không rõ ràng thuộc thuộc địa nào thì cần tính đến thực tế quản lý hữu hiệu thời thuộc địa (“colonial effectivités”) bên cạnh các văn bản hành chính và pháp lý của chính quyền thuộc địa.[14] Với cách tiếp cận này, Tòa đã làm sáng tỏ rằng đôi khi tranh chấp chủ quyền lãnh thổ phải được giải quyết bằng nguyên tắc uti possidetis mà không phải bằng luật pháp quốc tế về thụ đắc lãnh thổ.
Đối với những nước được hình thành từ thuộc địa như Việt Nam, Lào và Campuchia thì có vẻ các tranh chấp bien giới lãnh thổ cần phải áp dụng nguyên tắc uti possidetis. Theo đó, nếu còn tranh chấp về bien giới lãnh thổ giữa ba nước thì câu hỏi đặt ra không phải là ai có chủ quyền với khu vực nào mà là đường ranh giới hành chính mà chính quyền thực dân Pháp đã vẽ như thế nào. Việc xác định đường ranh giới thuộc địa này sẽ xác định được khu vực nào thuộc nước nào.
Xung đột với quyền dân tộc tự quyết?
Một khía cạnh khác mà Tòa ICJ cũng nhắc đến là quan hệ giữa nguyên tắc uti possidetis và quyền dân tộc tự quyết. Nhìn qua thì hai quy định này xung đột với nhau: nguyên tắc uti possidetis yêu cầu tôn trọng đường ranh giới đã tồn tại, trong khi quyền dân tộc tự quyết cho phép các dân tộc thuộc địa được tự do quyết định. Tòa cho rằng xung đột giữa hai quy định trên không tồn tại trong trường hợp các quốc gia châu Phi, bởi vì “các quốc gia châu Phi đã sáng suốt đồng ý sẽ tôn trọng đường biên giới thuộc địa, và đã kết hợp yếu tố này khi giải thích nguyên tắc dân tộc tự quyết.”[15] Lý do các quốc gia châu Phi lựa chọn như thế là vì đây là cách sáng suốt nhất để bảo vệ nền độc lập mà các dân tộc châu Phi đã hi sinh để đạt được, tránh tình trạng bất ổn, duy trì ổn định để tồn tại, phát triển và từ bước củng cố nền độc lập của mình.[16] Như vậy, Tòa cho rằng nguyên tắc uti possidetis vẫn được áp dụng, kể cả trong trường hợp xung đột với quyền dân tộc tự quyết, bởi vì (i) các quốc gia châu Phi đã lựa chọn nguyên tắc này trong tất cả các nguyên tắc cổ điển khác, và (ii) quyền dân tộc tự quyết trong bối cảnh châu Phi phải được giải thích theo hướng có tính đến việc áp dụng nguyên tắc uti possidetis.
Nhận định của Tòa có hai ý nghĩa quan trọng. Thứ nhất, Tòa đã đúng khi yêu cầu quyền dân tộc tự quyết và nguyên tắc uti possidetis cần phải được áp dụng cùng nhau, có tính đến nhau. Cả hai quy định đều là quy định của luật pháp quốc tế, có hiệu lực ràng buộc đối với các quốc gia. Các quốc gia có nghĩa vụ phải thực thi thiện chí cả hai quy định trên theo nguyên tắc pacta sunt servanda. Trong trường hợp việc áp dụng hai quy định xung đột nhau thì quốc gia có hai lựa chọn, hoặc phải nỗ lực tìm cách dung hòa việc áp dụng hai quy định, hoặc lựa chọn áp dụng một quy định và vi phạm quy định còn lại, và theo đó chịu trách nhiệm pháp lý cho hành vi vi phạm quy định của luật quốc tế. Nhận định của Tòa đi theo hướng thứ nhất, và cho rằng có thể dung hòa nguyên tắc uti possidetis và quyền dân tộc tự quyết. Ý nghĩa thứ hai sẽ gây tranh cãi. Với nhận định rằng quyền dân tộc tự quyết cần được giải thích có tính đến nguyên tắc uti possidetis trong bối cảnh châu Phi, Tòa đã gián tiếp khẳng định quyền dân tộc tự quyết có tính chất khu vực, đặc thù. Với tư cách là một quyền quan trọng trong luật nhân quyền, nhận định của Tòa sẽ gây tranh cãi giữa hai luồng quan điểm: một bên cho rằng quyền con người là phổ quát về nội dung, và một bên khác cho rằng quyền con người là phổ quát nhưng cần giải thích, áp dụng phù hợp với tình hình đặc thù của từng nước.
Một điểm cần lưu ý rằng vào năm 1991, trong Ý kiến thứ 2 của Ủy ban trọng tài cho Hội nghị về Nam Tư (Ủy ban Badinter) do Cộng đồng châu Âu và các nước thành viên của Cộng đồng thành lập đã khẳng định rằng “trong mọi trường hợp, quyền dân tộc tự quyết không dẫn đến thay đổi biên giới đang tồn tại tại thời điểm giành độc lập (uti possidetis juris) trừ khi các quốc gia liên quan có thỏa thuận khác.”[17]
Thực tiễn hoạch định biên giới Việt Nam và các nước
Việt Nam có đường biên giới trên đất liền với ba nước, Trung Quốc, Lào và Campuchia được xác định lần lượt theo các điều ước quốc tế (xem bản bên dưới). Trong đó, nguyên tắc uti possidetis juris được áp dụng trong trường hợp đường biên giới giữa Việt Nam với Lào và Campuchia. Nguyên tắc này không được áp dụng đối với biên giới với Trung Quốc, mặc dù quá trình đàm phán chịu ảnh hưởng của nội hàm nguyên tắc này.
Hiệp ước hoạch định biên giới giữa Việt Nam và Lào năm 1977 quy định tại Điều I rằng:
“Trên cơ sở tôn trọng đường biên giới đã có vào lúc hai nước tuyên bố nền độc lập của mình (Việt Nam: ngày 2 tháng 9 năm 1945, Lào: ngày 12 tháng 10 năm 1945), hai Bên nhất trí lấy đường biên giới vẽ trên bản đồ Pháp tỷ lệ 1/100.000 của Sở Địa dư Đông Dương (Service géographique de l’Indochine) xuất bản năm 1945 làm căn cứ chính để hoạch định đường biên giới giữa hai nước. Nơi nào không có bản đồ Pháp xuất bản năm 1945, thì hai Bên thỏa thuận lấy bản đồ Pháp tỷ lệ 1/100.000 xuất bãn vào năm gần năm 1945 nhất.” Việt Nam và Campuchia cũng thỏa thuận tương tự như vậy. Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Campuchia năm 1983 quy định trực tiếp rằng: “Trên đất liền, hai bên coi đường biên giới hiện tại giữa hai nước được thể hiện trên bản đồ tỷ lệ 1/100.000 của Sở Địa dư Đông Dương, thông dụng trước năm 1954 hoặc gần năm 1954 nhất (kèm theo 26 mảnh bản đồ được hai bên xác nhận), là đường biên giới quốc gia giữa hai nước.”[18]
Có thể thấy đường biên giới giữa Việt Nam, Lào và Campuchia được chuyển hóa từ đường ranh giới hành chính thời thuộc địa do Pháp vẽ. Công tác đàm phán hoạch định biên giới sẽ tập trung vào việc xác định chính xác lại đường ranh giới đó và ghi nhận vào các điều ước quốc tế nhằm bảo đảm sự rõ ràng, chắc chắn về pháp lý. Ba nước cũng thỏa thuận cho phép một số điều chỉnh hợp lý đối với đường ranh giới thuộc địa trong quá trình đàm phán.
Đường biên giới Việt Nam và Trung Quốc được xác định theo cách thức khác với đường biên giới với Lào và Campuchia. Việt Nam và Trung Quốc đã có đường biên giới do Pháp và nhà Thanh xác định theo hai công ước: Công ước hoạch định biên giới Pháp – Thanh năm 1887 và Công ước bổ sung Công ước hoạch định biên giới năm 1887 năm 1895. Việt Nam từng muốn hai nước tôn trọng đường biên giới này nhưng phía Trung Quốc phản đối.[19] Sau đó, ít nhất Trung Quốc đồng ý tôn trọng hiện trạng đường biên giới, và phía Việt Nam cho rằng điều này cho thấy Trung Quốc công nhận tính hợp pháp, ràng buộc hoặc ít nhất tính hợp lý của đường biên giới theo hai Công ước nêu trên.[20]
Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 1993 quy định tại Điều II.1. rằng: “Hai bên đồng ý, căn cứ vào Công ước hoạch định biên giới ký giữa Trung Quốc và Pháp ngày 26 tháng 6 năm 1887 và Công ước bổ sung Công ước hoạch định biên giới ngày 20 tháng 6 năm 1895 cùng các văn kiện và bản đồ hoạch định và cắm mốc biên giới kèm theo đã được Công ước và Công ước bổ sung nói trên xác nhận hoặc quy định, cùng như các mốc quốc giới cắm theo quy định, đối chiếu xác định lại toàn bộ đường biên giới trên bộ giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc.” Như vậy, có vẻ hai nước xem như chưa có đường biên giới tồn tại giữa hai nước và tiến hành “xác định lại toàn bộ đường biên giới trên bộ.” Đường biên giới mà Pháp và Trung Quốc xác định trước đây chỉ là “căn cứ” để bắt đầu quá trình đàm phán. Thực tế đàm phán cho thấy hai bên đồng ý với nhau sử dụng lại đường biên giới Pháp – Thanh. Nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra hai số liệu về tỷ lệ việc sử dụng lại đường biên giới Pháp – Thanh: 900km trên 1.350km chiếm 77%,[21] và gần 1000km chiếm 69%.[22] Như vậy, mặc dù về mặt pháp lý hai bên không áp dụng nguyên tắc uti possidetis (de jure), nhưng trên thực tế hai bên lại vận dụng nội hàm của nguyên tắc này (de facto). Điều I Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 1999 ghi nhận lại việc “Hai bên ký kết lấy các Công ước về biên giới hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc làm cơ sở…”.
Việt Nam – Trung Quốc: | Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 1999 |
Việt Nam – Lào: | Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Lào năm 1977
Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Lào năm 1977 năm 1986 |
Việt Nam – Campuchia: | Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Campuchia năm 1985
Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới giữa Việt Nam và Campuchia năm 1985 năm 2005 |
Điểm giao biên giới Việt Nam – Trung Quốc – Lào: | Hiệp ước xác định giao điểm đường biên giới Việt Nam, Lào và Trung Quốc năm 2006 |
Điểm giao biên giới Việt Nam – Campuchia – Lào: | Hiệp ước xác định giao điểm đường biên giới Việt Nam, Campuchia và Lào năm 2008 |
Trần H. D. Minh
————————————————————————–
[1] Nghị quyết AHG/Res. 16(1) về tranh chấp biên giới giữa các quốc gia châu Phi (thông qua tại Phiên họp thông thường lần thứ nhất của các nguyên thủ quốc gia và người đừng đầu chính phủ, Cairo, 17 – 21 tháng 7 năm 1964).
[2]Vụ tranh chấp biên giới (Burkia Faso/Mali) [1986] (Phán quyết) ICJ Rep 1986 555, 566, đoạn 20. [3] Như trên, đoạn 21.
[4] Alain Pellet, ‘The Opinions of the Badinter Arbitration Committee: A Second Breath for the Self-Determination of Peoples’ 3 EJIL (1992) 178 180, xem tại http://ejil.org/pdfs/3/1/1175.pdf (truy cập ngày 10/04/2018).
[5]Vụ tranh chấp biên giới (Burkina Faso/Mali), đoạn 23. [6] [1992] (Phán quyết) ICJ Rep 1992 351, 386 – 387, đoạn 42. [7] Như trên, tr. 3887 – 388, đoạn 43. [8]Vụ tranh chấp bien giới (Burkina Faso/Mali), đoạn 24. [9]Vụ El Salvador và Honduras (Nicaragua can thiệp), tr. 601 – 602, đoạn 405.
[10] [1992] (Phán quyết) ICJ Rep 1992 351. [11] Như trên, tr. 389, đoạn 45. [12] Như trên, tr. 558, đoạn 332. [13] Như trên, đoạn 333. [14] Như trên. [15] Như trên, đoạn 25. [16] Như trên. [17] Alain Pellet (chú thích số 4).
[18] Thông tấn xã Việt Nam, Bài phỏng vấn Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia Nguyễn Anh Dũng: ‘Việt Nam – Campuchia quyết tâm hoàn thành phân giới biên giới đất liền’, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 24/12/2015, xem tại < http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/PrintStory.aspx?distribution=36818&print=true> (truy cập ngày 12/4/2018).
[19] Nguyễn Hồng Thao, ‘Việt-Trung và đường biên giới pháp lý, công bằng, hữu nghị’, Bộ Ngoại giao, xem tại < http://www.mofahcm.gov.vn/mofa/nr040807104143/nr040807105001/ns090105140306> (truy cập ngày 12/4/2018).
[20] Ủy ban Biên giới Quốc gia (Bộ Ngoại giao), Biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc, Hà Nội, 2010, tr. 13 – 14, xem tại < http://biengioilanhtho.gov.vn/sites/en/Download/VietNam-TrungQuoc2011.pdf> (truy cập ngày 12/4/2018).
[21] Nguyễn Hồng Thao (chú thích số 19). [22] Ủy ban Biên giới Quốc gia (Bộ Ngoại giao) (chú thích số 20) tr. 15.