Khái niệm Quốc tịch – Quốc tịch là vấn đề thuộc chủ quyền quốc gia – Nhưng, để có hiệu lực quốc tế thì cần thỏa mãn điều kiện mối liên kết thực tế – Vấn đề đa quốc tịch và quốc tịch hữu hiệu
Mặc dù, cá nhân không phải là một chủ thể của luật quốc tế như các quốc gia hay tổ chức quốc tế, luật quốc tế có trao một số quyền và nghĩa vụ lên các cá nhân, ví dụ như các quyền con người và nghĩa vụ bị truy cứu trách nhiệm hình sự quốc tế. Mối quan hệ giữa cá nhân và luật quốc tế thông thường được xác lập thông qua quốc gia – chủ thể chính yếu của luật quốc tế – dựa trên quốc tịch (nationality) của cá nhân.
Vấn đề quốc tịch cũng có tính thời sự ở Việt Nam khi càng nhiều người Việt Nam mong muốn có hoặc đã nhập quốc tịch nước ngoài vì nhiều lý do khác nhau. Qua bài viết này có thể thấy rằng việc nhập tịch đơn thuần, theo nghĩa có quyết định nhập tịch và hộ chiếu của nước ngoài, có thể không có nhiều ý nghĩa pháp lý trong luật quốc tế chung.
Khái niệm “Quốc tịch”
Trong Vụ Nottebohm giữa Liechtenstein và Guantemala, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đã định nghĩa “quốc tịch” như sau:
“[…] quốc tịch là một mối liên kết pháp lý có cơ sở dựa trên một thực tế xã hội về sự gắn kết, một mối liên kết đặc thù về việc tồn tại, lợi ích và quan điểm, cùng với sự tồn tại của các quyền và nghĩa vụ qua lại. Có thể cho rằng điều đó cấu thành một sự thể hiện pháp lý của một thực tế rằng một cá nhân được trao quốc tịch, trực tiếp theo luật hoặc do quyết định của cơ quan có thẩm quyền, trên thực tế có mối liên kết gần gũi hơn với dân cư của Quốc gia trao quốc tịch hơn dân cư của các Quốc gia khác.”[1]
Có thể thấy quốc tịch trước hết là một mối liên kết pháp lý (a legal bond) giữa một cá nhân và một quốc gia. Mối liên kết pháp lý này được hình thành dựa trên thực tế xã hội rằng một cá nhân tồn tại luôn có sự gắn kết (attachment) với một cộng đồng dân cư về nhiều mặt (sự tồn tại, lợi ích và quan điểm, cũng như gắn kết về quyền và nghĩa vụ qua lại với nhau). Do được hình thành dựa trên thực tế xã hội như vậy, nên Tòa ICJ mới cho rằng quốc tịch là “một sự thể hiện pháp lý của một thực tế” (a juridical expression of the fact) .
Quốc tịch là vấn đề thuộc chủ quyền quốc gia
Luật quốc tế không can thiệp nhiều – hay nói cách khác, không có nhiều quy định điều chỉnh vấn đề quốc tịch – vấn đề này thuộc về chủ quyền quốc gia. Mỗi quốc gia có quyền tự quyết định việc ai là công dân của mình và dựa trên căn cứ nào để trao quốc tịch.[2] Trong Vụ Nottebohm nêu trên, Tòa ICJ tuyên bố rằng:
“Chính Liechtenstein, cũng giống như với mỗi Quốc gia có chủ quyền, tự quyết định trong nội luật của mình các quy định liên quan đến việc xác định quốc tịch, và trao quốc tịch bằng việc cho nhập tịch theo quyết định của cơ quan chức năng của mình phù hợp với nội luật của mình… Điều này ngầm định trong một nguyên tắc rộng rãi hơn rằng quốc tịch là vấn đề thuộc về thẩm quyền nội bộ của quốc gia.”[3]
Tòa giải thích rằng lý do mà vấn đề quốc tịch thuộc thẩm quyền nội bộ quốc gia là vì các quốc gia có điều kiện nhân khẩu học (demographic conditions) khác nhau đến mức “không thể đạt được bất kỳ thỏa thuận chung nào về các quy định liên quan đến quốc tịch.”[4] Do đó, cách tốt nhất là để vấn đề này cho từng quốc gia quyết định.[5]
Tuy nhiên, có một điểm mà Tòa ICJ đặc biệt lưu ý là các quy định điều chỉnh vấn đề quốc tịch mà từng quốc gia đặt ra không nhất thiết phải được các quốc gia khác công nhận, trừ khi thỏa mãn một điều kiện. Điều kiện đó là quốc gia đó các quy định đó phù hợp với:
“mục tiêu chung khi gắn mối liên kết pháp lý của quốc tịch phù hợp với mối liên hệ đặc thù của một cá nhân với Quốc gia muốn bảo hộ cho công dân của mình [..] chống lại các Quốc gia khác.”[6]
Như vậy, có vẻ Tòa ICJ cho rằng mặc dù vấn đề quốc tịch là vấn đề thuộc thẩm quyền quốc gia, các quy định và thực thực thi quy định điều chỉnh quốc tịch của một quốc gia chỉ có thể có hiệu lực quốc tế nếu dựa trên “mối liên hệ đặc thù của một cá nhân với Quốc gia” đó. Nói đơn giản là một người có quốc tịch của một quốc gia sẽ chỉ được các quốc gia khác công nhận quốc tịch đó nếu giữa người đó với quốc gia mà người đó mang quốc tịch có một mối liên hệ đặc thù. Nếu không có bất kỳ mối liên hệ nào mang tính đặc thù thì quốc tịch đó có thể không được công nhận. Nhận định này phù hợp với quan điểm của Tòa ICJ nêu ở trên: Quốc tịch là sự thể hiện pháp lý của một thực tế gắn kết giữa một cá nhân và một quốc gia. Không có cái thực tế đó thì việc trao quốc tịch là không có căn cứ.
Vấn đề đa quốc tịch và xác định quốc tịch hữu hiệu: Vụ Nottebohm
Thực tế cho thấy không hiếm trường hợp một cá nhân có nhiều hơn một quốc tịch. Hiện tượng này có thể dẫn đến tranh chấp giữa các quốc gia. Ví dụ như trong Vụ Nottebohm nêu trên, Friedrich Nottebohm là một công dân Đức, đã định cư tại Guatemala từ năm 1905, sau đó thì ông này xin nhập quốc tịch Liechtenstein vào năm 1939. Mặc dù nhập tịch Liechtenstein, ông Nottebohm vẫn quay lại sống tại Guatemala cho đến khi bị trục xuất vào năm 1943. Tài sản của ông này cũng bị tạm thời tịch thu. Các biện pháp áp dụng đối với ông Nottebohm là các biện pháp thời chiến mà Guatemala thuộc phe Đồng minh trong Chiến tranh thế giới thứ hai đưa ra chống lại công dân của phe Phát xít, mà khi đó Guantemala cho rằng Nottebohm là công dân của Đức – nước đứng đầu phe phát xít. Nói thêm rằng ở các nước Đồng minh khác cũng có biện pháp tương tự đối với công dân hoặc người gốc từ nước thuộc phe Phát xít, ví dụ như các biện pháp đàn áp mà Mỹ áp dụng với 120.000 người gốc Nhật Bản sau khi Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng vào năm 1942, trong đó 60% là đã có quốc tịch Mỹ và 80.000 người trong đó là thế hệ thứ hai và thứ ba ở Mỹ.
Năm 1951, viện dẫn bảo hộ ngoại giao (diplomatic protection), Liechtenstein khởi kiện Guatemala để đòi Guatemala bồi thường cho ông Nottebohm do ông này bị Guatemala đối xử trái với quy định của luật quốc tế. Tòa ICJ bác bỏ đơn kiện của Liechtenstein bởi vì quốc tịch Liechtenstein của ông Nottebohm không có căn cứ thực tế để công nhận. Tòa cho rằng:
“Quốc tịch do một Quốc gia trao cho chỉ tạo ra quyền cho Quốc gia đó thực hiện quyền bảo hộ chống lại Quốc gia khác, nếu cấu thành một sự phiên dịch vào ngôn ngữ pháp lý mối liên kết của một cá nhân với Quốc gia đã trao quy chế công dân cho người đó.”[7]
Như vậy, nhận định này thống nhất với nguyên tắc mà Tòa đã nêu ở trên: Quốc tịch phải dựa trên mối liên kết thực tế giữa một cá nhân và quốc gia liên quan. Do đó, đối với ông Nottebohm, Tòa cho rằng Tòa cần xem xét liệu có mối liên kết thực sự giữa Nottebohm và Liechtenstein trong giai đoạn trước đó, tại thời điểm nhập tịch và sau khi nhập tịch có đủ chặt chẽ hơn so với mối liên hệ giữa ông này với các quốc gia khác hay không.[8] Nói cách khác, Tòa tìm xem liệu quốc tịch Liechtenstein mà Nottebohm được trao có phải là “một sự thể hiện pháp lý chính xác, thực sự và hữu hiệu một thực tế xã hội về mối liên kết” như thế hay không.[9]
Xem xét trường hợp ông Nottebohm, Tòa thấy mối liên hệ giữa ông này và Liechtenstein là gần như không có (tenuous) bởi vì ông này không có nơi ở cố định, không có cư trú lâu dài ở Liechtenstein, không có ý định định cư tại đây, người thân ông này mong muốn ông dưỡng già ở Guatemala.[10] Tòa chỉ ra rằng ông này nhập tịch Liechtenstein bởi vì muốn bỏ quốc tịch Đức (nước phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai) để nhập được sự bảo hộ bằng quốc tịch của Liechtenstein (nước trung lập), chứ không có ý định trở thành một phần của xã hội Liechstentein.[11] Tòa còn hàm ý rằng việc Liechtenstein cho ông Nottebhom nhập tịch là do lợi ích tài chính khi ông này cam kết sẽ đóng thuế cho nước này.[12]
Ngược lại, ông này có mối liên kết mạnh ơn với Guatemala: sinh ra là công dân Đức, nhưng sống và làm việc 34 năm tại Guatemala, lợi ích chủ yếu của ông này cũng ở Guatemala.[13] Tóm lại, Tòa cho rằng không có mối liên kết giữa Nottebohm và Liechtenstein mà ông này có mối liên kết chặt chẽ và dài lâu với Guatemala. Quan hệ giữa ông này và Guatemala không bị suy yếu khi ông nhập tịch Liechtenstein do việc nhập tịch không dựa trên bất kỳ mối liên kết thực sự trước đó giữa ông với Liechtenstein, và cũng không làm thay đổi cuộc sống của ông sau đó. Điều này cho thấy rằng việc trao quốc tịch này thiếu “điều kiện cần thiết về tính đặc thù” (genuineness requisite), không phù hợp với khái niệm quốc tịch trong quan hệ quốc tế và Guatemala không có nghĩa vụ phại công nhận quốc tịch Liechtenstein của ông Nottebohm.[14]
Như vậy có thể thấy rằng để quốc gia khác công nhận việc một quốc gia trao quốc tịch cho một cá nhân cần thiết phải thỏa mãn điều kiện rằng quốc tịch đó có căn cứ dựa trên mối liên kết gần gũi và thực sự giữa cá nhân đó và quốc gia liên quan. Điều này gợi ý rằng đối với một cá nhân có nhiều quốc tịch, các quốc gia và cơ quan tài phán quốc tế chỉ công nhận quốc tịch của quốc gia mà người đó có mối quan hệ gần gũi và thực sự – hay còn gọi là “quốc tịch hữu hiệu” (effective nationality).
Trong bối cảnh nhiều người ở Việt Nam mong muốn có quốc tịch thứ hai vì nhiều lý do thì cần chú ý rằng cho đến khi nào mối liên kết của họ với Việt Nam còn chặt chẽ và gần gũi hơn so với các quốc gia mà họ nhập tịch thì quốc tịch hữu hiệu được quốc tế công nhận vẫn sẽ là quốc tịch Việt Nam. Quốc gia mà họ xin nhập tịch không có cơ sở pháp lý để bảo hộ ngoại giao cho họ.
Trần H. D. Minh
———————————————————-
[1] Vụ Nottebohm (Liechtenstein v. Guatemala), Phán quyết của Tòa ICJ năm 1955, tr. 23.
[2] Malcolm N Shaw, International Law, 6th ed. (Cambridge University Press 2008) 258.; Jan Klabbers, International Law (Cambridge University Press 2013) 118-119.
[3] Vụ Nottebohm, tr. 20. [4] Như trên, tr. 23. [5] Như trên. [6] Như trên. [7] Như trên. [8] Như trên, tr. 24. [9] Như trên. [10] Như trên, tr. 25-26. [11] Như trên, tr. 26. [12] Như trên, tr. 25-26. [13] Như trên, tr. 26. [14] Như trên.