Bối cảnh – Năm lý do Maldives phản đối thẩm quyền của Viện – Anh là bên thứ ba không thể thiếu? – Tranh chấp chủ quyền Quần đảo Chagos đã được giải quyết? – Đàm phán có phải là điều kiện tiên quyết trước khi khởi kiện? – Không có tranh chấp? – Lạm dụng thủ tục? – Đệ trình liên quan đến Điều 74(3) và 83(3)
Ngày 28.01.2021, Viện Đặc biệt (Special Chamber) thuộc Toà án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) đã ra phán quyết về thẩm quyền trong Vụ phân định ranh giới biển giữa Mauritius và Maldives trên Ấn Độ Dương. Viện xác định có thẩm quyền để thụ lý và xét xử tranh chấp giữa hai nước.
Xem nguyên văn Phán quyết (eng), tóm tắt của Thư ký Toà (eng), Tuyên bố chung của Thẩm phán ad hoc Oxman và Schrijver (eng), và Ý kiến riêng và phản đối của Thẩm phán ad hoc Oxman (eng).
Bối cảnh
Mauritius và Maldives là hai quốc đảo thuộc Ấn Độ Dương. Các đảo chính của hai nước cách nhau rất xa, khoảng 2.750 km. Điều này tưởng chừng như không thể có vùng biển chồng lấn cần được phân định giữa hai nước. Tuy vậy, ngày 23.8.2019, Mauritius gửi thông báo khởi kiện Maldives liên quan đến tranh chấp phân định biển giữa hai nước.
Theo thông báo khởi kiện của Mauritius, vụ việc được đệ trình theo thủ tục trọng tài được trù định tại Phụ lục VII của Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) – đây là thủ tục được áp dụng trong Vụ kiện Biển Đông giữa Philipines và Trung Quốc. Với sự tham vấn của Chánh án Toà ITLOS, hai nước đồng ý chuyển vụ việc sang xét xử tại một viện đặc biệt thuộc Toà ITLOS. Đây không phải là lần đầu tiên Toà ITLOS thuyết phục thành công các bên tranh chấp thay đổi thủ tục giải quyết tranh chấp (post).
Viện đặc biệt là thủ tục được quy định tại Điều 15(2) của Quy chế Toà ITLOS – chính là Phụ lục VI của UNCLOS. Điều này quy định rằng: “Toà sẽ thành lập một viện để xử lý một tranh chấp cụ thể được đệ trình lên Toà nếu các bên có yêu cầu. Thành phần của viện sẽ được Toà quyết định với sự chấp nhận của các bên.”
Thoả thuận đặc biệt đệ trình tranh chấp lên viện đặc biệt được ký vào ngày 24.9.2019, trong đó quy định rằng Viện có 09 thành viên, gồm 07 thẩm phán đượng nhiệm của ITLOS và hai thẩm phán ad hoc. Các thẩm phán bao gồm Jin-Hyun Paik (Chủ tịch), Jose Luis Jesus, Jean-Pieere Cot, Shunji Yanai, Boualem Bouguetaia, Tomas Heidar và Neeru Chadha. Thẩm phán ad hoc gồm GS. Bernard Oxman (người Mỹ) do Maldives chỉ định và Nicolaas Schrijver (người Hà Lan) do Mauritius chỉ định.
Maldives phản đối thẩm quyền của Viện Đặc biệt
Maldives cho rằng Viện không có thẩm quyền bởi vì yêu sách của Mauritius xuất phát từ Quần đảo Chagos cách Maldives khoảng 600 km. Quần đảo hiện đang được Anh quản lý (Anh gọi quần đảo này là British Indian Ocean Territory – BIOT). Quần đảo trước đó là một phần của thuộc địa Mauritius của Anh. Trước khi trao trả độc lập cho Mauritius, Anh đã tách quần đảo này và thành lập thành một lãnh thổ hải ngoại riêng. Năm 2019, Toà án Công lý Quốc tế (ICJ) đã cho ý kiến tư vấn rằng việc Anh tách quần đảo Chagos khỏi thuộc địa Mauritius là vi phạm quy định của luật quốc tế về phi thuộc địa hoá. Toà yêu cầu Anh phải nhanh chóng chấm dứt việc quản lý quần đảo này (post). Tuy nhiên, Anh từ chối thực hiện yêu cầu của Toà, tiếp tục duy trình yêu sách chủ quyền đối với quần đảo (post).
Maldives đưa ra năm lý do phản đối thẩm quyền [79]: (1) Anh là một bên thứ ba không thể thiếu (an indispensable third party) trong vụ việc nhưng lại vấn mặt, (2)Viện đặc biệt không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với Quần đảo Chagos trong khi đây là vấn đề cần được giải quyết trước khi phân định biển, (3) Maldives và Mauritius chưa tham vấn theo quy định tại Điều 74 và 83 của UNCLOS, (4) thực chất không hề có bất kỳ tranh chấp nào giữa Mauritius và Maldives liên quan đến phân định biển, và (5) các đệ trình của Mauritius cấu thành việc lạm dụng thủ tục (an abuse of process) và do đó nên bị từ chối thụ lý.
Anh có phải là một bên không thể thiếu?
Maldives viện dẫn nguyên tắc Tiền vàng (Monetary Gold principle) – được Toà ICJ lần đầu đưa ra trong Vụ tiền vàng bị chuyển khỏi Rome năm 1943 năm 1954, và được xác nhận trong Vụ Đông Timor năm 1995. Theo nguyên tắc này, cơ quan tài phán quốc tế sẽ không xem xét một tranh chấp nếu tranh chấp đó liên quan đến quyền hay lợi ích của một bên thứ ba. Maldives cho rằng trong vụ việc này Anh là một bên thứ ba không thể thiếu bởi vì nước này đang quản lý và vẫn đang yêu sách chủ quyền với Quần đảo Chagos. Trong khi đó việc phân định biển giữa Mauritius và Maldives chỉ có thể thực hiện nếu tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo này được giải quyết. Chỉ khi đó mới xác định được vùng biển thuộc về Mauritius, phạm vi của vùng biển đó và liệu có chồng lấn với vùng biển của Maldives hay không, và nếu có chồng lấn thì phạm vi vùng chồng lấn.
Anh không tham gia vụ việc này và cũng không đồng ý chấp nhận thẩm quyền của Viện đặc biệt. Do đó, theo Maldives, việc xem xét tranh chấp chủ quyền sẽ ảnh hưởng đến quyền của Anh, và theo nguyên tắc Tiền vàng, Viện đặc biệt không thể có thẩm quyền xem xét vấn đề này. Từ đó, Viện cũng không có thẩm quyền để xem xét tranh chấp phân định biển.
Viện đặc biệt cho rằng như trong Phán quyết của Toà ITLOS trong Vụ tàu Norstar đã khẳng định, nguyên tắc Tiền vàng là “một quy định thủ tục đã được xác lập vững chắc trong tố tụng tài phán quốc tế” [97]. Mauritius và Maldives cũng đồng ý giá trị pháp lý của nguyên tắc này (nt), tuy nhiên hai bên bất đồng về việc liệu nguyên tắc có thể áp dụng trong trường hợp này hay không. Theo Viện, vấn đề cốt yếu là xác định liệu tranh chấp chủ quyền giữa Mauritius và Anh liên quan đến Quần đảo Chagos đã đã được giải quyết xong hay vẫn đang tồn tại [98]. Theo đó, nếu tranh chấp còn tồn tại thì Anh sẽ là một bên thứ ba không thể thiếu và nguyên tắc Tiền vàng sẽ ngăn Viện thực thi thẩm quyền trong vụ việc này. Ngược lại, nếu tranh chấp đã được giải quyết thì nguyên tắc này không áp dụng [99].
Như kết luận của Viện về quy chế pháp lý của Quần đảo Chagos rằng Mauritius có chủ quyền đối với Quần đảo Chagos (xem bên dưới), Viện cho rằng Anh không có “đủ lợi ích pháp lý, chưa nói đến việc được xem là một bên thứ ba không thể thiếu” trong vụ việc này [247]. Viện bác bỏ lý do phán đối của Maldives [248].
Viện không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp chủ quyền Quần đảo Chagos?
Maldives cho rằng như thế bởi vì (i) Điều 288(1) UNCLOS quy định cơ quan tài phán được thành lập theo UNCLOS chỉ có thẩm quyền đối với tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước, trong khi tranh chấp chủ quyền không được UNCLOS điều chỉnh và (ii) về bản chất, tranh chấp mà Mauritius đệ trình thực chất là nước này muốn xác nhận lại một cách gián tiếp chủ quyền của mình đối với Quần đảo Chagos, chứ không phải nhằm phân định biển.
Viện đồng ý với Maldives rằng, như trong Vụ kiện Biển Đông đã xác nhận về nguyên tắc, Viện không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp chủ quyền [110]. Về bản chất của vụ việc, Viện cho rằng đúng là yêu sách biển của Mauritius dựa trên tiền đề là nước này có chủ quyền đối với Quần đảo Chagos [113]. Do đó, câu hỏi quan trọng nhất là quy chế pháp lý của Quần đảo này [115].
Vấn đề chủ quyền đối với Quần đảo Chagos được xem xét trong hai vụ việc: Vụ thành lập khu vực bảo tồn biển (Mauritius v. Anh) trước Toà trọng tài theo Phụ lục VII UNCLOS (Phán quyết trọng tài năm 2015), và Vụ quan đến việc chia tách Quần đảo Chagos khỏi Mauriitus năm 1965 trước Toà ICJ (Ý kiến tư vấn năm 2019). Viện đặc biệt đã dành một phần rất dài, hơn 30 trang, trong Phán quyết để xem xét phán quyết và ý kiến tư vấn trên (tr. 37-73, đoạn [120]-[246]).
Viện kết luận như sau [246]:
(1) Toà trọng tài công nhận rằng có tranh chấp chủ quyền giữa Mauritius và Anh đối với Quần đảo Chagos và xác nhận mình không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp này. Nhưng Toà công nhận Anh đã cam kết một số quyền mà Mauritius được hưởng liên quan đến Quần đảo này, bao gồm quyền đánh bắt cá, quyền được nhận lại quần đảo khi Anh không sử dụng cho mục đích quốc phòng, và quyền đối với tài nguyên khoáng sản. Điều này cho thấy rằng Quần đảo Chagos có “một quy chế đặc biệt” (a special regime) mà Maurities có một số quyền trên biển; và
(2) Toà ICJ đã khẳng định việc Anh chia tách Quần đảo khỏi Mauritius vào năm 1965 là vi phạm luật quốc tế, do đó, việc nước này tiếp tục yêu sách chủ quyền đối với quần đảo này là trái với kết luận trên. Trong khi tiến trình phi thuộc địa còn chưa hoàn thành, chủ quyền của Mauritius đối với Quần đảo này có thể được suy luận từ các kết luận của Toà ICJ.
Dựa trên các kết luận trên, Viện cho rằng Mauritius là quốc gia ven biển trong quan hệ với Quần đảo Chagos trong vụ việc phân định biển này [250]. Lý do phản đối thẩm quyền thứ hai của Maldives bị bác bỏ.
Đàm phán có phải là một điều kiện tiên quyết trước khi khởi kiện?
Maldives cho rằng theo Điều 74 và 83 UNCLOS, các bên cần đàm phán trước khi mang tranh chấp phân định biển ra giải quyết ở một cơ quan tài phán quốc tế [252]. Hai điều này có nội dung giống nhau, chỉ khác nhau là Điều 74 quy định về vùng đặc quyền kinh tế trong khi Điều 83 quy định về thềm lục địa [268]. Viện đặc biệt cho rằng hai điều này nhấn mạnh về nguyên tắc rằng “không một Quốc gia nào sẽ giải quyết vấn đề ranh giới trên biển một cách đơn phương mà cần giải quyết thông qua thoả thuận giữa các Quốc gia liên quan hoặc thông qua các thủ tục được trù định tại Phần XV nếu không đạt được thoả thuận trong một thời gian hợp lý” [271].
Viện cho rằng, như Toà ICJ đã xác nhận trong Vụ Somalia v. Kenya, Điều 74(1) và 83(1) “có quy định một nghĩa vụ đàm phán thiện chí nhằm đạt thoả thuận phân định. Tuy nhiên, nghĩa vụ này không yêu cầu các Quốc gia liên quan phải thực sự đạt thoả thuận” [273]. Nếu không đạt được thoả thuận trong một thời gian hợp lý, Điều 74(2) và 83(2) quy định việc sử dụng các cơ quan tài phán tại Phần XV của UNCLOS [274-275].
Theo tài liệu mà Viện có, Mauritius và Maldives đã có trao đổi về vấn đề phân định biển, và chính Maldives đã không trả lời đề nghị đàm phán tiếp tục với Mauritius [291]. Do đó, Mauritius không làm gì thêm trong việc thúc đẩy đàm phán (nt). Đây là tình huống “không đạt thoả thuận trong thời gian hợp lý” như quy định ở Điều 74(2) và 83(2). Như vậy, việc đệ trình tranh chấp lên Viện phù hợp với quy định tại Điều 74 và 83.
Không tồn tại một tranh chấp phân định biển giữa Mauritius và Maldives?
Maldives cho rằng (i) cho đến khi nào Mauritius chưa giải quyết xong tranh chấp chủ quyền đối với Quần đảo Chagos, chưa thể xác định chính xác và rõ ràng Mauritius là quốc gia ven biển đối với Quần đảo này thì không thể nói là có tranh chấp phân định biển với Maldives. Hơn nữa, (ii) không có đủ bằng chứng cho thấy hai nước có yêu sách chống trái nhau.
Viện đặc biệt không đồng ý lập luận của Maldives. Ở trên, Viện đã xác định rằng Mauritius là quốc gia ven biển đối với Quần đảo Chagos [321]. Viện cũng xác định rằng hai nước đã từng trao đổi với nhau về khả năng có vùng biển chồng lấn, cũng như đã có phản ứng ngoại giao liên quan đến các đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng, trong đó có nhắc đến vùng biển tạo ra từ Quần đảo Chagos. Do đó, Viện xác định hai nước có quan điểm khác nhau, và phản ứng lại yêu sách của nhau [332]. Xem thêm post về định nghĩa “tranh chấp” trong án lệ quốc tế.
Vụ kiện cấu thành “một hành vi lạm dụng thủ tục”?
Maldives cho rằng mục đích thực sự của vụ kiện này là để xác nhận lại chủ quyền của Mauritius đối với Quần đảo Chagos [339]. Mauritius đã muốn đạt được mục đích này, nhưng không thành công, trong Vụ khu vực bảo tồn biển trước đó. Do đó, nước này mới khởi kiện vụ kiện này. Mục đích của vụ kiện, theo Maldives, không phải là phân định biển. Hành vi này cấu thành việc lạm dụng thủ tục.
Viện không chấp nhận quan điểm của Maldives. Viện cho rằng các đệ trình của Mauritius trong vụ kiện này hoàn toàn phù hợp với quy định tại Điều 74 và 83 của UNCLOS về phân định biển [348]. Do đó, không thể nói rằng Mauritius đang lạm dụng thủ tục ở đây [349]. Điều này ngầm thấy rằng Viện không quan tâm đến việc suy diễn mục đích thực sự của một vụ kiện mà chỉ quan tâm đến liệu vụ kiện có được kích hoạt phù hợp với các quy định của Công ước hay không.
Đệ trình của Mauritius liên quan đến Điều 74(3) và 83(3)
Trong thông báo khởi kiện của mình, Mauritius cáo buộc Maldives vi phạm nghĩa vụ theo Điều 74(3) và 83(3) liên quan đến nghĩa vụ tự kiềm chế trong giai đoạn tiền phân định. Theo quy định này, trong giai đoạn chưa phân định biển, các bên có nghĩa vụ, trên tinh thần hợp tác và thấu hiểu, phải nỗ lực đạt được các dàn xếp tạm thời có tính chất ứng dụng thực tế và phải nỗ lực hết sứ để không làm tổn hại hay ngăn cản việc đạt được thoả thuận phân định. Nghĩa vụ này đã được xem xét trong Vụ Guyana v. Suriname (post) và Vụ Ghana/Côte d’Ivoire (post). Do các bên không tranh tụng nhiều về vấn đề này nên Viện quyết định sẽ xem xét vấn đề thẩm quyền đối với đệ trình này trong giai đoạn sau [353].
Trần H.D. Minh
Trả lời