[169] Vấn đề thụ đắc lãnh thổ đối với các bãi lúc nổi lúc chìm

Theo luật quốc tế về thụ đắc lãnh thổ, một quốc gia có thể thụ đắc – theo nghĩa xác lập chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ – thông qua các phương thức như chiếm hữu lãnh thổ vô chủ, chiếm hữu theo thời hiệu, chuyển nhượng và tác động của tự nhiên. Thông thường, lãnh thổ được hiểu chung là lãnh thổ đất liền hay đảo luôn nổi khi thủy triều lên cao. Câu hỏi đặt ra là liệu một quốc gia có thể thụ đắc đối với một bãi  nổi lúc chìm (low-tide elevation) hay không?

Trong Phán quyết ngày 12.7.2016, khi xem xét đệ trình của Philippines liên quan đến việc Trung Quốc có ý định thụ đắc lãnh thổ đối với Bãi Vành Khăn (Mischief Reef) thông qua việc xây dựng đảo nhân tạo trên bãi này. Tòa trọng tài xác định Bãi Vành Khăn là một bãi lúc nổi lúc chìm,[1] và thuộc về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines.[2] Tòa khẳng định rằng

“các bãi lúc nổi lúc chìm ‘không là một phần của lãnh thổ đất liền của một Quốc gia về pháp lý’. Thay vào đó, các thực thể như thế là một phần của lãnh thổ chìm của một Quốc gia, và, trong trường hợp Bãi Vành Khăn, thuộc quy chế pháp lý của thềm lục địa. Như vậy, các bãi lúc nổi lúc chìm, khác với lãnh thổ đất liền, không thể được thụ đắc… Bãi Vành Khăn là một bãi lúc nổi lúc chìm, và như vậy bãi này không có khả năng được thụ đắc thông qua chiếm hữu hay bằng các phương thức khác.”[3]

SCS LTEs

Tòa cũng kết luận tương tự với Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), Đá Xu Bi (Subi Reef), Đá Lạc (Gaven Reef – South).[4] Tòa lưu ý rằng mặc dù một quốc gia không thể thụ đắc đối với bãi lúc nổi lúc chìm, nhưng quốc gia đó vẫn có thể có chủ quyền đối với bãi lúc nổi lúc chìm nếu bãi này nằm trong lãnh hải của quốc gia đó.[5]

Tòa trọng tài cho rằng bãi lúc nổi lúc chìm không phải là “lãnh thổ” để có thể thụ đắc theo luật quốc tế về thụ đắc lãnh thổ, mà lãnh thổ cần thiết phải là lãnh thổ đất liền (“land territory”). Nói cách khác, các quốc gia chỉ có thể thụ đắc đối với lãnh thổ luôn nổi trên mặt nước biển khi thủy triều lên cao, bao gồm đất liền và các đảo hay đá. Như vậy, có thể rút ra kết luận rằng các bãi ngầm cũng không thể là đối tượng thụ đắc của các quốc gia.

Về căn cứ pháp lý, Tòa trọng tài không nói rõ cơ sở pháp lý của nhận định trên (điều ước quốc tế hay tập quán quốc tế). Tòa trọng tài chỉ đơn giản trích lại quan điểm của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) trong Phán quyết năm 2012 trong Vụ tranh chấp lãnh thổ và biển giữa Nicaragua và Colombia.[6] Trong South China Sea Arbitration: A Critical Study của tập thể học giả Trung Quốc cũng chỉ ra điểm này (Critical Study này dài hơn 542 trang, phê phán nặng nề phán quyết của Toà trọng tài – và là một cách hành xử “ngoài quy chuẩn” chưa từng có tiền lệ trong giới học giả luật quốc tế). Các học giả Trung Quốc cho rằng “nhận định của Toà ICJ trong vụ việc đó không nhất thiết và cũng không có căn cứ theo luật” ([628]).

Trong Phán quyết năm 2012 đó, Tòa ICJ cho rằng:

“Luật quốc tế xác định rõ ràng rằng các đảo, dù nhỏ đến mức nào, cũng có thể được thụ đắc (xem, ví dụ Vụ việc về các vấn đề liên quan đến Phân định biển và lãnh thổ giữa Qatar và Bahrain (Qatar v. Bahrain), Phán quyết về nội dung, I.C.J. Reports 2001, tr. 102, đoạn 206). Ngược lại, các bãi lúc nổi lúc chìm không thể được thụ đắc, mặc dù ‘Quốc gia ven biển có thể có chủ quyền đối với các bãi lúc nổi lúc chìm nằm trong lãnh hải của mình, bởi vì quốc gia đó có chủ quyền đối với chính vùng lãnh hải đó’ (như trên, tr. 101, đoạn 204)…”[7]

Nica v Col 2012 LTEs

Có thể thấy là Toà ICJ cũng không trích dẫn bất kỳ điều khoản điều ước hay tập quán quốc tế nào, mà chỉ dẫn lại phán quyết trước đây của mình trong Vụ Qatar v. Bahrain.

Nhìn kỹ vào trong Vụ Qatar v. Bahrain nêu trên, chúng ta lại thấy rằng Tòa ICJ có nhận định như vậy về tính không thể thụ đắc của của bãi lúc nổi lúc chìm, nhưng Toà cũng không chỉ rõ cơ sở pháp lý cho nhận định của mình. Toà lập luận rằng:

“205. Luật điều ước quốc tế im lặng về vấn đề liệu các bãi lúc nổi lúc chìm có thể được xem là “lãnh thổ” hay không. Tòa cũng không có thông tin về thực tiễn quốc gia thống nhất và phổ biến để có thể hình thành một quy định tập quán rõ ràng cho phép hay loại trừ khả năng thụ đắc các bãi lúc nổi lúc chìm. Chỉ trong bối cảnh luật biển mới có một số quy định cho phép liên quan đến các bãi lúc nổi lúc chìm nằm trong khoảng cách ngắn so với bờ biển.

206. Một số quy định hiện hành không thể được dùng để rút ra một nhận định chung rằng các bãi lúc nổi lúc chìm là lãnh thổ theo cùng nghĩa với các đảo. Không có nghi ngờ rằng các đảo được xem là lãnh thổ và được điều chỉnh theo các quy định và nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ; có sự khác biệt đáng kể trong quy chế mà luật biển quy định cho đảo và bãi lúc nổi lúc chìm. Do đó, trong khi không có quy định và các nguyên tắc pháp lý khác, không thể xác lập rằng các bãi lúc nổi lúc chìm có thể, từ góc độ thụ đắc chủ quyền, được xem như giống hoàn toàn với các đảo hay lãnh thổ đất liền khác.”[8]

Qatar v Bahrain LTEs

Lập luận của Tòa ICJ dựa trên suy luận hai bước. Thứ nhất, Tòa tìm nhưng không thấy bất kỳ quy định rõ ràng trong điều ước quốc tế và tập quán quốc tế điều chỉnh vấn đề liệu các bãi lúc nổi lúc chìm có thể là đối tượng thụ đắc lãnh thổ hay không. Đây là điểm mà tập thể học giả Trung Quốc trong Critical Study nêu trên nhấn mạnh vào ([629]). Thứ hai, khi không có bất kỳ quy định điều chỉnh thì Tòa suy luận gián tiếp từ các quy định của luật biển quốc tế. Do luật biển quốc tế có quy định khác nhau về quy chế pháp lý của bãi lúc nổi lúc chìm và đảo, nên Tòa cho rằng đảo và bãi lúc nổi lúc chìm không thể được đối xử giống nhau. Và như vậy, trong khi đảo là đối tượng thụ đắc lãnh thổ thì bãi lúc nổi lúc chìm không thể.

Có thể thấy rằng tính không thể thụ đắc của bãi lúc nổi lúc chìm được hình thành qua các án lệ nhất quán của Toà ICJ, chứ không phải qua con đường thông thường của việc tạo-luật trong luật quốc tế. Điều này không có gì là lạ, nhất là trong ngành luật quốc tế về thụ đắc lãnh thổ, ngành luật mà các quy định được tìm thấy trong các án lệ quốc tế là chủ yếu.

Trần H. D. Minh

————————————————————-

[1] Vụ kiện Biển Đông (Philippines v. Trung Quốc), Phán quyết ngày 12.7.2016 của Tòa trọng tài theo Phụ lục VII UNCLOS, tr. 167 – 172.   [2] Như trên, tr. 413, đoạn 1030.   [3] Như trên, tr. 415, đoạn 1040.   [4] Như trên, tr. 474, đoạn 1203(B)(4) và (5).   [5] Như trên, tr. 132, đoạn 309.   [6] Như trên, tr. 132, đoạn 209, footnote số 287.

[7] Vụ tranh chấp lãnh thổ và biển (Nicaragua v. Colombia), Phán quyết của Toa ICJ năm 2012, tr. 641, đoạn 26.

[8] Vụ Qatar v. Bahrain (Qatar v. Bahrain), Phán quyết năm 2001 của Tòa ICJ, tr. 101 – 102, đoạn 205 – 206.

Bình luận về bài viết này

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑