[35] Luật pháp quốc tế về thụ đắc lãnh thổ

Khái quát về thụ đắc lãnh thổ – Chuyển nhượng lãnh thổ –  Sự hình thành lãnh thổ mới – Chiếm hữu – Chiếm hữu theo thời hiệu – Sử dụng vũ lực/Xâm lược. 

Thụ đắc lãnh thổ là việc một quốc gia (xem thêm Định nghĩa Quốc gia trong luật quốc tế) xác lập chủ quyền của mình đối với một vùng lãnh thổ mới, hay nói cách khác, mở rộng lãnh thổ hiện của của mình, thêm một vùng lãnh thổ mới vào bản đồ lãnh thổ quốc gia của mình.

Luật pháp quốc tế về thụ đắc lãnh thổ là một ngành luật sớm xuất hiện và có vai trò quan trọng. Các quy định về thủ đắc lãnh thổ giúp giải quyết câu hỏi làm thế nào một quốc gia có thể xác lập chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ mới một cách hợp pháp chống lại các yêu sách của các quốc gia khác. Qua lịch sử phát triển, có vẻ không có bất kỳ quốc gia nào không có biến động về lãnh thổ, và ngành luật quốc tế này sẽ hợp pháp hóa hoặc bất hợp pháp hóa các biến động này.

Đối với Việt Nam, lịch sử đất nước đi cùng với lịch sử mở mang bờ cõi từ đồng bằng sông Hồng đến miền trung và rồi đến miền nam hình thành lãnh thổ đất nước hình chữ S như ngày nay. Trong quá trình lịch sử đôi lúc lãnh thổ Việt Nam mở rộng, đôi lúc lại thu hẹp. Hiện nay vẫn còn những vùng lãnh thổ của Việt Nam vẫn bị nước khác tranh chấp, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đôi khi có một số tiếng nói cho rằng đây là lãnh thổ của Campuchia. Để xác định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo trên và để phản bác mọi nghi ngờ về chủ quyền của Việt Nam ở đồng bằng sông Cửu Long và ở mọi vùng lãnh thổ khác trên đất nước, các quy định của luật quốc tế về thụ đắc lãnh thổ cần được tìm hiểu kỹ càng.

Luật pháp quốc tế cho phép 04 cách thức thụ đắc lãnh thổ chính: (1) chuyển nhượng, (2) sự hình thành lãnh thổ mới, (3) chiếm hữu, và (4) chiếm hữu theo thời hiệu. Trước đây, luật pháp quốc tế còn cho phép cách thức thứ năm là (5) sử dụng vũ lực/xâm lược. Dưới đây sẽ tóm tắt các yêu cầu để thụ đắc lãnh thổ theo từng cách thức và có liên hệ với Việt Nam nếu phù hợp.

1. Chuyển nhượng

Chuyển nhượng lãnh thổ giữa các quốc gia là một cách thức hợp pháp và hòa bình, qua đó một quốc gia chuyển nhượng một phần lãnh thổ thuộc chủ quyền của mình cho một quốc gia khác thông qua một điều ước quốc tế có hiệu lực pháp lý. Cách thức này tương tự như việc mua bán, chuyển nhượng tài sản giữa các cá nhân, pháp nhân thông qua một hợp đồng hợp pháp phù hợp với pháp luật quốc gia.

Yêu cầu duy nhất để bảo đảm thụ đắc lãnh thổ hợp pháp theo cách thức này là phải bảo đảm điều ước chuyển nhượng có hiệu lực theo luật pháp quốc tế, tức là được ký kết trong những hoàn cảnh không dẫn chế vô hiệu điều ước quốc tế. Các trường hợp điều ước quốc tế bị vô hiệu, qua đó việc chuyển nhượng và thụ đắc lãnh thổ bị vô hiệu, được quy định trong Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế năm 1969, bao gồm 08 trường hợp: vi phạm luật pháp quốc gia về thẩm quyền ký kết điều ước, vi phạm các giới hạn cụ thể liên quan đến thẩm quyền thể hiện sự đồng ý chịu ràng buộc, sai sót, gian lận, tham nhũng, đe dọa đại diện quốc gia, đe dọa sử dụng hay sử dụng, và xung đột với quy phạm mệnh lệnh bắt buộc chung (jus cogens).[1] Các trường hợp vô hiệu điều ước quốc tế này có thể không tồn tại trong các thế kỷ trước khi việc đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực để ép buộc các nước ký điều ước chuyển nhượng lãnh thổ, do đó có thể không thể được sử dụng để vô hiệu các điều ước “bất bình bẳng” đó, ví dụ như các hòa ước mà Pháp buộc nhà Nguyễn ký để cắt đất nam kỳ.

Các điều ước chuyển nhượng lãnh thổ có hiệu lực erga omnes với tất cả các quốc gia khác.[2] Theo đó, chúng tạo ra các quy chế pháp lý khác quan mà sự tồn tại của các quy chế này sau khi tạo ra sẽ không phụ thuộc vào các điều ước quốc tế đã tạo ra chúng.[3]

Thực tế, chuyển nhượng lãnh thổ chỉ xuất hiện trong quá khứ và rất hiếm (hoặc gần như không) xuất hiện trong giai đoạn hiện nay do tính chất nhạy cảm và thiêng liêng của lãnh thổ quốc gia trong tâm lý dân tộc và dư luận xã hội các nước. Một số vụ chuyển nhượng lãnh thổ như vụ Nga chuyển nhượng Alaska cho Mỹ năm 1867 với số vàng trị giá 7,2 triệu đô-la,[4] và vụ Tây Ban Nha chuyển nhượng Porto Rico, đảo Guam và Philippines cho Mỹ sau khi thua trong chiến tranh Mỹ – Tây Ban Nha năm 1898.[5]

Trong lịch sử Việt Nam cũng có một số lần chuyển nhượng lãnh thổ. Ví dụ như Chân Lạp (ngày nay là Campuchia) dâng đất các tỉnh nam bộ cho chúa Nguyễn vào năm nửa sau thế kỷ XVIII như quà tạ ơn cho các lần chúa Nguyễn giúp các vua Chân Lạp dẹp loạn, lên ngôi.[6]  Thời nhà Nguyễn có các thỏa thuận chuyển nhượng với Pháp sau khi thua trận trong nỗ lực chống Pháp xâm lược của triều đình nhà Nguyễn (Hòa ước Nhâm Tuất năm 1862 nhượng ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường; Hòa ước Giáp Tuất năm 1874 nhượng sáu tỉnh nam kỳ; và Hòa ước Quý Mùi năm 1883 chuyển nhượng tỉnh Bình Thuận (Hòa ước Harmand)).[7] Pháp cũng đã cắt nhượng một số vùng lãnh thổ của Việt Nam cho Nhà Thanh (Trung Quốc) theo Công ước Hoạch định biên giới năm 1887 (Công ước Pháp – Thanh), như mũi Bắc Luân, vùng Giang Bình, tổng Bát Tràng – Kiến Duyên, tổng Đèo Luông, tổng Tụ Long và một số nơi khác.[8]

2. Sự hình thành lãnh thổ mới

Trong trường hợp một vùng lãnh thổ mới xuất hiện theo tiến trình vận động của tự nhiên trong phạm vi lãnh thổ hiện có của một quốc gia thì quốc gia đó có quyền xác lập chủ quyền đối với vùng lãnh thổ mới hình thành này. Nghĩa là quốc gia đó thụ đắc một cách tự động và mặc nhiên, trừ khi có ý định khác. Ví dụ như việc xuất hiện hòn đảo trong lãnh hải, nội thủy do núi lửa phun trào hay bồi đấp của hải lưu hay hình thành cù lao trên các dòng sông. Nếu những hòn đảo mới hình thành bên ngoài lãnh hải của quốc gia, cách thức thụ đắc này không thể được áp dụng.

Trong những năm gần đây cũng có một số hòn đảo mới xuất hiện do núi lửa phun trào dưới biển như đảo Niijima của Nhật Bản xuất hiện năm 2013,[9] hay đảo Hunga Ha’apai của Tonga được mở rộng năm 2015.[10]

Một vấn đề liên quan trong cách thức thụ đắc này là việc dịch chuyển của các dòng sông biên giới. Các dòng sông thường xuyên được các quốc gia sử dụng để làm biên giới, do tính chất chia tách tự nhiên của chúng. Qua thời gian, với tác động của dòng chảy và các yếu tố khác, dòng sông có thể bị dịch chuyển (bên lỡ bên bồi), và khi đó đặt ra câu hỏi đường biên giới giữa các quốc gia hai bên bờ có dịch chuyển theo dòng chảy mới hay không? Liệu quốc gia bên bồi có được thêm lãnh thổ và quốc gia bên lỡ sẽ bị mất lãnh thổ? Câu trả lời phụ thuộc vào cách thức dịch chuyển của dòng sông. Nếu dòng sông dịch chuyển một cách nhanh chóng vả dữ dội, quy định chung là đường biên giới sẽ vẫn như cũ tại vị trí lòng sông cũ.[11] Nhưng nếu dòng sông dịch chuyển từ từ đường biên giới có thể sẽ dịch chuyển theo.[12] Để tránh hiện tượng này ngày nay các đường biên giới trên sông thường được xác định bằng tọa độ cố định.

Việt Nam và các nước láng giềng Trung Quốc, Lào và Campuchia có các điều ước hoạch định và cắm mốc biên giới, trong đó cũng đã dự trù trước trường hợp có lãnh thổ mới xuất hiện trên các sông, suối biên giới. Điều V Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc quy định:

Bất kỳ sự thay đổi nào có thể xảy ra đối với sông suối biên giới đều không làm thay đổi hướng đi của đường biên giới, không ảnh hưởng đến vị trí của đường biên giới Việt – Trung đã được xác định trên thực địa cũng như sự quy thuộc của các cồn, bãi, trừ khi hai bên ký kết có thỏa thuận khác. Những cồn, bãi mới xuất hiện trên sông suối biên giới sau khi đường biên giới đã được xác định trên thực địa sẽ được phân định theo đường biên giới đã được xác định trên thực địa. Nếu các cồn, bãi mới xuất hiện nằm trên đường biên giới đã được xác định trên thực địa thì hai bên ký kết sẽ bàn bạc xác định sự quy thuộc trên cơ sở công bằng, hợp lý.”[13]

Điều III Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Lào năm 1977 quy định:

“2) Những cù lao và bãi bồi ở hai bên đường biên giới trên các sông, suối biên giới, nếu về phía Việt Nam thì thuộc về Việt Nam, nếu về phía Lào thì thuộc về Lào.

Những cù lao và bãi bồi nằm trên sông, suối biên giới mà đường biên giới đi qua thì quy định chia những cù lao và bãi bồi đó như đã nói ở đoạn 1, khoản 2), điều III này.

3) Trường hợp sông hoặc suối biên giới đổi dòng, đường biên giới vẫn giữ nguyên không thay đổi theo dòng mới nếu hai bên không có thỏa thuận nào khác.”[14]

Điều 2 Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Campuchia năm 1985 quy định:

1. Trường hợp sông, suối, rạch biên giới đổi dòng, đường biên giới vẫn giữ nguyên không thay đổi theo dòng mới nếu hai Bên không có thỏa thuận nào khác.

2. Những cù lao và bãi bồi ở hai bên đường biên giới trên các sông, suối, rạch biên giới, nếu ở phía Việt Nam thì thuộc về chủ quyền của Việt Nam, nếu ở phía Cam-pu-chia thì thuộc về chủ quyền của Cam-pu-chia.

Những cù lao và bãi bồi mới xuất hiện sau khi giải quyết xong hoàn toàn đường biên giới cũng được giải quyết theo nguyên tắc nói trên.”

3. Chiếm hữu

Chiếm hữu là việc thụ đắc đối với lãnh thổ vô chủ (terra nullius) – lãnh thổ tại thời điểm thụ đắc không thuộc về bất kỳ quốc gia nào. Lãnh thổ vô chủ có thể là lãnh thổ chưa từng được bất kỳ quốc gia nào xác lập chủ quyền, hoặc đã từng là lãnh thổ của một quốc gia nhưng sau đó bị từ bỏ (res derelicta). Trường hợp từ bỏ lãnh thổ yêu cầu không chỉ việc từ bỏ trên thực tế mà còn phải có bằng chứng rõ ràng về ý định từ bỏ lãnh thổ của quốc gia liên quan.[15]

Trong giai đoạn thế kỷ thứ XV và XVII chỉ việc phát hiện ra lãnh thổ vô chủ cũng mang lại chủ quyền cho quốc gia phát hiện đối với lãnh thổ đó.[16] Sau đó, luật pháp quốc tế yêu cầu nhiều hơn là phát hiện; các quốc gia phải có hành động chiếm hữu, ít nhất là hành động mang tính biểu tượng như cấm cờ hay ra tuyên bố quốc tế.[17] Trong Vụ Đảo Palmas, phán quyết yêu cầu phải có chiếm hữu hữu hiệu (effective occupation).[18] Đối với lãnh thổ xa xôi và thưa thớt dân cư, chiếm hữu hữu hiệu không nhất thiết phải là sự hiện diện thường xuyên.[19]

Cách thức thụ đắc lãnh thổ này là cách thức mà Việt Nam đã hợp pháp thụ đắc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong khi Trung Quốc hoàn toàn dửng dưng với quần đảo Hoàng Sa thậm chí đến cuối thế kỷ XIX,[20] và cả Trường Sa, thì Việt Nam có bằng chứng lịch sử cho thấy là quốc gia đầu tiên chiếm hữu hiệu đối với hai quần đảo này từ thế kỷ XVII thông qua hoạt động của đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải và các hoạt động thực thi chủ quyền sau này của nhà Nguyễn.[21]

4. Chiếm hữu theo thời hiệu

Chiếm hữu theo thời hiệu là cách thức thụ đắc bằng việc chiếm hữu hữu hiệu đối với các lãnh thổ không phải lãnh thổ vô chủ, hoặc lãnh thổ có được một cách bất hợp pháp hoặc lãnh thổ mà hoàn cảnh lúc thụ đắc không rõ thể biết rõ tính hợp hợp của hành vi thụ đắc.[22] Nói đơn giản, chiếm hữu theo thời hiệu là cách thức thụ đắc lãnh thổ mà luật pháp quốc tế cho phép để hợp pháp hóa việc chiếm hữu hữu hiệu đối với một lãnh thổ nhất định, bất kể lãnh thổ đó đã thuộc về một quốc gia hay không xác định được quốc gia nào có chủ quyền.

Yêu cầu về chiếm hữu hữu hiệu đối với chiếm hữu theo thời hiệu cao hơn so với đối với chiếm hữu. Chiếm hữu hữu hiệu cần được thực hiện trong một thời gian dài hợp lý và phải không có sự phản đối từ quốc gia đang có chủ quyền đối với lãnh thổ đó. Phản đối ngoại giao hay các hành động hay phát biểu khác có tính chất phản đối đối với tình trạng chiếm hữu hữu hiệu sẽ vô hiệu hóa việc chiếm hữu theo thời hiệu. Ví dụ như đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc, Philippines và Malaysia chiếm đóng trên thực tế, Việt Nam (mà chủ yếu thông qua Người phát ngôn Bộ Ngoại giao) luôn đưa ra phát biểu phản đối và khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này. Những phát ngôn có cùng nội dung, lặp đi lặp lại như thế có hệ quả pháp lý là làm cho việc chiếm hữu hữu hiệu của các nước trên không trở thành chiếm hữu theo thời hiệu, theo đó, các nước này không thể thụ đắc một các hợp pháp hai quần đảo này của Việt Nam.

5. Sử dụng vũ lực/Xâm lược

Trước khi Hiến chương Liên hợp quốc có hiệu lực, việc sử dụng vũ lực và xâm lược về cơ bản là không trái với luật pháp quốc tế. Do đó, trong quá khứ việc xâm lược và thụ đắc và sáp nhập lãnh thổ của nước khác thông qua chiến tranh là hợp pháp, diễn ra phổ biến. Điều này có nghĩa là trong quá khứ bất kỳ quốc gia nào có quân đội và khả năng đủ mạnh đều có thể hợp pháp mở rộng lãnh thổ của mình, bất kể đó là Pháp, Anh hay Việt Nam, Trung Quốc, hay Nhật Bản.

Sau năm 1945, nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực ra đời và nhanh chóng trở thành tập quán quốc tế ràng buộc tất cả mọi quốc gia. Sự ra đời của nguyên tắc này đã loại bỏ tính hợp pháp của cách thức thủ đắc lãnh thổ bằng vũ lực và xâm lược. Theo đó, việc sử dụng vũ lực chiếm đóng lãnh thổ của nước khác không bao giờ mang lại danh nghĩa chủ quyền hợp pháp cho quốc gia sử dụng vũ lực. Năm 1974 và năm 1988, Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm đóng quần đào Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa đã vi phạm vào nguyên tắc này, và do đó, không bao giờ là căn cứ hợp pháp cho yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.

Xem thêm post về Thụ đắc lãnh thổ đối với các bãi lúc nổi lúc chìm trên biển (low-tide elevations).

Trần H. D. Minh

——————————————————————-

[1] Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế năm 1969, Điều 43 – 53.

[2] Malcolm N. Shaw, International Law, 6th ed., CUP, 2008, tr. 445 – 446.   [3] Như trên.

[4] Hiệp định về Chuyển nhượng của Nga hoàng các tài sản của Nga tại Bắc Mỹ cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, ký ngày 30/03/1867, xem tại http://avalon.law.yale.edu/19th_century/treatywi.asp

[5] Hiệp định hòa bình giữa Mỹ và Tây Ban Nha ngày 10 tháng 12 năm 1898 (Hiệp định Paris), xem tại http://avalon.law.yale.edu/19th_century/sp1898.asp

[6] Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, NXB. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2005, tr. 322 – 323.   [7] Như trên, tr. 487 – 488, 510 – 512, 527 – 528.

[8] Bị vong lục của Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc nhà cầm quyền Trung Quốc gây khiêu khích, xâm lấn lãnh thổ Việt Nam ở vùng biên giới, ngày 15 tháng 03 năm 1979, đăng trên Báo Nhân dân ngày 16/03/1979, tr. 1, truy cập ngày 16/9/2017 tại http://baochi.nlv.gov.vn/baochi/cgi-bin/baochi?a=d&d=Qik19790316.1.1&e=——-en-20–1–txt-IN——#

[9] http://news.nationalgeographic.com/news/2013/12/131223-niijima-japan-new-island-volcanoes-science/

[10] http://www.dailymail.co.uk/sciencetech/article-2931202/New-island-Pacific-Land-mass-forms-following-eruption-underwater-Hunga-Ha-apai-volcano-won-t-long.html

[11] Malcolm N. Shaw, tr. 498.   [12] Như trên.

[13] Quy định này cũng được nhắc lại tại Điều 10, Nghị định thư về Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2009: “Sau khi Nghị định thư này có hiệu lực, bất kỳ sự thay đổi của địa hình, sông suối thực địa đều không làm thay đổi vị trí của đường biên giới đã phân giới, trừ khi hai bên có thỏa thuận khác.”

[14] Quy định này cũng được nhắc lại tại Điều VII(3) và (4) của Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Lào năm 1986. Điều VII(3) còn bổ sung thêm quy định: “Những cù lao và bãi bồi mới xuất hiện sau khi giải quyết xong hoàn toàn đường biên giới cũng được giải quyết theo nguyên tắc nói ở đoạn một, khoản 3, điều VII này.”

[15] Akehurst’s, tr. 148; Malcolm N. Shaw, chú thích số 92, tr. 505.   [16] Malcolm N. Shaw, tr. 504.   [17] Như trên.   [18] Như trên.

[19] Vụ Đảo Palmas, tr. 840.

[20] Nguyễn Hồng Thao, “Qua điểm của Việt Nam về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển ở Biển Đông”, in trong Đặng Đình Quý (Chủ biên), Tìm kiếm Giải pháp vì Hòa bình và Công lý ở Biển Đông, NXB. Thế giới, 205, Tr. 278.

[21] Như trên, tr. 280 – 290.   [22] Malcolm N. Shaw, tr. 504.

10 bình luận về “[35] Luật pháp quốc tế về thụ đắc lãnh thổ

Add yours

  1. Cảm ơn bài viết hữu ích của anh, em có một thắc mắc liên quan đến hình thức thụ đắc “accretion”: Vì sao một hòn đảo hình thành tự nhiên trong lãnh hải của một quốc gia thì quốc gia đó sẽ tự động có chủ quyền với hòn đảo đó khi nguyên tắc của luật quốc tế “đất thống trị biển” là: vì các quốc gia có lãnh thổ giáp biển nên mới có các vùng biển quy thuộc, mà không phải vì có biển mà có chủ quyền đối với lãnh thổ nằm trong vùng biển đó.
    Nếu nói do đảo hình thành trong lãnh hải mà quốc gia có chủ quyền, vậy có phải tác giả đang dựa trên yếu tố khoảng cách/vị trí địa lý.
    Em chưa hiểu tác giả kết luận như vậy dựa trên nguyên tắc nào của luật quốc tế. Trường hợp đảo IWO…của Nhật năm 1986 được nhắc tới trong sách của Shaw, Shaw viết Nhật tuyên bố có chủ quyền với đảo này, sau đó Anh tuyên bố công nhận chủ quyền của Nhật.=>Sự thụ đắc này dường như liên quan đến các yếu tố: phát hiện, đảo vô chủ, chiếm hữu, công nhận của các nước,…nhiều hơn. Như vậy, suy cho cùng thụ đắc lãnh thổ thuộc nhóm accretion vẫn rời vào trường hợp thụ đắc chiếm hữu mà không tách thành hình thức thụ đắc riêng biệt.

    1. Hi tangthi92, comment của em có ba vấn đề : (1) trường hợp đảo xuất hiện trong lãnh hải thuộc chủ quyền của quốc gia dựa trên căn cứ nào, (2) có trái với nguyên tắc đất thống trị biển, và (3) trường hợp Nhật thụ đắc đảo gần Iwo Jima và ranh giới giữa accretion hay chiếm hữu?

      Vấn đề 1. Shaw có viết accretion là trường hợp “… new land is formed and becomes attached to existing land […] Where new land comes into being within the territory of a state, it forms part of the territory of the state and there is no problem.” (International Law, 6th ed. (CUP 2008) tr. 498). Lãnh thổ của một quốc gia bao gồm mọi không gian mà quốc gia đó có chủ quyền, bao gồm cả lãnh hải. Do đó, đảo xuất hiện trong lãnh hải cũng thuộc dạng attached to existing land or comes into being within the territory of a state. Căn cứ ở đây là: đảo đó gắn với, hoặc nằm bên trong lãnh thổ quốc gia, không phải vị trí hay khoảng cách. Hiểu tương tự như với hoa lợi trong luật dân sự: sở hữu một cái cây thì nếu cây đó ra trái thì chủ sở hữu cũng sở hữu trái đó.

      Vấn đề 2. Đảo xuất hiện trong lãnh hải thuộc chủ quyền của quốc gia có chủ quyền với lãnh hải. Nói theo cách khác, đúng là có chủ quyền với lãnh hải thì sẽ có chủ quyền với đảo. Điểm này em nêu ra rất thú vị! Có thể đây là điểm tiếp xúc giữa luật biển quốc tế và luật quốc tế về thụ đắc lãnh thổ.
      Nhìn thì thấy prima facie là xung đột, nhưng anh không hình dung ra khả năng xung đột thực sự của hai quy định, vì chúng điều chỉnh hai vấn đề pháp lý khác nhau của hai ngành luật khác nhau. Accretion và nguyên tắc đất thống trị biển áp dụng tách biệt nhau được. Kết quả của áp dụng quy định này là căn cứ cho việc áp dụng quy định kia, và ngược lại. Vòng tròn trên phải nói chính xác là: có đất thì có lãnh hải, có lãnh hải thì có chủ quyền, có chủ quyền thì được xem là lãnh thổ, có lãnh thổ thì đảo trong đó sẽ thuộc về quốc gia có đất. Luôn phải bắt đầu từ đất liền hoặc đảo khác đã tồn tại trước đó để kích hoạt vòng tròn này! Đảo trong lãnh hải, thì phải đã tồn tại lãnh hải từ đất liền hay đảo xung quanh rồi.

      Vấn đề 3. Anh đọc lại ví dụ đảo Iwo Jima thì thấy Anh tuyên bố “We understand the island emerged within the territorial sea of the Japanese island of Iwo Jima. We take it therefore to be Japanese.” (ibid.). Hàm ý ở đây là Anh căn cứ vào việc đảo mới xuất hiện trong lãnh hải của đảo Iwo Jima nên thuộc Nhật Bản. Rõ ràng là accretion. Anh không nghĩ là accretion là một dạng của chiếm hữu ; nội hàm hai hình thức này khác nhau. Hơn nữa, các hành vi chiếm hữu, tìm sự công nhận quốc tế chỉ mang tính hình thức, gia cố thêm cho chủ quyền đã có do accretion, và cũng đồng thời tránh bị mất chủ quyền do chiếm hữu theo thời hiệu (prescription) của nước khác.

      Minh

  2. Em chào thầy ạ, em có một câu hỏi nhỏ, rất mong nhận được lời giải đáp của thầy ạ.
    Trong trường hợp lãnh thổ mới được hình thành trong vùng lãnh thổ đang tranh chấp thì việc xác định quyền thụ đắc lãnh thổ của các quốc gia được giải quyết thế nào ạ? Đồng thời, trên thực tế đã xuất hiện vấn đề này chưa ạ?
    Em cảm ơn thầy nhiều.

    1. Chào Quỳnh Vũ,

      Vê nguyên tắc, lãnh thổ mới hình thành trong lãnh thổ của một quốc gia sẽ thuộc về quốc gia đó. Do đó, lãnh thổ mới hình thành thì sẽ thuộc về quốc gia có chủ quyền với lãnh thổ tranh chấp. Điều này đồng nghĩa cần giải quyết tranh chấp lãnh thổ trước khi xác định lãnh thổ mới hình thành thuộc về quốc gia nào.

      Thực tế tôi không rõ có xuất hiện chưa.

      Duy Minh

  3. Cho em hỏi trong trường hợp thụ đắc lãnh thổ theo thời hiệu thì văn bản pháp luật quốc tế quy định là văn bản nào vậy ạ?

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: