Ngày 11.11.2019, Gambia gửi đơn kiện lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) chống lại Myanmar với cáo buộc Myanmar đã có hành vi diệt chủng chống lại người Rohingya, vi phạm vào quy định của Công ước chống diệt chủng năm 1948. Đơn kiện đi kèm yêu cầu Tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với Myanmar. Các tài liệu gốc bằng tiếng Anh: đơn kiện của Gambia và thông cáo báo chí của Tòa ICJ.
Gambia là một quốc gia ở bờ tây châu Phi, giáp với Đại Tây Dương.
Cáo buộc của Gambia chống lại Myanmar
Ngay từ đoạn thứ 2 của đơn kiện, Gambia đã đưa ra cáo buộc trực tiếp chống lại Myanmar. Gambia cho rằng Myanmar đã có hành vi diệt chủng chống lại nhóm người Rohingya – một dân tộc-sắc tộc – sinh sống chủ yếu ở Bang Rakhine của Myanmar, bao gồm việc thực hiện hay để cho thực hiện các hành vi giết hại, tấn công nghiêm trọng thể xác và tinh thần, áp dụng các biện pháp ngăn chặn sinh nở, cưỡng ép di chuyển với mục đích tiêu diệt một phần hay toàn bộ người Rohingya. Các hành vi này vi phạm Công ước về Ngăn chặn và Trừng phạt Tội ác Diệt chủng năm 1948 (gọi tắt là “Công ước chống diệt chủng”).
Quy định của Công ước chống diệt chủng mà Gambia viện dẫn
Gambia cho rằng Myanmar đã vi phạm nghĩa vụ theo Công ước chống diệt chủng, cụ thể là Điều I, III, IV, V và VI [111].
Điều I của Công ước quy định rằng: “Các bên ký kết khẳng định rằng diệt chủng, bất kể được thực hiện trong thời bình hay thời chiến, đều là một tộc ác theo luật quốc tế mà các bên cam kết sẽ ngăn chặn và trừng phạt.”
Điều III quy định cụ thể 05 hành vi được xem là tội ác diệt chủng, cụ thể: “(a) diệt chủng, (b) âm mưu diệt chủng, (c) kích động trực tiếp và công khai hành vi diệt chủng, (d) cố thực hiện hành vi diệt chủng, (e) đồng phạm trong diệt chủng.”
Trong đó, hành vi diệt chủng (genocide) được định nghĩa tại Điều II như sau:
“[D]iệt chủng có nghĩa là bất kỳ hành vi nào được thực hiện với ý định hủy diệt toàn bộ hay một phần một nhóm công dân, sắc tộc, chủng tục hay tôn giáo, như: (a) giết hại thành viên của nhóm đó, (b) gây ra tổn thương nghiêm trọng về thâm thể hay tinh thần cho thành viên của nhóm đó, (c) cố tình tạo ra các điều kiện sống đối với nhóm đó với tính toán nhằm hủy diệt toàn bộ hoặc một phần nhóm đó, (d) áp đặt các biện pháp với ý định ngăn chặn sinh nở trong nhóm đó, (e) cưỡng bức di chuyển trẻ em của nhóm đó sang nhóm khác.”
Điều IV quy định rằng: “Các cá nhân thực hiện hành vi diệt chủng hay bất kỳ hành vi khác được liệt kê tại điều III phải bị trừng phạt, bất kể họ là lãnh đạo hợp hiến, công chức hay dân thường.”
Điều V quy định “Các bên ký kết cam kết ban hành, phù hợp với Hiến pháp của mình, các quy định pháp luật cần thiết để thực hiện các quy định của Công ước này và, cụ thể là đưa ra các hình phạt hiệu quả cho các cá nhân phạm tội diệt chủng hoặc bất kỳ hành vi khác được liệt kê tại điều III.”
Điều VI quy định rằng “Các cá nhân bị buộc tội diệt chủng hay bất kỳ hành vi khác được liệt kê tại điều III phải bị xét xử trước một tòa án có thẩm quyền của Quốc mà trên lãnh thổ nước đó hành vi đã được thực hiện, hoặc trước một tòa án hình sự quốc tế có thẩm quyền mà các Bên ký kết đã chấp nhận thẩm quyền.”
Gambia khẳng định thêm “tính chất jus cogens của quy phạm nghiêm cấm diệt chủng và tính chất erga omnes và erga omnes partes của các nghĩa vụ theo Công ước chống diệt chủng” [15], và rằng tất cả các Quốc gia “đều có lợi ích pháp lý” trong việc bảo vệ các quyền trên [124]. Khẳng định trên được Gambia dẫn lại từ nhiều phán quyết trước đây của Tòa ICJ [123]. Xem thêm quy phạm jus cogens tại post Nguồn của Luật Quốc tế, và post Quy phạm erga omnes trong luật quốc tế.
Cơ sở xác lập thẩm quyền của Tòa ICJ
Theo Gambia, cả nước này và Myanamr đều là thành viên của Công ước chống diệt chủng [17]. Điều IX của Công ước quy định rằng:
“Tranh chấp giữa các Bên ký kết liên quan đến giải thích, áp dụng hay thực thi Công ước này, bao gồm các tranh chấp liên quan đến trách nhiệm của một Quốc gia đối với hành vi diệt chủng hay bất kỳ hành vi nào khác được liệt kê tại điều III, sẽ được đệ trình lên Tòa án Công lý Quốc tế theo yêu cầu của bất kỳ bên tranh chấp nào.”
Cả Gambia và Myanmar đều không có bảo lưu Điều IX trên [19].
Gambia cũng thông tin thêm rằng nước này đã trao đổi rõ ràng với Myanmar rằng các hành vi của Myanmar cấu thành một vi phạm rõ ràng các nghĩa vụ theo Công ước chống diệt chủng, nhưng Myanmar đã bác bỏ cáo buộc trên [20]. Gambia đã lên tiếng phản đối Myanmar trên nhiều diễn đàn (như Tổ chức Hợp tác Hồi giáo và Đại hội đồng Liên hợp quốc) và gần đây nhất là Công hàm ngày 11.10.2019 gửi Phái đoàn Myanmar tại Liên hợp quốc hối thúc Myanmar tuân thủ Công ước, bồi thường cho nạn nhân và có bảo đảm không tái phạm [21]. Gambia kết luận rằng có tồn tại tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước chống diệt chủng [23]. Theo Điều IX của Công ước, Tòa ICJ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong vụ việc này.
Yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Gambia cho rằng hoàn cảnh hiện nay thỏa mãn các điều kiện cần thiết để Tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Thứ nhất, Tòa có thẩm quyền prima facie theo Điều IX của Công ước chống diệt chủng [119]-[120].
Thứ hai, và điểm thú vị nhất trong vụ việc này là làm thế nào để Gambia khẳng định mình có quyền khởi kiện Myanmar trong khi Gambia không phải là “bị hại trực tiếp” mà bị hại lại là người Rohingya ở Myanmar. Quyền mà Gambia muốn bảo vệ là quyền của các thành viên thuộc tộc Rohingya trên lãnh thổ Myanmar được hưởng theo Công ước [126], và bảo vệ các quyền có tính chấp erga omnes partes mà nước này có theo Công ước [127].
Gambia dẫn lại phán quyết năm 2012 của Tòa ICJ trong Vụ liên quan đến nghĩa vụ hoặc khởi tố hoặc cho dẫn độ giữa Bỉ và Senegal. Trong vụ việc đó, Tòa khẳng định có thẩm quyền theo Công ước chống tra tấn, và bác bỏ lập luận của Senegal cho rằng Tòa không thể thụ lý đơn kiện của Bỉ bởi vì không có bất kỳ nạn nhân nào của hành vi tra tấn theo cáo buộc của Bỉ có quốc tịch Bỉ cả. Tòa cho rằng Bỉ có tư cách pháp lý (standing) để yêu cầu trách nhiệm pháp lý của Senegal cho các cáo buộc tra tấn theo Công ước chống tra tấn. Lập luận của Tòa là:
“69. Lợi ích chung trong việc tuân thủ các nghĩa vụ liên quan theo Công ước chống tra tấn hàm ý quyền của mỗi Quốc gia thành viên Công ước có thể đưa ra các yêu sách đòi hỏi việc chấm dứt các các buộc vi phạm của một Quốc gia thành viên khác. Nếu lợi ích đặc biệt là một điều kiện cần thiết cho mục đích này, thì trong nhiều vụ việc, không có Quốc gia nào có thể có tư cách đưa ra các yêu sách đòi hỏi đó. Theo đó bất kỳ Quốc gia thành viên Công ước nào cũng có thể việc dẫn trách nhiệm của một Quốc gia thành viên khác nhằm xác định các cáo buộc không tuân thủ các nghĩa vụ erga omnes, như các nghĩa vụ tại Điều 6, khoản 2, và Điều 7, khoản 1, của Công ước, và chấm dứt hành vi không tuân thủ đó.” [124]
Gambia cho rằng Tòa nên áp dụng tương tự (mutatis mutandis) kết luận trên vào Công ước chống diệt chủng và vào quyền của Gambia theo Công ước được yêu cầu Myanmar tuân thủ các nghĩa vụ chống diệt chủng [125].
Thứ ba, Gambia cũng khẳng định sự tồn tại của nguy cơ không thể khắc phục và tính khẩn cấp của tình hình [128]-[130].
P/S 1: Xem thêm phân tích sơ bộ liên quan đến nội dung đơn kiện trên trang Opinio Juris tại đây, và về vấn đề thẩm quyền và điều kiện áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong vụ việc này trên EJIL Talk! tại đây.
P/S2: Vào ngày 11.02.2019, Việt Nam đã ủng hộ 50.000 USD cho hoạt động của Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP) tại Cox’s Bazar, Bangladesh – nơi đang duy trì các trại tị nạn với khoảng 800.000 người Rohingya vượt biên từ Myanmar.
Trần H. D. Minh
——————————————————————————