Nhân dịp Việt Nam chuẩn bị đảm nhận vai trò ủy viên không thường trực (E10) Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021, bài viết tổng hợp và bình luận ngắn về thực tiễn bỏ phiếu và ứng xử của Việt Nam ở nhiệm kỳ trước (2008 – 2009). Thực tiễn cho thấy Việt Nam cùng 14 quốc gia thành viên khác đã nhất trí thông qua tuyệt đại đa số các nghị quyết (107/114 nghị quyết, chiếm gần 94%), bỏ phiếu thuận trong nhóm đa số thông qua 07 nghị quyết khác, bỏ phiếu chống 01 dự thảo nghị quyết, và bỏ phiếu trắng 01 dự thảo nghị quyết khác.
1. Nhận định chung về cách ứng xử của Việt Nam
Qua các phát biểu của đại diện Việt Nam trong các cuộc họp mà nghị quyết được thông qua không bằng nhất trí hoặc dự thảo bị bác bỏ, có thể nhận xét sơ bộ rằng cách ứng xử của Việt Nam nhấn mạnh ở ba điểm: (1) bỏ phiếu theo xu thế chung tại Hội đồng; (2) kết hợp tranh thủ kiếm lợi cho quan hệ song phương với các nước liên quan; (3) quan điểm của Việt Nam phải hoà vào quan điểm của cộng đồng quốc tế. Cụ thể là:
Một, Việt Nam bỏ phiếu theo xu thế chung tại Hội đồng. Xu thế chung này được hình thành qua tham vấn, trao đổi, đàm phán trước hết và quan trọng nhất là đồng thuận giữa P5. Khi đã nhận thức rõ xu thế chung tại Hội đồng về một vấn đề thì cần bỏ phiếu theo xu thế chung đó. Thực tế tuyệt đại đa số các nghị quyết được thông qua bằng nhất trí cho thấy xu thế chung không khó đạt được, tinh thần thoả hiệp vẫn rất cao trong Hội đồng.
Hai, vừa đi theo xu thế chung, Việt Nam lại phải tranh thủ “kiếm lợi” về song phương với các quốc gia liên quan. Ví dụ là việc “lên tiếng giúp” Iran; không phản ứng quá mạnh với Israel đồng thời vẫn giữ lập trường kiên trì ủng hộ Palestine; hay không nhắc đến nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ trong vấn đề của Gruzia khi Nga khá “dị ứng”.
Không có lợi về song phương, thì cũng không gây hại về song phương (như trường hợp với Thổ Nhĩ Kỳ khi bỏ phiếu hai nghị quyết về đảo Síp).
Ba, quan điểm của Việt Nam luôn phản ánh ý kiến chung của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, các tổ chức, quốc gia khu vực liên quan. Cách thức dựa “thế” vào quan điểm chung của đa số phù hợp với tính chất đa phương của Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an. Các nước E10 được bầu để đại diện cho các quốc gia thành viên Liên hợp quốc chứ không phải là đại diện cho chính họ, do đó, E10 phải phản ánh ý chí chung, quan điểm của đa số.
Các nhận định trên cần có nghiên cứu chuyên sâu hơn, khảo sát cả các phát biểu liên quan đến 107 nghị quyết mà Hội đồng thông qua bằng nhất trí để đánh giá đúng cách thức ứng xử của Việt Nam tại Hội đồng. Mà quan trọng nhất là cần nghiên cứu về đóng góp thực chất của Việt Nam trong quá trình đàm phán các nghị quyết.
2. Việt Nam bỏ phiếu thuận nhất trí thông qua 107 nghị quyết
Các nghị quyết được thông qua bằng nhất trí (adopted unanimously) liên quan đến hàng loạt vấn đề như sau (xếp theo thứ tự số lượng nghị quyết từ nhiều đến ít: Tình hình tại Somalia (1801; 1811; 1814; 1816; 1831; 1838; 1844; 1846; 1851; 1853; 1863; 1872; 1897); Tình hình tại Trung Đông (1815; 1821; 1832; 1848; 1852; 1875; 1884; 1899); và Tình hình Nam Tư cũ (1800; 1845; 1869; 1895), về tòa án hình sự quốc tế Nam Tư cũ (1837; 1849; 1877; 1900); Tình hình tại Côte D’Ivoire (1795; 1826; 1842; 1865; 1880; 1893); Tình hình tại Li-băng (1819; 1836; 1854; 1885; 1903); Tình hình tại Afganistan (1806; 1817; 1833; 1868; 1890); Tình hình liên quan đến Cộng hòa Dân chủ Côngô (1797; 1799; 1807; 1896; 1906); Tình hình ở Sudan (1812; 1841; 1870; 1881; 1891); Tình hình Rwanda (1823), tòa án hình sự quốc tế Rwanda (1824; 1855; 1878; 1901); Tình hình liên quan đến Iraq (1830; 1859; 1883; 1905); Tiến trình hòa bình tại Nepal (1796; 1825; 1864; 1879); Tình hình tại Vùng Great Lakes giữa Congo và Rwanda (1804; 1843; 1856; 1857); Vấn đề đảo Síp (1818; 1847; 1898); Tình hình Gruzia (1808; 1839; 1866); Các mối đe dọa đến hòa bình và an ninh quốc tế của hành vi khủng bố (1805; 1822; 1904); Vấn đề phụ nữ và hòa bình và an ninh (1820; 1888; 1889); Vấn đề Đông Timor (1802; 1867); Vấn đề Tây Sahara (1813; 1871); Tình hình tại Chad, Cộng hòa Trung Phi và khu vực lân cận (1834; 1861); về vấn đề liên quan đến Haiti (1840; 1892); Tình hình tại Burundi (1858; 1902); Tình hình tại Sierra Leone (1829; 1886); Tình hình giữa Eritrea và Ethiopia (1798; 1827); Hòa bình và an ninh tại châu Phi (1809), liên quan đến Djibouti và Eritrea (1862); Tình hình tại Guiena-Bissau (1876); Vấn đề trẻ em và xung đột vũ trang (1882); Vấn đề dân thường trong xung đột vũ trang (1894); Vấn đề chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (1810); Vấn đề chống phổ biến vũ khí Iran (1835); Vấn đề chống phổ biến vũ khí của Triều Tiên (1874); Vấn đề duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, liên quan đến chống phổ biến và giải trừ hạt nhân (1887).
Số lượng nghị quyết cho năm 2008 và 2009 lần lượt là 67 và 44, tổng cộng 107.
3. Việt Nam bỏ phiếu thuận trong nhóm đa số thông qua 07 nghị quyết
3.1. Nghị quyết 1803 (2008)
Nghị quyết số 1803 (2008) liên quan đến vấn đề chống phổ biến vũ khí của Iran, thông qua với 14 phiếu thuận, 01 phiếu trắng của Indonesia. Với 14 phiếu thuận, bao gồm tất cả P5, xu thế chung ở Hội đồng là đã thống nhất rất cao với nghị quyết này.
Indonesia giải thích rằng: “Iran vẫn đang hợp tác với IAEA. Tại thời điểm này, tăng cường trừng phạt không phải là biện pháp tốt nhất” (tr. 12).
Giải thích cho việc ủng hộ nghị quyết trừng phạt thêm Iran, Đại sứ Việt Nam Lê Lương Minh của phát biểu rằng:
“Việt Nam đã tham gia chủ động vào quá trình đàm phán văn bản của dự thảo nghị quyết … đề xuất một số thay đổi như sau: cần công nhận tích cực hơn việc Iran hợp tác với IAEA và tiến tình thực thi kế hoạch làm việ của IAEA-Iran … với việc chấp nhận các thay đổi mà chúng tôi và các thành viên Hội đồng khác đề xuất cùng với việc … phạm vi thực thi theo dự thảo nghị quyết này cơ bản giống với các nghị quyết trước đó mà Hội đồng đã thông qua bằng đồng thuận, cụ thể là nghị quyết 1737 (2006) và 1747 (2007) – Việt Nam sẽ bỏ phiếu thuận cho dự thảo nghị quyết.” (tr. 9-10).
Có thể thấy, Việt Nam vừa đi theo xu thế chung tại Hội đồng, vừa “lên tiếng giúp” cho Iran để Hội đồng ghi nhận đúng sự hợp tác từ phía Iran. Ứng xử của Việt Nam lợi cả về đa phương vì đi theo xu thế chung, lại vừa lợi về song phương với Iran.
3.2. Nghị quyết 1828 (2008)
Nghị quyết số 1828 (2008) liên quan đến vấn đề Sudan, thông qua với 14 phiếu thuận, 01 phiếu trắng của Nga. Với 14 phiếu thuận, xu thế chung tại Hồi đồng đã rất rõ nét. Việc Nga bỏ phiếu trắng cho thấy nước này thực chất ủng hộ nghị quyết nhưng có quan ngại riêng. Nhưng quan ngại riêng này không đủ quan trọng để Nga bỏ phiếu phủ quyết.
Nga giải thích rằng Nghị quyết không phản ánh đủ quan ngại về việc Công tố viên của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) để nghị Tòa ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Sudan (tr.3). Nghị quyết chỉ có một câu trong lời nói đầu rằng: “ghi nhận quan ngại của một số thành viên của Hội đồng” về vấn đề này.
Giải thích cho việc bỏ phiếu thuận, Đại sứ Việt Nam Lê Lương Minh đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Bản an lúc đó phát biểu rằng:
“Chúng tôi chia sẽ quan ngại của Liên minh Châu Phi, Liên đoàn các nước Ả-rập và Phong trào Không Liên kết, cũng như nhiều quốc gia thành viên Liên hợp quốc và thành viên Hội đồng về tác động bất lợi có thể có đối với tiến trình hòa bình ở đất nước này của việc luận tội theo yêu cầu của Công tố viên Tòa án Hình sự Quốc tế chống lại Tổng thống Sudan… Chúng tôi ghi nhận rằng các quan ngại này đã được phản ánh trong đoạn mở đầu thứ chín của nghị quyết.” (tr. 11)
Việt Nam bỏ phiếu theo xu thế chung tại Hội đồng. Việt Nam lại vừa thể hiện mình có lắng nghe và quan tâm đến quan ngại của Nga. Mà quan ngại của Nga không chỉ là của riêng nước Nga, của Việt Nam mà là của rất nhiều nước.
Cách ứng xử của Việt Nam có lợi về đa phương vì theo xu thế chung, vừa lợi cho song phương vì có quan tâm đến Nga, lại làm mạnh hơn quan ngại của Nga khi làm rõ ra đây là quan ngại của rất nhiều nước. Đồng thời việc Việt Nam chia sẽ quan ngại với Nga không gây “phản cảm” với các nước khác vì Việt Nam nêu quan ngại của mình theo cách thức đây không phải là quan ngại riêng của Việt Nam mà là quan ngại chung của rất nhiều nước và tổ chức quốc tế.
Việt Nam lại tranh thủ thể hiện sự ủng hộ của mình với Liên minh châu Phi, Liên đoàn các nước Ả-rập và Phong trào Không Liên kết. Như vậy, ở đây Việt Nam ứng xử có lợi ba khía cạnh: ở Hội đồng, song phương với Nga, và với các tổ chức nêu trên.
3.3. Nghị quyết 1850 (2008)
Nghị quyết số 1850 (2008) liên quan đến vấn đề Trung Đông, bao gồm vấn đề Palestine, thông qua với 14 phiếu thuận, 01 phiếu trắng của Libya. Với 14 phiếu thuận, bao gồm tất cả P5, xu thế chung ở Hội đồng là đã thống nhất rất cao với nghị quyết này.
Libya giải thích rằng nước này hoan ngênh việc thông qua nghị quyết nhưng không chấp nhận cách Hội đồng Bảo an vẫn lẩn tránh vấn đề Palestine trong 6 thập kỷ qua, trong khi người dân Palestine vẫn đang phải chịu đựng hành vi của Israel (tr. 7-8).
Đại diện của Việt Nam ông Hoàng Chí Trung dành nhiều thời gian hoan nghênh các bước tiến trong tiến trình hòa bình giữa Palestine và Israel, hi vọng các bên có ý chí chính trị và cam kết hơn nữa, và chỉ dần một ý ngăn ghi nhận rằng “Hiện nay, người dân Palestine tiếp tục phải sống với quá nhiều khó khăn dưới sự chiếm đóng bất hợp pháp của Israel” (tr. 9-10). Lời giải thích này mang tính xây dựng và khuyến khích đối thoại.
Một mặt, Việt Nam nếu rõ sự ủng hộ đối với viễn cảnh mà Palestine mong muốn (một quốc gia Palestien độc lập vối thủ đô là Đông Jerusalem bên cạnh Israel), đồng thời giữ đúng lập trường về tính bất hợp pháp của hành vi chiếm đóng của Israel và sự thiệt thòi của người Palestine. Mặt khác, Việt Nam mà lại không nhấn mạnh vào hành vi bất hợp pháp của Israel (chỉ nhắc đến trong một, hai câu), không giống Libya là thể hiện rõ sự đối lập trực diện với Israel. Qua đó, Việt Nam ủng hộ lập trường của Palestine nhưng không quá ảnh hưởng đến quan hệ với Israel.
Ứng xử của Việt Nam lợi cả đa phương vì đi theo xu thế chung, lại lợi về song phương với Palestine và Israel.
Xem thêm Tư cách quốc gia của Palestine và quy chế Thánh thành Jerusalem.
3.4. Nghị quyết 1860 (2009)
Nghị quyết số 1860 (2009) liên quan đến vấn đề Trung Đông, bao gồm vấn đề Palestine, thông qua với 14 phiếu thuận, 1 phiếu trắng của Mỹ. Với 14 phiếu thuận, xu thế chung ở Hội đồng là đã thống nhất rất cao với nghị quyết này. Việc Mỹ bỏ phiếu trắng cho thấy nước này thực chất ủng hộ nghị quyết nhưng có quan ngại riêng. Quan ngại riêng này không đủ quan trọng để Mỹ bỏ phiếu phủ quyết.
Giải thích của Mỹ nhấn mạnh đến tiến trình hòa bình còn nhiều việc phải làm, cần có đồng thuận rằng Hamas không tấn công vào Israel từ Dãi Gaza và Israel có quyền tự vệ chống lại các cuộc tấn công này dù cần giảm tối thiểu tác động đến dân thường (tr. 4-5).
Đại sứ Việt Nam Lê Lương Minh phát biểu rằng về nguyên tắc Việt Nam mong muốn nghị quyết đã có từ ngữ rõ ràng hơn yêu cầu Israel rút quân ngay lập tức khỏi Dãi Gaza và ngừng bắn ngay lập tức, nhưng do “tính khẩn cấp của tình hình và nhu cầu cấp thiết cần có hành động của Hội đồng trong bối cảnh tình hình tiếp tục xấu đi, đặc biệt là vấn đề nhân đạo”, Việt Nam bỏ phiếu thuận với nghị quyết này (tr. 8). Việt Nam đã “nói giúp” quan điểm của Palestine.
Đối với Nghị quyết này, Việt Nam đã bỏ phiếu theo xu thế chung, khi cả Mỹ là đồng minh thân cận nhất của Israel cũng không phủ quyết. Phát biểu của Đại sứ Lê Lương Minh phản ánh quan điểm cứng rắn của Việt Nam về hành vi của Israel, nhưng lại không nhấn quá mạnh vào ý này, mà tập trung vào tìm giải pháp khả thi trước mắt.
Ứng xử của Việt Nam vừa lợi về đa phương vì theo xu thế chung, lại vừa lợi về song phương với Palestine và Israel.
3.5. Nghị quyết 1873 (2008) và 1898 (2009)
Nghị quyết số 1873 (2008) liên quan đến vấn đề đảo Síp, thông qua với 14 phiếu thuận, 01 phiếu chống của Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ không phản đối nội dung chính của nghị quyết nhưng bỏ phiếu chống vì nghị quyết không ghi nhận thực tế là có hai nhà nước hiện đang tồn tại trên đảo Síp (tr. 2). Đại diện của 14 thành viên còn lại không có phát biểu. Nghị quyết số 1898 (2009) liên quan đến vấn đề đảo Síp, thông qua với 14 phiếu thuận, 01 phiếu chống của Thổ Nhĩ Kỳ. Phát biểu của Thổ Nhĩ Kỳ và sự im lặng của 14 thành viên khác tương tự như Nghị quyết 1873 ở trên.
Tóm lại, với vấn đề đảo Síp, Thổ Nhĩ Kỷ sẽ phản đối nếu chính quyền người Thổ trên đảo Síp không được công nhận, còn các nước khác sẽ không cần thể hiện quan điểm gì.
Ứng xử của Việt Nam lợi về đa phương khi đi theo xu hướng chung, mà không gây hại cho song phương với Thổ Nhĩ Kỳ.
3.6. Nghị quyết 1907 (2009)
Nghị quyết số 1907 (2009) liên quan đến vấn đề Hòa bình và an ninh ở châu Phi, thông qua với 13 phiếu thuận, 01 phiếu chống của Libya, và 01 phiếu trắng của Trung Quốc. Với 13 phiếu thuận, xu thế chung tại Hội đồng thể hiện rõ nét. Việc Trung Quốc bỏ phiếu trắng cho thấy nước này thực chất ủng hộ nghị quyết nhưng có quan ngại riêng. Nhưng quan ngại riêng này không đủ quan trọng để Trung Quốc bỏ phiếu phủ quyết.
Libya cho rằng việc áp đặt trừng phạt lên Eritrea là không cần thiết và ảnh hưởng đến tiến trình hòa bình ở đây (tr. 3). Trung Quốc cho rằng một trong ba lý do bỏ phiếu trắng là giải pháp đối thoại hòa bình nên là ưu tiên, còn biện pháp trừng phạt cần cân nhắc cẩn trọng (tr. 3-4). Đại sứ Việt Nam Lê Lương Minh có phát biểu trước đó với đại ý tương tự như của Trung Quốc (tr. 3).
Ứng xử của Việt Nam lợi về đa phương khi đi theo xu thế chung tại Hội đồng, lại lợi về song phương với Trung Quốc khi phát biểu theo hướng trùng với Trung Quốc.
4. Việt Nam bỏ phiếu chống 01 dự thảo nghị quyết
Dự thảo nghị quyết áp dụng một số biện pháp cưỡng chế theo Chương VII Hiến chương đối với Zimbabwe sau cuộc bầu cử gây tranh cãi tại nước ngày vào ngày 27.06.2008. Dự thảo số S/2008/447 do 12 quốc gia thành viên HĐBA bảo trợ, cụ thể: Australia, Bỉ, Canada, Croatia, Pháp, Italy, Li-băng, Hà Lan, New Zealand, Sierra Leone, Anh và Mỹ. Việt Nam bỏ phiếu chống cùng với Trung Quốc, Libya, Nga và Nam Phi. Indonesia bỏ phiếu trắng. Nghị quyết không được thông qua do phiếu phủ quyết của Trung Quốc và Nga.[1]
Xu thế chung tại Hội đồng là sự chia rẽ giữa Anh-Pháp-Mỹ và Nga-Trung Quốc. Việt Nam bỏ phiếu giống Nga và Trung Quốc, với lý do phản ánh quan điểm chung của tuyệt đại đa số quốc gia thành viên Liên hợp quốc.
Đại sứ Việt Nam Lê Lương Minh lúc đó là Chủ tịch Hội đồng phát biểu rằng:
“tình hình tại đó không cấu thành một mối đe dọa đến hòa bình và an ninh quốc tế hay khu vực. Ý kiến này không chỉ là của các quốc gia khu vực, đặt biệt là các nước láng giềng của Zimbabwe, mà còn của tuyệt đại đa số quốc gia thành viên Liên hợp quốc… Do đó việc đặt Zimbabwe vào phạm vi trừng phạt theo Chương VII theo tình hình hiện nay gây quan ngại nghiêm trọng, bởi vì các biện pháp trừng phạt được đề xuất không chỉ sẽ ảnh hưởng đến việc tạo thuận lợi cho các nỗ lực tìm giải pháp cho tình hình ở Zimbabwe, đặt biệt là các nỗ lực của Liên minh châu Phi và Cộng đồng Phát triển Nam châu Phi, mà còn tạo ra tiền lệ nguy hiểm cho việc can thiệp vào công việc nội bộ của các Quốc gia có chủ quyền và sẽ đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.” (tr. 7).
Có thể thấy Việt Nam thể hiện quan điểm có tính nguyên tắc về nguyên tắc cấm can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia, và lồng quan điểm của mình vào quan điểm chung của tuyệt đại đa số các quốc gia khác.
Theo một đánh giá, vấn đề ở Zimbabwe “không có lợi ích trực tiếp và không tác động đến quan hệ của Việt Nam với các nước lớn” (tr. 18). Có thể thấy các nước lớn (Anh-Pháp-Mỹ) không thực sự quan tâm đến vấn đề Zimbabwe đến mức mà Việt Nam cần e dè khi bỏ phiếu chống. Nếu đây là vấn đề quan trọng với ba nước này, Việt Nam có thể đã bỏ phiếu trắng với lý do tương tự khi bỏ phiếu dự thảo nghị quyết về Gruzia dưới đây: có bất đồng trong Hội đồng và cần thảo luận thêm.
5. Việt Nam bỏ phiếu trắng 01 dự thảo nghị quyết
Dự thảo nghị quyết kéo dài thời gian hoạt động của phái bộ Liên hợp quốc tại Gruzia. Dự thảo số S/2009/310 do 07 quốc gia thành viên HĐBA bảo trợ. Việt Nam bỏ phiếu trắng cùng với Trung Quốc, Libya và Uganda.[2] Nghị quyết không được thông qua do phiếu phủ quyết của Nga với lý do là dự thảo không phản ánh thực trạng là Abkhazia và Nam Osetia là hai quốc gia độc lập, đã tách khỏi Gruzia (tr. 2-3).
Đại sứ Việt Nam Lê Lương Minh phát biểu rằng Việt Nam đồng ý với mục đích của dự thảo, nhưng bỏ phiếu trắng để “mở rộng khả năng cho đàm phán” và bởi vì dự thảo không phản ánh “các hỗ trợ của thậm chí các bên liên quan nhất trong Nhóm các người bạn, và do đó không nhận được đồng thuận của Hội đồng” (tr. 5). Phát biểu không nhắc gì đến nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ mà Nga khá “dị ứng” trong trường hợp Gruzia.
Việt Nam vừa đặt mình vào lập trường của bên thứ ba với lý do bỏ phiếu trắng là tình thế chia rẽ của Hội đồng, các bên cần thảo luận thêm để thống nhất về vấn đề này. Một mặt, Việt Nam không ủng hộ một dự thảo đụng chạm đến một vấn đề thuộc lợi ích quan trọng của Nga. Mặt khác, Việt Nam cũng không bỏ phiếu chống giống Nga bởi vì vấn đề Gruzia liên quan đến nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ. Theo một đánh giá, “Việt Nam đã ứng xử khéo láo xử lý vấn đề này mà không làm mất lòng Nga” (tr. 17). Trường hợp của Gruzia có thể sẽ là kinh nghiệm cho ứng xử với vấn đề Crime nếu bị đem ra Hội đồng trong nhiệm kỳ 2020 – 2021.
Trần H. D. Minh
Xem thêm post về Quy định của Hiến chương và thực tiễn bầu uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
———————————————————
[1] Security Councils fails to adopt sanctions against Zimbabwe leadership as two permanent members cast negative votes, ngày 11.7.2008, https://www.un.org/press/en/2008/sc9396.doc.htm tham khảo ngày 15.8.2019.
[2] Security Council fails to adopt resolution extending mandate of Georgia mission for 2 weeks, as Russian Federation vetoes against text, ngày 15.6.2009, https://www.un.org/press/en/2009/sc9681.doc.htm tham khảo ngày 15.8.2019.
Tên nước Gruzia mới đúng theo phiên âm từ tiếng Nga, không phải là Cruzia như trong bài (lặp lại nhiều lần).
Cảm ơn góp ý của bạn! Tác giả đã điều chỉnh lại theo góp ý của bạn.
Minh