Giải thích của Trung Quốc về việc bắt giữ Simon Cheng – Nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác – Quyền ưu đãi, miễn trừ lãnh sự của Simon Cheng *
Ngày 21.8.2019, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang xác nhận rằng Simon Cheng Man-Kit bị bắt giữ tại Shenzhen (tiếng Việt là Thẩm Quyến). Simon Cheng là người Hồng Kông, có quốc tịch Trung Quốc, được cho là đang làm việc cho Tổng lãnh sự quán của Anh tại Hồng Kông. Vụ việc sẽ có thể không là tâm điểm báo chí nếu tình hình của Hồng Kông hiện nay không rối ren do các cuộc biểu tình bất mãn với chính quyền Bắc Kinh, đặc biệt là các cuộc biểu tình bất hợp pháp ngày càng thường xuyên, rộng khắp ở nhiều khu vực và yếu tố bạo lực nghiêm trọng, trong khi Anh có các tuyên bố gây mất lòng Trung Quốc. .
Trả lời câu hỏi của phóng viên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang nêu rõ:
“Đây không phải là một vấn đề ngoại giao… Theo thông tin chúng tôi được biết, người mà các bạn đề cập đến bị cảnh sát Shenzhen xử phạt giam giữ hành chính 15 ngày vì vi phạm Luật xử phạt quản lý trị an của CHND Trung Quốc.
… Tôi phải làm rõ rằng nhân viên này là công dân Trung Quốc từ Đặc khu hành chính Hồng Kông, chứ không phải là công dân Anh. Điều đó có nghĩa là, anh này là người Trung Quốc và vụ việc này hoàn toàn thuộc vấn đề nội bộ của Trung Quốc.”
1. Nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác
Tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rất rõ ràng rằng Simon Cheng là công dân Trung Quốc, do đó, việc bắt giữ và giam giữ Simon Cheng là “vấn đề nội bộ” của Trung Quốc.
Tuyên bố này gián tiếp cho rằng Anh không nên can thiệp vào vấn đề này theo nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác – một trong bảy nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế. Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đã công nhận đây là một nguyên tắc tập quán quốc tế, ràng buộc tất cả các quốc gia.[1] Yếu tố quan trọng ở đây là liệu vụ việc này có phải là “công việc nội bộ” của Trung Quốc hay không?
Simon Cheng là cư dân Hồng Kông, và theo quy định của pháp luật Trung Quốc và Hồng Kông, thì anh này là công dân Trung Quốc. Không có thông tin cho thấy Simon Cheng mang quốc tịch nước ngoài. Tuy nhiên, do Simon Cheng làm việc cho Tổng lãnh sự quán của Anh tại Hồng Kông, do đó, anh này có thể có các quyền ưu đãi, miễn trừ lãnh sự theo quy định của luật quốc tế, bao gồm Công ước Viên về Quan hệ lãnh sự năm 1963.
Vì vậy, vụ việc bắt giữ này có thể không thuần túy là “vấn đề nội bộ” của Trung Quốc mà còn có thể liên quan đến vấn đề quyền và nghĩa vụ trong quan hệ lãnh sự giữa Anh và Trung Quốc. Nếu Simon Cheng không được hưởng bất kỳ quyền ưu đãi, miễn trừ nào theo quy định của luật pháp quốc tế, thì vụ việc mới đúng là “công việc nội bộ” của Trung Quốc.
2. Quy định có liên quan của Công ước Viên năm 1963
Quan hệ lãnh sự giữa Trung Quốc và Anh liên quan đến Tổng lãnh sự quán của Anh tại Hồng Kông được điều chỉnh bởi hai điều ước quốc tế sau: (1) Công ước Viên về Quan hệ lãnh sự năm 1963, và (2) Thỏa thuận giữa Anh và Trung Quốc về thành lập tổng lãnh sự quán của Anh tại Hồng Kông năm 1996.
Công ước Viên về Quan hệ lãnh sự năm 1963 là điều ước quốc tế ràng buộc cả Trung Quốc và Anh. Anh gia nhập vào năm 1972, Trung Quốc vào năm 1979.
Công ước Viên năm 1963 dành riêng một điều để quy định về trường hợp công dân của nước sở tại được thuê, bổ nhiệm làm thành viên cơ quan lãnh sự của nước cử: Điều 71 quy định về phạm vi miễn trừ và ưu đãi lãnh sự đối với viên chức lãnh sự hay các thành viên của cơ quan lãnh sự là công dân hay thường trú nhân của nước sở tại.[2]
Theo đó, những người này có các quyền ưu đãi, miễn trừ rất hạn chế so với những người là công dân của nước cử.[3] Cụ thể là:
- Viên chức lãnh sự là công dân hay thường trú nhân của nước sở tại “sẽ chỉ được hưởng quyền miễn trừ tài phán và quyền bất khả xâm phạm liên quan đến các hoạt động chính thức thực thi chức năng lãnh sự (official acts performed in the exercise of their functions), và quyền ưu đãi theo Điều 44, khoản 3.”
- Các thành viên còn lại của cơ quan lãnh sự là công dân hay thường trú nhân của nước sở tài, cùng với gia đình của họ chỉ hưởng các quyền ưu đãi và miễn trừ “trong phạm vi mà nước sở tại cho phép” (only insofar as these are granted to them by the receiving State).
Có thể thấy rằng, với viên chức lãnh sự, Công ước Viên năm 1963 còn trao cho một số quyền ưu đãi, miễn trừ, còn với những thành viên khác của cơ quan lãnh sự, mọi quyền ưu đãi, miễn trừ đều phụ thuộc vào tự do quyết định của nước sở tại. Sự phân biệt giữa “viên chức lãnh sự” và các thành viên khác là rất quan trọng.
“Viên chức lãnh sự” (consular officers) là người được ủy nhiệm thực hiện các chức năng lãnh sự, bao gồm cả người đứng đầu cơ quan lãnh sự. Bên trong một cơ quan lãnh sự, ngoài viên chức lãnh sự, còn có nhân viên lãnh sự (là người là công việc hành chính, kỹ thuật), nhân viên phục vụ (người làm công việc phục vụ nội bộ), nhân viên phục vụ riêng (người làm thuê riêng cho một thành viên cơ quan lãnh sự).
Hiện nay thông tin không rõ ràng về chức vụ của Simon Cheng. Do đó, không thể xác định được liệu Simon Cheng có phải là viên chức lãnh sự hay không.
2.1. Trường hợp thứ nhất, giả sử Simon Cheng là viên chức lãnh sự của Tổng lãnh sự quán Anh tại Hồng Kông.
Việc bổ nhiệm này đã phải có sự đồng ý rõ ràng trước đó của chính quyền Trung Quốc theo quy định tại Điều 22(2) Công ước Viên năm 1963. Điều 22 này cũng cho phép Trung Quốc rút lại sự đồng ý của mình vào bất kỳ thời điểm nào mà nước này mong muốn. Nếu là viên chức lãnh sự, theo Điều 71(1), Simon Cheng sẽ có các quyền ưu đãi và miễn trừ đối với các hoạt động chính thức thực thi chức năng lãnh sự của mình. Yếu tố quan trọng là liệu việc Simon Cheng đến Shenzen và lúc bị bắt giữ có phải là một phần của hoạt động chính thức thực thi chức năng lãnh sự hay không.
Nếu chuyến đi này phục vụ cho mục đích cá nhân thì anh này sẽ không được hưởng bất kỳ quyền ưu đãi, miễn trừ lãnh sự.
Ngược lại, nếu chuyến đi là hoạt động chính thức thực thi chức năng lãnh sự, Simon Cheng sẽ có quyền ưu đãi, miễn trừ tài phán và quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Việc bắt giữ Simon Cheng chỉ có thể xảy ra “nếu là vi phạm nghiêm trọng và có quyết định của cơ quan tư pháp có thẩm quyền” của nước sở tại (Điều 41(1)).
2.2. Trường hợp thứ hai, Simon Cheng không phải là viên chức lãnh sự mà chỉ là một thành viên khác trong Tổng lãnh sự quán Anh tại Hồng Kông, có thể là nhân viên lãnh sự, nhân viên phục vụ hay nhân viên phục vụ riêng.
Điều 71(2) của Công ước Viên năm 1963 không nói rõ quyền ưu đãi, miễn trừ mà anh này được hưởng. Yếu tố quan trọng là phạm vi mà Trung Quốc đã cho phép. Theo Thỏa thuận giữa Anh và Trung Quốc về thành lập Tổng lạnh sự quán của Anh tại Hồng Kông năm 1996,[4] Điều 4 quy định các điều khoản 3, 5, 6, 7 của Thỏa thuận giữa hai nước về thành lập Tổng lãnh sự quán tại Thượng Hải và Manchester năm 1984 sẽ áp dụng cho tổng lãnh sự quán tại Hồng Kông. Điều 7(8) của Thoả thuận năm 1984 quy định rất rõ ràng rằng:
“Thành viên của cơ quan lãnh sự là công dân hoặc thường trú nhân của Nước sở tại … sẽ không được hưởng các quyền, sự tạo thuận lợi và miễn trừ quy định tại điều này, trừ quyền miễn trừ tại khoản 6 Điều này.”
Khoản 6 của Điều 7 này quy định rằng về quyền miễn trừ không phải cung cấp chứng cứ liên quan đến việc thực thi chức năng chính thức của họ hoặc cung cấp các tài liệu, thư tín chính thức, và họ có quyền từ chối làm chuyên gia cung cấp thông tin pháp luật của nước cử. Ngoại trừ quyền miễn trừ này, thành viên cơ quan lãnh sự của Anh có quốc tịch của Trung Quốc sẽ không được hưởng: (1) quyền miễn trừ tài phán hình sự, (2) quyền miễn trừ tài phán dân sự và hành chính, (3) quyền miễn trừ thi hành án, và (4) quyền miễn trừ làm nhân chứng.[5]
Như vậỵ, nếu không là viên chức lãnh sự, Simon Cheng không được hưởng 04 quyền ưu đãi, miễn trừ nêu trên, đặc biệt là quyền miễn trừ tài phán hình sự, dân sự và hành chính. Theo tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Simon Cheng đang chịu “giam giữ hành chính 15 ngày” – có vẻ đây là một hình thức thực thi quyền tài phán hành chính của Trung Quốc. Và, nếu như thế thì Trung Quốc không vi phạm luật quốc tế ,và do đó vụ việc thuộc “vấn đề nội bộ” của Trung Quốc.
Tóm lại, trong vụ việc bắt giữ Simon Cheng, để xác định liệu vụ việc có đúng là “vấn đề nội bộ” của Trung Quốc mà Anh không được phép can thiệp vào, hai câu hỏi cần trả lời: (1) Simon Cheng có phải là viên chức lãnh sự hay không?, (2) nếu có là, thì bản chất và mục đích việc đến Shenzen và lúc bị bắt giữ?
Trần H. D. Minh
Xem thêm post về Nội dung chính của Thỏa thuận giữa Anh và trung Quốc về trao trả Hồng Kông năm 1984.
—————————————————————–
[1] Vụ hoạt động quân sự và bán quân sự của Mỹ chống lại và trên lãnh thổ Nicaragua (Nicaragua v. Mỹ),Phán quyết về nội dung của Tòa ICJ năm 1986, tr. 106, đoạn 202.
[2] Công ước Viên về Quan hệ lãnh sự năm 1963, Điều 1(3).
[3] Ủy ban Luật pháp Quốc tế Liên hợp quốc (ILC), Draft articles on Consular Relations with commentaries 1961, tr. 93 [9].
[4] Anh đăng ký Thỏa thuận này với Tổng thư ký Liên hợp quốc theo Điều 102 Hiến chương Liên hợp quốc vào ngày 04.8.1997, xem 1986 UNTS 1997, 133-142.
[5] Thỏa thuận giữa Anh và Trung Quốc về Thành lập Tổng lãnh sự quán của Anh tại Đặc khu hành chính Hồng Kông năm 1996, Điều 7(1) – (5).
Trả lời