[138] Quy định của Hiến chương và thực tiễn bầu uỷ viên không thường trực Hội Đồng Bảo an Liên hợp quốc

Nhân dịp Việt Nam vừa được bầu vào vị trí uỷ viên không thường trực (non-permanent member – Elected 10/E10) của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, bài viết xin giới thiệu qua các quy định và thực tiễn liên quan đến việc bầu uỷ viên không thường trực.

Cơ cấu thành viên – Cơ quan và thủ tục bầu – Tiêu chí – Nhiệm kỳ

Cơ cấu của Hội đồng Bảo an

Cơ cấu của Hội đồng Bảo an được quy định tại Điều 23 của Hiến chương Liên hợp quốc. Điều 23(1) quy định Hội đồng Bảo an có 15 uỷ viên, trong đó, có năm uỷ viên thường trực (permanent members) là “Cộng hoà Trung Hoa, Pháp, Liên bang Xô-Viết, Anh và Mỹ”. Trước đây, Hội đồng Bảo an chỉ có 11 thành viên, nhưng được mở rộng lên 15 thành viên từ năm 1965 theo Nghị quyết số 1991 A and B (XVIII) của Đại hội đồng năm 1963. Văn bản Hiến chương vẫn giữ nguyên Cộng hoà Trung Hoa (tên gọi tự xưng của chính quyền Đài Loan) và Liên Xô là uỷ viên thường trực, trong khi thực tế Trung Quốc đã thay thế Đài Loan vào năm 1971 theo Nghị quyết 2758 (XXVI) của Đại hội đồng, và Nga kế thừa Liên Xô vào năm 1991.

Uỷ viên không thường trực sẽ gồm 10 quốc gia. Tính chất không thường trực nằm ở việc các quốc gia sẽ được bầu vào vị trí uỷ viên, và giữ vị trí đó trong một nhiệm kỳ giới hạn. Uỷ viên không thường trực cũng không có quyền phủ quyết (veto) theo Điều 27.

Cơ quan có thẩm quyền và thủ tục bỏ phiếu bầu uỷ viên không thường trực

Điều 23(1) quy định Đại hội đồng sẽ là cơ quan có quyền bầu 10 uỷ viên không thường trực. Đại hội đồng bao gồm tất cả các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, hiện nay là 193 quốc gia (Điều 9(1)).

Theo Điều 18(2) của Hiến chương thì việc bầu uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an là vấn đề quan trọng, do đó cần phải đạt 2/3 số quốc gia có mặt và bỏ phiếu tán thành.

Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia thành viên đều có quyền bỏ phiếu. Điều 19 quy định một quốc gia thành viên không có quyền bỏ phiếu nếu nợ các khoản đóng góp cho Liên hợp quốc “nếu số tiền nợ bằng hoặc nhiều hơn các khoản đóng góp bắt buộc của quốc gia đó trong hai năm trước đó”. Đến ngày 24.01.2019, có 08 quốc gia, bao gồm Việt Nam, thuộc diện Điều 19 nêu trên. Ngày 18.02.2019, Tổng thư ký Liên hợp quốc thông báo Việt Nam đã đóng tiền đủ để dưới mức giới hạn của Điều 19. Bảy quốc gia còn lại cũng đã đóng trả nợ Liên hợp quốc, hoặc được Đại hội đồng đặc cách cho phép bỏ phiếu. Theo đó, tất cả 193 quốc gia đều có quyền bỏ phiếu trong khoá họp thứ 73 (tháng 09/2018 – tháng 09/2019), bao gồm cuộc họp bỏ phiếu ngày 07.06.2019 vừa qua.

Trong cuộc họp ngày 07.06.2019, Việt Nam đã được bầu vào vị trí uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020 – 2021, với số phiếu cao kỷ lục 192/193. Như vậy, chỉ có một quốc gia duy nhất không bỏ phiếu cho Việt Nam.

08.6.LHQ.gan_tuyet_doi_085155391_stand

Tiêu chí để trở thành uỷ viên không thường trực

Điều 23(1) quy định Đại hội đồng cần “đặc biệt chú ý trước hết đến mức độ đóng góp cho việc duy trì hoà bình và an ninh quốc tế, và cho các mục đích khác của Tổ chức, và đồng thời quan tâm đến việc phân bổ công bằng về khu vực địa lý”. Hiến chương không có quy định chi tiết hơn về các tiêu chí này.

Nói thêm là theo một nghiên cứu định lượng gần đây, việc ứng cử thành công vào vị trí uỷ viên không thường trực là sự thoả hiệp giữa việc các quốc gia đông dân mong muốn được bầu thường xuyên hơn và yêu cầu thay phiên lẫn nhau, đồng thời cũng có bằng chứng cho thấy nước giàu hơn trong nhóm nước đang phát triển sẽ thắng cử thường xuyên hơn, nước nào tham gia vào chiến tranh sẽ ít có cơ hội hơn. Hơn nữa, có vẻ viện trợ phát triển không ảnh hưởng đến quyết định bỏ phiếu.

Riêng tiêu chí phân bổ công bằng về khu vực địa lý được hình thành qua thực tiễn của Liên hợp quốc. Từ năm 1963, Đại hội đồng đã quyết định phân bổ 10 vị trí uỷ viên không thường trực như sau: 05 cho châu Phi và châu Á; 01 cho Đông Âu; 02 cho Nam Mỹ; và 02 cho Tây Âu và các quốc gia khác (Nghị quyết số 1991 A (XVIII)). Thực tế có vẻ Khu vực châu Phi và châu Á được phân thành hai khu vực là Châu Phi và Châu Á – Thái Bình Dương, hai trong năm nhóm khu vực của Liên hợp quốc. Không rõ 05 vị trí dành cho châu Phi và châu Á được phân chia như thế nào giữa hai nhóm khu vực trên: có thể là một tỷ lệ cứng hoặc luân phiên 2-3 giữa hai nhóm khu vực.

Khu vực châu Phi và châu Á hiện có năm nước là: Indonesia, Nam Phi, Kuwait, Côte D’Ivoire và Guinea Xích đạo. Trong đó, Kuwait, Côte D’Ivoire và Guinea Xích đạo sẽ hết nhiệm kỳ vào cuối năm 2019; và được thay thế bằng Việt Nam, Niger và Tunisia vừa được bầu vào ngày 07.06.2019 vừa qua. Thú vị là vào năm 2020, ASEAN sẽ có hai vị trí uỷ viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an: Việt Nam và Indonesia, điều này sẽ có thể thuận lợi khi Việt Nam đồng thời là Chủ tịch ASEAN năm 2020.

Tính từ năm 1946 đến nay, có 65 quốc gia chưa từng được bầu vào vị trí uỷ viên không thường trực, ở khu vực Đông Nam Á có Brunei, Campuchia, Lào và Timor Leste. Trong khi đó, dữ liệu của Liên hợp quốc cho thấy có một số quốc gia thường xuyên được bầu: Nhật Bản (11 lần); Brazil (10 lần); Argentina (9 lần); Ấn Độ (7 lần); Colombia (7 lần); Pakistan (7 lần); Italia (7 lần), search tại đây.

Nhiệm kỳ

Điều 23(2) quy định các uỷ viên không thường trực có nhiệm kỳ 02 năm, và không được phép tái cứ ngay sau đó. Với việc giới hạn không cho tái cử liên tục, Hiến chương bảo đảm sẽ không có bất kỳ quốc gia nào có thể dùng ảnh hưởng của mình để trên thực tế (de facto) trở thành một uỷ viên thường trực. Qua đó, Hiến chương có vẻ được thiết kế để bảo vệ vị thế vượt trội của năm uỷ viên thường trực.

Trần H. D. Minh

Xem thêm post về Thực tiễn bỏ phiếu của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008 – 2009.

——————————————————————

Nguồn ảnh minh hoạ: Thông tấn xã Việt Nam, đăng lại trong Linh Nga, “Tự hào và kiêu hãnh khi Việt Nam lần thứ hai trúng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”, Tạp chí Cộng sản, ngày 08.06.2019, http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Thoi_su/2019/55126/Tu-hao-va-kieu-hanh-khi-Viet-Nam-lan-thu-hai-trung.aspx

3 bình luận về “[138] Quy định của Hiến chương và thực tiễn bầu uỷ viên không thường trực Hội Đồng Bảo an Liên hợp quốc

Add yours

  1. Tran H.D.Minh: Congratulations Vietnam and our colleagues. Bài viết đã giúp cung cấp những thông tin cơ bản rất thú vị và hữu ích xoay quanh các vấn đề về thủ tục cũng như các điều kiện để có thể trở thành UVKTT của HĐBA. Minh có thể chia sẻ sâu hơn hoặc có thêm một bài viết xoay quanh cơ chế bỏ phiếu/voting và phủ quyết thì sẽ rất tuyệt.

    1. Hi Chị Yến, có thể trong thời gian tới e sẽ thu xếp xem có làm được một series giới thiệu về khía cạnh pháp lý của Liên hợp quốc, bao gồm cả vấn đề của chị nêu (voting and veto của HĐBA).

      Minh

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: