Nội hàm hai phạm trù obiter dictum và ratio decidendi – Ví dụ phân biệt trong Phán quyết năm 2002 của Tòa ICJ trong vụ Lệnh bắt giữ (Congo v. Bỉ)
Điều 38(1)(d) của Quy chế Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) quy định án lệ là một nguồn bổ trợ để xác định của quy định pháp luật quốc tế (xem thêm Nguồn của luật quốc tế). Nghiên cứu luật pháp quốc tế không thể tách rời việc nghiên cứu án lệ của các cơ quan tài phán quốc tế, bởi vì các án lệ thể hiện việc áp dụng trên thực tế các quy định của luật quốc tế, cá biệt hóa vào từng trường hợp cụ thể.
Trong luật quốc tế án lệ chỉ được xem là nguồn bổ trợ, không ràng buộc (trừ giữa các bên liên quan trong vụ kiện) nên khác với án lệ trong hệ thống thông luật (common law) có giá trị tạo luật, và ràng buộc pháp lý (học thuyết stare decisis). Mặc dù không có giá trị pháp lý, nhưng án lệ lại có sức nặng pháp lý và thường được viện dẫn như những tuyên bố xác thực về luật quốc tế.
Khi nghiên cứu án lệ, cái mà một nhà nghiên cứu chú ý đến là bối cảnh vụ việc, luật áp dụng, giải thích luật và áp dụng vào bối cảnh vụ việc (theo phương pháp IRAC). Bên cạnh đó, có một cặp phạm trù có thể được áp dụng để bóc tách những yếu tố quan trọng trong vụ việc và những yếu tố “râu ria”, giúp nhà nghiên cứu hiểu thêm về án lệ: obiter dictum và ratio decidendi.
Obiter dictum là cụm từ latin có nghĩa là “tiện thể/nhân tiện/nói thêm” (“by the way”) là những nhận định, những câu, đoạn trong một phán quyết không có ý nghĩa quan trọng trong lập luận của cơ quan tài phán. Nói nôm na là bỏ qua cũng được, không ảnh hưởng đến lập luận và kết luận. Các ý kiến riêng, ý kiến phản đối hay tuyên bố của các thẩm phán đính kèm với phán quyết cũng có thể xem là obiter dicta (số nhiều của obiter dictum).
Ratio decidendi có nghĩa ngược lại với obiter dictum, có nghĩ là “căn cứ”, “căn cứ của phán quyết” (“the reason”, “the rationale for the decision”, “raison d’être”), là những nhận định, những câu, đoạn trong phán quyết là căn cứu quan trọng để đi đến kết luận. Nếu thiếu căn cứ đó thì kết luận sẽ hoàn toàn khác.
Trong một phán quyết, thường rất phức tạp, các cơ quan tài phán có thể viết rất dài dòng và đôi khi không rõ ràng. Một lập luận của tòa có thể là: Căn cứ vào điều này, khoản này…, Xét thấy rằng vụ việc này…, Thêm nữa, nguyên đơn đã… Đặt trong bối cảnh rằng… Việc đọc phán quyết với cặp phạm trù trên sẽ giúp người đọc bóc tách cho chính mình cái gì là quan trọng trong lập luận phức tạp đó, căn cứ nào mà chính dựa vào đó tòa đã ra phán quyết.
Tuy nhiên, tùy người đọc, mà có thể với người này thì một đoạn là obiter dictum nhưng với người khác lại là ratio decidendi. Và, cũng tùy thời điểm đọc mà có khi năm 2019 đọc thì cho rằng là obiter dictum nhưng 2030 sự phát triển của luật quốc tế lại khiến cho đoạn đó thành ratio decidendi. Cặp phạm trù này mang tính tương đối, nhưng vẫn hữu ích.
Ví dụ Phán quyết năm 2002 của Tòa ICJ trong Vụ lệnh bắt giữ (Congo v. Bỉ)
Trong bài viết Judicial Pronouncements in International Law: the Arrest Warrant case obiter dicta, AS Galand lấy ví dụ về phân biệt obiter dictum và ratio decidendi trong Phán quyết năm 2002 của Tòa ICJ. Trong vụ này, Congo cáo buộc Bỉ đã vi phạm luật quốc tế liên quan đến quyền miễn trừ hình sự của quan chức chính phủ khi một tòa án của Bỉ phát lệnh bắt giữ Bộ trưởng Ngoại giao đương nhiệm của Congo (xem thêm về Quyền miễn trừ quốc gia và Quyền miễn trừ, ưu đãi ngoại giao và lãnh sự). Galand phân tách ra ratio decidendi và obiter dicta trong phán quyết này như sau:
Ratio decidendi. Theo Tòa, Bộ trưởng Ngoại giao có quyền miễn trừ như Nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ. Quyền miễn trừ này áp dụng cho cả hành vi công vụ và hành vi cá nhân trong suốt nhiệm kỳ của ông này, và áp dụng bất kể ông này đang ở quốc gia nào và vì lý do gì. Quyền miễn trừ này không có bất kỳ ngoại lệ nào, kể cả khi quan chức đó bị cáo buộc tội ác chiến tranh hay tội ác chống lại loài người. Do đó, việc Bỉ ra lệnh bắt giữ Bộ trưởng Ngoại giao đương nhiệm của Congo đã vi phạm quyền miễn trừ này.
Obiter dicta. Với những lý do nêu trên (ratio decidendi), Tòa hoàn toàn có thể dừng lập luận của mình lại và kết thúc phán quyết. Tuy nhiên, Tòa lại tiếp tục rằng “quyền miễn trừ thẩm quyền của Bộ trưởng Ngoại gia đương nhiệm không có nghĩa là được miễn tội (impunity).” Sau đó, Tòa chỉ ra bốn trường hợp mà quyền miễn trừ của quan chức đương nhiệm không có hiệu lực: (1) khi chính quốc gia mà quan chức đó phục vụ tiến hành truy tố người đó, (2) khi quốc gia đó tuyên bố từ bỏ quyền miễn trừ áp dụng cho quan chức liên quan, (3) khi quan chức liên quan không còn chức vụ, quốc gia khác có thể truy tố người đó cho các hành vi cá nhân, và (4) khi quan chức đó đang bị truy tố tại một tòa án hình sự quốc tế có thẩm quyền. Galand cho rằng đây là obiter dicta bởi vì các nhận định trên không ảnh hưởng đến kết luận của Tòa rằng Bỉ đã vi phạm quyền miễn trừ của Bộ trưởng Ngoại giao Congo.
Theo Galand, trong phán quyết trên, obiter dicta được thêm vào phán quyết để làm giảm đi hiệu lực của ratio decidendi! Có thể lý do nằm ở việc Tòa cũng cảm thấy hiện trang luật quốc tế không hợp lý khi quyền miễn trừ ngăn cản việc thực thi công lý đối với những tội ác nghiêm trọng như tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người. Nhưng, luật là luật dù không hoàn hảo! Tòa đã chèn thêm obiter dicta và qua đó có thể là một căn cứ có sức nặng pháp lý cho các tòa án hình sự quốc tế.
Trần H. D. Minh
Bài viết hay quá bạn ơi. Thank you.