[153] Ba bước để đọc án lệ quốc tế hiệu quả

Học, nghiên cứu và thực hành luật quốc tế không thể tách rời khỏi việc đọc án lệ. Án lệ thường khá dài, phức tạp và nhiều thông tin chi tiết của một vụ việc cụ thể. Vậy làm thế nào để đọc án lệ một cách hiệu quả?

Việc đọc án lệ có thể được chia làm ba bước như sau: (1) Bước xác định, (2) Bước nắm bắt, và (3) Bước đánh giá. Xem thêm clip với ví dụ cụ thể cho từng bước: How to read ICJ judgments effectively? (bằng tiếng Anh).

read judgments

Bước đầu tiên là Xác định án lệ liên quan và vấn đề pháp lý liên quan (IDENTIFY). Hai yêu cầu này có liên hệ chắt chẽ với nhau: đọc một án lệ để xác định các vấn đề pháp lý liên quan được xem xét trong vụ việc đó, và, tìm kiếm các án lệ có liên quan cùng đề cập đến một vấn đề pháp lý. Bài viết sẽ giới hạn trong trường hợp thứ nhất: Cách đọc một án lệ và xác định vấn đề pháp lý liên quan trong án lệ đó.

Bởi vì một án lệ thông thường xem xét đến nhiều vấn đề pháp lý khác nhau xung quanh một vụ việc, do đó, việc xác định vấn đề pháp lý là quan trọng vì sẽ giúp giới hạn phần án lệ cần đọc.

Khi đã xác định được phần cần đọc, bước thứ hai là nắm bắt kết luận và lập luận của tòa đối với vấn đề pháp lý đó (COMPREHEND). Do lập luận của tòa thường phức tạp, bao gồm cả giải thích luật và áp dụng vào bằng chứng, do đó, việc nắm bắt kết luận (conclusion) của tòa trước khi tìm hiểu lập luận (reasoning) của tòa sẽ giúp định hướng cho việc tìm hiểu lập luận. Mục đích của bước này là trả lời câu hỏi: kết luận của tòa là gì và tòa đã lập luận như thế nào để đi đến kết luận đó.

Một lưu ý quan trọng là không tách kết luận của tòa khỏi bối cảnh của vụ việc. Nếu tách kết luận của tòa khỏi bối cảnh của vụ việc thì có thể dẫn đến việc khái quát hóa án lệ không chính xác. Để tránh lỗi này, cần thiết phải xem xét đến cách thức các bên xây dựng yêu sách của mình và lập luận của các bên. Điều này đòi hỏi, người đọc phải tìm hiểu thêm hồ sơ vụ kiện, bao gồm bản tranh tụng viết và biên bản tranh tụng trước tòa.

Sau khi đã nắm bắt được kết luận và lập luận của tòa, bước tiếp theo là đánh giá kết luận và lập luận của tòa (ASSESS). Việc nghiên cứu án lệ không giới hạn trong việc nắm bắt kết luận và lập luận của tòa mà quan trọng ở việc đánh giá xem liệu kết luận đó, lập luận đó có thuyết phục hay không. Câu hỏi cần trả lời là: Bạn có đồng ý với kết luận của tòa? Bạn có thấy lập luận của tòa có hợp lý hay không? Để trả lời những câu hỏi này, và cũng để thực hiện tốt bước đánh giá này, người đọc phải có kiến thức đủ sâu và rộng về vấn đề pháp lý mà tòa xem xét đến: các án lệ trước đó, các án lệ của cơ quan tài phán khác, ý kiến của giới học giả.

Nguyễn Ngọc Lan

Xem thêm post về Phân biệt obiter dictumratio decidendi trong nghiên cứu án lệ quốc tế.

Bình luận về bài viết này

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑