[125] Yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại cho ngư dân: Việt Nam đang vận dụng bảo hộ ngoại giao?

Ngày 21.03.2019, thông tin từ Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết:

“Theo thông tin từ các cơ quan chức năng Việt Nam, 09h00 sáng ngày 06/3/2019, tàu cá Việt Nam mang số hiệu QNg 90819 TS cùng 05 ngư dân đang neo đậu tại khu vực đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, thì phát hiện tàu Hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 44101 chạy đến dùng vòi rồng phun lên tàu cá để xua đuổi; trong quá trình di chuyển, đến 10h00 cùng ngày, tàu QNg 90819 TS đâm vào rạn đá ngầm và chìm tại toạ độ 16015’N – 111038’E (cách Tây Bắc đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 0,5 hải lý); các ngư dân bám vào mũi tàu trôi dạt trên biển, được tàu cá của Việt Nam số hiệu QNg 90620 TS cứu vớt vào khoảng 13h00 cùng ngày.

Ngày 20/3/2019, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã có buổi làm việc với Đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, trao công hàm và phản đối việc làm trên của tàu Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe doạ tính mạng, gây thiệt hại về tài sản và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam.

Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã đề nghị Đại sứ quán Trung Quốc thông báo cho Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng của Trung Quốc về vụ việc trên để xử lý nghiêm đối với nhân viên và tàu Hải cảnh Trung Quốc nêu trên, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thoả đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam./.”[1]

Thông tin trên cho thấy có dấu hiệu Việt Nam đang vận dụng bảo hộ ngoại giao (diplomatic protection) cho các ngư dân Quảng Ngãi trong vụ việc này. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu về khuôn khổ pháp lý của bảo hộ ngoại giao trong luật quốc tế, và áp dụng vào vụ việc này của Việt Nam.

Bảo hộ ngoại giao trong luật quốc tế

Bảo hộ ngoại giao (diplomatic protection) được Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC) định nghĩa trong Dự thảo các điều khoản về Bảo hộ Ngoại giao (Draft articles on Diplomatic Protection) năm 2006, và đã được Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) khẳng định là quy định tập quán quốc tế.[2] Điều 1 của Dự thảo quy định:

“bảo hộ ngoại giao bao gồm việc một Quốc gia yêu cầu, thông qua biện pháp ngoại giao hoặc các biện pháp giải quyết hòa bình khác, một Quốc gia khác chịu trách nhiệm cho các thiệt hại gây ra do hành vi sai phạm quốc tế của Quốc gia đó đối với một cá nhân hoặc một pháp nhân là công dân của Quốc gia đưa ra yêu cầu nhằm yêu cầu thi hành trách nhiệm đó.”

Art 1 ILC 2006 Diplomatic Protection

Như vậy, có thể hiểu rằng bảo hộ ngoại giao là việc một quốc gia có hành động yêu cầu quốc gia khác chịu trách nhiệm cho những thiệt hại gây ra cho công dân của mình khi quốc gia kia vi phạm luật quốc tế. Có ba điều kiện để bảo hộ ngoại giao được sử dụng:

  • Có hành vi sai phạm quốc tế của một Quốc gia khác. Để xác định có hành vi sai phạm quốc tế cần hai yếu tố: có hành vi vi phạm luật quốc tế, và hành vi đó được quy trách nhiệm cho quốc gia liên quan.[3] Xem thêm post Trách nhiệm pháp lý quốc tế của Quốc gia.
  • Có thiệt hại cho cá nhân, pháp nhân;
  • Cá nhân, pháp nhân bị thiệt hại phải là công dân của quốc gia yêu cầu. Công dân được hiểu bao gồm cả cá nhân và pháp nhân. Quan hệ công dân được xác định thông qua quốc tịch. Cá nhân có quốc tịch theo luật pháp của chính quốc gia đó,[4] còn pháp nhân có quốc tịch theo luật nơi mà pháp nhân được thành lập (có ngoại lệ).[5]

Lưu ý rất quan trọng là không phải bất kỳ vi phạm nghĩa vụ quốc tế nào cũng có thể thuộc phạm vi bảo hộ ngoại giao, mà chỉ giới hạn trong những nghĩa vụ mà cá nhân, pháp nhân liên quan là người thụ hưởng (beneficiaries),[6] như các tiêu chuẩn đối xử tối thiểu đối với người nước ngoài (minimum standards of treatment of aliens), hay các quyền con người được quốc tế bảo đảm (internationally guaranteed human rights).[7]

Ngoài ra, Điều 14 của Dự thảo quy định điều kiện thứ tư – đây là điều kiện đã tồn tại trong tập quán quốc tế:[8] Đã sử dụng hết các biện pháp có thể có tại quốc gia bị yêu cầu chịu trách nhiệm (Exhaustion of local remedies). Các biện pháp đó có thể bao gồm khiếu nại hành chính hay tố tụng tư pháp tại quốc gia đó. Quốc gia có công dân bị thiệt hại chỉ được bảo hộ ngoại giao khi công dân đó đã sử dụng các biện pháp nêu trên và không đạt được kết quả mong muốn. Trong một số trường hợp theo Điều 15, điều kiện về sử dụng hết các biện pháp trong nước không cần thiết: (a) không có biện pháp nào có sẵn để khắc phục hiệu quả thiệt hại, hoặc biện pháp trong nước không có khả năng khắc phục, (b) bị trì hoãn kéo dài, (c) không có mối liên hệ giữa người bị thiệt hại và quốc gia bị yêu cầu chịu trách nhiệm, (d) người bị thiệt hại bị ngăn cản sử dụng các biện pháp trong nước, và (e) quốc gia bị yêu cầu tự từ bỏ điều kiện phải sử dụng hết các biện pháp trong nước.

Lưu ý rằng bảo hộ ngoại giao là quyền của một quốc gia, không phải là nghĩa vụ bắt buộc một quốc gia phải tiến hành bảo hộ ngoại giao khi công dân của mình bị thiệt hại.[9] Các quốc gia tự do quyết định có hay không bảo hộ ngoại giao trong từng trường hợp cụ thể, hoặc theo pháp luật của quốc gia đó. Quan điểm này đã được Tòa ICJ xác nhận trong phán quyết năm 1970 cho Vụ Nhà máy Barcelona.[10]

Áp dụng vào trường hợp của Việt Nam qua vụ việc va chạm ngày 06.03.2019

Đầu tiên, có một số dấu hiệu cho thấy Việt Nam đã quyết định áp dụng bảo hộ ngoại giao cho ngư dân của mình. Trong thông báo của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao nêu rõ yêu cầu bồi thường thiệt hại cho ngư dân của mình – một dạng chịu trách nhiệm của một quốc gia. Biện pháp bảo hộ được thực hiện là biện pháp ngoại giao, chưa hoặc không sử dụng biện pháp tài phán.

Xem xét kỹ càng hơn các điều kiện để bảo hộ ngoại giao thì Việt Nam thỏa mãn điều kiện về có thiệt hại cho công dân của mình (các ngư dân) và điều kiện về quốc tịch. Điều kiện về Trung Quốc có hành vi sai phạm quốc tế gây thiệt hại cho ngư dân Việt Nam cũng thỏa mãn vì có thể xem hành vi của tàu Hải cảnh Trung Quốc đã vi phạm các quyền con người của ngư dân Việt Nam, như quyền được sống:

  • Quyền được sống trong tập quán quốc tế,[11] như thể hiện tại Điều 6 Công ước về Quyền Dân sự và Chính trị năm 1966 (mà Trung Quốc hiện không là thành viên).
  • Điều 6 quy định không ai sẽ bị tước đoạt mạng sống một cách tùy tiện. Việc tước đoạt mạng sống bao gồm cả các nguy cơ đe dọa mạng sống có thể ngăn ngừa được và có thể thấy trước, cố ý hoặc vô ý, gây ra bởi hành vi hành động hoặc hành vi không hành động.[12] Nghĩa vụ của các quốc gia bao gồm cả bảo đảm quyền được sống trong những tình huống đe đọa tính mạng hoặc các nguy cơ có thể thấy trước.[13]
  • Rõ ràng hành vi của tàu Hải cảnh Trung Quốc tạo ra mối đe dọa tính mạng rất hiện hữu cho ngư dân Việt Nam, vi phạm quyền được sống có thể chứng minh, và quan trọng là, đây là quyền mà ngư dân là người thụ hưởng.

Điều kiện thứ tư cũng có thể xem là đã được thảo mãn dù không có bằng chứng cho thấy ngư dân Việt Nam đã sử dụng hết các biện pháp đòi bồi thường tại Trung Quốc. Vụ việc này có thể viện dẫn Điều 15 để xem như điều kiện sử dụng hết các biện pháp trong nước là không cần thiết: các biện pháp trong nước tại Trung Quốc không có khả năng khắc phục hậu quả (điểm (a) Điều 15), bởi vì Trung Quốc cho rằng quần đảo Hoàng Sa là thuộc chủ quyền của Trung Quốc, và không có bất kỳ cơ hội nào ngư dân Việt Nam có thể được bồi thường thiệt hại.

Dù Việt Nam có thực sự có ý định bảo hộ ngoại giao trong vụ việc này hay không thì ít nhất đã có đủ điều kiện để thực hiện quyền này khi cần thiết. Như đã nhắc ở trên, bảo hộ ngoại giao là quyền của một quốc gia, không phải là một nghĩa vụ.

Bài viết không khẳng định rằng Việt Nam đang sử dụng hay có ý định sử dụng bảo hộ ngoại giao trong vụ việc này mà chỉ nhận định rằng có dấu hiệu cho thấy như thế. Nhận định mang tính cẩn trọng bởi vì nội dung thông báo của Cục Lãnh sự nhấn mạnh đến vi phạm chủ quyền, chứ không phải là vi phạm quyền mà ngư dân Việt Nam là người thụ hưởng.

Trần H.D. Minh

—————————————————————————-

[1] Đăng lại trên Minh Anh, Phản đối việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, đe dọa tính mạng, gây thiệt hại cho ngư dân Việt Nam, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 21.03.2019, http://www.dangcongsan.vn/preview/newid/516853.html (truy cập ngày 21.03.2019);

[2] Ahmadou Sadio Diallo (Guinea v. DR Congo) [2007] (Phán quyết về thẩm quyền) ICJ Reports 2007 582, 599 [39].

[3] Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC), Articles on Responsibility of States for Internationally Wrongful Acts, 2001, Điều 2, http://legal.un.org/ilc/texts/instruments/english/draft_articles/9_6_2001.pdf

[4] Như trên, Điều 4.

[5] Như trên, Điều 9. Điều 9 cũng quy định rằng nếu pháp nhân do công dân quốc gia khác kiểm soát, không có hoạt động kinh doanh đáng kể ở quốc gia thành lập, trụ sở quản lý và kiển soát tài chí nằm ở quốc gia khác, thì quốc gia khác đó sẽ là quốc gia mà pháp nhân có quốc tịch.

[6] Barcelona Traction, Light and Power Company, Limited (Bỉ v. Tây Ban Nha) [1970] (Phán quyết giai đoạn hai) ICJ Reports 1970 3, 33 [35].

[7] Ahmadou Sadio Diallo (Guinea v. DR Congo) (n 2).

[8] Malcolm N Shaw, International Law, 6th ed. (Cambridge University Press 2008) 819.   [9] Như trên, 809-810.

[10] Barcelona Traction, Light and Power Company, Limited (Bỉ v. Tây Ban Nha) (n 6) 44 [78]-[79].

[11] N Petersen, Life, Right to, International Protection, Oxford Public International Law.

[12] Ủy ban Nhân Quyền, General comment No. 36 (2018) on article 6 of the International Covenant on Civil and Political Rights, on the right to life (ngày 30.10.2018) Doc. CCPR/C/GC/36, [6].   [13] Như trên [7].

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: