[127] Các khía cạnh pháp lý về đảo nhân tạo trong vùng đặc quyền kinh tế theo UNCLOS

Ngày 02.04.2019, tại Đại học Utrecht, TS. Otto Spijkers đã trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu của ông với GS. Alex Oude Elferink về các khía cạnh pháp lý về đảo nhân tạo trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) theo Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Nghiên cứu này được thực hiện theo yêu cầu của Bộ Kinh tế và Chính sách Khí hậu của Chính phủ Hà Lan. Năm câu hỏi Bộ này đặt hàng hai nhà nghiên cứu là:

  • Ai có thẩm quyền xây dựng, cấp phép xây dựng các đảo nhân tạo rong vùng EEZ?
  • Có bất kỳ giới hạn nào đối với thẩm quyền của quốc gia liên quan trên các đảo nhân tạo?
  • Định nghĩa “đảo nhân tạo”?
  • Các quốc gia khác có quyền gì liên quan đến đảo nhân tạo của quốc gia ven biển?
  • Luật nào sẽ điều chỉnh quyền sở hữu các đảo nhân tạo?

Lưu ý đặt hàng của Bộ chỉ giới hạn đối với đảo nhân tạo, không hỏi đến các công trình, kết cấu nhân tạo khác, và chỉ giới hạn trong vùng EEZ. Dưới đây là lược ghi lại bài trình bài của TS. Spijkers trong buổi thảo luận đó.

Các quy định liên quan của UNCLOS

Hai điều khoản quan trọng là Điều 56 về quyền của quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế, và Điều 60 về Đảo nhân tạo, công trình và kết cấu nhân tạo (xem thêm post khái quát về quy chế pháp lý chung của vùng EEZ).

Điều 56 quy định, trong EEZ, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với việc thăm dò, khai thác, quản lý tài nguyên thiên nhiên và các hoạt động kinh tế khác nhằm thăm dò và khai thác vùng biển này. Điều 56 cũng quy định quyền tài phán của quốc gia ven biên trong ba lĩnh vực: (a) xây dựng, vận hành công trình nhân tạo, (b) nghiên cứu khoa học biển, và (c) bảo vệ môi trường biển.

Điều 60 quy định chi tiết hơn về quyền tài phán của quốc gia ven biển đối với đảo nhân tạo, các công trình và kết cấu nhân tạo. Điều 60(1) Quốc gia ven biển có quyền độc quyền (exclusive right) đối với việc xây dựng, vận hành và sử dụng: (i) Các đảo nhân tạo; (ii) các công trình và kết cấu nhân tạo dùng cho các mục đích theo Điều 56 và các mục đích kinh tế khác; và (iii) các công trình và kết cấu nhân tạo có thể can thiệp vào các quyền của quốc gia ven biển trong vùng này. GS. Oude Elferink gợi ý rằng có thể có tranh cãi liệu Điều 60(1) là danh sách đóng với ba nhóm công trình nhân tạo như trên hay là danh sách mở áp dụng cho mọi công trình có thể xuất hiện trong tương lai. Theo Điều 60(2), quốc gia ven biển có quyền tài phán độc quyền (exclusive jurisdiction) đối với các đảo nhân tạo, các công trình và kết cấu nhân tạo.

Điều 60(7) yêu cầu quốc gia ven biển không xây dựng các đảo nhân tạo, công trình và kết cấu nhân tạo mà can thiệp vào việc sử dụng các tuyến hàng hải đã được công nhận có tầm quan trọng đối với hàng hải quốc tế (recognized sea lanes essential to international navigation).

Ngoài ra, Điều 121 về quy chế đảo cũng được xem xét đến khi áp dụng tương tự để thử định nghĩa về đảo nhân tạo. Điều 121(1) quy định “Đảo là một vùng đất được hình thành tự nhiên, bao qunah bởi nước và luôn nổi khi thủy triều lên cao.”

wind farm North sea

Phân tích để trả lời các câu hỏi của Bộ Kinh tế và Chính sách khí hậu Hà Lan

Sau khi xem xét các quy định liên quan của UNCLOS, TS. Spijkers và GS. Oude Elferink kết luận trong báo cáo gửi Bộ Kinh tế và Chính sách khí hậu của Hà Lan rằng:

  • Quốc gia ven biển, trong trường hợp này là Hà Lan, là quốc gia duy nhất có thẩm quyền xây dựng, hoặc cấp phép xây dựng các đảo nhân tạo trong vùng EEZ của mình. Điều này khác với các công trình và kết cấu nhân tạo, vì quốc gia ven biển chỉ có quyền độc quyền xây dựng khi các công trình và kết cấu này là “dùng cho các mục đích theo Điều 56 và các mục đích kinh tế khác” hoặc “can thiệp vào các quyền của quốc gia ven biển trong vùng này”. Tóm lại, mọi đảo nhân tạo trong EEZ đều phải xin phép quốc gia ven biển để xây dựng; nhưng chỉ những công trình, kết cấu nào phục vụ mục đích kinh tế hay liên quan đến các quyền khác của quốc gia ven biển thì mới phải xin phép. Các công trình, kết cấu khác – ví dụ như công trình quân sự – còn gây tranh cãi: hoặc thuộc về quyền tự do biển cả theo Điều 58, dẫn chiếu đến Điều 87(1)(d), hoặc là vấn đề không được điều chỉnh bởi UNCLOS nên theo Điều 59 phải tiến hành đàm phán. Hà Lan theo hướng thứ nhất vì nước này xem mình là một cường quốc hàng hải thế giới chứ không đơn thuần là một quốc gia ven biển.
  • Do quyền tài phán của quốc gia ven biển là độc quyền và không có giới hạn, nên quốc gia ven biển có quyền tài phán hoàn toàn và độc quyền với mọi hoạt động và con người trên đảo nhân tạo. UNCLOS không đặt ra giới hạn mà xem đảo nhân tạo như một phần lãnh thổ của quốc gia ven biển, trừ việc có chủ quyền. Quyền tài phán không bị giới hạn nhưng phải phù hợp với các quy định khác cũng luật quốc tế như luật nhân quyền quốc tế, luật môi trường quốc tế,… GS Oude Elferink còn nói thêm rằng quyền tài phán này cũng áp dụng cho các cảng biển, cảng hàng hóa là một phần của đảo nhân tạo.
  • Không có định nghĩa được chấp nhận rộng rãi về đảo nhân tạo. TS. Spijkers và GS. Oude Elferink cho rằng đảo nhân tạo có thể định nghĩa bằng việc áp dụng tương tự định nghĩa đảo ở Điều 121. Theo đó, đảo nhân tạo là “một vùng đất được hình thành một cách nhân tạo, bao quanh bởi nước và luôn nổi khi thủy triều lên cao”. Ngoài ra, từng có hai luồng ý kiến học giả rằng hoặc dựa vào thiết kế (design) hoặc dựa vào mục đích (purposes) của thực thể liên quan để xác định liệu đây là đảo nhân tạo hay là các công trình và kết cấu nhân tạo.
  • Về quyền của quốc gia khác, Điều 60(7) UNCLOS chỉ yêu cầu không nên xây dựng đảo nhân tạo nếu can thiệp vào các tuyến hàng hải đã được công nhận có tầm quan trọng cho hàng hải quốc tế. TS. Spijkers lưu ý rằng Điều 60(7) không phải là nghĩa vụ tuyệt đối vì câu chữ sử dụng là từ “may not” mà không phải là “shall not”.
  • Quyền sở hữu đảo nhân tạo theo pháp luật của quốc gia ven biển.

Trần H. D. Minh

———————————————————————————

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: