Chiều rộng lãnh hải – chủ quyền quốc gia đối với lãnh hải – quyền qua lại vô hại – quyền qua lại vô hại của tàu chiến: thực tiễn quốc tế và Việt Nam
Lãnh hải là vùng biển nằm ngay bên ngoài đường cơ sở. Lãnh hải đã được xem là vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển từ lâu trong tập quán quốc tế. Quy định điều ước đầu tiên về lãnh hải được tìm thấy trong Công ước Geneva về Lãnh hải và Tiếp giáp lãnh hải năm 1958 (CTS). Sau đó, quy định này được ghi nhận lại vào Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Xuyên suốt quá trình xem xét quy chế pháp lý của lãnh hải tại Ủy ban Luật pháp Quốc tế Liên hợp quốc (ILC), và ba Hội nghị Luật Biển Quốc tế (UNCLOS I năm 1957-1958, UNCLOS II năm 1960, và UNCLOS III năm 1973 – 1982), các quốc gia đều công nhận mọi quốc gia ven biển đều có vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển đó. Tuy nhiên, vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất, và chỉ được giải quyết tại UNCLOS III, là chiều rộng tối đa của lãnh hải.
Chiều rộng của lãnh hải
Theo UNCLOS 1982 và được các quốc gia chấp nhận hiện nay, chiều rộng tối đa của lãnh hải là 12 hải lý tính từ đường cơ sở. Trước đó, trong thực tiễn quốc tế đã có nhiều đề xuất về chiều rộng tối đa, ví dụ tầm bắn của đại bác, tầm mắt, 03 hải lý, 12 hải lý, và thậm chí 200 hải lý.[1] Trong quá trình nghiên cứu, Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC) cho rằng luật pháp quốc tế không cho phép mở rộng lãnh hải vượt quá 12 hải lý.[2] Cho đến UNCLOS I, các quốc gia còn có nhiều ý kiến khác nhau.[3] Hội nghị UNCLOS I không tạo được đồng thuận do đó vẫn để ngỏ vấn đề này trong CTS 1958. Hội nghị UNCLOS II được đặc biệt triệu tập hai năm sau đó để cố gắng đàm phán và tiến tới đồng thuận về chiều rộng lãnh hải. Tuy nhiên có vẻ hai năm là thời gian quá ngắn để các quốc gia trao đổi tạo đồng thuận. Đến Hội nghị UNCLOS III, vấn đề chiều rộng của vùng lãnh hải mới đạt được đồng thuận.
Theo thống kê của J. Ashley Roach và Robert W. Smith xuất bản năm 2012, số lượng các quốc gia xác lập lãnh hải rộng 03 hải lý (01), 4-11 hải lý (02), 12 hải lý (140), vượt quá 12 hải lý (07).[4] Bảy quốc gia có lãnh hải vượt quá 12 hải lý bao gồm Benin, Ecuador, El Salvador, Peru, Philippines, Somalia và Togo.[5] Hai quốc gia có lãnh hải hẹp hơn 12 hải lý là Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực biển Aegean giữa hai nước. Tuy nhiên, dường như chỉ có Thổ NHĩ Kỷ hài lòng với lãnh hải 6 hải lý còn Hy Lạp vẫn cho rằng mình có quyền có lãnh hải đến 12 hải lý.[6] Việt Nam tuyên bố lãnh hải rộng 12 hải lý từ năm 1977 và được xác nhận lại trong Luật Biển Việt Nam năm 2012.[7]
Chủ quyền quốc gia đối với lãnh hải
Điều 2 UNCLOS quy định quốc gia ven biển có chủ quyền đối với lãnh hải, bao gồm cả vùng nước, vùng trời phía trên và vùng đáy biển, lòng đất dưới đáy biển. Chủ quyền này không tuyệt đối và đầy đủ như trong nội thủy do chịu hai hạn chế, trong đó có quyền qua lại vô hại của tàu thuyền nước ngoài và quyền miễn trừ của tàu chiến.
Mặc dù, tàu thuyền nước ngoài có quyền qua lại vô hại nhưng không có nghĩa là trong vấn đề này quốc gia ven biển không có bất kỳ thẩm quyền nào. Quốc gia ven biển có quyền thông qua các quy định về an toàn hàng hải, giao thông đường biền, bảo vệ các cơ sở hạ tầng hàng hải, các tuyến cáp, ống ngầm, bảo tồn tài nguyên sinh vật biển, bảo vệ môi trường và ngăn chặn ô nhiễm, ngăn chặn vi phạm về đánh bắt cá, và ngăn chặn các vi phạm về hải quan, tài chính, nhập cư và vệ sinh.[8] Tuy nhiên, các quy định trên không được phép áp dụng đối với thiết kế, xây dựng, vận hành và các thiết bị trên tàu thuyền nước ngoài, trừ khi phù hợp với các tiêu chuẩn và quy định được quốc tế chấp nhận rộng rãi.[9] Quốc gia ven biển cũng có thể yêu cầu tàu thuyền qua lại theo các tuyến hàng hải nhất định trong lãnh hải.[10] Thậm chí, quốc gia ven biển có thể tạm đình chỉnh quyền qua lại vô hại trong một khu vực nhất định nếu cần thiết để bảo vệ an ninh, ví dụ như thử vũ khí.[11]
Về thực thi thẩm quyền đối với tàu thuyền thương mại, về nguyên tắc quốc gia ven biển không có quyền thực thi thẩm quyền hình sự và dân sự. Điều 27 quy định quốc gia ven biển không nên thực thi thẩm quyền hình sự trên tàu thuyền thương mại nước ngoài trên lãnh hải của mình để bắt giữ người, thực thiện điều tra tội phạm xảy ra trên tàu thuyền, trừ trường hợp: (a) hậu quả của tội phạm mở rộng đến quốc gia ven biển, (b) tội phạm thuộc loại gây ảnh hưởng đến hòa bình quốc gia hay trật tự trên lãnh hải, (c) thuyền trưởng của tàu thuyền hay đại diện ngoại giao, lãnh sự của quốc gia mà tàu mang cờ yêu cầu giúp đỡ, và (d) khi cần thiết để ngăn chặn việc vận chuyển trái phép ma túy và các chất hướng thần. Trong lĩnh vực dân sự, quốc gia ven biển không nên thực thi thẩm quyền dân sự đối với tàu thuyền nước ngoài đi qua lãnh hải của họ hay có hành vi dừng hay chuyển hướng tàu để thực thi thẩm quyền dân sự đối với những người trên tàu.[12]
Giới hạn thứ hai cho chủ quyền quốc gia trên lãnh hải là quyền miễn trừ với tàu chiến. Quyền này áp dụng cho tất cả tàu chiến thỏa mãn định nghĩa tại Điều 29 và áp dụng rộng ra cho tất cả các tàu thuyền chính phủ được sử dụng cho mục đích phi-thương mại. “Tàu thuyền chính phủ được sử dụng cho mục đích phi-thương mại” không được định nghĩa trong Công ước.
Quyền qua lại vô hại
Điều 17 UNCLOS quy định “tàu thuyền của tất cả các quốc gia, có biển hoặc không có biển, được hưởng quyền qua lại vô hại qua lãnh hải”. Tàu thuyền có thể đi từ hoặc đi vào nội thủy xuyên qua lãnh hải hoặc di chuyển dọc theo lãnh hải mà không vào nội thủy.[13] Khi thực hiện quyền qua lại vô hại, tàu thuyền cần tuân thủ các điều kiện theo quy định của Công ước, cụ thể: qua lại phải nhanh chóng và liên tục,[14] và phải không ảnh hưởng đến hòa bình, trật tự và an ninh của quốc gia ven biển.[15] Các hành vi sau đây được xem là ảnh hưởng đến hòa bình, trật tự và an ninh của quốc gia ven biển và do đó không “vô hại”: đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực, thử vũ khí, tuyên truyền chống quốc gia ven biển, gây ô nhiễm nghiêm trọng, đánh bắt cá, thực hiện nghiên cứu khoa học,… và tất cả các hành vi không trực tiếp liên quan đến việc qua lại của tàu thuyền.[16] Công ước có quy định đặc biệt với tàu ngầm, phương tiện di chuyển dưới nước và tàu hoạt động bằng năng lượng hạt nhân hay mang chất phóng xạ, nguy hiểm hay độc hại.[17]
Quốc gia ven biển có nghĩa vụ phải không gây ảnh hưởng đến quyền qua lại của tàu thuyền nước ngoài qua lãnh hải, và kể cả khi thực thi thẩm quyền theo đúng quy định của Công ước thì quốc gia ven biển cũng phải thực thi theo cách thức mà không có tác tộng thực tế dẫn đến (i) từ chối hay gây tổn hại đến quyền qua lại, hoặc (ii) phân biệt đối xử giữa các tàu thuyền.[18]
Quyền qua lại vô hại của tàu chiến
Vấn đề đang gây tranh cãi hiện nay liên quan đến quy chế pháp lý của lãnh hải là việc thực thi quyền qua lại vô hại của tàu chiến nước ngoài. Không có bất kỳ quốc gia nào phủ nhận quyền qua lại vô hại của tàu chiến, nhưng có khác nhau trong cách thức thực thi quyền này.[19] Một số nước dẫn đầu là Mỹ cho rằng quốc gia mà tàu chiến mang cờ không cần thiết và cũng không có nghĩa vụ phải thông báo trước (prior notification) và/hoặc xin phép trước (prior permission/prior authorization) quốc gia ven biển khi thực thi quyền qua lại vô hại bởi vì Công ước không có quy định như thế.[20] Trong khi có một quan điểm đối ngược của khoảng 40 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, là việc thông báo trước hay xin phép trước là cần thiết và không trái với bất kỳ quy định nào của Công ước.[21] Nói cách khác, Công ước không đề cập đến việc cấm những yêu cầu này do đó các quốc gia ven biển vẫn được phép quy định.
Quyền qua lại vô hại của tàu chiến trong lãnh hải của Việt Nam
Trước khi Luật Biển Việt Nam có hiệu lực, Việt Nam yêu cầu các quốc gia mà tàu chiến mang cờ phải xin phép trước và thông báo trước. Nghị định 30-CP của Hội đồng Chính phủ ngày 19/1/1980 về Quy chế cho tàu thuyền nước ngoài hoạt động trên các vùng biển của nước CHXHCN Việt Nam ngầm quy định hai yêu cầu nêu trên. Điều 3(c) Nghị định trên quy định tàu thuyền quân sự nước ngoài phải xin phép trước 30 ngày qua đường ngoại giao và thông báo trước 48 giờ cho Bộ GT-VT Việt Nam trước khi đi vào vùng tiếp giáp lãnh hải. Theo UNCLOS vùng lãnh hải nằm gần bờ hơn vùng tiếp giáp lãnh hải do đó có thể suy ra rằng nếu muốn đi vào vùng lãnh hải thì tàu thuyền quân sự nước ngoài đã phải xin phép và thông báo trước ngay từ xa trước khi vào vùng tiếp giáp lãnh hải. Theo nữa, Nghị định trên còn quy định tàu thuyền quân sự của cùng một nước không được phép trú đậu quá ba chiếc trong cùng một thời gian.[22]
Ngày 01/01/2013 Luật Biển Việt Nam có hiệu lực và trên thực tế đã hủy bỏ quy định liên quan tại Nghị định 30-CP (1980) nêu trên. Điều 12(2) quy định “Đối với tàu quân sự nước ngoài khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam, thông báo trườc cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.” Như vậy, các quốc gia mà tàu chiến mang cờ không phải xin phép trước mà chỉ cần thông báo trước cho phía Việt Nam trước khi thực hiện quyền qua lại vô hại trong lãnh hải Việt Nam.
Trần H.D. Minh
(*) Xem thêm quy chế pháp lý của các vùng biển khác theo quy định của UNCLOS:
1. Nội thủy (Internal Waters)
2. Vùng tiếp giáp lãnh hải (Contiguous Zone)
3. Vùng đặc quyền kinh tế (Exclusive Economic Zone – EEZ)
4. Thềm lục địa (Continental Shelf)
5. Biển cả (High Seas)
6. Vùng đáy biển quốc tế (Vùng – the Area/International Seabed).
————————————————————————————–
[1] Bernard G. Heinzen, The Three-Mile Limit: Preserving the Freedom of the Seas, Stanford Law Review, Vol. 11, No. 4 (Jul., 1959), tr. 597 – 664; Ronald J. Yalem, The International Legal Status of the Territorial Sea, 5 Vill. L. Rev. 206 (1960), tr. 206.
[2] Ronald J. Yalem, như trên, tr. 207. [3] Như trên.
[4] J. Ashley Roach and Robert W. Smith, Excessive Maritime Claims, 3rd ed., Martinus Nijhoff, 2012, tr. 136. [5] Như trên, tr. 148.
[6] Quan điểm của Hy Lạp, xem Territorial sea – casus belli in Issues of Greek – Turkish Relations, ngày 12/12/2016, xem tại http://www.mfa.gr/en/issues-of-greek-turkish-relations/relevant-documents/territorial-sea-casus-belli.html; Quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ, The Aegean Problems: The Breath of Territorial Sea, xem tại http://www.mfa.gov.tr/the-breadth-of-territorial-waters.en.mfa
[7] Tuyên bố của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam về Lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, ngày 12/5/1977; Luật Biển Việt Nam năm 2012, Điều 11.
[8] UNCLOS, Điều 21(1). [9] Như trên, Điều 21(2). [10] Như trên, Điều 22. [11] Như trên, Điều 25(3). [12] Như trên, Điều 28. [13] Như trên, Điều 18(1). [14] Như trên, Điều 18(2). [15] Như trên, Điều 19. [16] Như trên, Điều 19(2). [17] Như trên, Điều 20 và 23. [18] Như trên, Điều 24.
[19] Tanaka Yoshifumi, The International Law of the Sea, CUP, 2012, tr. 88 – 91; Robin Churchill, The Impact of State Practice on the Jurisdictional Framework contained in the LOS Convention, in A. G. Oude Elferink (ed.), Stability and Change in the Law of the Sea: The Role of The LOS Convention, Martinus Nijhoff, 2005.
[20] US Department of State, Limits in the Seas No. 112: US Responses to Excessive National Maritime Claims, tr. 52, xem tại https://www.state.gov/documents/organization/58381.pdf
[21] Wu Shicun, Freedom of Navigation in the South China Sea: a Chinese perspective, speech at the RSIS Maritime Security Workshop on Understanding Freedom of Navigation – ASEAN Perspective, organized by the S. Rajaratnam School of International Studies (RSIS), Singapore, 07 March 2017, xem tại http://en.nanhai.org.cn/index.php/Index/Research/paper_c/id/140.html
[22] Nghị định 30-CP của Hội đồng Chính phủ ngày 19/1/1980 về Quy chế cho tàu thuyền nước ngoài hoạt động trên các vùng biển của nước CHXHCN Việt Nam, Điều 5.
Chào thầy ạ. Thời gian qua em đã tìn đọc nhiều tài liệu những vẫn chưa được giải đáp. Về vấn đề “tại sao chiều rộng tối đa của lãnh hải là không quá 12 hải lý, mà không phải là con số khác?”. Em rất mong muốn thầy giải đáp giúp. Em cảm ơn thầy.
Hi em,
Câu hỏi của em quá hay, chỉ là mình không có câu trả lời thỏa đáng. Con số 12 hải lý xuất hiện trong thực tiễn quốc tế. Khi Hội nghị Pháp điển hóa Luật Quốc tế của Hội quốc liên diễn ra năm 1930, các phát biểu tại Hội nghị cho thấy thực tiễn khá đa dạng, có quốc gia yêu sách lãnh hải 3, 4, 6, 10, 12 hay 18 hải lý.
Từ năm 1955, Ủy ban Luật pháp Quốc tê Liên hợp quốc (ILC) nhất trí là “luật quốc tế không cho phép lãnh hải rộng quá 12 hải lý, bởi vì rất ít thực tiễn cho thấy vượt quá mức này”. Công ước Geneve về Lãnh hải và Tiếp giáp lãnh hải năm 1958 cũng không có quy định về chiều rộng lãnh hải, do các quốc gia không nhất trí được với nhau.
Đến những năm 1970s và tại Hội nghị UNCLOS III (1973 – 1982), các quốc gia có vẻ nhanh chóng đạt được thỏa thuận về lãnh hải không vượt quá 12 hải lý (giống với quan điểm của ILC vào năm 1955).
Tóm lại, việc lựa chọn con số 12 xuất phát từ thực tiễn quốc tế. Câu trả lời này không rốt ráo vì mình không biết vì sao từng quốc gia lại chọn con số 12 để dần hình thành nên thực tiễn chung như thế.
Cảm ơn em đã quan tâm, và rất tiếc là không thể giải đáp thắc mắc của em một cách thỏa mãn.
Duy Minh
Em chào thầy ạ, em cũng là một sinh viên khoa Luật Quốc tế của Học viện Ngoại Giao, em cảm thấy những bài viết của thầy về luật quốc tế vô cùng hữu ích đối với việc tìm hiểu và học tập bộ môn Công pháp quốc tế đối với một sinh viên năm nhất như em ạ. Em xin cảm ơn thầy ạ.
Hi Nga, rất vui vì em thấy các bài viết trên blog hữu ích, và cũng vui vì comment của em là một lời ghi nhận cho đóng góp của blog đối với việc phổ biến kiến thức luật pháp quốc tế!
Duy Minh
Em chào Thầy ạ!
Hiện tại em đang tìm hiểu về đề tài Quyền qua lại vô hại và tự do hàng hải. Thầy có thể gợi ý giúp em tài liệu tham khảo và giải thích giúp em quyền qua lại vô hại và quyền tự do hàng hải có gì khác nhau không ạ? Trước đó em có tìm hiểu nhưng chỉ thấy UNCLOS quy định về nội dung này và rất hiếm bài viết liên quan. Em cảm ơn Thầy ạ!
SV Phạm Hoàng Diệu
Hi em,
Về sự khác nhau giữa hai quyền, theo quy định của UNCLOS thì có hai điểm khác nhau. Một là quyền qua lại vô hại tồn tại trong lãnh hải, trong khi quyền tự do hàng hải tồn tại trong vùng đặc quyền kinh tế (Điều 58, và cũng áp dụng cho vùng tiếp giáp lãnh hải do vùng này chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế) và biển cả (Điều 87). Hai, UNCLOS quy định điều kiện thực hiện hai quyền này khác nhau. Ví dụ, quyền qua lại vô hại phải được thực hiện liên tục, nhanh chóng. Quyền tự do hàng hải thì không cần như thế.
Về tài liệu tham khảo thì mình không nhớ là có bất kỳ tài liệu nào so sánh hai quyền này. Có thể là vấn đề không gây tranh cãi gì để cần xuất bản một nghiên cứu. Đương nhiên, với sinh viên, đây có thể là một bài tập không dễ. Em có thể đọc các quy định của UNCLOS rồi lập bảng so sánh những quy định nào áp dụng cho quyền qua lại vô hại và quy định nào áp dụng cho quyền tự do hàng hải. Từ đó, sẽ làm rõ hơn những điểm khác nhau ngoài hai điểm mà mình chỉ ra ở trên.
Minh
Kính chào Thầy,
Trước tiên em rất cảm ơn Thầy đã giải thích giúp em nội dung lần trước! Thầy phản hồi rất nhanh luôn ạ!
Hôm nay em quay lại Blog với 2 thắc mắc liên quan đến quyền qua lại vô hại và tự do hàng hải rất mong được Thầy giải đáp ạ:
1/ Đối với quốc gia không là thành viên của UNCLOS thì việc thực hiện quyền qua lại vô hại của quốc gia khác đối với lãnh hải của quốc gia đó có thể được điều chỉnh như thế nào ạ? Và quốc gia không là thành viên UNCLOS có được hạn chế hoặc cản trở quyền qua lại vô hại của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải của mình không (giả sử không có tập quán được xác lập)?
2/ Về quyền tự do hàng hải, theo em tìm hiểu thì quyền này khá rộng, cụ thể là em tìm được tự do hàng hải trong quá cảnh, tự do hàng hải đối với vùng đặc quyền kinh tế, tự do hàng hải trên biển cả, em muốn hỏi Thầy ngoài các lĩnh vực vừa kể thì em có thể khai thác thêm ở khía cạnh nào để phân tích về quyền tự do hàng hải nữa không ạ?
Kính chào Thầy,
Trước tiên em rất cảm ơn Thầy đã giải thích giúp em nội dung lần trước! Thầy phản hồi rất nhanh luôn ạ!
Hôm nay em quay lại Blog với 2 thắc mắc liên quan đến quyền qua lại vô hại và tự do hàng hải rất mong được Thầy giải đáp ạ:
1/ Đối với quốc gia không là thành viên của UNCLOS thì việc thực hiện quyền qua lại vô hại của quốc gia khác đối với lãnh hải của quốc gia đó có thể được điều chỉnh như thế nào ạ? Và quốc gia không là thành viên UNCLOS có được hạn chế hoặc cản trở quyền qua lại vô hại của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải của mình không (giả sử không có tập quán được xác lập)?
2/ Về quyền tự do hàng hải, theo em tìm hiểu thì quyền này khá rộng, cụ thể là em tìm được tự do hàng hải trong quá cảnh, tự do hàng hải đối với vùng đặc quyền kinh tế, tự do hàng hải trên biển cả, em muốn hỏi Thầy ngoài các lĩnh vực vừa kể thì em có thể khai thác thêm ở khía cạnh nào để phân tích về quyền tự do hàng hải nữa không ạ?
Em cảm ơn Thầy rất nhiều!
PHD
Hi Diệu,
Như vầy nhé, về câu 1, Quốc gia không là thành viên của UNCLOS, như Mỹ chẳng hạn, thì luật tập quán quốc tế sẽ điều chỉnh. Không quốc gia nào phủ nhận sự tồn tại của quyền này trong tập quán quốc tế. Vấn đê với quyền này là nội dung cụ thể; chính xác hơn là việc giải thích và áp dụng quyền này vào từng vụ việc cụ thể. Như trong post có nhắc đến vấn đề quyền qua lại vô hại của tàu chiến đang tranh cãi giữa một số quốc gia. Nếu đã giả sử không có tập quán và cũng không là thành viên của UNCLOS thì, về nguyên tắc, quốc gia có quyền hạn chế hay cản trở qua lại vô hại của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải. Cơ sở pháp lý là chủ quyền quốc gia đối với lãnh hải và nguyên tắc Lotus. Tuy nhiên, giả sử này không nên đặt ra bởi vì không thể nào trở thành hiện thực.
Về câu 2, để tìm thêm khía cạnh mới thì em có thể nhìn vào thực tế xem các quốc gia sử dụng biển cả như thế nào, và xem liệu những hoạt động đó có được xem là việc thực thi hay xâm phạm quyền tự do hàng hải không. Ví dụ như tập trận quân sự kèm theo cấm tàu thuyền trong khu vực tập trận; việc thành lập các khu bảo tồn biển kèm theo các quy định về xin phép hay thông báo trước, hoặc cấm các loại tàu có nguy cơ ô nhiễm; hay vấn đề thực thi thẩm quyền quốc gia đối với tàu trên biển cả. Nhìn vào thực tế thì sẽ thấy rất nhiều vấn đề. Mà chủ yếu là các câu hỏi, chứ không rõ câu trả lời. Em có thể xem thêm Vụ tàu Norstar (Panama v. Italy) tại Tòa ITLOS. Trong vụ này, Tòa có giải thích và kết luận Italy vi phạm quyền tự do hàng hải.
Duy Minh
Dạ em chào thầy, thầy có thể giúp em giải đáp thắc mắc 2 câu hỏi sau không ạ!
1.Trường hợp các tàu thuyền không mang quốc tịch, không lai lịch rõ ràng thì có được hưởng quyền qua lại vô hại và tự do hàng hải hay không? Vì sao?
2.Trường hợp hai con tàu của hai quốc gia khác nhau khi đi qua vùng lãnh hải của Việt Nam và hai con tàu đó xảy ra tranh chấp gây cản trở việc qua lại của phương tiện khác. Vậy trường hợp đó nước ta có quyền áp dụng quyền tài phán hình sự với hai con tàu đó hay không? Vì sao?
Em cảm ơn thầy rất nhiều!
Hi Ry Do,
Hai câu hỏi của bạn rất “mới lạ”, tôi không rõ có thể trả lời chính xác hay không. Bạn xem như là một số gợi mở để nghiên cứu thêm nhé.
1. Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) có vẻ chỉ nhắc đến tàu thuyền không có quốc tịch (Điều 91 và 110). Hai điều này không nhắc đến việc liệu tàu thuyền không có quốc tịch có được hưởng quyền qua lại vô hại trong lãnh hải và quyền tự do hàng hải trên các vùng biển khác hay không. Có thể có lập luận cho rằng vì hai quyền này là quyền được xác lập giữa các quốc gia, do đó, chỉ có các tàu thuyền của một quốc gia mới được hưởng hai quyền này. Điều 17 nhắc đếu “tàu thuyền của tất cả Quốc gia”. Điều 87 quy định “các Quốc gia” có các quyền tự do biển cả, trong đó có tự do hàng hải. Với góc nhìn này, hai quyền trên xuất phát từ quyền của các quốc gia, và một tàu thuyền muốn hưởng hai quyền đó cần phải có quốc tịch của một quốc gia. Tàu thuyền không quốc tịch có thể nói là không có hai quyền trên. Đây là một suy luận, cần nghiên cứu thêm.
Trên thực tế, tàu thuyền không có quốc tịch sẽ không được bất kỳ quốc gia nào bảo vệ, và do đó, quốc gia ven biển hoặc quốc gia có hành động chống lại tàu đó có thể không chịu bất kỳ “áp lực” nào từ bất kỳ quốc gia nào cho bất kỳ hành động nào quốc gia đó thực hiện đối với tàu thuyền không quốc tịch, trừ khi có quy định khác của luật quốc tế, ví dụ quy định về luật nhân quyền quốc tế.
2. UNCLOS có quy định về các hành vi không được xem là qua lại vô hại (Điều 18 và 19), do đó, nếu hai tàu đó có các hành vi này thì không được xem là đang qua lại vô hại. Quốc gia vên biển, trong ví dụ của em là Việt Nam, có quyền thực thi mọi biện pháp cần thiết để chấm dứt hành vi qua lại không vô hại này (Điều 25). Về thẩm quyền tài phán hình sự, UNCLOS có quy định tại Điều 27. Nếu vụ việc thoả mãn các điều kiện quy định tại Điều này thì Việt Nam có quyền áp dụng tài phán hình sự với hai tàu đó.
Duy Minh