[62] UNCLOS: Biển cả (High seas)

Định nghĩa và giới hạn địa lý – Quy chế pháp lý của biển cả

Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) quy định quy chế pháp lý của 07 vùng biển, trong đó 05 vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia (nội thủy, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa) và 02 vùng biển quốc tế (biển cả và vùng đáy biển quốc tế). Quy chế pháp lý của biển cả được điều chỉnh bởi tập quán quốc tế, Công ước Geneva về Biển cả năm 1958 và UNCLOS.

  1. Định nghĩa và giới hạn địa lý

Điều 86 UNCLOS quy định biển cả bao gồm “tất cả các vùng biển không thuộc vùng đặc quyền kinh tế, lãnh hải hay nội thủy của một Quốc gia, hoặc thuộc vùng nước quần đảo của Quốc gia quần đảo.” Định nghĩa này được cập nhật dựa trên định nghĩa của Công ước Geneva về Biển cả năm 1958. Điều 1 của Công ước này quy định “thuật ngữ ‘biển cả’ có nghĩa là tất cả các vùng biển không thuộc lãnh hải hay nội thủy của một quốc gia.” Trước UNCLOS, các quốc gia ven biển có ba vùng biển là nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải; biển cả bao gồm vùng tiếp giáp lãnh hải và tất cả các vùng nước bên ngoài lãnh hải của một quốc gia. Sau đó, tại Hội nghị Luật Biển lần thứ ba (1973 – 1982) các quốc gia đồng ý thành lập vùng đặc quyền kinh tế, vùng nước quần đảo do đó biển cả bị thu hẹp và bị đẩy ra xa bờ biển hơn trước. Mặc dù vậy, diện tích biển cả vẫn rất rộng lớn, chiếm khoảng 2/3 diện tích đại dương và 95% thể tích đại diện.[1]

maritime zone vie

Mặc dù, thông thường biển cả chỉ phần cột nước phía ngoài vùng đặc quyền kinh tế, và không bao gồm vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên dưới, nhưng giải thích chặt chẽ theo quy định của UNCLOS thì biển cả bao gồm cả thềm lục địa (phần vượt quá 200 hải lý không chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế) và vùng đáy biển quốc tế.[2] Điều đó có nghĩa là quy chế pháp lý của biển cả cũng áp dụng cho cả đáy biển và lòng đất dưới đất biển trong chừng mừng không vi phạm vào các quy định riêng áp dụng cho thềm lục địa và vùng đáy biển quốc tế.

  1. Quy chế pháp lý của biển cả

Quy chế pháp lý của biển cả bao gồm tất cả các quy định liên quan đến hoạt động của các quốc gia trên biển cả. Trọng tâm của quy chế pháp lý này là các tự do biển cả (freedoms of high seas). Tự do biển cả là nguyên tắc mà cha đẻ của luật biển quốc tế và luật pháp quốc tế nói chung Hugo Grotius (người Hà Lan) đã nêu ra trong cuốn sách kinh điển của ông – Mare Liberum (1609).

HG 1

Tượng Hugo Grotius trước Tòa án Tối cao Hà Lan (11/10/2017)

Điều 87 UNCLOS quy định:

1. Biển cả mở cho tất cả Quốc gia, cả quốc gia có biển và quốc gia không có biển. Các tự do biển cả được hưởng theo các điều kiện được quy định theo Công ước này và các quy định khác của luật quốc tế. Tự do biển cả dành cho các quốc gia có biển và không có biển bao gồm, inter alia:

  • Tự do hàng hải;
  • Tự do hàng không;
  • Tự do lắp đặt cáp và ống ngầm, theo quy định của Phần VI;
  • Tự do xây dựng các đảo và các công trình nhân tạo khác được luật quốc tế cho phép, theo quy định của Phần VI;
  • Tự do đánh bắt cá, theo các điều kiện được quy định trong mục 2;
  • Tự do nghiên cứu khoa học, theo quy định của Phần VI và XIII.

2. Tất cả các Quốc gia thực hiện các tự do này phải xem xét thích đáng đến lợi ích của các Quốc gia khác khi thực hiện các tự do biển cả và đồng thời xem xét thích đáng đến các quyền theo Công ước này đối với các hoạt động ở Vùng.”

Theo Điều 87 trên, biển cả là vùng biển tự do để ngỏ cho tất cả các quốc gia. Không một quốc gia nào được phép yêu sách chủ quyền đối với bất kỳ vùng biển nào thuộc biển cả.[3] Trên biển cả, các quốc gia được hưởng sáu tự do cơ bản: tự do hàng hải, tự do hàng không, tự do lắp đặt cáp và ống ngầm, tự do xây dựng đảo và công trình nhân tạo, tự do đánh bắt cá và tự do nghiên cứu khoa học. Danh sách này bổ sung thêm hai tự do là tự do xây dựng đảo và công trình nhân tạo và tự do nghiên cứu khoa học trên biển cả so với Công ước Geneva về Biển cả năm 1958.[4]

Danh sách các tự do biển cả trên là danh sách mở,[5] theo đó, có thể các các hoạt động khác thuộc tự do biển cả. Theo nghĩa rộng nhất, tự do biển cả bao gồm tất cả các hoạt động không được luật quốc tế, bao gồm UNCLOS, quy định thuộc quyền độc quyền của một quốc gia hay tổ chức quốc tế nào. Điều kiện tiên quyết là các hoạt động đó phải vì mục đích hòa bình theo Điều 88. Tuy nhiên, Điều 88 không cấm các hoạt động quân sự nói chung trên biển cả, ví dụ như tập trận hay thử vũ khí, trong chừng mừng các hoạt động này phù hợp với các quy định của luật quốc tế, bao gồm nguyên tắc cấm sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực.[6]

Trên biển cả, tất cả các quốc gia đều có các quyền tự do biển cả, nhưng việc thực hiện các quyền đó cần tuân thủ “các điều kiện theo quy định của Công ước này và các quy định khác của luật quốc tế.”[7] Ví dụ như, tự do hàng hải cần tuân thủ các quy định về an toàn hàng hải trong tập quán quốc tế hay các công ước của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO); tự do hàng không cần tuân thủ các quy định về an toàn hàng không trong tập quán quốc tế hay các công ước của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) (xem post này); tự do lắp đặt cáp và ống ngầm theo quy định liên quan ở Điều 79 Phần VI về thềm lục địa; tự do xây dựng các đảo và công trình nhân tạo phải tuân thủ các quy định liên quan ở Điều 80 Phần VI về thềm lục địa; tự do đáng bắt cá tuân theo quy định cụ thể của Mục 2 Phần VII; tự do nghiên cứu khoa học thì tuân thủ các quy định tại Phần VI về thềm lục địa và Phần XIII về nghiên cứu không học.

Ngoài ra, Điều 87(2) đặt ra nghĩa vụ chung cho tất cả các quốc gia có hoạt động trên biển cả – nghĩa vụ xem xét thích đáng (obligation of due regard). Nghĩa vụ này nhằm bảo đảm các quốc gia có thể thực hiện các tự do biển cả mang lại lợi ích cho mình mà không xâm phạm quá đáng vào lợi ích của các bên khác. Theo đó, nghĩa vụ này buộc các quốc gia phải cân bằng lợi ích của mình với lợi ích của quốc gia khác và lợi ích của cộng đồng quốc tế ở vùng đáy biển quốc tế. Tuy nhiên, nghĩa vụ xem xét thích đáng có nội hàm khá mơ hồ, khó định lượng tiêu chí.

Trần H. D. Minh

(*) Xem thêm quy chế pháp lý của các vùng biển khác theo quy định của UNCLOS:

1. Nội thủy (Internal Waters) 

2. Lãnh hải (Territorial Sea) 

3. Vùng tiếp giáp lãnh hải  (Contiguous Zone)

4. Vùng đặc quyền kinh tế (Exclusive Economic Zone – EEZ)

5. Thềm lục địa (Continental Shelf)

6. Vùng đáy biển quốc tế (Vùng – the Area/International Seabed).

————————————————————————————-

[1] Kristina Gjerde, ‘High Seas’ < https://www.iucn.org/theme/protected-areas/wcpa/what-we-do/high-seas> (truy cập ngày 10/2/2018); Cymie Payne, ‘Biodiversity in High Seas Areas: An Integrated Legal Approach’ (2017) 21(9) ASIL Insights < https://www.asil.org/insights/volume/21/issue/9/biodiversity-high-seas-areas-integrated-legal-approach> (truy cập ngày 10/2/2018).

[2] RR Churchill & AV Lowe, Law of the Sea (Manchester University Press 1999) 203 – 204.

[3] UNCLOS, Điều 89.

[4] Công ước Geneva về Biển cả năm 1958, Điều 2.

[5] Satya N Nandan & Shabtai Rosenne (eds.) United Nations Convention on the Law of the Sea 1982: A Commentary Vol. III (Martinus Nijhoff Publishers 1995) 84; Donald R Rothwell & Tim Stephens, The International Law of the Sea (Hart Publishing 2010) 155; Yoshifumi Tanaka, The International law of the Sea (CUP 2012) 151; RR Churchill & AV Lowe, Law of the Sea (Manchester University Press 1999) 205.

[6] Như trên, Satya N Nandan & Shabtai Rosenne, tr. 91; Churchill & Lowe, tr. 206;

[7] UNCLOS, Điều 87(1).

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: