Nicaragua và Tòa ICJ – Tích cực sử dụng Tòa ICJ sau chiến thắng pháp lý vang dội chống lại Mỹ năm 1986 – Vì sao Nicaragua là một điểm quy chiếu có giá trị cho Việt Nam?
*****
Nhân dịp Ngoại trưởng nước Cộng hòa Nicaragua Denis Moncada thăm chính thức Việt Nam từ ngày 5 – 7.9.2019, bài viết xin giới thiệu một số thông tin về mối quan hệ “nồng thắm” giữa quốc gia Trung Mỹ này với Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ). Đây là một quốc gia có nhiều kinh nghiệm sử dụng biện pháp lý mà Việt Nam có thể học hỏi và tham khảo. Đáng tiếc là trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Nicaragua, thông tin báo chí cho thấy có vẻ vấn đề này không được đề cập đến hoặc có nhưng không phải là vấn đề trao đổi quan trọng.
1. Nicaragua tham gia 14 vụ kiện trước Tòa ICJ
Nói đến Nicaragua, bất kỳ ai từng học luật quốc tế đều nhớ đến vụ kiện kinh điển giữa nước này và Mỹ trước Tòa ICJ: Vụ hoạt động quân sự và bán quân sự của Mỹ ở và chống lại Nicaragua. Phán quyết về nội dung của Tòa ICJ vào năm 1986 được xem là một phán quyết kinh điển, có vị trí đặc biệt trong các án lệ quốc tế. Trong phán quyết này, Tòa đã xác nhận giá trị pháp lý và nội hàm của các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế. Xem bình luận của Robert Kolb về vụ kiện này tại đây và đây.
Lần đầu tiên Nicaragua xuất hiện trước Tòa ICJ là khi nước này bị Honduras khởi kiện vào năm 1957: Vụ Phán quyết trọng tài của Vua Tây Ban Nha ngày 23 tháng 12 năm 1906 (Honduras v. Nicaragua). Cho đến hiện nay, Nicaragua đã tham gia 14 vụ kiện trước Tòa ICJ, trong đó, nước này là nguyên đơn trong 08 vụ, là bị đơn trong 05 vụ, là bên can thiệp trong 01 vụ (ngoài ra còn tham gia một vụ liên quan đến thủ tục xem xét lại phán quyết). Hiện nay, Nicaragua có hai vụ kiện đang được xem xét tại Tòa ICJ.
Nói thêm, Mỹ là “khách hàng” số một của Tòa ICJ, tham gia 24 vụ kiện, cùng một vụ liên quan thủ tục giải thích phán quyết. Đồng hạng hai với Nicaragua là Anh và Pháp với 14 vụ kiện. Xem danh sách vụ kiện theo Quốc gia tại đây.
2. Tích cực sử dụng Tòa ICJ sau chiến thắng pháp lý vang dội chống lại Mỹ năm 1986
Nicaragua bắt đầu chủ động sử dụng Tòa ICJ từ năm 1984, khi khởi kiện Mỹ trong Vụ Nicaragua v. Mỹ kinh điển nói trên. Với thắng lợi pháp lý vang dội trong vụ kiện này, Nicaragua đã tích cực sử dụng Tòa ICJ để giải quyết tranh chấp quốc tế với các quốc gia khác. Ngày 27.06.1986, Tòa ICJ ra phán quyết khẳng định Mỹ đã vi phạm một loạt các quy định luật pháp quốc tế khi có các hoạt động quân sự và bán quân sự trên lãnh thổ của Nicaragua để chống lại chính phủ của nước này. Một tháng sau đó, vào ngày 28.7.1986, Nicargua nộp hai đơn kiện cùng lúc khởi kiện Costa Rica và Honduras.
Trong Vụ các hoạt động vũ trang tại biên giới và xuyên biên giới (Nicaragua v. Costa Rica), sau khi Nicaragua khởi kiện, năm 1987, hai nước đã đạt được thỏa thuận với nhau để Nicaragua chấm dứt vụ kiện trước Tòa ICJ. Trong Vụ các hoạt động vũ trang tại biên giới và xuyên biên giới (Nicaragua v. Honduras), Tòa ICJ ra phán quyết khẳng định mình có thẩm quyền vào năm 1988, năm 1989, hai nước đã đạt được thỏa thuận đề nghị Tòa tạm hoãn thủ tục xét xử cho đến ngày 11.06.1990 để tự tìm kiếm giải pháp cho tranh chấp giữa hai nước. Hai nước đã thành công đạt được “thỏa thuận ngoài tòa” (out-of-court agreement) đề nghị Tòa chấm dứt xem xét vụ kiện.
Các vụ kiện tiếp theo, bị đơn và nguyên đơn của Nicaragua là Honduras và Costa Rica (hai quốc gia có đường biên giới đất liền và vùng biển chồng lấn với Nicaragua) và Colombia (quốc gia có vùng biển chồng lấn với Nicaragua).
Năm 1989, Nicaragua gửi đề nghị can thiệp vào Vụ tranh chấp lãnh thổ, đảo và ranh giới biển (El Salvador/Honduras).
Năm 1999, Nicaragua khởi kiện Honduras trước Tòa ICJ trong Vụ tranh chấp lãnh thổ và biển giữa Nicaragua và Honduras ở Biển Ca-ri-bê (Nicaragua v. Honduras). Tòa ra phán quyết năm 2007.
Năm 2001, Nicaragua khởi kiện Colombia trước Tòa ICJ trong Vụ tranh chấp lãnh thổ và biển (Nicaragua v. Colombia). Tòa ra phán quyết năm 2012.
Năm 2005, Nicaragua bị Costa Rica khởi kiện trong Vụ Tranh chấp liên quan đến các quyền đi lại của tàu thuyền và các quyền liên quan (Costa Rica v. Nicaragua). Tòa ra phán quyết năm 2009.
Năm 2010, Costa Rica khởi kiện Nicaragua một lần nữa trong Vụ một số hoạt động của Nicaragua tại khu vực biên giới (Costa Rica v. Nicaragua). Tòa ra phán quyết năm 2018.
Năm 2011, Nicaragua khởi kiện Costa Rica trong Vụ xây dựng đường tại Costa Rica dọc song San Juan (Nicaragua v. Costa Rica).
Năm 2013, Nicaragua khởi kiện Colombia trong hai vụ: Vụ liên quan đến phân định thềm lục địa ngoài 200 hải lý tính từ bờ biển Nicaragua giữa Nicaragua và Colombia (Nicaragua v. Colombia), và Vụ cáo buộc vi phạm quyền chủ quyền và không gian biển tại Biển Ca-ri-bê (Nicaragua v. Colombia). Hai vụ này vận đang được Tòa xét xử, chưa có phán quyết.
Năm 2014, Costa Rica khởi kiện Nicaragua torng Vụ phân định biển tại Biển Ca-ri-bê và Thái Bình Dương (Costa Rica v. Nicaragua). Tòa ra phán quyết vào năm 2018.
Mới nhất, năm 2017, Costa Rica khởi kiện Nicaragua trong Vụ biên giới trên đất liền ở khu vực phía bắc Isla Portillos (Costa Rica v. Nicaragua). Tòa ra phán quyết vào năm 2018 chung với Vụ phân định biển tại Biển Ca-ri-bê và Thái Bình Dương giữa hai nước nêu trên.
3. Vì sao Nicargua là một điểm quy chiếu có giá trị cho Việt Nam?
Nicaragua là một quốc gia không lớn, có cùng vị thế và trình độ phát triển với Việt Nam. Do đó, Nicaragua là một điểm quy chiếu có giá trị cho Việt Nam. So sánh sơ bộ theo thông tin trên Wikipedia như sau:
So sánh | Nicaragua | Việt Nam |
Diện tích | 130.373 km2 | 331.212 km2 |
Dân số | 6.1 triệu người | 94.6 triệu người |
GDP | 13.3 tỷ USD | 260.3 tỷ USD |
GDP per captia | 2.126 USD/người/năm | 2.726 USD/người/năm |
Hệ số GINI về thu nhập | 46.2 (cao) | 37.6 (trung bình) |
Chỉ số HDI về phát triển con người | 0.658 (trung bình, hạng 124) | 0.694 (trung bình, hạng 116) |
Việc một quốc gia nhỏ sử dụng biện pháp pháp lý thường xuyên để giải quyết tranh chấp với các quốc gia láng giềng cho thấy biện pháp pháp lý có hiệu quả, hiệu lực giải quyết tranh chấp trên thực tế. Đặc biệt, nếu không tính siêu cường Mỹ, quốc gia là bị đơn hay nguyên đơn của Nicaragua là ba quốc gia láng giềng mà trình độ phát triển đều từ “nhỉnh” hơn hoặc vượt trội hẳn so với Nicaragua.
Nicaragua | Honduras | Costa Rica | Colombia | |
Diện tích (km2) | 130.373 | 112.492 | 51.100 | 1.141.748 |
Dân số (triệu) | 6.1 | 9.1 | 4.8 | 48.3 |
GDP (tỷ USD) | 13.3 | 23.8 | 60.5 | 355 |
GDP per capita
USD/người/năm |
2.126 | 2.829 | 11.895 | 7.049 |
Hệ số GINI | 46.2 (cao) | 50 (cao) | 48.3 (cao) | 49.7 (cao) |
Chỉ số HDI | 0.658 (trung bình, hạng 124) | 0.617 (trung bình, hạng 133) | 0.794 (cao, hạng 63) | 0.747 (cao, hạng 90) |
Mặc dù, có thể có những điểm khác biệt về văn hóa và hệ thống chính trị, cũng như quan hệ với các quốc gia láng giềng, tham khảo Nicaragua là một việc hữu ích cho Việt Nam.
Với kinh nghiệm của mình, Nicaragua còn có thể cung cấp bài học cho Việt Nam về việc chuẩn bị hồ sơ pháp lý, lựa chọn luật sư, phối hợp giữa luật sư nước ngoài và nhóm làm việc sở tại, về chi phí và thời gian.
Trần H. D. Minh
Trả lời