[142] Nội dung chính của thỏa thuận giữa Anh và Trung Quốc năm 1984 về việc trao trả Hồng Kông

Giá trị pháp lý của Tuyên bố chung năm 1984 – Điều khoản chuyển giao – Cam kết đơn phương của Trung Quốc đối với Hồng Kông sau ngày chuyển giao – Một số ghi chú

Ngày 01.07.2019 là ngày kỷ niệm 22 năm ngày Hồng Kông chính thức được trao trả lại cho Trung Quốc. Việc trao trả này được thực hiện theo thỏa thuận giữa Chính phủ Anh và Trung Quốc, ghi nhận trong: Tuyên bố chung Anh – Trung Quốc về Vấn đề Hồng Kông (Sino-British Joint Declaration on the Question of Hong Kong). Tuyên bố chung được ký giữa Thủ tướng Trung Quốc Zhao Ziyang (Triệu Tử Dương) và Thủ tướng Anh Margaret Thatcher tại Bắc Kinh vào ngày 19.12.1984.[1]

Tổng thư ký Liên hợp quốc Koffi Annan đánh giá rằng đây là “cột mốc trong lịch sử lâu dài của phong trào phi-thuộc địa hóa”.

Theo Bách khoa toàn thư Britannica của Anh, về lịch sử, Hồng Kông được Trung Quốc chuyển nhượng (cede) cho Anh sau Chiến tranh nha phiến lần thứ nhất (1839 – 1842) theo Hiệp ước Nam Kinh năm 1842 một hiệp ước bất bình đẳng. Sau Chiến tranh nha phiến lần hai (1856-1860), Anh ép buộc Trung Quốc chuyển nhượng tiếp một phần lãnh thổ lân cận. Toàn bộ Hồng Kông hiện nay được Trung Quốc cho Anh thuê (lease) theo Hiệp ước về Mở rộng Lãnh thổ Hồng Kông năm 1898, theo đó, Anh sẽ thuê Hồng Kông trong vòng 99 năm kể từ ngày 01.07.1898.

Thatcher & Zhao 1984 Hongkong

Giá trị pháp lý

Tuyên bố chung năm 1984 được xem là điều ước quốc tế ràng buộc Anh và Trung Quốc, thể hiện ý định chịu ràng buộc của hai nước qua Điều 8 của Tuyên bố chung. Điều này khẳng định rằng Tuyên bố sẽ phải được phê chuẩn và có hiệu lực từ ngày trao đổi văn kiện phê chuẩn, và rằng Tuyên bố chung này và các Phụ lục đi kèm sẽ có hiệu lực ràng buộc như nhau. Xem thêm về định nghĩa điều ước quốc tế tại đâyđây.

Gần đây, có vẻ như Trung Quốc mong muốn làm suy giảm giá trị pháp lý của Tuyên bố chung. Ngày 30.06.2017, Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng:

“Đã 20 năm kể từ khi Hồng Kông quay lại với đất mẹ, và các dàn xếp cho giai đoạn chuyển giao được quy định trong Tuyên bố chung Anh – Trung bây giờ chỉ còn là lịch sử và không còn ý nghĩa quan trọng về mặt thực tiễn, cũng như không ràng buộc đối với việc quản lý của chính phủ trung ương Trung Quốc đối với Đặc khu Hồng Kông.”

Ngày 30.06.2019 vừa qua, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt tái khẳng định lại rằng Tuyên bố chung “là một điều ước quốc tế có hiệu lực ràng buộc pháp lý và vẫn có hiệu lực đến ngày hôm nay giống như lúc được ký kết và phê chuẩn hơn 30 năm về trước.”

Điều khoản chuyển giao

Tuyên bố chung năm 1984 mở đầu bằng hai điều khoản, ghi nhận rằng Chính phủ Trung Quốc “đã quyết định tái thực thi chủ quyền đối với Hồng Kông kể từ ngày 1 tháng 7 năm 1997”, và Chính phủ Anh tuyên bố “sẽ khôi phục Hồng Kông lại cho nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào ngày 1 tháng 7 năm 1997”.

Hongkong

Cam kết của Trung Quốc về chính sách với Hồng Kông

Điều 3 của Tuyên bố chung ghi nhận 12 cam kết đơn phương của Trung Quốc về chính sách đối với Hồng Kông sau ngày chuyển giao. Đây có thể xem là những điều kiện nhượng bộ của nước này để đổi lại việc Anh đồng ý trao trả Hồng Kông. Đọc kèm với các quy định cụ thể hóa tại Phụ lục I, dưới đây là tóm tắt 12 cam kết thành 8 điểm như sau:

  1. Trung Quốc trao quy chế Đặc khu hành chính cho Hồng Kông theo Điều 31 Hiến pháp của Trung Quốc, được quản lý trực tiếp bởi Chính phủ trung ương Trung Quốc, có tên gọi đối ngoại là “Hồng Kông, Trung Quốc”. Hệ thống xã hội chủ nghĩa và các chính sách xã hội chủ nghĩa sẽ không được áp dụng ở Hồng Kông; hệ thống tư bản và lối sống tư bản sẽ được duy trì ở Hồng Kông.[2]
  2. Hồng Kông sẽ được hưởng mức độ tự trị cao (a high degree of autonomy), trừ các vấn đề liên quan đến đối ngoại và quốc phòng là thuộc về Chính quyền trung ương Trung Quốc. Về đối ngoại, Hồng Kông có thể tự duy trì, phát triển quan hệ kinh tế và văn hóa, và ký kết các thỏa thuận với các quốc gia, khu vực và tổ chức quốc tế trong các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, tài chính và tiền tệ, hàng hải, thông tin liên lạc, du lịch, văn hóa và thể thao.[3] Về quốc phòng, quân đội trung ương có thể đồn trú tại Hồng Kông nhưng không được phép can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Hồng Kông, và chi phí sẽ do Chính quyền trung ương chi trả.[4]
  3. Về hệ thống nhà nước và luật pháp, Hồng Kông sẽ có thẩm quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp, bao gồm quyền xét xử chung thẩm. Luật pháp hiện hành sẽ không thay đổi về cơ bản. Việc duy trì trật tự công cộng tại Hồng Kông thuộc trách nhiệm của Chính quyền đặc khu Hồng Kông.
  4. Chính quyền đặc khu Hồng Kông sẽ gồm cư dân địa phương (local habitants). Trưởng đặc khu do Chính quyền trung ương bổ nhiệm trên cơ sở kết quả bầu cử hoặc tham vấn với địa phương. Quan chức cấp cao của đặc khu cũng sẽ do Chính quyền trung ương bổ nhiệm theo đề cử của Trưởng đặc khu.
  5. Hệ thống kinh tế và xã hội của Hồng Kông sẽ không bị thay đổi. Các quyền và tự do, bao gồm các quyền của cá nhân, về ngôn luận, báo chí, hội họp, liên kết, đi lại, di chuyển, thư tín, biểu tình, lựa chọn nghề nghiệp, nghiên cứu khoa học và tôn giáo, tính ngưỡng sẽ được pháp luật bảo đảm tại Hồng Kông. Luật pháp cũng sẽ bảo vệ quyền tư hữu tài sản, sở hữu doanh nghiệp, các quyền hợp pháp về thừa kế và đầu tư nước ngoài. Hồng Kông có thể cấp giấy tờ đi lại xuất nhập cảnh vào Hồng Kông.
  6. Hồng Kông sẽ duy trì quy chế một cảng biển tự do (a free port), một lãnh thổ thuế quan riêng biệt (a separate customs territory), một trung tâm tài chính quốc tế, và là thị trường trao đổi ngoại tệ, vàng, chứng khoán. Hồng Kông duy trì việc tự do dịch chuyển tư bản (free flow of capital) và đồng Đô-la Hồng Kông tiếp tục được lưu hành và tự do chuyển đổi. Hồng Kông sẽ có ngân sách độc lập, không chịu các khoản thuế của Chính phủ trung ương Trung Quốc, và cũng không chuyển ngân sách về trung ương.[5] Hồng Kông có thể xác lập quan hệ kinh tế cùng có lợi với Anh và các quốc gia khác.
  7. Các chính sách cơ bản nêu trên sẽ có hiệu lực không thay đổi trong 50 năm.

Một số ghi chú

Các cam kết trên được ghi nhận lại trong Luật cơ bản của Hồng Kông – luật này có vai trò tương tự như hiến pháp của Hồng Kông – do Quốc hội Trung Quốc thông qua ngày 01.04.1990, và được Chủ tịch nước Trung Quốc công bố cùng ngày, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01.07.1997.

Trong bối cảnh sự khác nhau giữa Trung Quốc và Anh về mọi mặt xã hội-kinh tế-chính trị, các cam kết trên bảo đảm Hồng Kông sẽ bị xáo trộn ít nhất có thể khi chuyển giao về cho Trung Quốc. Về cơ bản, Hồng Kông sẽ là một lãnh thổ tự trị, với luật pháp không thay đổi và người dân được hưởng những quyền tương tự như khi được Anh quản lý. Chỉ có hai vấn đề mà Trung Quốc có tiếng nói quyết định trong các vấn đề nội bộ của Hồng Kông:

  • Vấn đề liên quan đến đối ngoại và quốc phòng.
  • Vấn đề nhân sự cấp cao. Trưởng đặc thu và các quan chức cấp cao của chính quyền Hồng Kông sẽ do Chính phủ trung ương Trung Quốc bổ nhiệm, dù rằng phải dựa trên cơ sở ý kiến của chính Hồng Kông.

Mô hình này được gọi đơn giản là chính sách “một quốc gia, hai chế độ” (one country, two systems, hay nhất quốc lưỡng chế). Việc chấp nhận các cam kết của Trung Quốc cho thấy tầm nhìn chiến lược của nước này cân bằng giữa nguyên-tắc và linh-hoạt, giữa “bất biến” và “vạn biến”: chấp nhận nhượng bộ về mức độ tự trị, và cả về hệ tư tưởng, để xác lập lại chủ quyền với Hồng Kông.

Các cam kết sẽ duy trì trong vòng 50 năm kể từ ngày được trao trả chính thức, tức là đến ngày 01.07.2047. Sau ngày này, Trung Quốc có toàn quyền quyết định tương lai của Hồng Kông, có thể sẽ tiếp tục duy trì quy chế đặc khu, hay cũng có thể là đồng hóa Hồng Kông thành một bộ phận hành chính tương tự như trong lục địa. 50 năm là khá dài, tương đương 10 nhiệm kỳ, với khoảng năm thế hệ lãnh đạo quốc gia; nhưng với một quốc gia, 50 năm là có thể nhượng bộ và chờ đợi.

Trần H. D. Minh

—————————————————————

[1] Tam Wai-Chu Maria (chủ biên), Chapter 1.2. ‘Sino-British Negotiations and the Sino-British Joint Declaration’ in trong ‘Drafting and Promulgation of the Basic Law and Hong Kong’s Reunification with the Motherland’, https://www.basiclaw.gov.hk/en/publications/15anniversary_reunification/index.html, truy cập ngày 01.07.2019.

[2] Tuyên bố chung Anh – Trung về Vấn đề Hồng Kông năm 1984, Phụ lục I, Điều I.   [3] Như trên, Điều XI.   [4] Như trên, Điều XII.   [5] Như trên, Điều V.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: