Mở đầu – Nguyên nhân các nước lớn vi phạm luật quốc tế – Do ý thức không tuân thủ luật – Do tính răn đe kém của các chế tài luật quốc tế – Do các kẽ hỡ của luật quốc tế – Kết luận
- Mở đầu
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nền chính trị quốc tế hiện đại đã chứng kiến nhiều vụ việc vi phạm luật quốc tế rõ ràng của các nước lớn.[1] Năm 1999, Mỹ dẫn đầu NATO can thiệp vào tình hình Kosovo mà không được sự ủy thác từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC). Năm 2001, Mỹ tấn công Afghanistan, lật đổ chế độ Taliban với danh nghĩa phát động cuộc chiến chống khủng bố, trái với nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực và nguyên tắc chỉ sử dụng vũ lực khi được UNSC ủy thác, trái với quy định về phòng vệ chính đáng do tổ chức khủng bố Al Qaeda đã tấn công Mỹ vụ 11/9 chứ không phải Taliban. Năm 2003, Mỹ tiếp tục lấy danh nghĩa đó, cùng với lý lẽ Iraq tàng trữ vũ khí hóa học, để xâm lược nước này, lật đổ Tổng thống Iraq Saddam Hussein, trái với nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực. Năm 2008, Nga đưa quân vào lãnh thổ Gruzia, tham chiến trong cuộc chiến 5 ngày giữa Gruzia và hai vùng tự trị Nam Ossetia, Abkhazia, trái với nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế là không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác. Tháng 03/2014, Nga sáp nhập bán đảo Crimea (gồm nước Cộng hòa tự trị Crimea và thành phố Sevastopol) vào lãnh thổ liên bang sau cuộc trưng cầu dân ý đầy tranh cãi của chính quyền Crimea, làm trái với nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Cùng năm đó, vào tháng 5, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 (HD-981) ngoài khơi Việt Nam, trái với các quy định cụ thể được ghi nhận trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Trước thực trạng nhiều lần vi phạm của các nước lớn, trật tự dựa trên luật lệ (rule-based order) ngày càng bị lung lay. Các nước lớn vốn đã có tầm ảnh hưởng vượt trội trong hệ thống quốc tế nên hệ quả của việc vi phạm luật của họ sẽ càng có tác động lớn hơn nhiều so với việc các nước vừa và nhỏ vi phạm, đe dọa đến hòa bình, ổn định và thịnh vượng của thế giới. Điều này làm nảy sinh nhu cầu nghiên cứu nguyên nhân tại sao các nước lớn vi phạm luật quốc tế nhằm giải quyết tình trạng nói trên. Do giới hạn độ dài, bài viết dẫn ba trường hợp vi phạm luật quốc tế điển hình gần đây nhất của ba nước lớn khác nhau: (i) Mỹ xâm lược Iraq (2003); (ii) Nga sáp nhập bán đảo Crimea (2014); (iii) Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 ở Biển Đông (2014).
- Nguyên nhân của hành vi vi phạm
Các nước lớn biết rõ các hành vi của mình vi phạm luật quốc tế nhưng vẫn bất chấp mà thực hiện do nhiều nguyên nhân. Xét trong mối quan hệ giữa bên vi phạm (nước lớn) và luật quốc tế, có thể suy luận các nguyên nhân nói trên từ các yếu tố cấu thành việc tuân thủ luật quốc tế của các quốc gia. Trong trường hợp hệ thống luật quốc tế hoàn toàn chặt chẽ và không có kẽ hở nào thì để một quốc gia tuân thủ luật quốc tế, cần có hai điều kiện, tương ứng với hai kiểu tuân thủ: Thứ nhất, bản thân quốc gia đó ý thức được rằng mình phải có nghĩa vụ tuân thủ luật quốc tế, đây là kiểu tuân thủ chủ động; Thứ hai, các biện pháp trừng trị những kẻ không tuân thủ luật phải thực sự cứng rắn, có tính răn đe rất cao để khiến cho quốc gia đó từ bỏ ý định vi phạm luật, đây là kiểu tuân thủ bị động. Như vậy, khi một quốc gia không tuân thủ luật quốc tế, ở họ thiếu một trong hai hoặc cả hai điều kiện nói trên. Nói cách khác, các nước lớn vi phạm luật quốc tế vì bản thân họ không có ý thức tuân thủ luật; hay vì những biện pháp trừng phạt, chế tài của luật quốc tế không có tính răn đe với họ.
Tuy nhiên, trên thực tế, không có một hệ thống luật nào lại không có những lỗ hổng nhất định, dù là luật quốc gia hay luật quốc tế. Khi các nước lớn tìm cớ để biện minh cho hành vi vi phạm của mình, họ đều viện dẫn chính các kẽ hở trong luật quốc tế. Có thể nói, chính sự không hoàn thiện của hệ thống luật quốc tế cũng là một nhân tố tạo điều kiện cho các nước lớn thực hiện hành vi vi phạm. Như vậy, tập hợp các lý do cấu thành nguyên nhân các nước lớn vi phạm luật quốc tế bao gồm: (i) Các nước lớn không có ý thức tuân thủ luật quốc tế; (ii) Các biện pháp trừng phạt không có tính răn đe đối với các nước lớn; (iii) Hệ thống luật quốc tế còn tồn tại những kẽ hở mà các nước lớn có thể lợi dụng dùng làm cái cớ biện minh cho hành vi của mình.
2.1. Ý thức không tuân thủ luật
Thứ nhất, việc các nước lớn không có ý thức tuân thủ luật quốc tế trước hết xuất phát từ chính bản sắc nước lớn của họ. Các cường quốc tự nhận thức mình là nước lớn và luôn muốn thể hiện sức mạnh và tầm ảnh hưởng vượt trội của mình, hành vi luôn mang tính chất chủ động và áp đặt. Trong môi trường vô chính phủ với quy tắc sinh tồn là “mạnh được yếu thua” của nền chính trị quốc tế hiện đại, hệ thống luật, các quy chuẩn, chuẩn tắc khó có thể bó buộc được hành vi của họ. Hơn nữa, các điều ước quốc tế yêu cầu sự đối xử bình đẳng với các quốc gia thành viên trong khi thực tế là các nước không hề bình đẳng về sức mạnh lẫn tầm ảnh hưởng. Điều này khiến các nước lớn cảm thấy bị ràng buộc bởi các quy phạm luật quốc tế mà không được tự do hành động theo ý chí của riêng mình. Hệ quả là, trong những trường hợp mà đối với họ là cần thiết phải vi phạm luật quốc tế, các nước lớn sẽ có xu hướng lựa chọn hành vi không tuân thủ luật.
Bên cạnh bản sắc nước lớn, lợi ích thu được từ việc vi phạm cũng cấu thành ý thức không tuân thủ luật quốc tế của các nước lớn. Khi việc vi phạm mang lại những lợi ích to lớn hơn những mất mát mà việc không vi phạm gây ra, các nước lớn, với tư cách là các chủ thể duy lý, sẽ lựa chọn hành vi vi phạm.
Ở trường hợp nghiên cứu thứ nhất, Mỹ xâm lược Iraq trước hết vì lợi ích dầu mỏ bởi lo sợ một kẻ độc tài như Saddam Hussein có thể cản trở hoạt động khai thác dầu mỏ của các công ty dầu khí Mỹ như Halliburton, Baker Hughes, WeatherFord International, Schlunberger, ExxonMobil tại Iraq, Mỹ đã tìm cách dựng lên một cái cớ rằng Iraq tàng trữ vũ khí hủy diệt hàng loạt để xâm lược, từ đó lật đổ Saddam Hussein nhằm dựng lên một chính quyền thân Mỹ. Chính quyền này đảm bảo duy trì ảnh hưởng của Mỹ ở Iraq, rộng ra là cả khu vực Trung Đông nói chung cũng như duy trì hoạt động khai thác dầu của các công ty Mỹ nói riêng. Hiện nay, Mỹ là một trong những nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới. Trong khi đó, Trung Đông lại là “giếng dầu” trù phú bậc nhất thế giới, riêng Iraq là nước có lượng dầu mỏ nhiều thứ ba khu vực sau Ả Rập Saudi và Iran.[2] Ngoài ra, chế độ của Tổng thống Saddam Hussein là chế độ độc tài nên việc lật đổ chính quyền này đối với Mỹ cũng đồng nghĩa với việc đảm bảo lợi ích phổ biến nền dân chủ kiểu Mỹ ra toàn thế giới Ả Rập. Nhìn chung, có thể kết luận rằng, nếu không vì có lợi ích dầu mỏ ở Iraq thì việc một đất nước xa xôi có tàng trữ vũ khí hủy diệt hàng loạt theo như Mỹ cáo buộc hay không không quá cần thiết phải tiến hành một cuộc xâm lược có quy mô lớn như vậy.
Ở trường hợp nghiên cứu thứ hai, ngoài mặt Nga tuyên bố việc sáp nhập Crimea vào lãnh thổ của mình là tôn trọng nguyện vọng chính đáng của người dân Crimea nhưng thực chất hành vi sáp nhập này sẽ giúp Nga giữ được chỗ đứng tại vùng Sevastopol nói riêng và Biển Đen chiến lược nói chung, nơi đóng căn cứ quân sự quan trọng của nước này; tăng thêm niềm tự hào trong người dân Nga về chủ nghĩa Đại Nga, từ đó củng cố niềm tin của họ vào chính quyền; đồng thời được hưởng lợi từ nguồn dầu khí trên bán đảo này, một lợi ích đáng kể cho Nga khi mà nền kinh tế của nước này lệ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu năng lượng (chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu và hơn 50% thu nhập tài chính của Nga).[3] Nếu tình hình Ukraine không thay đổi theo hướng bất lợi cho Nga, nếu Tổng thống Ukraine Yanukovich còn cầm quyền thì Nga vẫn có thể tiếp tục duy trì ảnh hưởng của mình ở Biển Đen mà không cần phải sáp nhập Crimea. Như vậy, đáp ứng nguyện vọng của người dân Crimea chỉ là cái cớ, còn lợi ích của Nga ở bán đảo này mới là nhân tố quan trọng nhất thúc đẩy Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ liên bang.
Ở trường hợp nghiên cứu thứ ba, việc hạ đặt giàn khoan HD-981 vào vùng thềm lục địa và EEZ của Việt Nam thể hiện hai ý đồ của Trung Quốc. Thứ nhất, chính quyền nước này muốn khẳng định với người dân Trung Quốc rằng họ quyết tâm hiện thực hóa đường lưỡi bò nhằm độc chiếm Biển Đông, phục vụ cho lợi ích sống còn về kinh tế và chính trị của Trung Quốc, cũng như chiến lược cường quốc biển, phấn đấu có được ít nhất 3 triệu km2 biển. Thứ hai, Trung Quốc hướng sự chú ý của dư luận trong nước ra bên ngoài, kích động tinh thần dân tộc để làm lắng dịu các cuộc biểu tình của người dân trong nước, lấy đó làm lý do thuyết phục cho việc gia tăng ngân sách quốc phòng lên đến 12.2% của chính quyền trong năm 2014.[4] Ngoài ra còn có một số lợi ích khác đối với Trung Quốc như gây rối loạn nội bộ của Việt Nam để giành được ưu thế trong tranh chấp Biển Đông, nhen nhóm những bất đồng trong nội bộ ASEAN hay đổ lỗi cho Mỹ vì làm tình hình thêm căng thẳng nếu Mỹ quyết định can thiệp… Như vậy, việc tiến hành hoạt động khoan thăm dò chỉ là bề ngoài, chính những lợi ích đã nêu nói trên mới là nguyên nhân sâu xa giải thích cho hành vi hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc.
Bên cạnh bản sắc nước lớn và lợi ích, với tư cách là các điều kiện cần, việc các nước lớn nhận thức rằng vi phạm luật là khả thi mới là điều kiện đủ để các nước này thực hiện hành vi vi phạm. Tính khả thi của hành vi vi phạm luật được củng cố qua ba khía cạnh: Thứ nhất, các nước lớn có đủ tự tin để vi phạm luật quốc tế là bởi họ đã từng có nhiều tiền lệ vi phạm trước đó; Thứ hai, những lần vi phạm trước của các nước lớn đều tỏ ra hiệu quả; Thứ ba, tiền lệ vi phạm của các nước lớn đã hình thành tâm lý “anh vi phạm được thì tôi cũng thế” trong tư duy của họ.
Xét khía cạnh thứ nhất, tiền lệ vi phạm là một yếu tố quan trọng khiến cho các nước lớn có đủ tự tin để tiếp tục vi phạm lần tiếp theo. Như con người bình thường, các quốc gia khi vi phạm lần đầu sẽ ngập ngừng và do dự hơn những lần tiếp theo. Hơn nữa, cho đến nay thì không có nước lớn nào chưa từng vi phạm luật quốc tế và không chỉ một lần. Như đã nêu trong phần Mở đầu, cả Mỹ, Nga và Trung Quốc đều đã vi phạm luật quốc tế ít nhất một lần từ sau Chiến tranh Lạnh. Mỹ đã dẫn đầu NATO can thiệp vào tình hình Kosovo (1999); Nga cũng vi phạm trong cuộc chiến Nga – Gruzia (2008); còn Trung Quốc cũng đã nhiều lần vi phạm trong các vụ việc như Hải chiến Hoàng Sa (1974) và Trường Sa (1988) khi sử dụng vũ lực để chiếm các thực thể ở Biển Đông. Những tiền lệ nói trên phần nào giải thích cho thái độ quyết đoán, dứt khoát khi xâm lược Iraq của Mỹ, sáp nhập Crimea của Nga và hạ đặt giàn khoan HD-981 của Trung Quốc.
Xét khía cạnh thứ hai, các nước lớn hầu hết đều thu được lợi ích một cách hiệu quả trong những lần vi phạm luật trước đó, thúc đẩy các nước này tiếp tục vi phạm trong những lần tiếp theo. Đối với Mỹ, sau khi NATO can thiệp vào tình hình ở Kosovo (1999) bằng không kích, Tổng thống Serbia Milosevich đã bị xét xử, KFOR (lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO và Liên Hợp Quốc) chiếm đóng Kosovo, Kosovo trở thành xứ bảo trợ quốc tế và tuyên bố độc lập vào năm 2008. Những diễn biến này đã khẳng định vai trò chi phối của Mỹ trong việc giải quyết các vấn đề của châu Âu, cũng như thế tiến công chủ động của NATO sau Chiến tranh Lạnh,[5] trong khi UNSC không đưa ra một nghị quyết nào nhằm trừng phạt Mỹ. Đối với Nga, trước vụ việc sáp nhập Crimea, Nga đã dẫn quân vào lãnh thổ Gruzia nhằm can thiệp vào nội chiến giữa Nhà nước Gruzia và tỉnh tự trị Nam Ossetia (2008). Với lý lẽ “bảo vệ kiều dân”, Nga đã thành công khi khẳng định được vị thế cường quốc của mình trong lần đầu tiên đưa quân ra ngoài lãnh thổ kể từ khi Liên Xô sa lầy ở Afghanistan trong Chiến tranh Lạnh. Đồng thời, hành động của Nga cũng phát đi thông điệp đến các nước còn lại trong không gian hậu Xô Viết rằng họ không nên ngả về phương Tây vì Mỹ đã không dùng biện pháp quân sự để bảo vệ đồng minh Gruzia. Sau khi Nga can thiệp vào Gruzia, Liên minh châu Âu (EU) không phản ứng quá gay gắt khi Pháp và Đức đã tích cực tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột, Tổng thống Pháp cũng đã đề ra giải pháp 6 điểm được cả hai bên Nga và Gruzia chấp thuận. Cuối cùng, đối với Trung Quốc, trước vụ việc hạ đặt giàn khoan HD-981, Trung Quốc đã hai lần tiến hành hải chiến trên quần đảo Hoàng Sa (1974) và Trường Sa (1988) với quân đội Việt Nam, làm trái nguyên tắc không được phép thụ đắc lãnh thổ bằng vũ lực và nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp. Kết quả là Trung Quốc chiếm đóng được toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và bảy thực thể trên quần đảo Trường Sa để có thể tiến hành cải tạo đảo, xây dựng các cơ sở quân sự trên Biển Đông như hiện nay mà không bị nước nào trừng phạt.
Xét khía cạnh cuối cùng, các nước lớn nhận thức rằng mình có thể vi phạm luật do đã thấy tiền lệ vi phạm của chính các nước lớn khác. Với sức mạnh vượt trội, chỉ có các nước lớn mới có thể trừng phạt được nhau nếu trừng phạt riêng lẻ bằng biện pháp quân sự lẫn phi quân sự. Hơn nữa, khi một nước vi phạm luật viện dẫn tiền lệ vi phạm của các nước lớn khác, các nước này sẽ khó có thể phản bác lại nước vi phạm để chính đáng hóa việc trừng phạt. Trong vụ việc sáp nhập Crimea, Nga đã viện dẫn trường hợp Kosovo, cho rằng Kosovo thậm chí còn không trưng cầu dân ý cũng đã tách ra khỏi một nước có chủ quyền và được tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ như Serbia, cuối cùng được nhiều quốc gia công nhận nền độc lập,[6] trong đó có Mỹ. Viện dẫn này của Nga đã phần nào làm xói mòn lý lẽ về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ mà Mỹ sử dụng để chính đáng hóa các biện pháp trừng phạt lên Nga sau vụ việc sáp nhập Crimea. Như vậy, tiền lệ vi phạm của nhau cũng là một nhân tố thúc đẩy các nước lớn vi phạm luật pháp quốc tế.
2.2. Tính răn đe kém đối với nước lớn của các chế tài trừng phạt
Việc các nước lớn lựa chọn hành vi vi phạm một phần là do tính răn đe chưa đủ mạnh của các chế tài trừng phạt trong luật quốc tế. Răn đe (deterrence) là việc sử dụng các mối đe dọa phủ đầu (pre-emptive threats) nhằm ngăn cản ai đó làm điều gì mà bên đe dọa không muốn bên bị đe dọa làm (bên bị đe dọa có thể chưa làm hoặc đã muốn làm điều đó).[7] Mức độ khả tín (credibility) của răn đe gồm ba thành tố: (i) sức mạnh (power of threat), (ii) khả năng thực hiện (capacity to execute threat) và quyết tâm thực hiện (willingness to execute threat).[8] Trên thực tế, có những nhân tố trong chính trị quốc tế đã làm xói mòn các thành tố nói trên.
Việc vận động dư luận quốc tế để gây sức ép lên các nước lớn sau khi họ vi phạm luật nếu thành công cũng chỉ mới dừng lại ở mức bày tỏ thái độ chứ chưa có hành vi cụ thể. Trong các vụ việc NATO can thiệp vào Kosovo (1999), Chiến tranh Nga – Gruzia (2008) và Hải chiến Trường Sa (1988), các quốc gia không vi phạm chỉ phản ứng ở mức độ vừa phải, đưa ra các tuyên bố ngoại giao chung chung như “giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp”, “các bên cần tuân thủ luật pháp quốc tế”, “các bên cần kiềm chế, không làm tình hình thêm căng thẳng”, “cần gìn giữ hòa bình, ổn định, an ninh quốc tế”…, không có hành động cụ thể nào ngăn chặn Mỹ, Nga, Trung Quốc tiếp tục vi phạm luật pháp quốc tế. Chính phản ứng thiếu mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế trước hành vi vi phạm của các nước lớn đã làm xói mòn thành tố “sức mạnh” nêu trên.
Trong luật quốc tế, việc các nước vi phạm và các nước không vi phạm thực hiện các chế tài trừng phạt là theo ý nguyện của các quốc gia, nghĩa là không bắt buộc. Ngoài ra, các nước lớn hiện nay có quan hệ thương mại với rất nhiều quốc gia, và họ cũng là những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới[9] nên các quốc gia còn lại khó có thể áp dụng các biện pháp như cấm vận, cắt đứt quan hệ, hạn chế thương mại… để trừng phạt các nước lớn khi họ vi phạm luật quốc tế. Bởi khi áp dụng các biện pháp đó, các nước không vi phạm cũng chịu thiệt hại trước hết ở kim ngạch xuất khẩu, sau đó là tăng trưởng kinh tế do sự tùy thuộc lẫn nhau trong bối cảnh toàn cầu hóa, khu vực hóa được đẩy mạnh sau Chiến tranh Lạnh. Chính sự tự nguyện trong việc thực hiện các chế tài trừng phạt và tính tùy thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng giữa các quốc gia đã làm giảm độ mạnh của thành tố “quyết tâm thực hiện” đã nêu.
Hơn nữa, việc trừng phạt các nước lớn đòi hỏi ý chí tập thể, sự hợp tác của số đông, nhưng việc các quốc gia đều phải tự cứu (self-help), theo đuổi lợi ích của riêng mình trong môi trường vô chính phủ đã cản trở yêu cầu nói trên. Bên cạnh đó, việc trừng phạt tập thể cũng đòi hỏi tính đồng bộ và thống nhất cao để tạo ra sức mạnh tập trung đối trọng được với sức mạnh của nước lớn, nhưng để được như vậy lại cần sự hợp tác giữa các quốc gia. Như vậy, tính không bền vững của hợp tác trong môi trường vô chính phủ cũng là một nhân tố làm giảm tính răn đe của các chế tài trừng phạt trong luật quốc tế do làm xói mòn thành tố “khả năng thực hiện” và “quyết tâm thực hiện”.
Các chế tài quân sự cũng không có hiệu quả triệt để với các nước lớn. Sức mạnh quân sự của họ đều vượt trội so với bất kỳ nước vừa và nhỏ đơn lẻ nào.[10] Nếu dùng quân sự trừng phạt các nước lớn, các nước vừa và nhỏ sẽ đứng trước nguy cơ bị đáp trả với cái giá rất đắt, không chỉ từ lực lượng quân sự thông thường mà còn từ lực lượng hạt nhân của các nước lớn. Ngay cả khi các nước lớn nếu có ý định dùng quân sự để trừng phạt một nước lớn vi phạm luật, họ cũng sẽ lo sợ viễn cảnh đảm bảo hủy diệt lẫn nhau (mutual assured destruction) do họ đều có năng lực răn đe hạt nhân lẫn nhau.[11] Bên cạnh đó, xét cho cùng thì chỉ có những nước bị hại liên quan trực tiếp đến vụ vi phạm mới tỏ rõ quyết tâm chống lại các nước lớn. Mỗi quốc gia đều có những lợi ích và mục tiêu chính sách riêng trong quan hệ với các nước lớn. Vì thế, các nước khác vẫn ưu tiên đạt được lợi ích trong quan hệ với các nước lớn vi phạm như Mỹ, Nga, Trung Quốc hơn việc lên tiếng và có hành động vì các nước “nạn nhân” của việc vi phạm như Iraq, Ukraine hay Việt Nam trong ba trường hợp nghiên cứu của bài viết. Do vậy, bản thân sức mạnh quân sự vượt trội của các nước lớn và tính chất vị kỷ của các quốc gia là hai trong những nhân tố thúc đẩy họ vi phạm luật quốc tế vì chúng làm xói mòn cả ba thành tố cấu thành tính răn đe các chế tài trừng phạt là “sức mạnh”, “khả năng thực hiện” và “quyết tâm thực hiện”.
2.3. Những kẽ hở của hệ thống luật quốc tế
Bản thân hệ thống các quy phạm luật quốc tế hiện nay vẫn còn nhiều thiếu sót mà chỉ khi có những vụ việc vi phạm cụ thể, chúng mới bộc lộ ra rõ ràng. Vì vậy, khó có thể liệt kê được tất cả các lỗ hổng trong hệ thống luật quốc tế. Với lý do đó, bài viết sẽ nêu ra một vài lỗ hổng bị phơi bày qua ba trường hợp nghiên cứu.
Thứ nhất, vụ việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea đã thể hiện mâu thuẫn giữa việc tôn trọng toàn vẹn/bất khả xâm phạm về lãnh thổ và quyền dân tộc tự quyết, lần lượt được ghi trong Điều 2 và Điều 1 Hiến chương Liên hợp quốc.[12] Theo cách hiểu truyền thống, nguyên tắc tự quyết chỉ áp dụng đối với các dân tộc bị áp bức nặng nề, đặc biệt là phải chịu những tội ác chống lại loài người hay diệt chủng, do chính phủ của họ gây ra. Trong bối cảnh đó, cộng đồng dân tộc ấy có quyền tự do lựa chọn hệ thống chính trị, đường lối phát triển và quyết định vận mệnh của dân tộc mình thông qua việc thành lập một quốc gia độc lập, cùng với các dân tộc khác thành lập quốc gia liên bang (hay đơn nhất) trên cơ sở tự nguyện. Tuy nhiên, việc một dân tộc tách ra khỏi đất nước hiện tại của nó lại gây tổn hại đến toàn vẹn lãnh thổ. Nga sáp nhập Crimea đã đáp ứng nguyện vọng của người dân trên bán đảo này nhưng lại xâm hại đến toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Như vậy, trong hệ thống luật hiện nay, vẫn còn tồn tại các quy phạm luật quốc tế mâu thuẫn lẫn nhau.
Thứ hai, việc Nga sử dụng quyền phủ quyết (veto power) làm vô hiệu hóa Nghị quyết lên án cuộc trưng cầu dân ý của Crimea được trình lên UNSC ngày 15/03/2014 đã cho thấy kẽ hở giúp các nước lớn vi phạm luật mà không bị trừng phạt tập thể một cách chính thức thông qua Liên Hợp Quốc, tổ chức liên chính phủ toàn cầu lớn nhất thế giới hiện nay. Quyền veto được quy định trong Điều 27 của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Theo đó, một dự thảo nghị quyết của UNSC về các vấn đề hệ trọng (substantive matters) sẽ được thông qua nếu có 9 phiếu thuận trên tổng số 15 phiếu của 15 nước thành viên (gồm 10 nước không thường trực và 5 nước thường trực). Tuy nhiên, nếu không có sự đồng thuận của cả 5 ủy viên thường trực (P5) gồm Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc, nghĩa là chỉ cần một bên phủ quyết, thì dù có 9 phiếu thuận, dự thảo nghị quyết đó cũng sẽ không được thông qua. Như vậy, tuy rằng việc một nước có một phiếu bầu là thể hiện sự bình đẳng giữa các quốc gia nhưng thực chất vai trò quyết định vẫn nằm trong tay P5, nói cách khác là các nước lớn. Như vậy, quyền veto của các ủy viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chính là một lỗ hổng khác tạo điều kiện cho các nước lớn tối thiểu hóa mất mát khi vi phạm luật quốc tế.
Thứ ba, trong vụ việc hạ đặt giàn khoan HD-981, Trung Quốc đã bảo lưu Điều 298 của UNCLOS 1982 có nội dung về việc mang các tranh chấp biển ra các cơ quan tài phán để giải quyết (được quy định tại khoản 1 Điều 287) gồm Tòa án Quốc tế về Luật Biển, Tòa án quốc tế (ICJ), Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII và Tòa trọng tài đặc biệt được thành lập theo Phụ lục VIII. Với việc bảo lưu này, Trung Quốc đã loại trừ quyền tài phán của các cơ quan nói trên trong việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển đảo mà Trung Quốc là một bên yêu sách.[13] Có thể thấy, quyền bảo lưu của các quốc gia trong luật quốc tế cũng là một trong những lỗ hổng mà các nước lớn có thể tận dụng để biện minh cho hành vi vi phạm luật của mình.
Cuối cùng, do các điều ước quốc tế được xây dựng dựa trên sự thỏa thuận của các quốc gia, nhưng không đồng nghĩa là tất cả hơn 200 quốc gia trên thế giới, nên khó có thể quy kết một nước lớn vi phạm luật quốc tế khi họ không là thành viên của một điều ước quốc tế vốn được đông đảo các quốc gia thành viên thừa nhận là luật. Trường hợp của Mỹ và UNCLOS 1982 là một ví dụ điển hình. Quốc hội Mỹ chưa phê chuẩn UNCLOS nên nước này chưa là thành viên, do đó những tranh chấp về biển giữa Mỹ và các nước thành viên khác của UNCLOS sẽ không được phân xử trên cơ sở công ước này. Và nếu Mỹ là bên “vi phạm” UNCLOS thì cũng không bị quy kết là “vi phạm” vì Mỹ vốn không xác nhận sự ràng buộc của mình với công ước. Như vậy, sự tồn tại của các quy phạm luật không có tính ràng buộc với tất cả các quốc gia cũng là một lỗ hổng mà các nước lớn sử dụng để lách luật quốc tế.
- Kết luận
Như vậy, từ ba trường hợp vi phạm gần đây của Mỹ, Nga và Trung Quốc, có thể rút ra các nguyên nhân cơ bản giải thích tại sao các nước lớn bất chấp vi phạm luật quốc tế. Thứ nhất, các nước lớn không có ý thức tuân thủ luật quốc tế, xuất phát từ (i) bản sắc nước lớn, luôn chủ động và áp đặt và không muốn bị ràng buộc trong hành động; (ii) lợi ích thu được từ việc vi phạm; (iii) nhận thức về tính khả thi của việc vi phạm luật quốc tế, được định hình từ tiền lệ vi phạm của chính nước vi phạm, hiệu quả mà các tiền lệ vi phạm mang lại cho nước vi phạm và tiền lệ vi phạm của các nước lớn còn lại bên cạnh nước vi phạm.
Thứ hai, các chế tài trừng phạt việc vi phạm trong luật quốc tế vẫn chưa có tính răn đe hiệu quả đối với các nước lớn do (i) sự thiếu mạnh mẽ trong phản ứng của cộng đồng quốc tế; (ii) tính tự nguyện trong việc thực hiện chế tài trừng phạt; (iii) sự tùy thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng giữa các quốc gia; (iv) tính không bền vững của hợp tác trong môi trường vô chính phủ; (v) sức mạnh quân sự vượt trội của các nước lớn; và (vi) tính chất vị kỷ của các quốc gia.
Thứ ba, hệ thống luật quốc tế vẫn còn tồn tại những kẽ hở mà các nước lớn có thể lợi dụng để che đậy cho hành vi vi phạm trắng trợn của mình, như tính mâu thuẫn lẫn nhau của các quy phạm luật quốc tế; quyền veto của các ủy viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc; quyền bảo lưu của các quốc gia; hay sự tồn tại của các quy phạm luật không có tính ràng buộc với tất cả các quốc gia. Những nội dung trên đây đã giúp chúng ta có thêm những hình dung cụ thể về nguyên nhân xảy ra tình trạng các nước lớn nhiều lần vi phạm luật quốc tế, từ đó tìm cách giải quyết nhằm duy trì hệ thống luật quốc tế đương đại – một trong những nền tảng quan trọng gìn giữ hòa bình và ổn định của thế giới.
Lê Như Mai
(*) Lược trích từ bài viết Lê Như Mai, ‘I-rắc, Crưm và HD-981: Những điều rút ra từ hành vi các nước lớn vi phạm luật quốc tế’, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, số 1(116), tháng 03/2019, tr. 185-207.
————————————————————————
[1] Thuật ngữ “nước lớn” chỉ những nước có sức mạnh vượt trội hơn nhiều so với phần lớn các quốc gia trên thế giới nói chung, có tầm ảnh hưởng/quyền lực lớn trong nhiều lĩnh vực của đời sống quốc tế và cuối cùng là có tư duy bá quyền, đầy tính chủ động và áp đặt. Trong mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau của hệ thống các quốc gia chủ quyền hiện tại, số lượng và tên gọi của các nước lớn cũng khác nhau. Chẳng hạn, trong giai đoạ trước Chiến tranh Thế giới thứ nhất, hệ thống quốc tế có 6 nước lớn gồm Anh, Pháp, Nga, Đức, Ý, Áo – Hung. Sang đến giai đoạn trước Chiến tranh Thế giới thứ hai, hệ thống quốc tế lại bao gồm 7 nước lớn gồm Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Ý, Nhật, Liên Xô. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, hệ thống quốc tế gồm hai siêu cường là Mỹ và Liên Xô. Còn ở hệ thống quốc tế hiện tại, các nước lớn mà bài viết nhắc đến bao gồm 6 nước/khối: Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU) (đặc biệt là thành viên Đức và Pháp – nước sở hữu vũ khí hạt nhân và là thành viên thường trực của UNSC).
[2] Theo kết quả của Nghiên cứu Barclays, đăng trên tờ Bussiness Insider. Theo Elena Holodny, “10 countries sitting on massive oceans of oil”, Business Insider, ngày 21/7/2015, http://www.businessinsider.com/countries-with-biggest-crude-oil-reserves-2015-7/.
[3] Hà Ngọc, “Thuộc tính chính trị của dầu mỏ và nền kinh tế Nga”, Thế giới Bản tin, ngày 8/1/2016, http://thegioibantin.com/thuoc-tinh-chinh-tri-cua-dau-mo-va-nen-kinh-te-nga.html.
[4] Edward Wong, “China Announces 12.2% Increase in Military Budget”, The New York Times, ngày 5/3/2014, https://www.nytimes.com/2014/03/06/world/asia/china-military-budget.html.
[5] Trần Thị Hoàng Mai, “Khủng hoảng Kosovo và tác động đối với quan hệ quốc tế”, Học viện Ngoại giao, ngày 28/3/2012, http://www.dav.edu.vn/vi/gioi-thieu/co-cau-to-chuc/cac-don-vi/trung-tam-thong-tin-tu-lieu-phong-quan-ly-khoa-hoc/64-thong-tin-tu-lieu/tap-chi-ncqt/nam-1999/432-s%E1%BB%91-28-kh%E1%BB%A7ng-ho%E1%BA%A3ng-kosovo-v%C3%A0-t%C3%A1c-%C4%91%E1%BB%99ng-%C4%91%E1%BB%91i-v%E1%BB%9Bi-quan-h%E1%BB%87-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BFso-28-khung-hoang-kosovo-va-tac-dong-doi-voi-quan-he-quoc-te.html.
[6] Kremlin, President of Russia, “Address by President of the Russian Federation”, ngày 18/3/2014, http://en.kremlin.ru/events/president/news/20603.
[7] Daniel G. Arce, Todd Sandler, Deterrence: Credibility and Proportionality (Black Well Publishing Ltd, 2009): 385.
[8] Vesna Danilovic, The Sources of Threat Credibility in Extended Deterrence (JTOR, 2001): 343-344.
[9] Theo thống kê của WTO năm 2015, Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất, chiếm 12.3% tỷ trọng xuất khẩu thế giới, Mỹ xếp thứ hai với 8.5%, Nhật xếp thứ tư với 3.6%, Nga xếp thứ 11 với 2.6%… Theo World Trade Organization, “International Trade Statistics 2015”, https://www.wto.org/english/res_e/statis_e/its2015_e/its2015_e.pdf.
[10] Người viết lấy dẫn chứng một tiêu chí để thể hiện sức mạnh quân sự của các nước lớn là chi tiêu quốc phòng. Theo bảng thống kê 15 nước có chi tiêu quốc phòng cao nhất năm 2017 của Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI), chi tiêu quốc phòng của Mỹ xếp thứ nhất, với 610 tỷ USD, nhiều hơn tổng chi tiêu của 7 nước tiếp theo cộng lại. Xếp thứ hai là Trung Quốc với 228 tỷ USD, Nga xếp thứ tư với 66.3 tỷ USD. Những con số này đã lớn hơn đáng kể với nước đứng thứ 15 trong danh sách là Thổ Nhĩ Kỳ (18.2 tỷ USD), chưa nói đến số liệu của các nước khác không nằm trong danh sách của Stockholm. Theo Stockholm International Peace Research Institute (SIPRI), “Trend in World Military Expenditure, 2017”, ngày 2/5/2018, https://www.sipri.org/sites/default/files/2018-04/sipri_fs_1805_milex_2017.pdf.
[11] Năng lực răn đe hạt nhân có được từ khả năng đáp trả bằng vũ khí hạt nhân, gây ra tổn thất mang tính phá hủy cho quốc gia đã mở màn một vụ tấn công hạt nhân trước đó (second-strike capability). Trong số các nước lớn hiện nay, tuy Nhật Bản không sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng cũng có năng lực răn đe hạt nhân nhờ ô bảo hộ hạt nhân (nuclear umbrella) của Mỹ theo Hiệp ước An ninh Mỹ – Nhật (1951).
[12] William W. Burke-White, “Crimea và trật tự pháp lý quốc tế”, Nghiên cứu quốc tế, ngày 16/11/2014, http://nghiencuuquocte.org/2014/11/16/crimea-va-trat-tu-phap-ly-quoc-te/.
[13] Luật quốc tế cho phép các quốc gia bảo lưu một số điều khoản trong điều ước quốc tế mà họ là thành viên. Bảo lưu là một hành động đơn phương và là quyền của các quốc gia, mặc dù không phải là quyền tuyệt đối. Mục đích của bảo lưu chính là nhằm loại trừ hoặc thay đổi hiệu lực của một quy phạm pháp luật quốc tế nhất định trong việc áp dụng nó đối với quốc gia có nguyện vọng bảo lưu. Theo quy định tại Điều 19, 20, 21 của Công ước Viên về Luật Điều ước quốc tế năm 1969, hệ quả pháp lý của việc bảo lưu chính là quy phạm bảo lưu sẽ không được áp dụng trong quan hệ giữa quốc gia bảo lưu với các quốc gia thành viên còn lại trong quan hệ pháp luật giữa các bên. Các quy phạm còn lại vẫn được áp dụng bình thường. Ngoài ra, việc bảo lưu cần phải nhận được sự chấp thuận của các bên thành viên khác. Về cơ bản, bảo lưu chỉ áp dụng cho quy phạm tùy nghi bởi quy phạm Jus cogen có hiệu lực bắt buộc.
Trả lời