[112] Cuộc chiến biên giới phía Bắc năm 1979 qua những công hàm gửi đến Liên hợp quốc của hai nước trong tháng 02 và 03 năm 1979

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày bắt đầu cuộc chiến biên giới phía Bắc (ngày 17.02.1979). Xin có bài đặc biệt để tổng hợp và tóm tắt các công hàm mà Việt Nam và Trung Quốc đã gửi và yêu cầu cho lưu hành tại Liên hợp quốc trong tháng 2 và 3 năm 1979. Qua các công hàm này có thể thấy việc Bộ Ngoại giao (BNG) Việt Nam đã tiến hành đấu tranh trên mặt trận ngoại giao đa phương, cung cấp thông tin thường xuyên cho Liên hợp quốc (LHQ) và các quốc gia trên thế giới. Cũng qua đó cho thấy đối với các quốc gia đôi khi sự thật hoặc toàn bộ sự thật chỉ là công cụ phục vụ lợi ích quốc gia – dân tộc.

Theo kinh nghiệm còn hạn hẹp của tác giả, đây là 01 trong hai chiến dịch ngoại gia đa phương lớn mà tác giả được biết (bên cạnh là chiến dịch đấu tranh năm 2014 xunh quanh vụ hạ đặt giàn khoan HD-981). Có thể còn nhiều chiến dịch ngoài giao nữa, và hi vọng sẽ có thông tin rộng rãi để công luận có đánh giá chính xác về công tác ngoại giao.

Trong giai đoạn xem xét, có hai lần Việt Nam kêu gọi Hội đồng Bảo an (HĐBA) xem xét và có biện pháp phù hợp nhưng Hội đồng Bảo an. Tuy nhiên, không có bất kỳ biện pháp nào được đưa ra.

Ngày

Nội dung

11.02.1979

(S/13077)

Việt Nam: Chuyển thư khẩn cấp ngày 10.02.1979 của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh gửi Chủ tịch HĐBA:

  • Thông báo tình hình nghiêm trọng tại biên giới Việt – Trung;
  • Trung Quốc đã tăng cường hoạt động quân sự tại khu vực biên giới và tiến hành chuẩn bị rốt ráo cho một cuộc chiến chống lại Việt Nam;
  • Trung Quốc đã triển khai 20 sư đoàn, hàng tram máy bay, nhiều xe tăng tại khu vực phụ cận biên giới; tiến hành hoạt động quân sự xâm phạm lãnh thổ Việt Nam hàng ngày;
  • Trong khi tình hình căng thằng, trong chuyến thăm Mỹ và Nhật Bản, Phó thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình xác nhận công khai các tin tức báo chí về việc tập trung quy mô lớn lực lượng của Trung Quốc tại khu vực gần biên giới Việt Nam và có lời đe dọa chiến tranh chống lại Việt Nam;
  • Dẫn lại chính sách chống Việt Nam, chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc, việc xâm chiếm Hoàng Sa, kích động người Hoa tại Việt Nam, sử dụng Khơ-me đỏ tấn công Việt Nam và gây chia rẽ ở ASEAN;
  • Kêu gọi HĐBA xem xét tình hình và có hành động phù hợp.
12.02.1979

(S/13078)

Trung Quốc: Gửi đến Chủ tịch HĐBA bản công hàm BNG Trung Quốc gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh ngày 10.02.1979, phản đối mạnh mẽ hành vi khiêu khích của Việt Nam tại khu vực biên giới; liệt kê các vụ việc cụ thể mà Trung Quốc cáo buộc lực lượng của Việt Nam xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc.

15.02.1979

(S/13086)

Trung Quốc: Gửi đến Chủ tịch HĐBA cáo buộc:

  • Việt Nam xâm lược Campuchia, gây căng thẳng biên giới Việt – Trung, xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc; cáo buộc chính sách chống Trung Quốc và chủ nghĩa bành trướng của Việt Nam tại Đông Nam Á;
  • Nêu rõ, chỉ trong năm 1978, cáo buộc Việt Nam đã thực hiện hơn 1.100 vụ việc căng thẳng.
16.02.1979

(S/13088)

Trung Quốc: Gửi đến Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ bản công hàm BNG Trung Quốc gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh ngày 16.02.1979 phản đối mạnh mẽ việc Việt Nam triển khai quân xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc, giết hại lính Trung Quốc, càn quét các tàu lửa của Trung Quốc, và gây ra các vụ việc đổ máu. Cụ thể, Trung Quốc cáo buộc:

  • Từ ngày 08 – 12.02.1979, phía Việt Nam xâm phạm biên giới Trung Quốc gần 30 lần, gây thương vong cho 34 người, trong đó 10 người chết, 18 người bị thương do mìn của Việt Nam đặt trên đất của Trung Quốc; 04 người bị bắn chết cùng 02 người bị thương.
  • Ngày 12.02.1979, hai tàu lửa bị tập kích từ phía Việt Nam.
16.02.1979

(S/13093)

Việt Nam: Gửi đến Chủ tịch HĐBA bản thông cáo của BNG Việt Nam về các hoạt động gia tăng quân sự của Trung Quốc ở khu vực biên giới và việc Trung Quốc đang chuẩn bị tiến hành chiến tranh chống lại Việt Nam. Cụ thể,

  • Biên giới Việt – Trung đã được phân định theo các Hiệp ước Pháp – Thanh năm 1887 và 1895; 1957-1958 Trung ương Đảng hai nước cũng đã đồng ý giữ nguyên trạng đường biên giới lịch sử.
  • Từ 1957 – 1977, Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ Việt Nam ở trên 50 khu vực dọc biên giới của sáu tình, không bao gồm các khu vực bên này [phía Việt Nam] đường biên giới lịch sử mà Trung Quốc kiểm soát trước năm 1957. Từ năm 1974, Trung Quốc tăng cường khiêu khích dọc biên giới: 1974: 179 vụ; 1975: 294 vụ; 1976: 812 vụ và 1977: 873 vụ. Từ 1955, lợi dụng việc giúp Việt Nam khôi phục tuyến đường sắt từ Hữu Nghị Quan đến Yên Viên đã đặt điểm kết nối đường sắt (rail connexion) 300 mét trong lãnh thổ Việt Nam, và từ đó xem đây là điểm mốc biên giới quốc gia. Ngày 20.01.1974, Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, và yêu sách phi lý các đảo khác của Việt Nam ở Biển Đông;
  • Từ đầu năm 1978, Trung Quốc dụ dỗ 170.000 người Hoa trở về Trung Quốc, trong đó hơn 100.000 là từ tỉnh Quảng Ninh.
  • Trung Quốc tăng cường hoạt động xâm phạm biên giới, có nơi đến 5km sâu vào lãnh thổ Việt Nam;
  • Sau khi đơn phương cắt đứt đàm phán về vấn đề người Hoa (tháng 09.1978), Trung Quốc bắt đầu chuẩn bị chiến tranh. AFP ghi nhận ngày 21.01.1979, Trung Quốc tập trung 15 đến 17 sư đoàn với 150.000 quân. BBC ghi nhận ngày 03.02.1979 dẫn nguồn tin tình báo Mỹ cho rằng có khoảng 20 sư đoàn đã được tập trung. Far Eastern Economic Review ghi nhận ngày 09.02.1979 có 160.000 quân và 700 máy bay chiến đấu được Trung Quốc tập trung tại biên giới.
  • Trong chuyến thăm Mỹ và Nhật, Phó thủ tướng Đặng Tiểu Bình xác nhận việc tập trung quân quy mô lớn, và khẳng định rằng “Phải dạy cho Việt Nam một bài học” và “Việt Nam phải bị trừng phạt.”
  • Tin tức báo chí dẫn các nguồn tin từ Chính phủ Mỹ và BNG Mỹ từ cuối tháng 01 rằng sẽ có một cuộc chiến xâm lược Việt Nam và việc tập trung quân không chỉ là để phô diễn sức mạnh.
17.02.1979

(S/13094)

Trung Quốc: Viện dẫn Điều 51 về quyền tự vệ gửi đến Chủ tịch HĐBA rằng: Bất chấp các cảnh báo, Việt Nam tiếp tục xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc, làm xấu đi tình hình, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh ở biên giới Trung Quốc. “Do đã vượt quá sức nhẫn nhịn, các lực lượng biên giới Trung Quốc đã buộc phải tiến hành phản công (counteracttacks).”

17.02.1979

(S/13095)

Việt Nam: Chuyển thư khẩn cấp của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh cho Chủ tịch HĐBA về việc Trung Quốc tiến hành xâm lược Việt Nam vào ngày 17.02.1979, khẳng định rằng “Nhân dân Việt Nam quyết tâm thực hiện quyền đánh trả để bảo vệ (right to strike back in defence of) nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc.”

“Tôi gửi đến Ngài và thông qua Ngài đến các ủy viên Hội đồng Bảo an bức thư khẩn cấp này về tình hình đặc biệt nghiêm trọng tạo nên mối đe dọa đến hòa bình và an ninh ở Đông Nam Á và cho thế giới để Hội đồng Bảo an xem xét tình hình và có biện pháp phù hợp để chấm dứt hành vi xâm lược và buộc các lực lượng xâm lược Trung Quốc rút khỏi Việt Nam.”

VN to UNSC 17.02.1979

Ngày

Nội dung

01.03.1979

(S/13129)

Trung Quốc: Gửi đến Chủ tịch HĐBA bản công hàm BNG Trung Quốc gửi đến Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh ngày 01.03.1979:

  • Ngay trong ngày 17.02.1979, Trung Quốc đã có thông báo đề xuất đàm phán liên quan đến vấn đề biên giới, lấy làm tiếc rằng phía Việt Nam không có phản hồi tích cực;
  • Tuy nhiên, phía Trung Quốc vẫn có hi vọng, và một lần nữa đề xuất đám phán cấp Thứ trưởng ngoại giao càng sớm càng tốt tại địa điểm do hai bên thỏa thuận.
04.03.1979

(S/13134)

Việt Nam: Gửi đến Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ bản copy công hàm ngày 02.03.1979 của BNG Việt Nam gửi BNG Trung Quốc về đề xuất đàm phán.

  • Ngày 17.02.1979 Trung Quốc xâm lược Việt Nam. Cùng ngày Tân Hoa Xã lại có bài đánh lừa dư luận bằng việc kêu gọi đàm phán giữa hai nước.
  • Việc vừa tăng cường tấn công Việt Nam, lại vừa kêu gọi đàm phán là một chiêu trò kiểu Johnson: đề xuất đàm phán mỗi khi mở rộng tấn công.
  • Quan điểm của Việt Nam rất rõ ràng: Trung Quốc đã bắt đầu cuộc chiến xâm lượng thì phải chấm dứt cuộc chiến đó, phải rút quân ngay lập tức, toàn bộ và vô điều kiện về bên kia đường biên giới lịch sử mà hai bên đã thỏa thuận tôn trọng trước đó. Chỉ khi đó Việt Nam mới sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc.
05.03.1979

(S/13137)

Trung Quốc: Gửi đến HĐBA thông cáo ngày 05.03.1979 của Trung Quốc:

  • Quân đội Trung Quốc đã đạt được các mục đích đề ra khi bị buộc phải phản công để tự vệ vào ngày 17.02.1979 chống lại các hành khiêu khích vũ trang liên tục từ lực lượng xâm lược Việt Nam.
  • Từ ngày 05.03.1979, Trung Quốc tiến hành rút quân về lãnh thổ Trung Quốc.
  • Khẳng định “chúng tôi không muốn một tấc đất nào của Việt Nam, cùng không tha thức cho việc xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc”.
  • Đề xuất lần nữa về đàm phán hòa bình giữa hai nước.
06.03.1979

(S/13144)

Việt Nam: Gửi đến HĐBA tuyên bố của người phát ngôn BNG Việt Nam về tuyên bố rút quân của Trung Quốc.

  • Trước tình huống bất lợi, ngày 05.03.1979 Trung Quốc tuyên bố rút quân về nước.
  • Khẳng định quan điểm rằng: “Nếu Trung Quốc thực sự rút quân khỏi lãnh thổ Việt Nam như đã tuyên bố, chỉ sau khi tất cả quân Trung Quốc rút về bên kia đường biên giới lịch sử mà hai bên đã đồng ý tôn trọng, phía Việt Nam sẽ tiến hành ngay lập tức các cuộc đàm phán cấp thứ trưởng ngoại giao với Trung Quốc.”
  • Nếu Trung Quốc tiếp tục xâm lược Việt Nam, “Quân và dân Việt Nam, theo lời kêu gọi ngày 04.03.1979 của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 05.03.1979 sẽ thực hiện quyền tự vệ thiêng liêng.”
12.03.1979

(S/13161)

Việt Nam: Gửi đến Chủ tịch HĐBA tuyên bố của người phát ngôn BNG Việt Nam ngày 11.03.1979:

  • Trong các ngày 08, 09 và 10.03.1979 quân xâm lược Trung Quốc tiếp tục chậm trễ việc rút quân khỏi Việt Nam, chiếm đóng thêm các khu vực và tiến hành cướp bóc, phá hoại. Đặc biệt, quân Trung Quốc dịch chuyển mốc giới 41 và 45 tại khu vực Chi Ma, lạng Sơn về phía Việt Nam.
15.03.1979

(S/13174)

Việt Nam: Gửi đến Tổng thư ký LHQ và Chủ tịch HĐBA công hàm ngày 15.03.1979 của BNG Việt Nam gửi BNG Trung Quốc.

  • Trung Quốc đã rút quân khỏi Việt Nam nhưng vẫn cố chiếm đóng một số khu vực trên lãnh thổ Việt Nam.
  • Tuyên bố quan điểm rằng: một tuần sau khi Trung Quốc hoàn toàn rút quân Việt Nam sẽ tiến hành đàm phán cấp thứ trưởng;
  • Về địa điểm, Việt Nam đã hai lần gửi đoàn đến Bắc Kinh, do đó, lần này, đề xuất đàm phán tại Hà Nội. Nếu Trung Quốc muốn, đàm phán có thể ở khu vực biên giới.
22.03.1979

(S/13186)

Việt Nam: Gửi đến Tổng thư ký LHQ tuyên bố ngày 21.03.1979 của người phát ngôn BNG Việt Nam và công hàm gửi đến BNG Trung Quốc.

  • Ngày 16 và 17.03.1979, Bắc Kinh tuyên bố đã rút tất cả quân về nước vào ngày 16.03.1979.
  • Tuyên bố trên là sai sứ thật, cho đến ngày 18.03.1979, vẫn còn hơn 10.000 quân Trung Quốc tại ba khu vực và 16 điểm tại các tình Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn và Lai Châu. Tại khu vực phía bắc và tây bắc của Thất Khê, Lạng Sơn, vẫn còn hai đơn vị quân Trung Quốc đóng ở khu vực sâu 10 đến 20 km trong lãnh thổ Việt Nam. Tại Lạng Sơn, ngoài mối giới 41 và 45, Trung Quốc đã dịch chuyển mốc giới 33 về phía lãnh thổ Việt Nam 800 mét.
28.03.1979

(S/13200)

Trung Quốc: Gửi đến Tổng thư ký LHQ hai công hàm ngày 19 và 26.03.1979 của BNG Trung Quốc gửi BNG Việt Nam.

  • Công hàm ngày 19.03.1979: Bác bỏ cáo buộc Trung Quốc đã dịch chuyển cột mốc biên giới; Kêu gọi đàm phán với Việt Nam, đề xuất đàm phán cấp thứ trường vào ngày 28.03 lần lượt tại Hà Nội và Bắc Kinh, với cuộc đầu tiên sẽ tại Hà Nội để thể hiện thiện chí của phía Trung Quốc.
  • Công hàm ngày 26.03.1979: Bác bỏ cáo buộc quân Trung Quốc vẫn còn tại Việt Nam, cáo buộc Việt Nam lừa dối cộng đồng quốc tế để tiếp tục xâm lược và sáp nhập Campuchia với tham vọng thành lập một “Liên bang Đông Dương”. Khẳng định rằng không còn một lính Trung Quốc nào ở Việt Nam.
28.03.1979

(S/13202)

Việt Nam: Gửi đến Tổng thư ký LHQ công hàm ngày 27.03.1979 của BNG Việt Nam gửi BNG Trung Quốc:

  • Bác bỏ cáo buộc của phía Trung Quốc;
  • Khẳng định, trước ngày xâm lược 17.02.1979, Trung Quốc đã “gậm nhắm nhiều khu vực trong lãnh thổ Việt Nam và cố sử dụng cái gọi là ‘đường biên giới nguyên trạng’ để chiếm đóng các khu vực mà họ xâm chiếm.” Liệt kê chi tiết hơn 10 khu vực vẫn còn lính Trung Quốc.
  • Khẳng định Trung Quốc đang che đậy việc can thiệp vào công việc nội bộ của Campuchia và đe dọa xâm lược Lào.
  • Thông tin rằng ngày 21.03.1979 Việt Nam đã đế xuất đàm phán vào ngày 29.03.1979 nếu Trung Quốc rút quân hoàn toàn vào ngày 28.03.1979, lần lượt tại Hà Nội và Bắc Kinh, và phía Trung Quốc chưa có trả lời.

Phiên đàm phán đầu tiên giữa hai nước diễn ra ở Hà Nội ngày 18.04.1979, do Thứ trưởng Ngoại giao Phan Hiền làm đại diện phía Việt Nam.

Việt Nam tiếp tục có công hàm gửi LHQ về các phiên đàm phán giữa hai nước sau đó.

VN to UNSC 02.03.1979

Trần H.D. Minh

——————————————————————————–

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: