Bối cảnh vụ kiện năm 2016 – Phán quyết về thẩm quyền năm 2019 – Phản đối thứ ba của Mỹ – 03 Thẩm phán ad hoc tham gia vụ kiện
Trong danh sách các vụ kiện đang được Tòa ICJ xem xét, có hai vụ kiện giữa Iran và Mỹ. Một vụ do Iran khởi kiện năm 2016 về một số tài sản của Iran mà Mỹ tiến hành phong tỏa (đây là vụ mà phán quyết ngày 13.02.2019 xác định Tòa có thẩm quyền – Vụ một số tài sản của Iran). Một vụ khác mới hơn cũng do Iran khởi kiện Mỹ năm 2018 (Tòa mới chỉ xác định có thẩm quyền sơ bộ prima facie trong Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, xem ở post này).
Thông tin của bài viết này từ: Đơn kiện của Iran năm 2016, Phán quyết ngày 13.02.2019 của Tòa ICJ, và Thông cáo báo chí của Tòa, có kèm tóm tắt bối cảnh và phán quyết.
Bối cảnh vụ kiện năm 2016
Ngày 14.06.2016, Iran khởi kiện Mỹ ra Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) cáo buộc Mỹ vi phạm Hiệp ước Thân thiện, Quan hệ kinh tế và Quyền lãnh sự năm 1957 khi Mỹ phong tỏa tài sản của Iran. Tranh chấp giữa hai nước xuất phát từ Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979 lật đổ chính phủ thân Mỹ tại Iran. Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran năm 1980. Sau sự kiện căn cứ của Mỹ tại Beirut, Ly Băng bị đánh bom khiến 241 lính Mỹ thiệt mạng vào tháng 10.1983, Mỹ cáo buộc Iran phải chịu trách nhiệm cho vụ việc này. Iran bác bỏ các cáo buộc. Năm 1984, Mỹ đưa Iran vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố, và duy trì cho đến hiện nay.
Năm 1996, Mỹ thông qua luật xóa bỏ quyền miễn trừ tài phán của Iran trước tòa án Mỹ, mở đường cho một loạt các vụ kiện yêu cầu Iran bồi thường cho các nạn nhân của vụ đánh bom năm 1983 và các hành vi khác mà tòa án Mỹ quy trách nhiệm cho Iran. Tổng cộng tòa án Mỹ đã tuyên Iran phải bồi thường 56 tỷ USD.[1] Năm 2002, 2008 và 2012 Mỹ thông qua các biện pháp tạo điều kiện thực thi các phán quyết, cho phép sử dụng tài sản bị phong tỏa của Iran để thực thi các phán quyết. Đặc biệt, năm 2012, Tổng thống Obama thông qua Quyết định hành chính 13599 phong tỏa tất cả tài sản của Chính phủ Iran, bao gồm của Ngân hàng Trung ương Iran và các thiết chế tài chính do Iran sở hữu hoặc kiểm soát, trên lãnh thổ của Mỹ hoặc đang được giữ hay kiểm soát bởi các cá nhân người Mỹ, bao gồm cả các chi nhánh nước ngoài. Hệ quả là một phần tài sản của Iran đã bị xử lý để bồi thường theo các phán quyết của tòa án Mỹ.
Năm 2016, Iran khởi kiện Mỹ ra Tòa ICJ theo Hiệp ước Thân thiện, Quan hệ kinh tế và Quyền lãnh sự năm 1957, với hai nhóm cáo buộc chống lại Mỹ: (1) vi phạm các quy định của Hiệp ước này trong việc đối xử với các tài sản và pháp nhân Iran, và (2) vi phạm quyền miễn trừ của Iran theo luật quốc tế.
Phán quyết ngày 13.02.2019
Căn cứ mà Iran dựa vào để xác định thẩm quyền của Tòa ICJ là Điều XXI(2) của Hiệp ước. Điều này quy định:
“Bất kỳ tranh chấp nào giữa các Bên ký kết liên quan đến giải thích hay áp dụng Hiệp ước này, mà không được điều chỉnh thỏa mãn bằng ngoại giao, sẽ được đệ trình lên Tòa án Công lý Quốc tế, trừ khi các Bên ký kết có thỏa thuận giải quyết bằng các biện pháp hòa bình khác.”
Trong phán quyết này, Tòa xác định có thẩm quyền với các cáo buộc vi phạm liên quan đến đối xử với tài sản và pháp nhân Iran, nhưng cho rằng không có thẩm quyền với cáo buộc vi phạm quyền miễn trừ. Tòa cho rằng tranh chấp về quyền miễn trừ được điều chỉnh bởi luật tập quán quốc tế, không có quy định về quyền miễn trừ trong bất kỳ điều khoản nào của Hiệp ước, và do đó, không thuộc phạm vi “tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng Hiệp ước”.[2]
Phán đối thẩm quyền thứ ba của Mỹ: Ngân hàng Trung ương Iran có là một “công ty” được bảo vệ theo Hiệp ước?
Trong ba phản đối thẩm quyền của Mỹ, phản đối thứ ba có vẻ thú vị nhất. Mỹ cho rằng các Điều III, IV và V của Hiệp ước đưa ra các quy định điều chỉnh các “công ty” hoạt động vì mục đích thương mại, trong khi Ngân hàng Trung ương Iran chỉ thực hiện thuần túy các hoạt động mang tính chất chủ quyền quốc gia của Iran, do đó không là một “công ty” được bảo vệ theo các điều khoản trên.[3]
Điều III, IV và V của Hiệp ước yêu cầu Bên ký kết phải tôn trọng một số quyền và các bảo đảm cho các cá nhân (nationals) và các công ty (companies) của Bên ký kết còn lại, bao gồm các quyền như quyền tự do tiếp cận công lý, quyền được đối xử công bằng, quyền không bị đối xử phân biệt và phi lý, quyền bảo đảm về tài sản tối thiểu theo quy định của luật quốc tế, quyền trong trường hợp bị quốc hữu hóa,…
Trong vụ việc này, một phần lớn các cáo buộc của Iran là liên quan đến tài sản của Ngân hàng Trung ương Iran (gọi tắt là Ngân hàng Markazi). Trong khi Mỹ cho rằng các công ty theo ba điều trên phải là các thực thể hoạt động vì mục đích thương mại trong môi trường cạnh tranh thị trường, Iran cho rằng từ “công ty” được sử dụng theo nghĩa rộng, áp dụng cho mọi thực thể có “tư cách pháp lý riêng” trong hệ thống pháp lý mà nó được thành lập, bất kể bản chất hoạt động, cấu trúc tài chính hay liệu thực thể đó có tham gia vào các hoạt động tạo lợi nhuận hay không.[4] Theo Iran, Ngân hàng Markazi có tư cách pháp nhân theo luật của Iran và hoạt động theo pháp luật về công ty cổ phần, mà không phải luật áp dụng cho các cơ quan công quyền, trừ một số trường hợp theo luật. Hơn nữa, Ngân hàng này được cấp vốn để hoạt động và khi có lợi nhuận phải nộp thuế cho Nhà nước, và như bất kỳ pháp nhân khác, Ngân hàng này có thể ký kết hợp đồng, mua bán hàng hóa, dịch vụ, sở hữu tài sản và tham gia tố tụng.[5] Iran cũng lập luận rằng Tòa có thể nên để vấn đề liệu Markazi có là công ty theo Điều III, IV và V của Hiệp ước hay không để xem xét trong giai đoạn sau, vì Tòa cần xem xét cụ thể các hoạt động của Markazi để xác định chính xác bản chất của Markazi khi tiến hành hoạt động liên quan.[6]
Tòa dẫn lại định nghĩa “công ty” theo Điều III(1) của Hiệp ước rằng:
“công ty được hiểu là các tập đoàn, liên doanh, công ty và các liên hiệp khác, bất kể thuộc loại trách nhiệm hữu hạn hay không và bất kể hoạt động có vì lợi nhuận kinh tế hay không.”
Tòa cho rằng như vậy một thực thể được xem là một công ty sẽ cần phải có tư cách pháp nhân theo luật của một Bên ký kết và bao gồm cả các thực thể tư và công.[7] Việc một thực thể được nhà nước sở hữu hay kiểm soát không ảnh hưởng đến việc thực thể đó được xem là một công tư theo Điều trên.[8] Như vậy, Ngân hàng Markazi là ngân hàng trung ương của Iran do chính phủ Iran sở hữu hoàn toàn và chịu chỉ đạo, kiểm soát bởi chính phủ Iran không loại trừ Ngân hàng này được xem là một công ty.[9]
Tòa cho rằng để xác định Markazi có là một công ty hay không phụ thuộc vào bản chất hoạt động của ngân hàng này. Theo đó, “một thực thể chỉ thực hiện thuần túy các hoạt động mang tính chất chủ quyền quốc gia liên quan đến hoạt động chủ quyền của một Quốc gia không thể được xem là một ‘công ty’ theo Hiệp ước và do đó, không thể được hưởng các quyền và sự bảo vệ của Điều III, IV và V.”[10] Tòa nói thêm rằng một thực thể thực hiện cả hoạt động thương mại và hoạt động chủ quyền phi-thương mại cũng được xem là ‘công ty’, kể cả khi hoạt động thương mại không là hoạt động chính của thực thể đó.[11] Kết luận này dựa trên việc giải thích định nghĩa “công ty” theo hướng phù hợp với ngữ cảnh và mục đích, đối tượng của Hiệp ước. Hai yếu tố này chỉ ra rằng Hiệp ước “nhằm bảo vệ các quyền và các bảo đảm cho các cá nhân và pháp nhân tham gia vào hoạt động thương mại.”[12]
Do không có đầy đủ thông tin, các bên cũng không tranh luận nhiều về hoạt động của Markazi, và vấn đề có liên quan chặt chẽ đến nội dung của tranh chấp, Tòa quyết định sẽ xem xét trong giai đoạn sau của vụ kiện.
Xem thêm Ý kiến riêng của Tomka và Crawford, Robinson, Gevorgian, ad hoc Brower, ad hoc Momtaz, và Tuyên bố của Gaja. Phán quyết này không có Ý kiến phản đối của bất kỳ thẩm phán nào, kể cả các thẩm phán bỏ phiếu chống trong các kết luận của Tòa.
03 Thẩm phán tham gia vụ kiện
Vụ kiện này có hai thẩm phán ad hoc được chỉ định theo Điều 31 Quy chế Tòa. Thẩm phán Montaz do Iran chỉ định. Thẩm phán Brower do Mỹ chỉ định. Mỹ có một thẩm phán tại Tòa ICJ – thẩm phán Joan E Donoghue – và theo quy định không được chỉ định thẩm phán ad hoc. Nhưng do, thẩm phán Donoghue viện dẫn Điều 24(1) cho phép một thẩm phán viện dẫn “một số lý do đặc biệt” để không tham gia vào xét xử vụ kiện này. Mỹ chỉ định David Caron, nhưng ông này mất vào ngày 20.02.2018, do đó, thẩm phán Brower được chỉ định thay thế.
Trần H. D. Minh
——————————————————————————-
[1] Đơn kiện của Iran năm 2016, 6 [7], xem tại đây https://www.icj-cij.org/files/case-related/164/164-20160614-APP-01-00-EN.pdf (truy cập ngày 14.02.2019).
[2] Phán quyết ngày 13.02.2019, 20- 28 [48]-[80]. [3] Như trên, 28 [82]. [4] Như trên, 29 [83]. [5] Như trên. [6] Như trên. [7] Như trên, 30 [87]. [8] Như trên. [9] Như trên, 30 [88]. [10] Như trên, 31 [91]. [11] Như trên, 31 [92]. [12] Như trên, 31 [91].