[34] Vụ Jadhav (Ấn Độ v. Pakistan)

Ngày 08 tháng 5 năm 2017 Ấn Độ khởi kiện Pakistan ra trước Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) với cáo buộc Pakistan đã vi phạm Điều 36 Công ước Viên về Quan hệ lãnh sự năm 1963.[1]

Vụ việc xoay quanh ông Jadhav – một công dân Ấn Độ – bị Pakistan bắt giữ và bị tòa án quân sự của nước này kết án tử hình do có hoạt động gián điệp và phá hoại chống lại Pakistan.[2] Theo phía Pakistan, ông Jadhav bị lực lượng phản gián của Pakistan bắt giữ vào ngày 03/03/2016 tại Masgkel, Balochistan, Pakistan khi ông này vượt biên trái phép vào Pakistan từ Iran. Trước tòa án, ông này đã tự thúc rằng “ông được cơ quan tình báo đối ngoại của Ấn Độ (RAW) giao nhiệm vụ lên kế hoạch, phối hợp và tổ chức hoạt động gián điệp, phá hoạt nhằm tạo bất ổn và kích động chiến tranh chống lại Pakistan thông qua việc chống phá các nỗ lực khôi phục hòa bình tại Balochistan và Karachi của các cơ quan hành pháp [Pakistan].”[3] Ông cũng thừa nhận mình “vẫn đang phục vụ trong Hải quân Ấn Độ và sẽ nghỉ hưu vào năm 2022.”[4]

Về phía Ấn Độ,[5] nước này cáo buộc Pakistan đã vi phạm vào Điều 36 của Công ước Viên do đã từ chối yêu cầu tiếp xúc lãnh sự của phía Ấn Độ đối với ông Kadhav. Từ ngày 25/03/2016 khi biết thông tin ông này bị bắt, Ấn Độ đã 15 lần gửi yêu cầu tiếp xúc lãnh sự với ông này nhưng đều không được trả lời. Hơn một năm sau khi Ấn Độ lần đầu đưa ra yêu cầu tiếp xúc lãnh sự, ngày 21/03/2017 Pakistan gửi một công hàm cho Ấn Độ trong đó đặt ra điều kiện rằng yêu cầu tiếp xúc lãnh sự của Ấn Độ sẽ được xem xét phụ thuộc vào phản ứng của Ấn Độ đối với yêu cầu trợ giúp điều tra của Pakistan. Ấn Độ cho rằng việc không trả lời yêu cầu tiếp xúc lãnh sự và sau đó đặt điều kiện cho việc cho phép tiếp xúc lãnh sự của Pakistan đã vi phạm Điều 36 của Công ước Viên.

Ấn Độ không xác thực được về thời gian bắt giữ ông Jadhav, hoàn cảnh và địa điểm bắt giữ. Ấn Độ có “thông tin cho thấy ông này đã bị bắt cóc từ Iran, nơi ông đang làm ăn sau khi nghỉ hưu khỏi Hải quân Ấn Độ.” Ấn Độ đã yêu cầu cho Pakistan đề nghị cung cấp bản sao có xác thực về các cáo buộc chống lại ông Jadhav, tiến trình thủ tục, tóm tắt bằng chứng vụ án, phán quyết, việc chỉ định luật sư và thông tin liên lạc của luật sư, và bản sao có xác thực về báo cáo y tế của ông Jadhav. Pakistan không có phản hồi. Hoàn cảnh trên cho thấy Ấn Độ hoàn toàn không có bất kỳ thông tin xác thực về việc bắt giữ, xét xử ông Jadhav, cũng như không được tiếp xúc lãnh sự với ông này hơn một năm nay kể từ ngày ông này bị bắt giữ. Do đó Ấn Đô đã khởi kiện Pakistan ra trước Tòa ICJ.

Kèm theo Tuyên bố khởi kiện, Ấn Đô cũng đề nghị Tòa ICJ ra lệnh áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (provisional measures) yêu cầu Pakistan không được tiến hành xử tử ông Jadhav trước khi Tòa ICJ có phán quyết cuối cùng trong vụ việc này. Ngày 18 tháng 5 năm 2017, 10 ngày sau khi nhận được yêu cầu của Ấn Đô, Tòa đã nhất trí ra lệnh yêu cầu “Pakistan phải thực hiện mọi biện pháp trong khả năng của mình để bảo đảm ông Jadhav sẽ không bị xử tử trong khi chưa có phán quyết cuối cùng của vụ việc này và phải thông tin cho Tòa tất cả các biện pháp đã được tiến hành để thực thi Lệnh này.”[6]

Đây là một vụ việc khá thú vị do trung tâm tạo nên tranh chấp giữa hai nước là một người bị cáo buộc làm gián điệp của một nước chống lại một nước khác. Các cáo buộc gián điệp luôn có tính chất nhạy cảm và thường được dàn xếp “êm đẹp” giữa các nước liên quan. Nhưng trong vụ này có vẻ câu chuyện giữa Pakistan và Ấn Độ phong phú và kịch tính hơn ở sau rèm sân khấu. Từ lâu Pakistan đã tin rằng Ấn Đô có dính líu đến các phong trào đòi ly khai ở tỉnh Balochistan cũng như ủng hộ các phong trào chính trị ở thành phố Karachi của Pakistan.[7] Nếu đúng như thế thì sẽ có khả năng vi phạm nguyên tắc cấm can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác và thậm chí cả nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực. Việc khởi kiện ra Tòa ICJ có thể là một trong các biện pháp đấu tranh của Ấn Độ bên cạnh các biện pháp chính trị – ngoại giao hay các biện pháp khác. Vụ việc có thể chỉ là một thủ thuật làm nóng vấn đề để tạo áp lực giải quyết qua đàm phán. Về phía Pakistan, nước này có thể có sử dụng vụ kiện này để công khai chính thức các bằng chứng và cáo buộc vi phạm các nguyên tắc của luật quốc tế trên chống lại Ấn Độ.

***

Điều 36[8]

Liên lạc và tiếp xúc với công dân Nước cử

  1. Nhằm tạo thuận lợi cho việc thi hành các chức năng lãnh sự liên quan đến công dân Nước cử:
  2. a) Viên chức lãnh sự được tự do liên lạc với công dân Nước cử và tiếp xúc với họ. Công dân Nước cử cũng được quyền tự do như vậy trong việc liên lạc và tiếp xúc với viên chức lãnh sự của Nước cử;
  3. b) Nếu đương sự yêu cầu, nhà chức trách có thẩm quyền của Nước tiếp nhận sẽ báo ngay cho cơ quan lãnh sự của Nước cử biết là trong khu vực lãnh sự của cơ quan này có công dân của Nước cử bị bắt, bị tù, bị tạm giam chờ xét xử hoặc bị tạm giữ dưới bất kỳ hình thức nào khác. Nhà chức trách nói trên cũng sẽ chuyển ngay mọi thông tin mà người bị bắt, bị tù, bị tạm giam hoặc tạm giữ gửi cho cơ quan lãnh sự. Nhà chức trách nói trên cũng sẽ báo ngay cho đương sự biết những quyền mà họ được hưởng theo mục này;
  4. c) Viên chức lãnh sự có quyền đến thăm công dân của Nước cử đang bị tù, tạm giam hoặc tạm giữ; nói chuyện, liên lạc thư từ và thu xếp việc đại diện pháp lý cho người đó. Trong khu vực lãnh sự của mình, viên chức lãnh sự cũng có quyền đến thăm bất cứ công dân nào của Nước cử đang bị tù, bị tạm giam hoặc tạm giữ theo một bản án. Tuy nhiên, viên chức lãnh sự phải kiềm chế hành động thay mặt cho công dân đang bị tù, bị tạm giam hoặc tạm giữ nếu người đó phản đối rõ ràng việc làm như vậy.
  5. Các quyền ghi ở khoản 1 Điều này phải được thực hiện theo đúng luật và các quy định của Nước tiếp nhận, với điều kiện là luật và các quy định đó phải tạo điều kiện để thực hiện đầy đủ các mục đích của những quyền quy định tại Điều này.

Article 36

Communication and contact with nationals of the sending State

1. With a view to facilitating the exercise of consular functions relating to nationals of the sending State:

(a) consular officers shall be free to communicate with nationals of the sending State and to have access to them. Nationals of the sending State shall have the same freedom with respect to communication with and access to consular officers of the sending State;

(b) if he so requests, the competent authorities of the receiving State shall, without delay, inform the consular post of the sending State if, within its consular district, a national of that State is arrested or committed to prison or to custody pending trial or is detained in any other manner. Any communication addressed to the consular post by the person arrested, in prison, custody or detention shall be forwarded by the said authorities without delay. The said authorities shall inform the person concerned without delay of his rights under this subparagraph;

(c) consular officers shall have the right to visit a national of the sending State who is in prison, custody or detention, to converse and correspond with him and to arrange for his legal representation. They shall also have the right to visit any national of the sending State who is in prison, custody or detention in their district in pursuance of a judgment. Nevertheless, consular officers shall refrain from taking action on behalf of a national who is in prison, custody or detention if he expressly opposes such action.

2.The rights referred to in paragraph 1 of this article shall be exercised in conformity with the laws and regulations of the receiving State, subject to the proviso, however, that the said laws and regulations must enable full effect to be given to the purposes for which the rights accorded under this article are intended.

Trần H. D. Minh

——————————————————-

[1] Application instituting proceedings của Ấn Độ, http://www.icj-cij.org/en/case/168

[2] Như trên, Phụ lục 4.

[3] Như trên.

[4] Như trên, Phụ lục 6.

[5] Như trên, đoạn 4 – 24.

[6] Press Release No. 2017/22, ngày 18/5/2017.

[7] BBC, What lies behind Pakistani charges of Indian ‘terrorism’, ngày 06/5/2015, xem tại http://www.bbc.com/news/world-asia-32604137

[8] Bản dịch tại https://lanhsuvietnam.gov.vn/Lists/BaiViet/Attachments/140/ConguocVien1963.pdf, truy cập ngày 16/9/2017.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: