(*) Cập nhật: Ngày 15/9/2017 Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo khác bay ngang qua Nhật Bản. Tên lửa này cùng loại với tên lửa trong vụ phóng ngày 29/8/2017, bay xa 3000 km, đạt độ cao 770 km, bay ngang qua Hokkaido và rơi xuống Thái Bình Dương.[1] Các phân tích dưới đây cũng có thể áp dụng cho vụ phóng ngày 15/9/2017.
Ngày 29 tháng 8 năm 2017 Triều Tiên phóng một tên lửa về hướng đông, bay trên Nhật Bản và rơi xuống Thái Bình Dương. Tên lửa này bay được 1700 dặm (tương đương 2735 km), bao cao 340 dặm (tương đương 547 km).[2] Theo tài khoản twitter của Thủ tướng Nhật Bản, tên lửa được phóng vào lúc 5:58 phút sáng, tách thành ba phần và rơi xuống biển vao lúc 6:12 phút sáng tại vị trí cách bờ biển Cape Erimo 730 dặm (tương đương 1174 km).[3]
Nguồn: Union of Concerned Scientists, by Jeremy White[4]
Trong vụ việc này, có 03 vấn đề pháp lý quốc tế cần được xem xét đến: (1) liệu có xâm phạm chủ quyền của Nhật Bản trên không phận quốc gia, (2) liệu có vi phạm bất kỳ nghị quyết trừng phạt nào của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, và (3) liệu có vi phạm nguyên tắc cấm đe dọa hay đe dọa sử dụng vũ lực.
- Xâm phạm vùng trời quốc gia của Nhật Bản?
Mỗi quốc gia có chủ quyền đối với vùng trời phía trên lãnh thổ, nội thủy và lãnh hải của mình – gọi là vùng trời quốc gia hay không phân quốc gia. Vùng trời này hiện chưa được thống nhất về độ cao tối đa – ranh giới giữa vùng trời quốc gia và không gian vũ trụ. Đã có một số gợi ý về đường ranh giới này, từ 50 km đến 100 km, thậm chí 110 km (xem thêm về các vùng trời tại đây).[5] Từ những gợi ý trên, có vẻ như ở độ cao 547 km của tên lửa Triều Tiên sẽ không được xem là xâm phạm vào vùng trời quốc gia của Nhật Bản. Các phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản cho thấy Nhật Bản cũng không xem đây là sự vi phạm chủ quyền của nước này đối với vùng trời của mình. Cần lưu ý rằng 547 km là điểm cao nhất trong hành trình bay của tên lửa; tên lửa không duy trì liên tục độ cao này trong suốt thời gian bay ngang Nhật Bản.
Tuy nhiên, theo phát ngôn của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 31/8/2017, “Việt Nam quan ngại sâu sắc trước việc CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo qua không phận Nhật Bản ngày 29/8/2017, vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết liên quan của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, làm gia tăng căng thẳng ở khu vực.”[6] “Không phận Nhật Bản” theo nghĩa thông thường là không phận quốc gia, vùng trời quốc gia thuộc chủ quyền của Nhật Bản. Nếu so với bản tiếng Anh, từ “qua” được dịch là “over”[7] theo đó nên được hiểu là bay vòng qua không phận Nhật Bản. Cũng lưu ý rằng Chính phủ Việt Nam đã từng có tuyên bố về vùng trời Việt Nam vào năm 1984, theo đó, “vùng trời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là khoảng không gian ở trên đất liền, nội thủy, lãnh hải và các hải đảo Việt Nam và thuộc chủ quyền hoàn toàn và riêng biệt của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”[8]
- Vi phạm nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc?
Trong các nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng Bảo an, bên cạnh vấn đề vũ khí hạt nhân, việc phóng tên lửa đạn đạo (ballistic missiles) và các hoạt động liên quan đến tên lửa đạn đạo bị nghiêm cấm và Hội đồng Bảo an yêu cầu Triều Tiên dừng, chấm dứt và hủy bỏ các chương trình tên lửa đạn đạo của mình.[9] Nghị quyết của Hội đồng Bảo an có hiệu lực ràng buộc tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc, bao gồm cả những nước là đối tượng chịu trừng phạt của nghị quyết. Tên lửa mà Triều Tiên phóng vào ngày 29 tháng 8 năm 2017 được cho là tên lửa đạn đạo Hwasong 12 tầm trung.[10] Người phát ngôn Nếu đúng, Triều Tiên rõ ràng đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an.
- Vi phạm nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực chống lại Nhật Bản?
Nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực chống lại nước khác yêu cầu phải có việc sử dụng trên thực tế vũ lực hay có đe dọa thực hiện một hành vi mà nếu hành vi đó được thực hiện sẽ cấu thành sử dụng vũ lực. Trong vụ phóng tên lửa này của Triều Tiên, tên lửa có vẻ không đi vào không phận quốc gia của Nhật Bản, không có vẻ nhắm đến Nhật Bản, không gây thiệt hại đến lãnh thổ Nhật Bản, và cũng vụ thử đã được thực hiện nhưng không kèm đe dọa cụ thể nào chống lại Nhật Bản, do đó prima facie Triều Tiên không vi phạm nguyên tắc trên. Tuy nhiên cũng phải xét thấy rằng vụ phóng tên lửa đã gây ra “cảm giác” không an toàn cho Nhật Bản, tạo ra tình huống “cảm thấy” bị đe dọa bị Triều Tiên tấn công. Trong tình huống này, dù chưa vi phạm nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực, Hội đồng Bảo an cũng có trách nhiệm và quyền hạn để có những biện pháp xử lý thích hợp phù hợp với quy định của Hiến chương Liên hợp quốc.
Trần H. D. Minh
———————————————————————
[1] Xem thông tin và hình ảnh minh họa đường bay: CNN, North Korea launches missile over Japan, ngày 15/9/2017, xem tại http://edition.cnn.com/2017/09/14/asia/north-korea-missile-launch/index.html, truy cập ngày 15/9/2017.
[2]https://www.nytimes.com/2017/08/28/world/asia/north-korea-missile.html?rref=collection%2Ftimestopic%2FSouth%20Korea&action=click&contentCollection=world®ion=stream&module=stream_unit&version=latest&contentPlacement=4&pgtype=collection
[3] Như trên.
[4] Như trên.
[5] Malcolm N. Shaw, International Law, 6th ed., CUP, 2008, tr. 543 – 544 và chú thích số 309. Xem thêm Trần Hữu Duy Minh, Các vùng trời: Vùng trời quốc gia, không phận quốc tế, vùng FIR và vùng ADIZ, Bài trình bày tại Hội thảo khoa học “Những vấn đề pháp lý và thực tiễn về vùng nhận dạng phòng không trong luật quốc tế”, do Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức, Hà Nội, ngày 17/5/2017), xem tại http://iuscogens-vie.com/2017/05/17/20/
[6] http://www.mofahcm.gov.vn/en/mofa/tt_baochi/pbnfn/ns170831173831, truy cập ngày 15/9/2017.
[7] https://www.mofa.gov.vn/en/tt_baochi/pbnfn/ns170901163109, truy cập ngày 25/12/2017.
[8] Tuyên bố của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam về vùng trời Việt Nam ngày 05 tháng 6 năm 1984, đoạn 1, xem tại http://bienphongvietnam.vn/van-ban-phap-luat/van-kien-phap-ly-dieu-uoc-quoc-te/183-vankien07.html
[9] Nghị quyết 11/9/2017, đoạn 2; Nghị quyết 2321 ngày 30/11/2016, đoạn 2; Nghị quyết 2270 ngày 02/6/2016, đoạn 2, 4; và các nghị quyết liên quan trước đó.
[10] https://www.washingtonpost.com/world/north-korea-fires-another-missile-from-near-pyongyang-reportedly-over-japan/2017/09/14/9d465988-9999-11e7-a527-3573bd073e02_story.html?utm_term=.9ac3142e4e28