[208] Phán quyết ngày 11.12.2020 của Toà ICJ trong Vụ Quyền miễn trừ và tố tụng hình sự (Guinea Xích đạo v. Pháp)

Bối cảnh vụ việc và vấn đề pháp lý trọng tâm của vụ việc – Quy định liên quan của Công ước Viên về Quan hệ ngoại giao năm 1961 về “trụ sở phái đoàn” (premises of the mission) – Lập luận chính của Guinea Xích đạo – Lập luận chính của Pháp – Lập luận và kết luận của Toà – Sự chia rẽ giữa các thẩm phán * 

Ngày 11.12.2020, Toà ICJ đã ra phán quyết về nội dung trong Vụ Quyền miễn trừ và tố tụng hình sự (Immunities and Criminal Proceedings) giữa Guinea Xích đạo và Pháp, trong đó Guinea Xích đạo là bên khởi kiện chống lại Pháp. Trước đó, vào năm 2018, Toà đã ra phán quyết về thẩm quyền trong vụ việc này. Xem Phán quyết và ý kiến của thẩm phán (eng), tóm tắt phán quyết (eng).

Bối cảnh vụ việc và vấn đề pháp lý là trọng tâm của vụ việc

Vụ việc xoay quanh việc chính quyền Phán đã khám xét một Toà nhà số 42 Đại lộ Foch tại Paris và tịch thu một số tài sản xa xỉ bên trong Toà nhà này vào năm 2011. Việc khám xét tiến hành khi Phán tiến hành điều tra hình sự về việc một số quan chức của Guiena Xích đạo đã sử dụng sai ngân quỹ quốc gia để mua tài sản tại Pháp.

Guinea Xích đạo ngay lập tức có các công hàm gửi Vụ Lễ tân của Bộ Ngoại giao Pháp, thông báo rằng Toà nhà này được nước này sử dụng nhiều năm cho hoạt động ngoại giao và là trụ sở chính thức của Phái đoàn Guinea Xích đạo bên cạnh UNESCO. Hơn nữa, Guinea Xích đạo thông báo rằng từ ngày 27.07.2012, các cơ quan của Đại sứ quán Guinea Xích đạo tại Pháp sẽ đặt tại Toà nhà này.

Vụ Lễ tân của Bộ Ngoại giao Pháp liên tục trả lời các công hàm này và nhất quán cho rằng Toà nhà là bất động sản tư nhân, chưa từng là trụ sở ngoại giao, và do đó, chịu điều chỉnh theo pháp luật quốc gia của Pháp.

Tóm lại, tranh chấp giữa hai nước xoay quanh quy chế pháp lý của Toà nhà số 42 Đại lộ Foch. Pháp cho rằng Toà nhà là bất động sản thông thường của tư nhân, không được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao, trong đó có quyền bất khả xâm phạm, theo quy định của Công ước Viên về Quan hệ ngoại giao năm 1961 (vie, eng). Trong khi Guinea Xích đạo cho rằng Toà nhà này là trụ sở ngoại giao của nước này tại Pháp, và việc Pháp khám xét và thu giữ tài sản trong Toà nhà này vi phạm quyền miễn trừ ngoại giao của nước này. Theo Điều 22 của Công ước Viên năm 1961, trụ sở phái đoàn ngoại giao là bất khả xâm phạm, phải được bảo vệ và được miễn trừ khỏi việc khám xét, tạm giữ, phong toả hay thi hành án.

Quy định liên quan của Công ước Viên năm 1961

Điều 1(i) của Công ước Viên năm 1961 định nghĩa “trụ sở phái đoàn” (premises of the mission) bao gồm:

“các toà nhà hay phần của các toà nhà và khu đất gắn liền, bất kể chủ sở hữu, được sử dụng cho các mục đích của phái đoàn bao gồm nơi ở của trưởng phái đoàn.”

Screen Shot 2020-12-11 at 19.40.14

Lập luận chính của Guinea Xích đạo

Guinea Xích đạo cho rằng Điều 1(i) không quy định rõ vai trò của của quốc gia gửi phái đoàn và quốc gia sở tại trong việc xác lập một trụ sở ngoại giao, nhưng cho rằng quyền quyết định thuộc về quốc gia gửi phái đoàn ([42]). Theo đó, khi quốc gia gửi xác định một toà nhà là trụ sở của phái đoàn ngoại giao, việc xác định đó cần được hiểu là được quốc gia sở tại mặc nhiên chấp nhận ([43], và Công ước Viên không quy định rằng việc xác định này cần sự đồng ý hiển nhiên hay ngầm định của quốc gia sở tại ([44]).

Guinea Xích đạo thừa nhận rằng có một vài nước cũng đặt ra các quy định yêu cầu việc xác định một toà nhà là trụ sở ngoại giao cần sự đồng ý từ quốc gia sở tại ([47]). Tuy nhiên, nước này cho rằng các nước đó đã thông báo trước cho quốc gia gửi phái đoàn biết những điều kiện đó, trong khi Pháp không hề thông báo cho Guinea Xích đạo rằng thực tiễn nhất quán hay pháp luật của Pháp có quy định yêu cầu cần có sự đồng ý của Pháp trước khi một toà nhà được xem là trụ sở ngoại giao ([47]-[48]).

Lập luận chính của Pháp

Pháp cho rằng Guinea Xích đạo đã sai khi cho rằng quốc gia gửi phái đoàn có quyền đơn phương lựa chọn địa điểm đặt trụ sở ngoại giao. Mặc dù Công ước Viên không có quy định về thủ tục xác lập trụ sở ngoại giao, một toà nhà được xem là trụ sở ngoại giao cần thoả mãn hai điều kiện: (1) quốc gia sở tại không công khai phải đối việc xác định quy chế ngoại giao cho một toà nhà, và (2) toà nhà đó phải “thực sự được sử dụng” (actually assigned) cho mục đích của phái đoàn ngoại giao ([52]).

Pháp cho rằng tinh thần và lời văn của Công ước Viên cho thấy nền tảng của Công ước là sự đồng thuận giữa quốc gia gửi phái đoàn và quốc gia sở tại ([54]). Điều 2 của Công ước quy định rằng: “Việc xác lập quan hệ ngoại giao giữa các Quốc gia và [việc xác lập] các phái đoàn ngoại giao thường trực được thực hiện dựa trên thoả thuận chung [giữa các Quốc gia].” Do đó, Pháp cho rằng việc xác lập trụ sở ngoại giao không thể là việc thuộc thẩm quyền chuyên biệt của quốc gia gửi phái đoàn (nt).

Pháp cho rằng thực tế có các quốc gia yêu cầu có sự đồng ý trước khi một toà nhà được xem là trụ sở ngoại giao và thực tế này không bị phản đối là trái với Công ước cho thấy quốc gia gửi phái đoàn không có quyền đơn phương xác định trụ sở ngoại giao ([56]). Ngoài ra, Công ước Viên cũng không có quy định nghiêm cấm quốc gia sở tại thực thi một số biện pháp kiểm soát việc xác lập trụ sở ngoại giao ([56]).

Hơn nữa, Pháp cho rằng Điều 1(i) của Công ước quy định rằng trụ sở ngoại giao phải “được sử dụng cho mục đích của phái đoàn”. Yêu cầu này có nghĩa rằng một toà nhà chỉ được xem là trụ sở ngoại giao nếu “thực sự được sử dụng” (actually assigned) cho mục đích ngoại giao ([59]). Việc đơn thuần thông báo lựa chọn một toà nhà làm trụ sở ngoại giao nhưng không thực sử sử dụng cho mục đích ngoại giao không thể xem là thoả mãn yêu cầu trên (nt).

Lập luận của Toà và kết luận

Toà đồng ý rằng Điều 1(i) không quy định rõ làm thế nào mà một toà nhà có thể được xem là trụ sở của phái đoàn ngoại giao, cũng như im lặng về vai trò của quốc gia gửi phái đoàn và quốc gia sở tại trong vấn đề này ([62]). Do nghĩa thông thường của Điều 1(i) không rõ ràng, Toà xem xét đến ngữ cảnh (context), và mục đích và đối tượng của Công ước (object and purpose).

Xét Điều 1(i) trong ngữ cảnh, Toà cho rằng nếu việc xác lập trụ sở ngoại giao là quyền đơn phương của quốc gia gửi phái đoàn bất kể sự phản đối công khai của quốc gia sở tại, thì sẽ trái với tinh thần đồng thuận thể hiện trong Điều 2 của Công ước ([63]).

Hơn nữa, các quy định của Công ước liên quan đến việc bổ nhiệm và quyền miễn trừ của nhân viên ngoại giao của phái đoàn thể hiện “sự cân bằng mà Công ước cố gắng giữ giữa lợi ích của Quốc gia gửi phái đoàn và quốc gia sở tại” ([64]). Việc bổ nhiệm nhân viên ngoại giao cần sự thoả thuận với quốc gia sở tại trong một số trường hợp, trong khi lại không cần thiết trong trường hợp khác. Quyền miễn trừ rộng rãi lại được cân bằng bằng quyền tuyên bố persona non grata.

Toà cho rằng nếu quốc gia gửi phái đoàn có toàn quyền đơn phương xác lập trụ sở ngoại giao bất chất phản đối của quốc gia sở tại thì sẽ đặt quốc gia sở tại vào “vị trí không cân bằng bất lợi, và sẽ vượt quá yêu cầu của Công ước để đạt được mục đích là bảo đảm việc thực hiệu quả chức năng của phái đoàn ngoại giao” ([65]).

Về mục đích và đối tượng của Công ước Viên, lời nói đầu của Công ước thể hiện rõ mục đích của Công ước là nhằm “đóng góp vào việc phát triển quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia” ([66]).  Với mục đích và đối tượng đó, Toà cho rằng “Công ước Viên không thể được giải thích để cho phép Quốc gia gửi phái đoàn qđược đơn phương áp đặt việc lựa chọn trụ sở phái đoàn lên Quốc gia sở tại khi Quốc gia sở tại đã phản đối sự lựa chọn này” ([67]). Nếu trường hợp đó xảy ra, Quốc gia sở tại sẽ bị buộc phải bảo vệ một trụ sở mà nước này không mong muốn. Điều này không thể xem là sẽ đóng góp cho sự phát triển quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia liên quan (nt). Hơn nữa, điều đó cũng đặt Quốc gia sở tại vào vị trí bất lợi nếu quyền miễn trừ và ưu đãi bị lạm dụng – đi ngược lại ý định khi soạn thảo Công ước (nt). Toà nhắc lại một đoạn trong Phán quyết năm 1980 trong Vụ bắt giữ con tin giữa Mỹ và Iran (eng) như sau:

“nói ngắn gọn, các quy định của luật ngoại giao tạo thành một quy chế tự kiểm soát, trong đó, một mặt đặt ra các nghĩa vụ cho Quốc gia sở tại liên quan đến cơ sở vật chất, quyền miễn trừ và ưu đãi cho phái đoàn ngoại giao, và, ở mặt khác, cũng dự trù trước khả năng các nhận viên phái đoàn bị lạm dụng và cụ thể hoá các biện pháp mà Quốc gia sở tại có thể sử dụng để chống lại các lạm dụng đó.” (Vụ bắt giữ con tin (Mỹ v. Iran) (Phán quyết) [1980] ICJ Rep 40 [86]).

Screen Shot 2020-12-11 at 19.41.23

Từ các phân tích trên, Toà bác bỏ lập luận của Guinea Xích đạo, cho rằng Quốc gia sở tại có quyền phản đối việc xác lập trụ sở ngoại giao và do đó, ngăn chặn việc một toà nhà được hưởng uqy chế trụ sở của phái đoàn ([68]). Ngoại ra, thực tiễn quốc gia cũng ủng hộ kết luận này ([69]).

Về lập luận của Guinea Xích đạo cho rằng nếu Quốc gia sở tại có quyền phản đối việc xác lập trụ sở ngoại giao, Quốc gia sở tại phải thông báo trước yêu cầu như thế theo pháp luật quốc gia, Toà cho rằng điều kiện này không có trong Công ước Viên, và rằng Quốc gia sở tại có quyền lựa chọn cách thức đồng ý hay phản đối việc xác lập trụ sở ngoại giao ([72]). Nếu điều kiện này tồn tại thì sẽ tương đương áp đặt một hạn chế lên chủ quyền của Quốc gia sở tại khi không có cơ sở pháp lý trong Công ước Viên và luật quốc tế chung (nt).

Mặc dù vậy, Toà ICJ cũng cho rằng quyền phản đối của Quốc gia sở tại không phải klà không có giới hạn ([73]). Quyền của một quốc gia theo một điều ước quốc tế phải được thực thi một cách hợp lý và thiện chí (nt). Việc Quốc gia sở tại phản đối “phải hợp lý về thời gian và không tuỳ tiện” (be timely and not be arbitrary) (nt) hay “phân biệt đối xử” (discriminatory) ([75]).

Sau khi xem xét việc trao đổi công hàm giữa Vụ Lễ tân của Bộ Ngoại giao Pháp với Guinea Xích đạo, Toà cho rằng Pháp đã thông báo phản đối việc xác lập Toà nhà số 42 Đại lộ Foch là trụ sở ngoại giao của Guinea Xích đạo một cách hợp lý về thời gian ([90]-[92]), không phải tuỳ tiện hay phân biệt đối xử ([93]-[117]). Do đó, Toà nhà này chưa bao giờ có quy chế pháp lý là trụ sở phái đoàn theo Điều 1(i) của Công ước Viên ([118]), và vì vậy việc khám xét và thu giữ tài sản tại đây không vi phạm Công ước.

Có sự chia rẽ trong quan điểm của các thẩm phán

Kết luận chính của Toà liên quan đến quy chế của Toà nhà số 42 Đại lộ Foch ([126(1)]) được thông qua với đa số hẹp (9-7). Điều này cho thấy có chia rẽ khá lớn giữa các thẩm phán.

Thẩm phán bỏ phiếu thuận: Tomka, Abraham, Bennouna, Cancado Trindada, Donoghue, Crawford, Gevorgian, Salm, Iwasawa.

Thẩm phán bỏ phiếu chống: Chánh án Yusuf, Phó chánh án Xue, thẩm phán Gaja, Sebutine, Bhandari, Robinson, và thẩm phán ad hoc Kateka. Bảy thẩm phán này đính kèm ý kiến của mình trong Phán quyết, xem tại đây.

Screen Shot 2020-12-11 at 19.42.19

Trần H. D. Minh

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: