Nội dung Công thư ngày 01.6.2020 phản đối Công hàm CML/14/2019 của Trung Quốc – Nội dung Công hàm ngày 28.12.2016 liên quan đến các tuyên bố của Trung Quốc sau Phán quyết năm 2016 – Nhận định sơ bộ
Ngày 01.06.2020, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Kelly Craft đã gửi Công thư cho Tổng thư ký Liên hợp quốc liên quan đến Công hàm CML/14/2019 của Trung Quốc trước đó. Công hàm khẳng định:
“Mỹ bác bỏ các yêu sách biển [của Trung Quốc] bởi vì không phù hợp với luật pháp quốc tế như được phản ánh trong Công ước Luật Biển năm 1982.”
Công thư này đính kèm một công thư và một công hàm: công thư đề ngày 01.6.2020 của Đại sứ Kelly Craft liên quan trực tiếp đến Công hàm CML/14/2019 của Trung Quốc, và một công hàm đề ngày 28.12.2016 của Mỹ gửi cho Trung Quốc liên quan đến ba văn kiện mà Trung Quốc đưa ra ngay sau khi Phán quyết năm 2016 trong Vụ kiện Biển Đông được đưa ra. Bài viết sẽ tóm tắt hai văn bản đính kèm này. Cuối bài là bốn nhận định sơ bộ.
Công thư ngày 01.6.2020 phản đối yêu sách biển của Trung Quốc trong Công hàm CML/14/2019 của nước này
Mỹ cho biết lý do phản đối Công hàm CML/14/2019 của Trung Quốc là bởi vì các yêu sách biển được nêu trong Công hàm này “không phù hợp với luật pháp quốc tế như được phản ánh trong Công ước Luật Biển năm 1982” (UNCLOS), và các yêu sách này “nhằm can thiệp bất hợp pháp các quyền và tự do của Mỹ và tất cả các quốc gia khác được hưởng [theo luật quốc tế].” Do đó, Mỹ thấy cần thiết phải “nhắc lại các phản đối chính thức đối với các yêu sách bất hợp pháp này.”
Thứ nhất, Mỹ phản đối các yêu sách “quyền lịch sử” của Trung Quốc do các yêu sách này vượt quá các quyền trên biển mà luật quốc tế cho phép. Mỹ nhắc lại rằng Toà trọng tài đã kết luận rằng các yêu sách quyền lich sử của Trung Quốc không phù hợp với Công ước – và đây là phán quyết có tính ràng buộc và chung thẩm.
Thứ hai, Mỹ phải đối bất kỳ yêu sách nào của Trung Quốc muốn áp dụng quy chế nội thuỷ cho vùng nước giữa các đảo tại Biển Đông, và bất kỳ yêu sách nào dựa trên việc xem các nhóm đảo trên Biển Đông là một thực thể duy nhất. Viện dẫn Điều 5 của UNCLOS, Mỹ cho rằng Công ước không cho phép Trung Quốc vạch đường cơ sở thẳng hay đường cơ sở quần đảo bao quanh các đảo và thực thể trên Biển Đông. Mỹ cũng phản đối bất kỳ yêu sách vùng biển nào từ các thực thể không phải là đảo theo định nghĩa tại Điều 121(1) của Công ước, và cũng không thể yêu sách chủ quyền đối với các bãi ngầm (như Macclesfield Bank/Trung Sa hay James Shoal), hoặc các bãi lúc nổi lúc chìm (như Mischeief Reef/Bãi Vành Khăn và Second Thomas Shoal/Bãi Cỏ Mây). Các thực thể thuộc hai loại này không phải là lãnh thổ đất liền để có thể tiến hành thụ đắc lãnh thổ. Mỹ nhắc lại rằng “các quan điểm trên phù hợp với quyết định của Toà trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông.”
Về tác động của các yêu sách của Trung Quốc, Mỹ cho rằng Trung Quốc “muốn hạn chế các quyền và tự do, bao gồm các quyền và tự do hàng hải, mà tất cả các quốc gia đều được hưởng.” Mỹ phản đối các yêu sách của Trung Quốc “trong chừng mực mà các yêu sách này vượt quá các quyền mà Trung Quốc có thể hưởng theo luật quốc tế như được phản ánh trong Công ước.” Mỹ nhắc rằng chính phủ Philippines (ngày 06.3.2020), Việt Nam (ngày 30.3.2020), và Indonesia (ngày 26.5.2020) cũng phản đối các yêu sách của Trung Quốc. Mỹ mong rằng:
“Trung Quốc điều chỉnh các yêu sách biển để phù hợp với luật quốc tế như được phản ánh trong Công ước; tuân thủ phán quyết ngày 12 tháng 7 năm 2016 của Toà trọng tài; và chấm dứt các hoạt động gây hấn tại Biển Đông.”
Công hàm ngày 28.12.2016 Mỹ gửi Trung Quốc đối với ba văn kiện nước này đưa ra sau Phán quyết năm 2016
Đầu Công hàm, Mỹ liệt kê ba văn kiện của Trung Quốc đưa ra ngay khi Toà trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông ra Phán quyết về nội dung vào ngày 12.7.2016:
- Tuyên bố của Trung Quốc về Chủ quyền lãnh thổ và các Quyền và lợi ích của Trung Quốc trên Biển Đông (ngày 12.7.2016, xem tại đây);
- Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về Phán quyết ngày 12.07.2016 trong Vụ kiện Biển Đông (ngày 12.7.2016, xem tại đây); và
- Văn kiện lập trường của Trung Quốc về việc giải quyết tranh chấp bằng đàm phán với Philippines (ngày 13.7.2016, xem tại đây).
Mỹ “vui mừng khi thấy Trung Quốc có nỗ lực điều chỉnh và làm sáng tỏ các yêu sách biển của nước này phù hợp với luật quốc tế như được phản ánh trong Công ước Luật Biển năm 1982.” Tuy nhiên, Mỹ có một số quan ngại.
Thứ nhất, Mỹ nhận định rằng, qua ba văn kiện trên, Trung Quốc đã lần đầu tiên công khai yêu sách “quyền lịch sử” của mình tại Biển Đông. Mỹ đã từng phản đối yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc vào năm 2014 qua tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ: Limits in the Sea No. 143 – China: Maritime Claims in the South China Sea.
Thứ hai, Mỹ phản đối bất kỳ yêu sách của Trung Quốc muốn áp dụng quy chế nội thuỷ vào vùng nước giữa các đảo mà Trung Quốc có vẻ có ý định vạch đường cơ sở bao quanh các nhóm đảo tại Biển Đông. Yêu sách Tứ Sa của Trung Quốc là bất hợp pháp trong chừng mực Trung Quốc muốn nhóm các đảo này lại, và yêu sách các vùng biển từ các nhóm đảo này như một thực thể đơn nhất. Điều này trái với quy định của luật quốc tế như được phản ánh tại Điều 5, 7, 46 và 47 của UNCLOS. Mỹ cũng dẫn lại phản đối của mình về đường cơ sở thẳng của Trung Quốc vào năm 1996: Limits in the Sea No. 117: Straight Baseline Claim: China.
Hơn nữa, Macclesfield Bank/Trung Sa là bãi ngầm, cùng với các thực thể khác không phải đảo theo quy định của luật quốc tế như được phản ánh tại Điều 121(1) của Công ước không thể là đối tượng thụ đắc lãnh thổ, cũng không thể có bất kỳ vùng biển riêng.
Cuối cùng, Mỹ nhắc lại rằng Mỹ không có quan điểm liên quan đến các yêu sách chủ quyền đối với các đảo hay vấn đề phân định biển tại Biển Đông.
Một số nhận định sơ bộ
- Về luật áp dụng, Mỹ lựa chọn từ rất cẩn thận: “luật pháp quốc tế như được phản ánh trong Công ước Luật Biển năm 1982” (“international law as reflected in the 1982 Law of the Sea Convention”). Do Mỹ không là thành viên của Công ước, nên Trung Quốc nhiều lần cho rằng Mỹ không có tư cách để nói chuyện tuân thủ Công ước. Với cách sử dụng từ này, Mỹ nhắc lại với Trung Quốc rằng: Luật pháp quốc tế nói chung, và luật biển nói riêng, không chỉ có trong Công ước, mà còn trong luật tập quán quốc tế ràng buộc tất cả các quốc gia, bất kể có là thành viên Công ước hay không, và hầu hết các quy định của Công ước là ghi nhận lại hoặc đã hình thành trong tập quán quốc tế. Do đó, Mỹ không viện dẫn trực tiếp Công ước, mà viện dẫn “luật quốc tế như được phản ánh trong Công ước.”
- Về nội dung thực chất, Mỹ phản đối mọi yêu sách của Trung Quốc vượt quá quy định của luật quốc tế như được phản ánh trong Công ước, bao gồm quyền lịch sử, quy chế nội thuỷ cho vùng nước giữa các đảo cách xa nhau tại Biển Đông, khả năng vạch đường cơ sở bao quanh các nhóm đảo, và yêu sách chủ quyền đối với bãi chìm và bãi lúc nổi lúc chìm.
- Về phán quyết trong Vụ kiện Biển Đông, Mỹ nhắc lại đây là phán quyết chung thẩm và ràng buộc. Trung Quốc phải tuân thủ. Mỹ cũng nhận thấy Trung Quốc đã thực sự có điều chỉnh quan điểm sau Phán quyết năm 2016, dù nước này vẫn ngoài mặt phản đối. Tuy nhiên, sự điều chỉnh của Trung Quốc là chưa đủ, vì về căn bản vẫn không phù hợp với luật quốc tế. Mỹ cũng ủng hộ một số nội dung của Phán quyết như đã nêu ở trên.
- Về giới hạn sự can dự của Mỹ tại Biển Đông trong các vấn đề pháp lý, Mỹ khẳng định rằng nước này không có quan điểm về vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và phân định biển tại Biển Đông. Mỹ chỉ có quan điểm và sẽ đấu tranh với những vấn đề liên quan đến quyền của Mỹ tại Biển Đông theo luật quốc tế, bao gồm nhưng không giới hạn là quyền và tự do hàng hải. Các tranh chấp khác là vấn đề của riêng các quốc gia liên quan phải giải quyết trực tiếp với nhau. Đương nhiên, các giới hạn này chỉ liên quan đến các vấn đề pháp lý, còn sự can dự nói chung của Mỹ tại Biển Đông, về mặt chính trị, ngoại giao và quân sự, thì có vẻ sẽ không có bất kỳ giới hạn nào.
Trần H. D. Minh
Xem thêm bài viết PGS. TS Nguyễn Hồng Thao (Học viện Ngoại giao), “Công thư Mỹ phản đối Trung Quốc ở Biển Đông: 7 điểm quan trọng“, Báo Pháp luật, ngày 04.6.2020.
———————————————————-
Trả lời