Tóm tắt: Bài viết tập trung giới thiệu một số vấn đề chung về đánh bắt cá bất hợp pháp, không được báo cáo, không được kiểm soát (IUU) và các biện quy định hạn chế thương mại của EU áp dụng đối với các quốc gia bị đánh giá là “thiếu tích cực trong phòng chống IUU”. Đồng thời nghiên cứu thực tiễn áp thẻ của EU và kinh nghiệm vượt thẻ của một số quốc gia trên thế giới.
Kể từ năm 2012 đến nay, đã có hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ bị Liên minh châu Âu (EU) tiến hành thủ tục áp thẻ vàng, thẻ đỏ đối với hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không được báo cáo và không được kiểm soát (Illegal, unreported and unregulated fishing – viết tắt là IUU). Trong đó, đã có 11 quốc gia khắc phục thành công thẻ xanh, 9 quốc gia vẫn đang trong giai đoạn thẻ vàng (bao gồm Việt Nam), và 3 quốc gia đang nằm trong danh sách đen của EU về đánh bắt cá IUU.[1] Thực tiễn áp thẻ của EU cho thấy các quốc gia sau khi nhận thẻ vàng sẽ có thể được hủy bỏ thẻ vàng, kéo dài thời gian thẻ vàng, hoặc bị gán thẻ đỏ và đưa vào danh sách đen. Bài viết dưới đây của các tác giả nhằm làm rõ hơn các quy định của EU và thực tiễn áp thẻ đối với các quốc gia, cũng như kinh nghiệm trong việc khắc phục và “vượt thẻ” của một số quốc gia trên thế giới.
I. IUU VÀ CÁC BIỆN PHÁP HẠN CHẾ THƯƠNG MẠI CỦA EU
1. IUU là những hành vi đánh bắt cá của tàu thuyền (bao gồm cả tàu thuyền nước ngoài và tàu thuyền treo cờ của quốc gia ven biển) mà chưa có sự cho phép hoặc đã cho phép nhưng vi phạm các quy định về đánh bắt của quốc gia ven biển, “đi ngược lại các nỗ lực nhằm bảo tồn và quản lý nguồn cá tại tất cả các vùng biển”[2], nhằm đem lại lợi nhuận lớn hơn so với việc đánh bắt tuân theo các quy định về đánh bắt thủy sản bền vững[3]. IUU có thể xảy ra tại vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển hoặc trong vùng biển thuộc thẩm quyền quản lý của các tổ chức nghề cá khu vực (Regional fisheries management organisations – RFMOs).
IUU lần đầu tiên được đưa ra thảo luận tại Uỷ ban của Công ước về bảo tồn tài nguyên sinh vật tại Nam Cực vào năm 1980[4], sau đó tiếp tục được nhắc đến trong Nghị quyết số 55/7 của Đại Hội đồng Liên Hợp quốc ban hành năm 2001. Ngoài việc bày tỏ mối lo ngại của cộng đồng quốc tế về các tác hại nghiêm trọng mà IUU gây ra cho môi trường biển cũng như việc quản lý và bảo tồn tài nguyên sinh vật biển, Nghị quyết cũng kêu gọi các nước hợp tác để thông qua một kế hoạch hành động quốc tế được xây dựng trong khuôn khổ Tổ chức Nông Lương thế giới (The Food and Agriculture Organization – FAO) để chống lại hành vi IUU[5]. Thực hiện đề xuất đó của Đại hội đồng, vào năm 2001, FAO đã ban hành Chương trình hành động quốc tế nhằm ngăn ngừa, phòng tránh và loại bỏ các hành vi đánh bắt cá bất hợp pháp, không được báo cáo và không được kiểm soát (International Plan of Action to Prevent, Deter, and Eliminate Illegal, Unreported and Unregulated Fishing – FAO-IPOA IUU), trong đó chính thức ghi nhận IUU là thuật ngữ được hợp thành bởi 3 hành vi gồm[6]:
– Hành vi đánh bắt bất hợp pháp (illegal) là các hoạt động: (i) được thực hiện bởi tàu thuyền nước ngoài trong các vùng biển thuộc chủ quyền hoặc quyền chủ quyền của một quốc gia mà không được quốc gia đó cho phép hoặc vi phạm các quy định pháp luật của quốc gia đó về vấn đề nghề cá; (ii) được thực hiện bởi tàu thuyền mang cờ một quốc gia thành viên của một tổ chức quản lý nghề cá khu vực thực hiện hoạt động đánh bắt thủy sản trái với quy định của tổ chức đó về vấn đề bảo tồn và quản lý nguồn lợi thủy sản theo luật pháp quốc tế; hoặc là (iii) tàu thuyền mang cờ một quốc gia là đối tác của một tổ chức quản lý nghề cá khu vực thực hiện hoạt động đánh bắt thủy sản trái với quy định của tổ chức đó về vấn đề bảo tồn và quản lý nguồn lợi thủy sản theo luật pháp quốc tế.
– Hành vi đánh bắt không được báo cáo (unreported) là hoạt động đánh bắt: (i) được thực hiện bởi tàu thuyền trong vùng biển thuộc chủ quyền hoặc quyền chủ quyền của một quốc gia nhưng không báo cáo hoặc báo cáo sai sự thật cho cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đó, trái với các quy định trong pháp luật của quốc gia đó; hoặc là (ii) được thực hiện bởi tàu thuyền đánh bắt thủy sản trong vùng biển của một tổ chức quản lý nghề cá khu vực nhưng không báo cáo hoặc báo cáo sai sự thật, trái với các quy định về thủ tục báo cáo của tổ chức đó.
– Hành vi đánh bắt không được kiểm soát (unregulated) là các hoạt động đánh bắt: (i) xảy ra trong vùng biển thuộc sự quản lý của một tổ chức quản lý nghề cá khu vực. Hành động này được thực hiện bởi tàu thuyền không có quốc tịch hoặc mang cờ của một quốc gia không phải thành viên của tổ chức quản lý nghề cá đó hoặc được thực hiện không phù hợp với các biện pháp về bảo tồn và quản lý tài nguyên của tổ chức nghề cá đó; hoặc là (ii) Đánh bắt thủy sản trong các vùng biển hoặc tại các ngư trường không có các quy định về biện pháp bảo tồn và quản lý tài nguyên. Đồng thời, việc đánh bắt này được thực hiện trái với các nghĩa vụ của các quốc gia về bảo tồn tài nguyên sinh vật biển theo luật quốc tế.
Trên thực tế, IUU để lại những ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến các quốc gia ở cả khía cạnh kinh tế, môi trường và việc thực thi quyền tài phán của quốc gia trên biển.
- Đối với hệ sinh thái, tài nguyên: IUU không chỉ phá vỡ nỗ lực của quốc gia và khu vực để bảo tồn và quản lý nguồn lợi thủy sản, mà còn vi phạm các quy tắc được thiết kế để bảo vệ môi trường biển và các nguồn tài nguyên khỏi những tác động có hại của hoạt động đánh bắt cá như: các hạn chế về thu hoạch cá con, hạn chế dụng cụ được thiết lập để giảm thiểu chất thải và đánh bắt các loài không phải là mục tiêu hoặc gây hại cho hệ sinh thái, giới hạn đánh bắt, và cấm đánh bắt ở các khu vực đẻ trứng đã biết… Ngoài ra, để tránh bị phát hiện, ngư dân đánh bắt IUU thường có xu hướng vi phạm một số yêu cầu về an toàn cơ bản, chẳng hạn như giữ đèn chiếu sáng ban đêm, làm cho những người đánh cá khác gặp nguy hiểm…
- Đối với sự phát triển kinh tế: IUU đe doạ đến an ninh lương thực, tính bền vững và làm suy yếu các nỗ lực giảm đói nghèo và suy dinh dưỡng toàn cầu, đặc biệt ở các nước đang phát triển. IUU cũng ảnh hưởng đến sinh kế và góp phần làm tăng nguy cơ mâu thuẫn giữa các doanh nghiệp và ngư dân quy mô nhỏ.
- Đối với việc thực thi quyền tài phán của các quốc gia: IUU phá vỡ trật tự pháp lý quốc tế và quốc gia liên quan đến quyền đánh bắt và khai thác tài nguyên cá trong các vùng biển, đặc biệt là tại khu vực đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển. Dần dần, các hành vi này có thể làm giảm giá trị cũng như tính “khuôn phép” của các quy định pháp luật có liên quan. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, trong khi cộng đồng quốc tế tập trung chủ yếu vào đánh bắt IUU ở vùng biển quốc tế trong suốt hai thập kỷ qua, thì thực tế IUU toàn cầu lại đang diễn ra vô cùng sôi động ở vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển do sự trù phú về các đàn cá và khả năng giám sát hạn chế của các quốc gia đối với một vùng biển rộng lớn.
Trong tài liệu về IUU được công bố vào năm 2001, FAO cũng đưa ra rất nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu và tiến đến ngăn chặn IUU phát sinh[7]. Các biện pháp này khá toàn diện và bao quát hầu hết các khía cạnh khác nhau như: (i) khuyến khích các quốc gia sử dụng tốt hơn nữa các công cụ quốc tế để bảo vệ quyền lợi của mình như Công ước Luật biển 1982 (UNCLOS), các thỏa thuận đánh bắt của FAO, các quy định về việc áp dụng các biện pháp thương mại của WTO trong Hiệp định GATT; (ii) hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia, đặc biệt xây dựng các luật và quy định nhằm kiểm soát và xử lý nghiêm IUU. Trong đó đặc biệt lưu ý đến việc thiết lập hệ thống kiểm soát hoạt động đánh bắt trong các vùng biển; yêu cầu các tàu đánh bắt báo cáo về các hoạt động liên quan…. Như vậy, đánh bắt IUU đang trở thành rào cản cho việc thực thi hiệu quả quyền tài phán của các quốc gia ven biển, đặc biệt trong bối cảnh các quy định của UNCLOS chưa đủ chi tiết với vấn đề IUU như hiện nay. Để giải quyết triệt để “hiện tượng” này đòi hỏi các quốc gia có sự kết hợp đa dạng các biện pháp khác nhau, trong đó bao gồm cả việc sử dụng hiệu quả các công cụ pháp lý quốc tế và quốc gia; xây dựng và củng cố năng lực thực thi quyền tài phán của các quốc gia ven biển; đẩy mạnh hoạt động hợp tác, đối thoại quốc tế giữa các nước…
2. Được đánh giá là khu vực luôn đi đầu trong việc phòng chống các hoạt động IUU, trong những năm qua, EU đã nỗ lực không ngừng trong việc xây dựng và thi hành hệ thống các biện pháp kiểm soát đối với các hoạt động này, cụ thể: từ năm 1993, Hội đồng EU đã ban hành một số quy định để thực thi Chính sách nghề cá chung như: Nghị quyết của Hội đồng số 1093/94 ngày 6/5/1994 quy định điều kiện tàu cá của quốc gia thứ ba được dỡ hàng tại các cảng của quốc gia thuộc EU[8]; Nghị quyết số 1447/1999 ngày 24/6/1999 quy định biện pháp xử lý đối với việc vi phạm Chính sách nghề cá chung[9]; Nghị quyết số 2847/93 năm 2005 thiết lập hệ thống kiểm soát áp dụng đối với Chính sách nghề cá chung[10]… Các quy định này quy định nghĩa vụ của các quốc gia thành viên EU trong việc đảm bảo thực thi các quy định về bảo tồn và quản lý đối với tất cả các tàu cá mang cờ của quốc gia mình hoạt động trong nội thuỷ, vùng nước của quốc gia thứ 3 và tại vùng biển quốc tế.
Tiếp đó, EU đã thông qua Kế hoạch hành động về xoá bỏ IUU vào năm 2002 theo tinh thần của FAO IPOA-IUU nhằm đối phó với vấn đề IUU[11]. Kế hoạch này bao gồm 15 biện pháp được chia thành các nhóm biện pháp tiến hành ở cấp độ Cộng đồng, cấp độ RFMOs, cấp độ quốc tế và các biện pháp được thực hiện với các quốc gia đang phát triển. Trong đó, bên cạnh việc đề ra một số biện pháp như: (i) Kiểm soát đối với công dân; (ii) Nhận diện và theo dõi tàu cá thực hiện IUU; (iii) Nhận diện và kiểm kê số lượng đánh bắt trái phép; (iv) Yêu cầu về giấy phép đánh bắt; (v) Tăng cường thu thập thông tin tàu cá; (vi) Các quy định về hỗ trợ quốc gia đang phát triển kiểm soát IUU… EU cũng khuyến khích các quốc gia thành viên ban hành quy định pháp luật trong nước để thực hiện các biện pháp này.
Năm 2007, EU thông qua chiến lược chính thức về phòng chống IUU nhằm hoàn thiện Chính sách nghề cá chung của EU trong việc kiểm soát các sản phẩm có nguồn gốc từ IUU thâm nhập vào thị trường EU[12]. Ngày 29/9/2008, trên cơ sở Chiến lược về phòng chống IUU và Chính sách nghề cá chung, Ủy ban Châu Âu đã ban hành Quy định số 1005/2008 nhằm thực hiện chiến lược của EU về phòng chống IUU thông qua việc áp đặt các biện pháp thương mại chặt chẽ đối với tàu cá và các quốc gia ủng hộ IUU[13]. Quy định này chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2010).
Chiến lược này đặc biệt nhấn mạnh đến quy trình áp dụng các biện pháp hạn chế tiếp cận thị trường EU đối với các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ hoạt động IUU và các nước bị đánh giá là không có những biện pháp tích cực nhằm chống lại hành vi IUU. Theo quy trình của EU, với các quốc gia thứ 3 không thực hiện các biện pháp nhằm chống lại IUU, EU sẽ đưa ra các cảnh báo và khuyến nghị các nước này thực hiện các biện pháp cần thiết để giải quyết vấn đề IUU. sau khi xác định quốc gia có xuất khẩu thủy sản vào EU không đáp ứng được các yêu cầu của EU trong chống khai thác IUU, EU sẽ ra quyết định cảnh báo chính thức (biện pháp thẻ vàng) trong thời gian 6 tháng. Sau khoảng thời gian này, nếu các quốc gia bị áp đặt thẻ vàng thực hiện đầy đủ các biện pháp khắc phục theo khuyến nghị của EU, EU sẽ gỡ thẻ vàng và cho phép sản phẩm thủy sản của các nước này được nhập khẩu bình thường vào thị trường EU. Trong trường hợp ngược lại, EU sẽ ban hành lệnh cấm nhập khẩu đối với các sản phẩm thủy sản có giấy phép đánh bắt có giá trị sau ngày ban hành lệnh cấm (thẻ đỏ), đồng thời đưa quốc gia đó vào danh sách các nước thứ ba không hợp tác trong vấn đề chống IUU. Tuy nhiên, tương tự như biện pháp áp đặt thẻ vàng, thẻ đỏ cũng sẽ được EU gỡ bỏ nếu quốc gia mà tàu mang cờ thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ngư dân tham gia hoạt động IUU và kết quả của các biện pháp khắc phục này được EU ghi nhận.
Trên cơ sở các quy định này, tháng 10/2012 EU lần đầu tiên đưa ra cảnh báo đối với tám nước là Belize, Cambodia, Fiji, Guinea, Panama, Sri Lanka, Togo and Vanuatu về khả năng các nước này bị đưa vào danh sách các nước thứ ba không hợp tác và khuyến nghị các nước này thực hiện các biện pháp cần thiết để giải quyết vấn đề IUU.[14] Năm 2013, EU thông báo áp đặt thẻ vàng đối với sản phẩm thủy sản của các nước Belize, Campuchia và Guinea, sau đó là các nước Hàn Quốc (2013), Philippine (2014), Thái Lan (2015).[15]
II. KINH NGHIỆM KHẮC PHỤC CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA
2.1. Hàn Quốc
Hàn Quốc nhận thẻ vàng của EU vào tháng 11/2013 và hiện nay đã được gỡ thẻ vàng sau nhiều nỗ lực khắc phục tình trạng đánh bắt cá IUU. Hàn Quốc cũng là thành viên của nhiều điều ước quốc tế về đánh bắt cá và các RFMOs. Tuy nhiên, Hàn Quốc bị nhiều quốc gia lên án vì không tiến hành các biện pháp ngăn chặn tình trạng đánh bắt IUU[16]. Cụ thể, Hàn Quốc đã cản trở không cho EU đưa các tàu cá của mình vào danh sách đen do đánh bắt cá quá mức, không xử phạt hiệu quả những hoạt động đánh bắt cá quá mức của các tàu cá thuộc những tập đoàn lớn của nước mình[17], không có các biện pháp đảm bào tàu cá của mình có đầy đủ giấy phép khi hoạt động ở những vùng biển thuộc quyền tài phán của các quốc gia khác, đặc biệt là vùng biển Tây Phi, dẫn đến nhiều trường hợp tàu cá Hàn Quốc đánh bắt cá trái phép, làm giả giấy phép và các tài liệu cần thiết khi đánh bắt cá ở những vùng biển này…[18]
- Lý do nhận thẻ vàng của EU
Ngày 26/11/2013, Hàn Quốc nhận thẻ vàng của EC với ba lý do: (i) không thực thi các nghĩa vụ của quốc gia mà tàu mang cờ theo luật quốc tế về thực hiện các biện pháp ngăn chặn và phòng chống hoạt động đánh bắt cá IUU của tàu thuyền mang cờ nước mình, (ii) không thực thi nghĩa vụ của quốc gia mà tàu mang cờ theo luật quốc tế về các nỗ lực hợp tác và hành pháp, (iii) không thực hiện nghĩa vụ theo luật quốc tế về các biện pháp quản lý và bảo tồn môi trường.
(i) Về nghĩa vụ ngăn chặn và phòng chống hoạt động đánh bắt cá IUU: Hàn Quốc đã không thực hiện thẩm quyền của nước mà tàu mang cờ trong khi tàu cá mang cờ Hàn Quốc thường xuyên tiến hành nhiều hoạt động đánh bắt cá IUU ở mức độ nghiêm trọng trên các vùng biển của quốc gia khác.[19] Thứ nhất, chính phủ Hàn Quốc không hề tiến hành các thủ tục tư pháp, xử phạt, hay thực thi hiệu quả hình phạt, mà trong một số trường hợp, chính phủ Hàn Quốc còn giảm nhẹ mức độ xử phạt. Hình phạt đối với tàu cá mang cờ Hàn Quốc đánh bắt cá IUU cũng quá nhẹ và thiếu hiệu quả. Ngoài ra, Hàn Quốc còn không hợp tác với các quốc gia khác để thực hiện các biện pháp hành pháp phù hợp.[20]
(ii) Về nghĩa vụ hợp tác và nỗ lực hành pháp: Hàn Quốc đã vi phạm nghĩa vụ hợp tác vì không hợp tác hiệu quả với EU và các quốc gia khác trong việc ngăn chặn, phòng chống và đẩy lùi nạn đánh bắt IUU. Hàn Quốc cũng không có các nỗ lực thực thi các biện pháp thực thế để ngăn chặn IUU khi không đảm bảo quản lý, kiểm soát, giám sát hiệu quả và toàn diện hoạt động đánh bắt cá. Cụ thể: Thứ nhất, Hàn Quốc không bắt buộc tàu cá mang cờ của mình lắp đặt VMS theo tiêu chuẩn quốc tế (chỉ tàu cá hoạt động trong vùng biển của các RFMOs mới phải lắp đặt VMS), không đảm bảo được rằng tất cả các tàu cá của mình đều có giấy phép hợp pháp trước khi đánh bắt cá ở vùng biển của các quốc gia khác, không xem xét hải trình của tàu cá để kiểm tra vi phạm trước khi cấp giấy phép đánh bắt cá, và không có biện pháp kiểm tra chéo thông tin trong các chứng nhận sản lượng cá đánh bắt. Thứ hai, Hàn Quốc không có trung tâm quản lý đánh bắt cá để quản lý hoạt động đánh bắt của tàu thuyền Hàn Quốc ở nước ngoài. Thứ ba, mức xử phạt quá thấp và không phù hợp với những vi phạm nghiêm trọng (mức trần chung là 1000 USD), không tiến hành nhanh chóng các biện pháp xử phạt trong những vụ việc đã được báo cáo lên cơ quan chức năng.[21]
(iii) Về nghĩa vụ quản lý và bảo tồn môi trường: Mặc dù là thành viên của nhiều công ước quốc tế về đánh bắt cá, Hàn Quốc đã không thực hiện các nghĩa vụ của mình theo công ước này. Theo đánh giá của các Ủy ban nghề cá, Hàn Quốc đã không tuân thủ các nghĩa vụ về trao đổi thông tin với các Ủy ban, không có sự kiểm soát và hạn chế đối với hành vi đánh bắt cá quá mức, trái phép, chuyển tải trái phép của tàu cá mang cờ của mình, không đảm bảo tiêu chuẩn tàu cá theo quy định của các Công ước.[22]
- Các biện pháp Hàn Quốc đã thực hiện
Về nghĩa vụ quản lý hoạt động đánh bắt cá IUU của tàu cá mang cờ của mình, Hàn Quốc đã sửa đổi toàn diện khung pháp lý đối với tàu cá đánh bắt xa bờ theo yêu cầu quốc tế, cụ thể:[23]
- Để đảm bảo xác minh các hoạt động và sản lượng cá đánh bắt được của các tàu cá Hàn Quốc: luật mới yêu cầu tất cả tàu thuyền Hàn Quốc đều phải lắp đặt VMS, có hệ thống hải trình điện tử hoạt động theo thời gian thực;
- Đưa ra hướng tiếp cận mới theo nguyên tắc cẩn trọng: luật mới hạn chế cấp phép đánh bắt cá ở những vùng biển của các quốc gia không có hệ thống quản lý và kiểm soát đánh bắt cá hiệu quả;
- Ngoài ra, Hàn Quốc còn cập nhật Kế hoạch Hành động Quốc gia về đánh bắt cá IUU của mình;
Về nghĩa vụ nỗ lực thực hiện các biện pháp hành pháp, Hàn Quốc đã có nhiều biện pháp cụ thể bao gồm:
- Tăng cường mức xử phạt đối với các vi phạm nghiêm trọng, bao gồm cả phạt tù; cho phép cơ quan chức năng tịch thu hải sản đánh bắt cá trái phép ở cảng của mình;
- Mở Trung tâm quản lý đánh bắt cá, tăng cường chất lượng của chương trình giám sát tàu thuyền, tăng cường nhân lực để phục vụ hoạt động kiểm soát và xác minh hoạt động của tàu cá đánh bắt xa bờ, mua lại phần lớn tàu cá Hàn Quốc hoạt động ở vùng biển Tây Phi và buộc những tàu cá này phải ngừng hoạt động; không cho phép các công ty tư nhân cấp phép đánh bắt cá ở Tây Phi mà hoạt động này sẽ được quy định trong khuôn khổ các thỏa thuận song phương giữa Chính phủ Hàn Quốc và các quốc gia liên quan[24].
Về nghĩa vụ hợp tác để bảo vệ môi trường biển, Hàn Quốc đã tham gia Mạng lưới Quốc tế về Quản lý, Kiểm soát và Giám sát (MCS) các Hoạt động liên quan đến Cá, tăng cường hợp tác với các nước khác và các Tổ chức Phi chính phủ; tiến hành thủ tục thông qua Thỏa thuận về các Biện pháp của quốc gia Cảng của FAO[25].
- Kết quả: Ngày 29/04/2015, EU thông báo gỡ bỏ thẻ vàng cho Hàn Quốc sau khi nhận thấy Hàn Quốc đã có những biện pháp cần thiết để xử lý vấn đề đánh bắt cá IUU.[26] Như vậy, quá trình nhận thẻ vàng của Hàn Quốc có thể được tóm gọn như sau:
Campuchia nhận thẻ vàng của EU vào tháng 11/2012[27], và tiếp tục nhận thẻ đỏ vào tháng 11/2013. Campuchia bị liệt vào danh sách đen của EU từ tháng 03/2014 đến nay[28].
- Lý do nhận thẻ vàng của Campuchia
Ngày 17/11/2012, Campuchia nhận thẻ vàng của EU vì ba lý do: (i) không thực thi các nghĩa vụ của quốc gia mà tàu mang cờ theo luật quốc tế về thực hiện các biện pháp ngăn chặn và phòng chống hoạt động đánh bắt cá IUU, (ii) không thực thi nghĩa vụ theo luật quốc tế về các nỗ lực hợp tác và hành pháp, (iii) không thực hiện nghĩa vụ theo luật quốc tế về các biện pháp quản lý và bảo tồn môi trường[29].
(i) Về nghĩa vụ ngăn chặn và phòng chống hoạt động đánh bắt cá IUU: Campuchia đã không thực hiện nghĩa vụ quản lý, kiểm soát và giám sát tàu cá mang cờ của mình theo luật quốc tế khi để cho tàu cá mang cờ của mình liên tục có hoạt động đánh bắt cá trái phép.[30]
(ii) Về nghĩa vụ hợp tác và nỗ lực hành pháp: Về nghĩa vụ hành pháp, Campuchia không có bất cứ quy định pháp luật nào về vấn đề đánh bắt cá IUU, biện pháp xử phạt duy nhất là tước giấy đăng ký của tàu cá – tuy nhiên biện pháp này là không hiệu quả đề ngăn chặn hoạt động đánh bắt cá IUU. Mặc dù vấn đề về trình độ phát triển của Campuchia cũng là một yếu tố cần tính đến, vấn đề của Campuchia nằm chủ yếu ở việc thiếu khung pháp lý hiệu quả, thay vì ở năng lực hành pháp và hợp tác của chính phủ Campuchia.[31]
(iii) Về nghĩa vụ quản lý và bảo tồn môi trường: Campuchia đã vi phạm nghĩa vụ hợp tác để quản lý và bảo tồn môi trường biển. Campuchia không tham gia bất cứ điều ước quốc tế nào về đánh bắt cá, mà chỉ tham gia vào cơ chế tham vấn của Trung tâm phát triển nghề cá Đông Nam Á (The Southeast Asian Fisheries Development Center – SEAFDEC) theo Bộ hướng dẫn khu vực về hoạt động đánh bắt cá có trách nhiệm ở Đông Nam Á (RGRFO-SEA) và Ủy ban Nghề cá Châu Á – Thái Bình Dương (The Asia – Paciffic Fishery Commission – APFIC) theo Kế hoạch hành động khu vực (The Regional Plan of Action of Asia – Paciffic Fishery Commission -APFIC RPOA)[32]. Tuy nhiên, Campuchia chưa hề tiến hành các bước thực hiện APFIC RPOA và các khuyến nghị của RGRFO-SEA. Campuchia cũng không hợp tác khi Ủy ban quốc tế về Bảo tồn cá ngừ Đại Tây Dương (The International Commission for the Conservation of Atlantic Tunas – ICCAT) thông báo với Campuchia về hiện tượng tàu cá mang cờ nước này có các hoạt động đánh bắt IUU và yêu cầu Campuchia cung cấp thông tin về vấn đề này. Về nghĩa vụ liên quan đến quốc tịch của tàu cá theo UNCLOS nhằm ngăn chặn hoạt động đánh bắt IUU, Campuchia còn cho phép tàu cá nước ngoài được phép đăng ký treo cờ của Campuchia theo phương thức “cờ thuận tiện” (flag of convenience).[33] Trên thực tế, lệnh cấm đối với quốc gia này sẽ không có nhiều ảnh hưởng về mặt thương mại bởi vì Campuchia không xuất khẩu sản phẩm thủy sản cho thị trường EU.
Các biện pháp Campuchia đã thực hiện
- Năm 2012, Campuchia cho biết đã hoàn thiện Khung Kế hoạch Chiến lược về đánh bắt cá năm 2010 – 2019, trong đó bao gồm một số văn bản về quản lý và phát triển nguồn cá, ngăn ngừa hoạt động đánh bắt cá IUU. Campuchia cũng cho biết nước này đã tăng cường và mở rộng hệ thống MCS với các quốc gia trong khu vực để thực hiện Kế hoạch hành động khu vực về IUU. Tuy nhiên, nước này đã không đưa ra được bất cứ giấy tờ nào để chứng minh cho những nỗ lực này[34].
- Năm 2013, Campuchia cho biết đã chuyển cơ quan đăng ký tàu cá từ một công ty tư nhân ở Singapore sang một công ty tư nhân khác ở Hàn Quốc, và vẫn sử dụng biện pháp tước giấy phép để xử lý các tàu cá đánh bắt cá IUU. Tuy nhiên, Campuchia cũng không có bất cứ tài liệu nào chứng minh việc này[35].
- Năm 2013, Campuchia cung cấp thêm thông tin về chính sách phòng chống đánh bắt cá IUU của mình, tuy nhiên không có thông tin gì cho biết khi nào chính sách này sẽ được thực hiện.[36]
Nhìn chung, Campuchia gần như không trao đổi và tiếp thu các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) trong vòng hơn 1 năm kể từ khi nhận thẻ vàng. Lý do cho sự thiếu hợp tác này có thể là do Campuchia không có mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang EU.[37]
Kết quả
Ngày 26/11/2013, EU ra quyết định áp thẻ đỏ cho Campuchia với lý do Campuchia không hợp tác thực tế với EU[38]. Mặc dù Campuchia có trao đổi với EC về những nỗ lực của mình, tuy nhiên, Campuchia không cung cấp bất cứ tài liệu nào cho thấy nước này thực sự đang cải thiện tình hình đánh bắt IUU. Cho đến nay, Campuchia vẫn đang chịu lệnh cấm nhập khẩu của EU liên quan đến các sản phẩm thủy sản[39]. Nhìn chung, quá trình áp dụng thẻ vàng và thẻ đỏ của EU đối với Campuchia có thể tóm tắt như sau:
Sri Lanka nhận thẻ vàng của EU vào năm 2012[40], sau đó nhận thẻ đỏ và bị liệt vào danh sách đen của EU vào tháng 2/2015[41]. Tuy nhiên, sau đó Sri Lanka đã có rất nhiều nỗ lực nhằm thoát ra khỏi danh sách đen của EU và đã thành công vào năm 2016. Cho đến nay, Sri Lanka vẫn được “ca ngợi” như là một trong những quốc gia lội ngược dòng rất ngoạn mục và quyết liệt khi có thể xây dựng một khung chính sách, pháp luật mạnh mẽ nhằm chống lại IUU trong khoảng thời gian ngắn[42].
Lý do nhận thẻ đỏ của Sri Lanka
Sau khi nhận thẻ vàng, EU nhận thấy tình hình đánh bắt cá IUU của tàu cá mang cờ Sri Lanka vẫn không có dấu hiệu giảm bớt, các luật mới mà Sri Lanka thông qua vẫn chưa đủ để ngăn chặn hành vi đánh bắt cá IUU (chưa có hệ thống cấp phép cho tàu cá rõ ràng; phạm vi xử phạt chỉ áp dụng với các tàu cá thương mại đánh bắt cá xa bờ, chưa có hình thức xử phạt cho tàu cá cỡ nhỏ ở ngoài phạm vi đặc quyền kinh tế của Sri Lanka; mức phạt thấp – ở mức tối đa là 8429 EUR), không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ báo cáo lên Ủy ban cá ngừ Ấn độ dương (IOTC), chưa lắp đặt hệ thống điện đàm, VMS, và thành lập trung tâm quản lý tàu cá…[43]. Ngoài ra, không có bằng chứng nào cho thấy việc Sri Lanka không thực hiện được các hoạt động này là do hạn chế về trình độ phát triển. Do đó, sau hai năm kể từ khi nhận thẻ vàng, Sri Lanka tiếp tục nhận thẻ đỏ của EC vào tháng 10/2014, và bị liệt vào danh sách đen vào tháng 1/2015.
Tác động của thẻ đỏ đối với Sri Lanka
Sri Lanka là nước xuất khẩu cá kiếm và cá ngừ tươi và đông lạnh lớn nhất của EU (với tổng giá trị xuất khẩu vào năm 2013 lên tới 74 triệu EUR). Trước khi có lệnh cấm, EU chiếm gần 1/3 tổng sản lượng cá xuất khẩu của Sri Lanka, và khoảng 40% doanh thu từ xuất khẩu cá của nước này. Trong vòng 6 tháng kể từ tháng 1/2015, Sri Lanka đã thiệt hại gần 75 triệu USD do lệnh cấm.[44] Trong năm 2015, sản lượng xuất khẩu cá của Sri Lanka giảm 35.5%, và chỉ còn chiếm 1% trong tổng sản phẩm xuất khẩu của quốc gia này. Lệnh cấm còn ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế của Sri Lanka, khiến nhiều lao động trong nghề cá bị mất việc, kéo tổng thu nhập và dự trữ ngoại hối của Sri Lanka giảm 842 triệu USD chỉ trong vòng hơn 3 tháng đầu năm 2015.[45] Đối với cộng đồng ngư dân Sri Lanka, lệnh cấm đã khiến 192000 hộ gia đình và 222000 ngư dân mất đi một nửa khoản thu nhập của mình, 30 nhà máy sản xuất của Sri Lanka buộc phải giảm công suất hoạt động đi một nửa hoặc đóng cửa vĩnh viễn.[46]
Những biện pháp mà Sri Lanka đã thực hiện
Về khung pháp lý, Sri Lanka đã thông qua luật mới quản lý các hoạt động của tàu cá Sri Lanka và tàu cá nước ngoài hoạt động trong phạm vi thẩm quyền và quyền tài phán của nước này. Theo đánh giá của IOTC, khung pháp lý của Sri Lanka đã đủ mạnh để có thể xử lý và xử phạt hiệu quả các hoạt động đánh bắt cá IUU. Sri Lanka cũng đã đưa các biện pháp của quốc gia có cảng vào nội luật của mình, trong đó quy định các tàu không có quốc tịch sẽ không được cập cảng và chuyển tại tại các cảng của Sri Lanka.
Về các nỗ lực hành pháp, Sri Lanka cũng cải thiện hệ thống thu thập thông tin và báo cáo bằng hệ thống đăng ký tàu cá hiện đại, hệ thống hải trình điện tử theo như khuyến nghị của IOTC, bắt buộc lắp đặt hệ thống VMS, hải trình điện tử để theo dõi và thu thập thông tin, bắt buộc tàu cá ghi chú lại chính xác các thông tin về sản lượng cá đánh bắt được, có các biện pháp kiểm tra thông tin, chứng nhận đánh bắt cá, đối chiếu chéo tại cảng. Nhờ đó, Sri Lanka có thể nhận được báo cáo nhanh chóng, thông tin đầy đủ, chính xác đối với các hoạt động của tàu cá trong phạm vi thẩm quyền và quyền tài phán của mình.
Về hợp tác quốc tế, Sri Lanka cũng sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ cho các quốc gia khác và các tổ chức quốc tế về đánh bắt cá để ngăn chặn hoạt động đánh bắt cá IUU. Ngoài ra, Sri Lanka cũng kêu gọi các quốc gia khác thông báo với cơ quan chức năng của mình nếu như bắt gặp tàu cá Sri Lanka hoặc tàu cá có khả năng là của Sri Lanka ở vùng biển cả mà không có dấu hiệu hay không cắm cờ hợp pháp.[47]
Kết quả: Nhờ các nỗ lực trên mà Sri Lanka đã được chính thức gỡ bỏ lệnh cấm đánh bắt cá vào tháng 06/2016, bốn năm sau khi nhận được thẻ vàng và một năm sau khi nhận thẻ đỏ của EU.
Từ thực tiễn áp thẻ của EU với các quốc gia có thể thấy, những lý do mà EU đưa ra để áp đặt thẻ vàng và thẻ đỏ cho các quốc gia được chia làm ba loại: (i) Quốc gia đã vi phạm nghĩa vụ của quốc gia mà tàu mang cờ, quốc gia có cảng và/hoặc quốc gia có thị trường cá trong việc quản lý tàu cá của mình và quản lý thị trường cá của mình; (ii) Quốc gia đã vi phạm nghĩa vụ hợp tác và thi hành pháp luật liên quan đến đánh bắt cá IUU; và (iii) Quốc gia đã vi phạm các nghĩa vụ về bảo vệ và bảo tồn môi trường.
Với nhóm lý do đầu tiên, những vấn đề mà tất cả các quốc gia đã nhận thẻ vàng và thẻ đỏ của EU đều gặp phải bao gồm: không có hệ thống MCS hiệu quả và toàn diện cho các quá trình cập cảng, chuyển tải, và chế biến; không có hệ thống đăng ký và cấp phép cho tàu cá minh bạch; và không có hệ thống MCS đối với tàu cá mang cờ của mình. Để cải thiện những vấn đề này, hầu hết các quốc gia (bao gồm cả các quốc gia đang nhận thẻ vàng) đều đã thực hiện những biện pháp cụ thể như:
- Sửa đổi khung pháp lý, trong đó yêu cầu bắt buộc lắp đặt VMS trên tàu cá, đưa vào các quy định mới về truy dấu nguồn cá, cho phép các cơ quan chức năng kiểm soát, kiểm tra chéo, chứng nhận thông tin đối với sản phẩm cá được đưa vào cảng hoặc thị trường của mình;
- Hoàn thiện hoặc đưa vào hoạt động hệ thống đăng ký tàu cá và cấp phép điện tử;
- Tiến hành các hoạt động thực tế như tăng cường hành pháp ở cảng, nhà xưởng hoặc trên biển, lắp đặt thực tế hệ thống VMS thời gian thực trên các tàu thuyền;
- Thành lập các cơ quan đầu mối về quản lý đánh bắt cá;
- Tăng cường nguồn lực, nhân lực cho các hoạt động hành pháp, hoạt động quản lý nghề cá;
Bên cạnh đó, một số quốc gia còn có những biện pháp mạnh như đưa ra hạn chế về khu vực có thể đánh bắt cá trong khung pháp lý (Hàn Quốc) hay cập nhật các quy định trong các điều ước quốc tế liên quan vào NPOA-IUU hoặc luật pháp quốc gia (Hàn Quốc, Sri Lanka).
Với nhóm lý do thứ hai, vấn đề phổ biển nhất là khung pháp lý của các quốc gia bị nhận thẻ vàng và thẻ đỏ về đánh bắt cá IUU còn yếu, chủ yếu là do thiếu các quy định cụ thể về tội đánh bắt cá IUU, mức xử phạt thấp, thiếu các quy định về tái phạm. Một số quốc gia còn gặp phải vấn đề về việc thực thi khung pháp lý về đánh bắt cá IUU (Hàn Quốc, Đài Loan), hoặc không hợp tác với EU và các quốc gia khác để thay đổi NPOA-IUU của mình (Hàn Quốc, Đài Loan) hoặc thực hiện các biện pháp hành pháp phù hợp (Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Campuchia).
- Đối với vấn đề về khung pháp lý, trừ những nước còn đang nằm trong danh sách đen, tất cả các quốc gia đều đã sửa đổi quy định về khung hình phạt đối với tội đánh bắt cá IUU. Thậm chí, Hàn Quốc còn đưa ra hình thức phạt tù, tịch thù hải sản đánh bắt trái phép cho tội này.
- Đối với vấn đề về NPOA-IUU, Hàn Quốc đã sửa đổi NPOA-IUU của mình cho phù hợp với các đề xuất của EU.
- Đối với hợp tác hành pháp với các quốc gia khác, đa số các quốc gia đều đã tăng cường tham gia các mạng lưới hợp tác về nghề cá quốc tế, ký kết các thỏa thuận song phương về quản lý đánh bắt cá, và thông qua các thủ tục hợp tác quản lý đánh bắt cá (Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Sri Lanka).
Với nhóm lý do thứ ba, các quốc gia thường bị cho là vi phạm nghĩa vụ về hợp tác bảo vệ và bảo tồn môi trường biển do: không kiểm soát số lượng tàu cá mang cờ củ mình; không báo cáo đầy đủ, chính xác cho các Ủy ban về nghề cá quốc tế; không có các quy định về bảo vệ môi trường trong khung pháp lý của mình. Riêng với Thái Lan và Campuchia, EU đánh giá hai nước này đã vi phạm nghĩa vụ hợp tác do không tham gia các điều ước quốc tế về môi trường và đánh bắt cá. Để giải quyết những vấn đề này, một số quốc gia đã có những biện pháp như:
- Sửa đổi luật để giảm hoạt động đánh bắt cá, giảm thực tế số lượng tàu cá bằng cách tăng phí đăng ký tàu cá;
- Tăng cường chia sẻ thông tin, hợp tác thực tế với các nước láng giềng và các tổ chức quốc tế. Riêng Sri Lanka còn đề nghị các quốc gia khác trợ giúp nếu bắt gặp tàu cá mang cờ Sri Lanka có khả năng đang tiến hành hoạt động đánh bắt cá IUU;
- Đưa vào khung pháp lý của mình các biện pháp bảo vệ và bảo tồn môi trường biển theo đề xuất của các RMFO và các quy định điều chỉnh hoạt động của tàu đánh bắt cá xa bờ.
Riêng về yêu cầu tham gia các điều ước quốc tế của EU, đến nay, Thái Lan và Campuchia vẫn chưa có hành động nào đáp ứng yêu cầu này.
Ngày 23/10/2017, Ủy ban Châu Âu (EC) đã ra Thông cáo báo chí cho biết EU đã quyết định áp đặt thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam do Việt Nam không thực hiện đầy đủ các biện pháp cần thiết trong việc ngăn chặn và xóa bỏ IUU.
Quyết định này của EU được đưa ra sau 05 năm, kể từ khi Tổng Vụ các vấn đề Biển và Thuỷ sản của Uỷ ban Châu Âu (DG-MARE) bắt đầu khuyến nghị Việt Nam cần phải có hành động để hoàn thiện thế chế, tăng cường kiểm tra, giám sát để phát triển nghề cá bền vững và kiểm soát hiệu quả IUU. Tháng 05/2017, DG-MARE tiếp tục đề nghị Việt Nam cần thực hiện 05 nhóm nội dung sau đây đến tháng 9/2017: (i) hoàn thiện thể chế quản lý nghề cá; (ii) thực hiện các biện pháp quản lý năng lực khai thác dựa trên cơ sở khoa học tốt nhất; (iii) nâng cao năng lực và hiệu quả thực thi pháp luật; (iv) điều chỉnh lại cơ chế xác nhận, chứng nhận xuất xứ thuỷ sản khai thác; (v) thực hiện các biện pháp ngăn chặn hiệu quả tàu cá Việt Nam sang khai thác hải sản bất hợp pháp ở nước ngoài. Từ năm 2012 đến nay, Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ IUU, trong đó có các biện pháp liên quan đến nội dung mà DG-MARE đã khuyến nghị. Tuy nhiên, đến tháng 10/2017, EC đã ra Thông cáo áp đặt thẻ nêu trên với Việt Nam.
Trong Thông cáo này, EU đã cho rằng Việt Nam đã không có đủ các chế tài cần thiết để ngăn chặn hoạt động IUU, không thực hiện các hành động cần thiết để ngăn chặn việc tàu cá và ngư dân Việt Nam tham gia IUU tại vùng biển của các nước trong khu vực, trong đó có các quốc đảo đang phát triển tại Thái Bình Dương. Hơn nữa, Việt Nam cũng không có đủ công cụ để kiểm soát thủy sản tại cảng, trước khi được xuất khẩu sang thị trường các nước, trong đó có thị trường EU.[48] Như đã trình bày ở trên, mặc dù “thẻ vàng” không đi kèm với các biện pháp hạn chế thương mại nhưng việc EU tăng cường kiểm soát nguồn gốc xuất xứ của thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ làm gia tăng các chi phí; đồng thời, thủy sản Việt Nam cũng có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị trả lại do bị xác định là có nguồn gốc từ IUU.
Từ kinh nghiệm khắc phục thẻ bị áp đặt bởi EU của các quốc gia, để nhanh chóng được EU rút lại thẻ, Việt Nam cần rất nhiều nỗ lực để thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động IUU của ngư dân tại vùng biển nước ngoài, đảm bảo xây dựng và phát triển nghề cá bền vững tại Việt Nam. Những giải pháp này sẽ phải bao hàm và cũng nhằm thực hiện các khuyến nghị mà EU đã đưa ra cho Việt Nam như: các giải pháp về xây dựng chính sách đối với nghề cá, xây dựng các quy định để điều chỉnh hoạt động IUU; giải pháp khắc phục các biện pháp hạn chế thương mại từ các quốc gia, khu vực…đặc biệt trong bối cảnh tàu cá của ngư dân Việt Nam tiến hành các hoạt động IUU nhiều như hiện nay, thì Việt Nam cũng cần đặc biệt lưu ý đến các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác quốc tế và tham gia các diễn đàn quốc tế, khu vực về IUU như: thiết lập các đường dây nóng với các nước, hoặc tham gia ký các điều ước về phòng chống IUU trong khu vực với các quốc gia./.
Nguyễn Thị Hồng Yến (Trường Đại học Luật Hà Nội) & Mai Ngân Hà (Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao)
(*) Bài báo này được thực hiện trong khuôn khổ đề tài của Trường Đại học Luật Hà Nội: Đánh bắt cá bất hợp pháp, không được báo cáo, không được kiểm soát (IUU Fishing) và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam, và đã được đăng trên Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số tháng 07/2018. Tạp chí Nhà nước và Pháp luật là một trong các tạp chí chuyên ngành luật học có uy tín nhất tại Việt Nam.
———————————————————–
[1]Xem https://ec.europa.eu/fisheries/sites/fisheries/files/illegal-fishing-overview-of-existing-procedures-third-countries_en.pdf
[2] Xem FAO (2001), International Plan of action to prevent, deter and eliminate illegal, unreported, unregulated fishing, Roma tại http://www.fao.org/DOCREP/003/y1224e/y1224e00.HTM
[3] Xem Erik Jaap Molenaar (2003), Participation, Allocation and Unregulated Fishing: The Practice of Regional Fisheries Management Organisations, The International Journal of Marine and Coastal Law 457-480, trang 460
[4] Xem CCAMLR Commission, Report of the Sixteenth Meeting of the Commission (1997) tại http://www.ccamlr.org/pu/E/pubs/cr/97/cc-xvi-all.pdf
[5] Xem Oceans and the law of the sea, GA Res 55/7, UN GAOR, 55th sess, 44th plen mtg, Agenda item 34, UN Doc A/RES/55/7, đoạn 24 tại
https://documents-dds-ny.un.org/doc/UNDOC/GEN/N00/559/81/PDF/N0055981.pdf?OpenElement
[6] Xem FAO (2001), International Plan of action to prevent, deter and eliminate illegal, unreported, unregulated fishing, Roma tại http://www.fao.org/DOCREP/003/y1224e/y1224e00.HTM
[7] Xem http://www.fao.org/3/a-y1224e.pdf, tr. 5-20
[8] Xem https://publications.europa.eu/en/publication-detail/-/publication/d4470893-f276-478f-922f-4e3f7cae2978
[9] Xem https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/PDF/?uri=CELEX:31999R1447&from=EN
[10] Xem https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/PDF/?uri=CELEX:31993R2847&from=en
[11] Xem Commission (EC) “Community Action Plan for the Eradication of Illegal, Unreported and Unregulated Fishing”, 28 May 2002 tại http://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=LEGISSUM:l66008
[12] Xem Commission (EC) “On the new strategy for the Community to prevent, deter, and eliminate Illegal, Unreported and Unregulated Fishing”, 17 October 2007 tại https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/PDF/?uri=CELEX:52007DC0601&from=en
[13] Quy định này được ban hành cũng nhằm nhằm sửa đổi Quy định (EEC) số 2847/93, (EC) số 1936/2001 và (EC)) Số 601/2004 đã ban hành trước đó, đồng thời bãi bỏ Quy định (EC) Số 1093/94 và (EC) Số 1447/1999. Nguồn: https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/PDF/?uri=CELEX:32009R1005&from=EN
[14] Xem European Commission, Press Releass: Commission warns third countries over insufficient action to fight illegal fishing, 15 November 2012 tại http://europa.eu/rapid/press-release_IP-12-1215_en.htm
[15] Xem European Commission, Press release: EU acts on illegal fishing: Yellow card issued to Thailand while South Korea & Philippines are cleared, 21 April 2015 tại http://europa.eu/rapid/press-release_IP-15-4806_en.htm
[16] Xem “Greenpeace East Asia briefing: Korea distant water fisheries; IUU fishing and human rights abuse scandals and flag State responsibility”, trang 4 – 7, truy cập tại http://www.greenpeace.org/international/Global/international/briefings/oceans/2013/Korea-fisheries-scandal-briefing.pdf ngày 3/11/2017.
[17] Nt.
[18] Nt.
[19] Xem Commission Decision – 26/11/2013 – 2013/C 346/03, đoạn 22, truy cập tại http://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=uriserv:OJ.C_.2013.346.01.0026.01.ENG ngày 3/11/2017
[20] Như trên, đoạn 21 – 29.
[21] Như trên, đoạn 30 – 50.
[22] Như trên, đoạn 51 – 64.
[23] Xem “Bold action taken by Korea to combat Illegal, Urnreported and Unregulated (IUU) Fishing shows EU IUU Regulation is working” (29/1/2015), truy cập tại https://ejfoundation.org/news-media/2015/bold-action-taken-by-korea-to-combat-illegal-unreported-and-unregulated-iuu-fishing-shows-eu-iuu-regulation-is-working ngày 3/11/2017.
[24] Xem “Bold action taken by Korea to combat Illegal, Urnreported and Unregulated (IUU) Fishing shows EU IUU Regulation is working” (29/1/2015), truy cập tại https://ejfoundation.org/news-media/2015/bold-action-taken-by-korea-to-combat-illegal-unreported-and-unregulated-iuu-fishing-shows-eu-iuu-regulation-is-working ngày 3/11/2017.
[25] Như trên
[26] Xem Notice of information – 29/4/2015 – 2015/C 142/04, truy cập tại http://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=uriserv:OJ.C_.2015.142.01.0005.01.ENG ngày 3/11/2017.
[27] Xem Commission Decision – 15/11/2012 – 2012/C 354/01, đoạn 75 – 81, tại http://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/PDF/?uri=OJ:C:2012:354:FULL&from=EN
[28] Xem http://europa.eu/rapid/press-release_IP-14-304_en.htm; và http://www.iuuwatch.eu/wp-content/uploads/2015/06/Case-Study1.2pp.FIN_1.pdf
[29] Xem Commission Decision – 15/11/2012 – 2012/C 354/01, đoạn 75 – 81, truy cập tại http://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/PDF/?uri=OJ:C:2012:354:FULL&from=EN
[30] Xem Commission Decision – 15/11/2012 – 2012/C 354/01, đoạn 75 – 81, truy cập tại http://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/PDF/?uri=OJ:C:2012:354:FULL&from=EN
[31] Nt, đoạn 82 – 87.
[32] Xem http://www.rpoaiuu.org/npoa-iuu/
[33] Xem Commission Decision – 15/11/2012 – 2012/C 354/01, đoạn 88 – 98, truy cập tại http://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/PDF/?uri=OJ:C:2012:354:FULL&from=EN ngày 3/11/2017.
[34] Xem Commission Decision – 26/11/2013 – 2013/C 346/02, đoạn 73 – 85, truy cập tại http://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=uriserv:OJ.C_.2013.346.01.0002.01.ENG ngày 3/11/2017.
[35] Xem Commission Decision – 26/11/2013 – 2013/C 346/02, đoạn 73 – 85, truy cập tại http://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=uriserv:OJ.C_.2013.346.01.0002.01.ENG ngày 3/11/2017.
[36] Xem Commission Decision – 26/11/2013 – 2013/C 346/02, đoạn 73 – 85, truy cập tại http://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=uriserv:OJ.C_.2013.346.01.0002.01.ENG ngày 3/11/2017.
[37] Xem “EU blacklists fish caught by vessels flying Cambodian flag” (26/3/2014), truy cập tại http://www.everyday.com.kh/en/article/20423.html ngày 3/11/2017.
[38] Xem http://www.iuuwatch.eu/wp-content/uploads/2015/06/Case-Study1.2pp.FIN_1.pdf
[39] Xem https://www.ictsd.org/bridges-news/biores/news/eu-blacklists-fish-imports-from-three-nations
[40] Xem https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/PDF/?uri=OJ:C:2012:354:FULL&from=EN
[41] Xem http://europa.eu/rapid/press-release_IP-16-1457_en.htm
[42] Xem https://www.seafoodsource.com/news/environment-sustainability/european-commission-removes-red-card-from-sri-lanka-warns-others
[43] Commission Decision – 14/10/2014 – 2014/715/EU, đoạn 35 – 64, truy cập tại http://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=uriserv:OJ.L_.2014.297.01.0013.01.ENG ngày 3/11/2017.
[44] Xem Asanka Fernando, “Sri Lankan fishermen feel effects of EU ban” (12/8/2015) truy cập tại https://www.ucanews.com/news/sri-lankan-fishermen-feel-effects-of-eu-ban/74049 ngày 3/11/2017.
[45] Xem “Lanka will benefit from European Union’s termination of ban on imported fish” (2/5/2016) truy cập tại http://dailynews.lk/2016/05/02/business/80371 ngày 3/11/2017.
[46] Xem “Sri Lanka fisheries ready for return” (16/5/2016) truy cập tại http://www.worldfishing.net/news101/Comment/analysis/sri-lanka-fisheries-ready-for-return ngày 3/11/2017.
[47] Xem Report of Implementation for the year 2016 (Sri Lanka) (13/3/2017).
[48] Xem European Commission, Commission warns Vietnam over insufficient action to fight illegal fishing, 23 October 2017, tại http://europa.eu/rapid/press-release_IP-17-4064_en.htm
Trả lời