[155] Công nhận và cho thi hành phán quyết của  trọng tài nước ngoài đã bị huỷ ở nước gốc

Quy định của Công ước New York 1958 – Hai quan điểm chính hình thành từ thực tiễn một số quốc gia – Đánh giá của giới học giả – Một số kết luận rút ra

Một trong những vấn đề nhận được nhiều quan tâm của cộng đồng trọng tài quốc tế và các bên tranh chấp khi sử dụng phương thức này đó là hiệu quả thi hành của phán quyết khi thủ tục trọng tài kết thúc, đặc biệt khi việc thực thi phán quyết trên lãnh thổ nước khác với nước gốc (nơi phán quyết được công bố). Xoay quanh vấn đề này, Công nước New York 1958 đã ra đời tạo thuận lợi và tăng hiệu quả của quá trình thực thi phán quyết; tuy nhiên, vẫn phải nhìn nhận một thực tế đó là việc huỷ, công nhận, cho thi hành phán quyết vẫn dựa trên quy định pháp luật trong nước của các nước thành viên. Bài viết sẽ tập trung nghiên cứu về quy định trong Điều V Công ước New York 1958, Pháp luật và thực tiễn công nhận và cho thi hành phán quyết tại một số quốc gia và quan điểm của một số học giả, từ đó đưa ra những nguyên tắc phù hợp.

  1. Công ước New York 1958

Điều V(1)(e) là một trong những cơ sở để các thành viên có thể từ chối thi hành và công nhận phán quyết khi nó bị huỷ ở nước gốc. Ý tưởng khi đề ra quy định này đó là “phán quyết chưa có giá trị pháp lý ràng buộc đối với các bên tranh chấp, hoặc phán quyết bị huỷ, đình chỉ bởi cơ quan có thẩm quyền của quốc gia gốc”. Việc sử dụng từ “có thể” (may) và lối hành văn theo hướng linh hoạt cho thấy rằng việc từ chối công nhận là quyền, không phải nghĩa vụ, theo đó tạo một cơ chế không bắt buộc phải từ chối công nhận và cho thi hành phán quyết. Một quốc gia có thể tuỳ nghi lựa chọn việc thi hành phán quyết đã bị huỷ bởi cơ quan có thẩm quyền tại nước gốc. Mặc dù một số quốc gia thiên về cách tiếp cận của Luật Mẫu về hài hoà các quy định để huỷ phán quyết trọng tài, thì một số quốc gia khác cho rằng toà án tại nước thi hành phán quyết có thẩm quyền xem xét lại phán quyết trọng tài; trên cơ sở đó, Công ước New York 1958 đã không giới hạn quyền tự chủ này.

Điều V khá gần với Điều VII của Công ước, theo đó “Các quy định của Công ước này không làm ảnh hưởng tới hiệu lực của các thoả thuận đa phương hay song phương của các Quốc gia thành viên liên quan tới việc công nhận và thi hành các quyết định trọng tài, cũng như không tước của bất kỳ bên nào liên quan quyền bên đó có thể dùng quyết định trọng tài theo cách và giới hạn được luật pháp hoặc các điều ước của nước nơi quyết định sẽ được thi hành cho phép”.  Điều khoản này đã viện dẫn tới “nguyên tắc ưu đãi” theo đó cho phép các quốc gia thành viên Công ước có thể hạn chế hoặc loại bỏ một số cơ sở pháp lý cho việc từ chối công nhận theo Điều V.

Sau 60 năm kể từ thời điểm Công ước có hiệu lực, vấn đề công nhận phán quyết trọng tài đã bị huỷ tại nước gốc vẫn gây tranh luận. Việc từ chối công nhận và cho thi hành phán quyết đã huỷ có thể tạo ra một sự thống nhất, dễ dự đoán trong việc thực thi phán quyết; hơn nữa có thể tránh được một hệ quả: các bên có quyền lợi liên quan sẽ cố gắng lựa chọn toàn án có thẩm quyền (forum shopping) tới khi phán quyết được công nhận và cho thi hành. Tuy nhiên việc đương nhiên từ chối cho thi hành các phán quyết của trọng tài đã bị huỷ tại nước gốc cũng có điểm bất lợi đó là các bên sẽ dè dặt lựa chọn nơi tiến hành thủ tục trọng tài nếu nước gốc đó có tiền lệ huỷ nhiều phán quyết trọng tài, hoặc toà án tại nước gốc áp dụng các quy định quy trình thủ tục xung đột với các quy định pháp luật nơi cho thi hành phán quyết; hoặc toà án tại nước gốc không đưa ra phán quyết trên tinh thần khách quan, độc lập; hoặc nếu xem xét lại phán quyết, có thể toà án nơi phán quyết được thi hành sẽ đưa ra yêu cầu trái ngược đối với phán quyết của toà án tại nước gốc. Mục dưới đây sẽ xem xét cụ thể về thực tiễn công nhận và cho thi hành phán quyết đã bị huỷ tại nước gốc ở một số quốc gia để thấy được sự khác biệt trong quan điểm giữa pháp luật và quan điểm thi hành pháp luật của cơ quan tư pháp tại các quốc gia.

  1. Thực tiễn công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài đã bị huỷ tại nước gốc ở một số quốc gia

Mặc dù Công ước quy định về cơ sở để từ chối công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài, nhưng lại không quy định cơ sở để rà soát hoặc huỷ phán quyết đã bị huỷ tại nước gốc. Bởi vậy, mỗi quốc gia sẽ quy định cơ chế riêng của mình để rà soát và/hoặc huỷ phán quyết khi phán quyết được yêu cầu công nhận và cho thi hành tại quốc gia mình. Một nghiên cứu năm 2006 đã cho rằng quy định pháp luật của quốc gia là tiêu chuẩn quan trọng nhất khi một công ty lựa chọn địa điểm trọng tài[1], tới năm 2010, quan điểm này lại được tái khẳng định trong một nghiên cứu khác, đó là những quy định pháp luật của quốc gia liên quan tới việc huỷ phán quyết là yếu tố quan trọng nhất khi các bên tranh chấp lựa chọn địa điểm trọng tài.[2] Đương nhiên, nếu các quy định pháp luật của một quốc gia có xu hướng tạo thuận lợi cho việc huỷ phán quyết sẽ là mối lo ngại lớn nhất cho bên được thi hành.

Một câu hỏi đặt ra đó là vậy cách thức mà các quốc gia thành viên Công ước sẽ ứng xử như thế nào đối với phán quyết đã được huỷ tại quốc gia gốc. Trường hợp thứ nhất, một phán quyết bị huỷ sẽ không còn giá trị hiệu lực, và bởi đó sẽ không có phán quyết để công nhận hay thi hành ( Ex nihilio nit fit – nothing comes from nothing)[3]. Trọng tài được xem như cánh tay nối dài của cơ quan tư pháp quốc gia nơi diễn ra tố tụng trọng tài, và bởi vậy toà án tại nước gốc nên có thẩm quyền ưu tiên khi xem xét lại phán quyết. Hơn nữa, nguyên tắc tự chủ của các bên tranh chấp cho phép các bên lựa chọn địa điểm trọng tài, và bởi vây họ phải nhận thức được khả năng bị huỷ phán quốc tại quốc gia gốc. Từ đó, các quốc gia theo quan điểm này, toà án sẽ thường từ chối công nhận hoặc cho thi hành phán quyết đã bị huỷ tại quốc gia gốc. Trường hợp thứ hai, ngược lại với quan điểm trên, phán quyết đã bị huỷ lại nước gốc không liên quan tới việc nó có được công nhận và thực thi tại quốc gia thành viên khác hay không theo quan điểm chủ quyền quốc gia và các toà án độc lập với nhau trong xét xử.

2.1. Trường hợp thứ nhất

Một số quyết định gần đây của toà án tại một số quốc gia đã thống nhất quan điểm khi tuân theo phán quyết của toà án tại quốc gia gốc trong việc công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài.

Tại Úc, quy định trong Luật trọng tài quốc tế năm 1974 (IAA) tương đồng với Công ước New York 1958[4] khi sử dụng từ “may” trong quy định về công nhận và cho thi hành phán quyết chưa ràng buộc hoặc bị huỷ tại nước gốc. Hiện nay chưa có trường hợp nào mà toà án của Úc công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài khi phán quyết đã bị huỷ tại toà án có thẩm quyền tại nước gốc. Tới thời điểm năm 2017, tại Úc có hai vụ việc liên quan tới áp dụng Mục 8(8) Luật trọng tài quốc tế để đình chỉ hoặc tạm hoãn thi hành tại Úc phán quyết của trọng tài hiện không được thừa nhận tại nước Úc.[5] Chánh án toà án Liên Bang Úc đã bảy tỏ quan điểm: “mối quan hệ giữa toà án cho thi hành và toà án tại nước tuyên phán quyết trọng tại cũng sẽ nảy sinh khi việc thực thi phán quyết bị huỷ tại nước gốc. Vấn đề đặt ra đó là: yếu tố quốc tế của phán quyết không được chuyển hoá vào pháp luật quốc gia gốc, vấn đề chống phản tố, vấn đề tác động của nguyên tắc tự chủ của các bên, và vấn đề những yếu tố thực sự nảy sinh từ Công ước. Yếu tố quốc tế của phán quyết trọng tài đã được Toà phá án của Pháp nhấn mạnh phân định rõ trong vụ Hilmarton, Putrabali và Maximov và Toà kháng cáo Amsterdam trong vụ Yukos.[6]  Nottage & Garnett đã đề xuất việc cho thi hành phán quyết đã bị huỷ tại nước gốc nên được cân nhắc ở Úc để theo tinh thần thực thi trong Công ước và theo thực tiễn đã tiến hành tại Pháp, Thuỵ Sỹ, Hà Lan và một số toà án của Mỹ. Như vậy mặc dù hiện nay chưa có tiền lệ công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài đã bị huỷ tại nước gốc, nhưng đã có những ý tưởng cho sự thay đổi.

Trong vụ Ciments Français v. Sibirskiy Cement, toà án Thổ Nhĩ Kỳ đã huỷ phán quyết trọng tài với lý do trọng tài đã không giải quyết được một số luận điểm, và vi phạm trật tự công cộng của Thổ Nhĩ Kỳ[7]. Điểm đáng chú ý là Toà trọng tài tại Khu vực Kemerovo của Nga đã công nhận phán quyết, một năm sau, toà trọng tài tối cao đã đảo ngược phán quyết và từ chối công nhận phán quyết vì lý do phán quyết của trọng tài đã bị toà án quốc gia từ chối vì trái với trật tự công cộng trong nước.[8]

Tại Đức, quan điểm của toà án có liên hệ mật thiết với cơ quan tư pháp của quốc gia gốc.[9] Khi xem xét phán quyết của trọng tài, toà án của Đức sẽ lưu ý tới giá trị pháp lý của phán quyết tại quốc gia gốc, mà không xem xét kỹ lưỡng quyết định huỷ phán quyết.[10] Hơn nữa luật pháp của Đức còn cho phép toà án có thể lật ngược lại quyết định cho phép thi hành phán quyết nếu phán quyết đó bị huỷ tại nước gốc sau này.[11] Một trường hợp Toà án cấp cao khu vực của Đức từ chối thực thi phán quyết bị huỷ tại Nga, tuy nhiên, sau đó toà án tối cao của Nga sau đó đã lật ngược lại quyết định huỷ quán quyết và công nhận phán quyết này, ngay sau đó Toà án tối cao Liên bang Đức đã công nhận phán quyết này có hiệu lực tại Đức.[12]

Tại Việt Nam, theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, toà án của Việt Nam sẽ không công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài trong trường hợp phán quyết này đã bị huỷ tại nước gốc.[13]

Cách tiếp cận theo quan điểm nhất quán trong việc công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài ở nước nơi thực thi phán quyết và nước gốc trở thành một quan điểm phổ biến, dẫn tới việc lựa chọn địa điểm trọng tài sẽ là một nhân tố rất quan trọng vì khi phán quyết trọng tài bị huỷ, quyết định này sẽ ảnh hưởng ngoài lãnh thổ nước gốc. Từ đó dẫn tới hệ quả, khi lựa chọn địa điểm trọng tài, các bên sẽ phải nhận thức được rằng bất kỳ phán quyết nào bị huỷ tại nước gốc sẽ không được công nhận và cho thi hành ở hầu hết các quốc gia theo quan điểm này. Tuy nhiên quan điểm này sẽ làm giảm tính hiệu quả của phương thức trọng tài quốc tế trong việc tạo ra một phương xét xử tranh chấp xuyên quốc gia trung lập trong thế đối sánh với toà án quốc gia. Vấn đề đặt ra trong trường hợp này đó là, bên cạnh tính thiếu thống nhất giữa các quốc gia trong cách tiếp cận các phán quyết toà án bị huỷ, thì cũng không có hướng dẫn nào để quyết định xem khi nào một phán quyết trọng tài đã bị huỷ tại nước gốc nên được công nhận và cho thi hành. Bên cạnh đó, quan điểm của toà án thi hành phán quyết đối với việc huỷ phán quyết sẽ dẫn tới việc lựa chọn toà án ở giai đoạn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết.

Vấn đề đặt ra thứ hai đó là các bên sẽ phải lựa chọn toà án để yêu cầu công nhận và cho thi hành. Toà án được lựa chọn để yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết sẽ thường là toà án nơi bên phải thi hành có tài sản[14] mặc dù trong một số trường hợp một bên có thể yêu cầu công nhận và cho thi hành tại nơi mà bên bị thi hành không có tài sản với hi vọng gây ảnh hưởng hoặc tạo tiền lệ. Trong nhiều trường hợp, bên phải thi hành có tài sản ở các quốc gia khác nhau, việc yêu cầu thi hành tại các quốc gia này có thể sẽ mang lại các kết quả khác nhau.

2.2. Trường hợp thứ hai

Theo quan điểm này thì toà án được yêu cầu công nhận và cho thi hành sẽ không bị tác động bởi quyết định huỷ phán quyết tại nước gốc, mà sẽ đưa ra phán quyết riêng của mình. Pháp là quốc gia có nhiều tiền lệ trong trường hợp này, khi mà luật trọng tài của Pháp, phiên bản trước đây và phiên bản hiện tại đều loại trừ Điểm e Khoản 1 Điều V Công ước New York làm cơ sở cho việc công nhận/thi hành phán quyết.[15] Hai quyết định quan trọng của Toà phá án Pháp trong vụ Hilmarton Ltd v Omnium de Traitement et de Valorisation[16] và vụ PT Putrabali Adyamulia v. Rena Holding, Ltd[17] đã tạo ra sự khác biệt khi toà án công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài đã bị huỷ tại nước gốc. Tranh chấp diễn ra giữa người mua Pháp và người bán Indonesia, trọng tài Anh đã xử thắng kiện cho phía người mua Pháp. Phán quyết bị Toà án Anh huỷ vì lí do vi phạm luật. Vụ việc được trọng tài xét xử lần thứ hai, lần này người bán Indonesia thắng kiện. Người bán Pháp đã yêu cầu công nhận và cho thi hành pháp quyết trọng tài đầu tiên, và ngược lại người mua Indonesia yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết thứ hai. Quan điểm của Toà án Pháp, bao gồm Toà phá án đó là chỉ phán quyết đầu tiên mới có thể được cho thi hành và loại trừ phán quyết thứ hai.[18] Như vậy, chiến thuật lựa chọn toà án khá rõ ràng, phán quyết của toà đã loại trừ việc thi hành phán quyết sau và công nhận một phán quyết đã bị huỷ theo hướng có lợi cho nguyên đơn (người mua Pháp). Trong vụ Putrabali, toà án lý giải rằng “phán quyết trọng tài quốc tế không dựa trên pháp luật quốc gia và bởi vậy mà một quyết định của một thiết chế trọng tài quốc tế sẽ phải được rà soát lại theo quy tắc áp dụng ở nước công nhận và cho thi hành phán quyết”[19] Quan điểm này đồng nghĩa với việc coi trọng tài quốc tế là một phần của pháp luật xuyên quốc gia và không gắn liền với pháp luật của nước gốc. Hầu hết các quyết định gần đây của toà án Pháp đều tuân theo cách tiếp cận này khi coi một phán quyết trọng tài bị huỷ tại nước gốc hoàn toàn có thể được thi hành tại Pháp.[20] Trong vụ Maximov v Novolipetsky Steel Mill[21], Toà án sơ thẩm của Pháp đã cho thi hành phán quyết đã bị huỷ tại Nga. Tranh chấp trong vụ kiện này liên quan tới hợp đồng mua bán cổ phẩn giữa Ông Maximov và Công ty sắt Novelipetsky (NLMK). Tọng tài thương mại quốc tế ICC trụ sở tại Nga đã xử thắng kiện cho Ông Maximov và cho Ông được hưởng 300 triệu USD. Toà trọng tài của Nga đã huỷ phán quyết vì lí do theo luật của Nga, tranh chấp về công ty không thể xét xử theo thủ tục tố tụng trọng tài. Quyết định này được Toà Liên bang và Toà án tối cao của Nga tái khẳng định. Ông Maximov sau đó đã yêu cầu Toà tối cao Pháp công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài. Vào ngày 16/5/2012, toà án đã công nhận phán quyết và quyết định việc huỷ phán quyết tại nước gốc không đủ cơ sở để từ chối việc thi hành phán quyết và phán quyết trọng tài có hiệu lực vì thoả thuận trọng tài đã được lập theo sự đồng thuận giữa hai bên, do vậy phán quyết này sẽ được công nhận và cho thi hành.

Tại Hoa Kỳ, trong vụ việc Chromalloy Aeroservices v Arab Republic of Egypt, toà án cấp quận đã cho thi hành phán quyết của trọng tài Ai cập mặc dù phán quyết này đã bị Toà án Ai cập huỷ. Toà án đã căn cứ vào Điều V Công ước theo đó toà án có quyền linh hoạt trong việc cho thi hành phán quyết đã bị huỷ tại nước gốc. Bên cạnh đó Toà án viện dẫn Điều VII Công ước, và cho rằng Mục 9 và 10 của Luật trọng tài Liên bang sẽ yêu cầu cho thi hành phán quyết trọng tài nếu phán quyết trọng tài Ai Cập là phán quyết trọng tài Hoa Kỳ. Cơ sở pháp lý này được đánh giá là không chính xác vì Mục 9 và Mục 10 chỉ áp dụng với phán quyết của trọng tài tại Hoa Kỳ, và bởi vậy nỗ lực của toà án khi coi đồng nhất phán quyết của trọng tài Ai Cập với trọng tài Hoa Kỳ là không hợp lý và giải thích sai Điều VII[22]. Tuy nhiên, trong phán quyết của mình, toà án cũng đã đặt ra câu hỏi liệu phán quyết trọng tài đã bị toà án Ai cập huỷ có thể được công nhận và có giá trị chung thẩm. Toà án cấp quận đã tự trả lời câu hỏi của chính mình khi công nhận phán quyết của trọng tài đã bị huỷ.[23]

Tại Hà Lan, Toà kháng cáo Amsterdam trong vụ Yukos Capital SARL v OAO Rosneft[24] đã đưa ra cơ sở để cho phép công nhận phán quyết đã bị huỷ tại nước gốc. Toà án Hà Lan đã cho thực thi 04 phán quyết trọng tài ICC được tuyên ở Nga đối với vụ kiện giữa Yukos Capital với Yuganskneftgaz để đòi 04 hợp đồng vay nợ. Phán quyết trọng tài có lợi cho Yukos đã bị toà thương mại Nga huỷ, và quyết định này được toà kháng cáo của Nga giữ nguyên. Trong số những cơ sở huỷ phán quyết trọng tài thì một lý do được nêu ra đó là thành viên quản lý hãng luật đại diện cho Yukos đã tổ chức hội thảo, trong đó có sự tham gia của các trọng tài. Mặc dù toà án quận ở Hà Lan đã từ chối cho thi hành phán quyết trên cơ sở dựa trên phán quyết huỷ của toà án, Toà kháng cáo Amsterdam đã bác bỏ phán quyết của toà án quận. Toà kháng cáo đã viện dẫn các quy tắc trong tư pháp quốc tế để quyết định xem phán quyết của toà án Nga có được công nhận hay không. Kết luận cuối cùng của toà án đó là phán quyết của toà án nước ngoài không vô tư và độc lập, do vậy toà án Hà Lan đã không tuân theo phán quyết của toà án Nga.

Tại một số quốc gia, vấn đề công nhận và cho thi hành phán quyết của toà án nước ngoài có thể được thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại được ghi nhận theo pháp luật quốc gia và nguyên tắc của luật quốc tế. Trong vụ tranh chấp Pacific Inter-Link SDN BHD v. EFKO Food Ingredients Ltd[25] toà án Ukraina áp dụng khi được yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài Anh. Trong phán quyết này, trọng tài đã xử thắng kiện cho một công ty của Nga (EFKO Food Ingredients Ltd) và phía công ty của Malaysia thua kiện. Toà án của Anh đã huỷ phán quyết vì lí do thoả thuận trọng tài vô hiệu, và bởi vậy trọng tài không có thẩm quyền xét xử. Nhưng toà án Ukraina đã cho thi hành phán quyết trọng tài, vì thế toà án của Anh cho rằng toà án Ukraina đã không thực hiện nguyên tắc có đi có lại giữa Ukraina và Anh liên quan tới việc công nhận và cho thi hành phán quyết.

  1. Quan điểm về những trường hợp Toà án công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài đã bị huỷ ở nước gốc

Có thể thấy rõ ràng trong những vụ việc được dẫn chứng ở mục 2.2, việc công nhận phán quyết theo ý chí của toà án đã tạo một bất lợi đối với bên bị thi hành, bên cạnh đó thiếu tính nhất quán và hướng dẫn cụ thể. Việc toà án quyết định một phán quyết bị huỷ tại nước gốc có thể được thi hành được thực hiện theo cơ chế nào?

Thông thường, câu trả lời phổ biến đó là phán quyết bị huỷ tại nước gốc sẽ được cho thi hành chỉ khi cơ sở huỷ phán quyết không rơi vào những trường hợp không công nhận phán quyết theo quy định của Công ước. Cách tiếp cận này gần với thực tiễn ở Canada. Tại quốc gia này chưa có toà án nào tại Canada cho thi hành một phán quyết đã bị huỷ tại nước gốc, tuy nhiên một vài toà án đã ra quyết định cho thi hành phán quyết chưa được quyết định tại nước gốc (pending at the situs).[26] Những toà án này đã lập luận rằng họ phải công nhận một phán quyết trừ khi có cơ sở để từ chối theo Điều 36 Luật mẫu UNCITRAL, và họ có quyền tuỳ nghi trong việc cho thi hành phán quyết. Khi xem xét một phán quyết chưa được quyết định tại nước gốc, toà án đã chỉ thị rằng phải có vấn đề nghiêm trọng mới dẫn tới quyết định huỷ phán quyết tại nước gốc. Nếu không, toà sẽ không đình chỉ mà sẽ cho thi hành phán quyết.[27]

Gary Born đề xuất một vài tiêu chí để một phán quyết đã bị huỷ tại nước gốc không còn hiệu lực tại nước được yêu cầu công nhận và cho thi hành: (1) quyết định huỷ dựa trên chính sách công của nước được yêu cầu hoặc quy tắc phi trọng tài tại toà án có thẩm quyền huỷ, (2) quyết định huỷ trên cơ sở vấn đề đạo đức của trọng tài khi đưa ra quyết định hoặc dựa trên những cơ sở khác không thuộc Điểm a – d Khoản 1 Điều V Công ước, hoặc (3) quyết định huỷ không thoả mãn các tiêu chuẩn chung đối với việc công nhận phán quyết của toà án nước ngoài. [28] Tuy nhiên những tiêu chí đặt ra này vẫn khá chung chung và phụ thuộc và pháp luật của quốc gia nơi công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài.

William Park trong một vài bài báo của mình đã đưa ra quan điểm đối với những phán quyết trọng tài bị huỷ: “giống như những phán quyết của toà án nước ngoài, những phán quyết này nên được công nhận trừ khi thủ tục tố tụng trọng tài không công bằng hoặc trái với những nguyên tắc tư pháp căn bản”.[29] Theo quan điểm này, William Park tiếp cận theo nguyên tắc thân thiện (comity) đối với các phán quyết nước ngoài.

Trong khi đó, Silberman lại dựa trên quy định pháp luật quốc gia về công nhận và cho thi hành phán quyết, theo đó việc công nhận phán quyết của trọng tài đã bị huỷ nên căn cứ vào việc phán quyết bị huỷ đó có phù hợp với các nguyên tắc tư pháp cơ bản và chính sách công của quốc gia hay không. Khi một toà án tại nước gốc huỷ phán quyết, toà án được yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết không có nghĩa vụ phải tuân theo. Trong trường hợp này pháp luật quốc gia về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài sẽ là cơ sở để xem xét việc từ chối hay công nhận là phù hợp. Giáo sư Silberman cũng cho rằng việc công nhận phán quyết trọng tài đã bị toà án nước ngoài huỷ tại Hoa Kỳ sẽ phù hợp trong trường hợp tiêu chuẩn về công nhận/cho thi hành tuân thủ theo quy định pháp luật của liên bang[30].

  1. Kết luận

Vấn đề hài hoà hoá hay thống nhất về cách tiếp cận đối với phán quyết trọng tài đã bị huỷ tại nước gốc thực sự khó khăn. Thực tế là các quan điểm của các học giả về giải pháp đối với phán quyết hầu hết đều dựa trên quy định pháp luật quốc gia tại các quốc gia thành viên, vì vậy việc không thống nhất là hệ quả tất yếu. Giải pháp yêu cầu các toà án nơi công nhận và cho thi hành phải luôn tuân theo hoặc không tuân theo phán quyết tại nước là không khả thi. Tuy vậy, khi xem xét về thực tiễn công nhận và cho thi hành phán quyết, có thể nhận thấy một số điểm chung cơ bản. Thay vì để cho toà án tuỳ nghi trong việc công nhận và cho thi hành phán quyết, các quốc gia đều đưa ra các nguyên tắc nhất định để quyết định khi nào một phán quyết bị huỷ tại nước gốc có thể được công nhận hay từ chối thi hành tại một nước khác. Về cơ bản, pháp luật quốc gia về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài vẫn là cơ sở để xem xét việc từ chối hay công nhận là phù hợp; việc phán quyết bị huỷ ở nước gốc sẽ là yếu tố quan trọng để lưu ý khi xem xét công nhận và cho thi hành; toà án của các quốc gia công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài đã bị huỷ tại nước gốc nên tôn trọng nguyên tắc có đi có lại, thiện chí, công bằng và minh bạch.

Nguyễn Thị Anh Thơ

Phó Trưởng Bộ môn Pháp luật về giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, Khoa Pháp luật thương mại quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội.

——————————————————-

[1] Xem PriceWaterhouseCoopers & Queen Mary University of London, International Arbitration: Corporate Attitudes and Practices 2006, 13-14 (2006), http:// http://www.arbitrationonline.org / docs / IAstudy_2006.pdf, truy cập lần cuối ngày 13/9/2018.

[2] Xem White & Case & Queen Mary University of London, 2010 International Arbitration Survey: Choices in International Arbitration, 18 (2010), http: // www. whitecase.com / files / Publication / 839d2762-bf8e-4daa-b40a-1b643081b801 / Presentation / PublicationAttachment / 3c346b83-27ba-4ed1-a99e-e1811e47b997 / 2010International_Arbitration_Survey_Choices_in_International_Arbitration.pdf, truy cập lần cuối ngày 13/9/2018.

[3] A. J. van den Berg, Enforcement of Arbitral Awards Annulled in Russia, 27(2) Journal of International Arbitration 179 (2010); see also, A. S. Rau, Understanding (and Misunderstanding) “Primary Jurisdiction”, 21 American Review of International Arbitration 47 (2010).

[4] Điều 8(5) IAA

[5] Luke Nottage and Chester Brown, Interpretation and Application of the New York Convention in Australia, https://books.google.com.vn/books?id=ui8tDwAAQBAJ&pg=PA119&lpg=PA119&dq=recognition+of+the+set+aside+award+in+Australia&source=bl&ots=j7PbzybjvT&sig=s4xCd0y15mI_77UXreeDlhWBBDo&hl=vi&sa=X&ved=2ahUKEwiI9YTf9LDdAhUY448KHaBpADEQ6AEwCHoECAMQAQ#v=onepage&q=recognition%20of%20the%20set%20aside%20award%20in%20Australia&f=false, truy cập lần cuối ngày 12/8/2018.

[6] Xem Chief Justice James Allsop, “The Authority of the Arbitrator”, 2013 Clayton Utz University of Sydney International Arbitration Lecture.

[7] Ciments Français v. Sibirskiy Cement, supra note 10, at 11.   [8] Ciments Français v. Sibirskiy Cement, supra note 10.

[9] Xem E. Smith, Vacated Arbitral Awards: Recognition and Enforcement Outside the Country of Origin, 20 Boston University International Law Journal 355 (2002); D. Freyer, The Enforcement of Awards Affected by Judicial Orders of Annulment at the Place of Arbitration, in E. Gaillard / D. Di Pietro eds., Enforcement of Arbitration Agreements and International Arbitral Awards – The New York Convention in Practice, 2008, 757, 785.

[10] Freyer, supra note 14; G. J. Horvath, What Weight Should be Given to the Annulment of an Award under the Lex Arbitri? The Austrian and German Perspectives, 27 Journal of International Arbitration 249, 259-266 (2009).

[11] German Code of Civil Procedure (Dec. 5, 2005), Section 1061(3) (De.). An English translation of the law was done by Samson-Übersetzungen GmbH, Dr. Carmen von Schöning (2012), available at: http: // http://www.gesetze-im-internet.de / englisch_zpo / englisch_zpo.html, truy cập lần cuối ngày 13/9/ 2018.

[12] Bundesgerichtshof, Feb. 22, 2001, XXIX Yearbook Commercial Arbitration 724 (2004).

[13] Điểm g, Khoản 1 Điều 459 Bộ luật tố tụng dân sự Việt Nam 2015.

[14] Tại Hoa Kỳ, xem các vụ án e. g., First Investment Corporation of the Marshall Islands v. Fujian Mawei Shipbuilding, Ltd., 2012 U.S. App. LEXIS 26207 (5th Cir., Dec. 21, 2012); Frontera Resources Azerbaijan Corp. v. State Oil Co. of Azerbaijan Republic, 582 F.3d 393 (2d Cir. 2009); Glencore Grain Rotterdam B. V. v. Shivnath Rai Harnarain Co., 284 F.3d 1114 (9th Cir. 2002).

Tại các quốc gia khác, việc áp dụng thủ tục trọng tài theo luật của quốc gia thành viên của Công ước NewYork đồng nghĩa với việc chấp nhận thực thi phán quyết  đó mà theo đó nơi được yêu cầu thực thi phán quyết không nhất định phải là nơi có mối liên hệ với bị đơn hoặc nơi bị đơn có tài sản. Xem thêm Int’l Commercial Disputes Comm. of the Ass’n of the Bar of the City of New York, Lack of Jurisdiction and Forum Non Conveniens as Defenses to the Enforcement of Foreign Arbitral Awards, 15 American Review of International Arbitration 407 (2004); L. J. Silberman, Civil Procedure Meets International Arbitration: A Tribute to Hans Smit, 23 American Review of International Arbitration 439 (2012); M. Scherer, in R. Wolff ed., The New York Convention. A Commentary, 2012, Art. III para. 17, 22

[15] Điều 1525 Luật Tố tụng dân sự Pháp [C. P. C.] arts. 1525, 1520 (Fr) http: // http://www.iaiparis.com / pdf / FRENCH_LAW_ON_ARBI TRATION.pdf, truy cập lần cuối ngày 13/9/2018.

[16] Hilmarton Ltd. v. Omnium de Traitement et de Valorisation, Cour de Cassation [Cass. 1e civ.] Mar. 23, 1994, Revue de l’Arbitrage 327 (1994).

[17] PT Putrabali Adyamulia v. Rena Holding, Ltd., Cour de Cassation [Cass. 1e civ.] June 29, 2007, Revue de l’Arbitrage 507 (2007); XXXII Yearbook Commercial Arbitration 299 (2007).

[18] PT Putrabali Adyamulia v. Rena Holding, Ltd., Cour de Cassation [Cass. 1e civ.] June 29, 2007, Revue de l’Arbitrage 507 (2007); XXXII Yearbook Commercial Arbitration 299 (2007).

[19] PT Putrabali Adyamulia v. Rena Holding, Ltd., Cour de Cassation [Cass. 1e civ.] June 29, 2007, XXXII Yearbook Commercial Arbitration 299, 302 (2007).

[20] Luật tố tụng dân sự Pháp sửa đổi năm 2011, công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài sẽ được cho phép miễn là việc đó không trái với chính sách công Luật tố tụng dân sự, Điều 1514 [C. P. C.] Art. 1514 (Fr.).

[21] Maximov v. Novolipetsky Steel Mill, Tribunal de Grande Instance de Paris, May 16, 2012.

[22] Matter of Arbitration Between Chromalloy Aeroservices, a Div. of Chromalloy Gas Turbine Corp. & Arab Republic of Egypt, 939 F. Supp. 907 (D. D. C. 1996).   [23] Như trên.

[24] Yukos Capital SARL v. OAO Rosneft, Amsterdam Cout of Appeal, Apr. 28, 2009 (Neth.), XXXIV Yearbook Commercial Arbitration 703 (2009).

[25] Pacific Inter-Link SDN BHD v. EFKO Food Ingredients Ltd., Court of Appeal of the Odessa Region, No. 1511 / 2458 / 2012, Jul. 16, 2012 (Ua.), http: // reyestr. court.gov.ua / Review / 25273828, truy cập lần cuối ngày 13/9/2018.

[26] Europcar Italia S. p. A. v. Alba Tours Int’l Inc., 23 O. T. C. 376, [1997] O. J. No. 133, ¶ 22 (Ont. Ct. J.) (Can.); Powerex Corp. v. Alcan Inc., 2004 B. C. S. C. 876, B. C. J., [2004] No. 1349 (Can.).

[27]  H. C. Alvarez, The Implementation of the New York Convention in Canada, 25(6) Journal of International Arbitration 669, 670 (2008).

[28] G. B. Born, International Commercial Arbitration, 2009, 2691.

[29] W. W. Park, Duty and Discretion in International Arbitration, Arbitration of International Business Disputes: Studies in Law and Practice, 2nd ed., 2012, 355, 363; see also W. W. Park, Duty and Discretion in International Arbitration, 93 American Journal of International Law 805 (1999).

[30] Silberman, supra note 43, at 33 note 36; see also Restatement (Third) of the Foreign Relations Law of the United States, § 481 comment a (1987).

Bình luận về bài viết này

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑