[117] Bàn về thẩm quyền tư vấn pháp lý của các cơ quan tài phán quốc tế trong Công ước Luật biển 1982

advisory-opinions

1. Khái quát về chức năng tư vấn pháp lý của Toà án quốc tế

Chức năng tư vấn pháp lý của Toà án quốc tế đã xuất hiện từ sau chiến tranh thế giới thứ nhất và độ phổ biến của nó cũng tăng dần lên theo sự phát triển của luật pháp quốc tế. Chức năng này đã được Hội quốc liên đưa vào ngay từ lúc thành lập Toà án thường trực công lý quốc tế (tên tiếng Anh: Permanent Court of International Justice, PCIJ). Điều 14 trong Hiến chương Hội quốc liên cho phép Toà PCIJ trả lời các tranh chấp hoặc các câu hỏi pháp lý được đệ trình lên trước Toà bởi Đại Hội Đồng hoặc Hội Đồng của tổ chức này[1].

Theo thời gian, với sự phát triển của luật quốc tế và thực tiễn hoạt động của các Toà án quốc tế, chức năng này dần trở nên phổ biến trong các công ước thành lập hoặc trong Quy chế làm việc của Toà. Có thể thấy một số ví dụ nổi bật như Điều 96, Hiến chương Liên hiệp quốc trao thẩm quyền tư vấn pháp lý cho Toà án Công lý quốc tế (tên tiếng Anh: International Court of Justice, ICJ), hay Toà án Công lý của Liên minh châu Âu (tên tiếng Anh: European Court of Justice, ECJ) có chức năng này thông qua điều 218 của Hiệp ước Lisbon.

Đặc biệt, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (tên tiếng Anh: United Nations Convention on the Law of the Sea, UNCLOS) cho phép Viện giải quyết tranh chấp liên quan đến đáy biển (tên tiếng Anh: Seabed Disputes Chamber, SDC) đưa ra ý kiến tư vấn đối với các câu hỏi pháp lý do Cơ quan quốc tế quản lý đáy đại dương (tên tiếng Anh: International Seabed Authority, ISA) đệ trình. Đồng thời, trên cơ sở giải thích một số quy định của UNCLOS, Toà án quốc tế về Luật biển (tên tiếng Anh: International Tribunal for Law of the Sea, ITLOS) cũng cho rằng mình có thẩm quyền cho ý kiến tư vấn pháp lý[2].

Chức năng tư vấn pháp lý của Toà án quốc tế có thể được hiểu là việc Toà đưa ra các ý kiến và câu trả lời đối với các câu hỏi pháp lý được đệ trình lên Tòa và các ý kiến tư vấn này của Toà không mang tính chất ràng buộc về mặt pháp lý[3]. Mặc dù không trực tiếp giải quyết các tranh chấp quốc tế, nhưng trên thực tế, ý kiến tư vấn vẫn có ý nghĩa trong việc gián tiếp hỗ trợ trong việc giải quyết tranh chấp quốc tế[4]. Bên cạnh đó, nó còn có ưu điểm là ít tốn kém về chi phí, thời gian và thủ tục. Thật vậy, thông thường, thời gian tiêu tốn của các Toà án quốc tế đối với các tranh chấp song phương giữa các quốc gia là từ 3 đến 4 năm, thậm chí có trường hợp Toà phải mất 9 năm để giải quyết tranh chấp này[5]. Tuy nhiên, đối với việc đưa ra các ý kiến tư vấn pháp lý, các Toà án quốc tế thường chỉ tốn từ 1 đến 2 năm. Đặc biệt, nó còn mang tính chất thiện chí và hoà bình hơn vì nó không đi kèm theo rủi ro thua kiện so với việc giải quyết tranh chấp trực tiếp qua con đường tố tụng.[6] Hơn nữa, ý kiến tư vấn có thể là bước đệm chuẩn bị cho việc tố tụng vì các tuyên bố chính thức của Toà (dictum) có thể là cơ sở cho những lập luận cho những thủ tục tố tụng tiếp theo[7]. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những tranh chấp có ít hoặc không có án lệ như tranh chấp về đảo nhân tạo ở biển Đông chẳng hạn.

Hiện nay có các cơ quan sau có chức năng cho ý kiến tư vấn đối với các câu hỏi pháp lý liên quan đến luật biển quốc tế: Tòa Công lý Quốc tế (ICJ)[8], Viện Giải quyết các Tranh chấp Liên quan đến Đáy biển (SDC)[9] và Toà án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS)[10].

Điều 191 của UNCLOS quy định SDC có quyền cho ý kiến tư vấn đối với các câu hỏi pháp lý do ISA đệ trình liên quan đến hoạt động của Cơ quan này. Thẩm quyền của SDC chỉ hạn chế trong các vấn đề liên quan đến đáy đại dương. Còn lại ICJ và ITLOS đều có thẩm quyền đưa ý kiến tư vấn về các vấn đề khác của luật biển. Giữa hai chọn lựa này, ITLOS là sự lựa chọn khả thi hơn bởi các lý do sau:

Thứ nhất, mục đích và chuyên môn của ITLOS liên quan mật thiết đến luật biển quốc tế hơn ICJ. Cụ thể, ICJ có thẩm quyền giải quyết tất cả tranh chấp và vấn đề được đệ trình[11], trong khi đó ITLOS là tòa quốc tế chuyên biệt được thành lập để giải quyết “tất cả các vụ tranh chấp và tất cả các yêu cầu được đưa ra Toà theo đúng Công ước (luật biển)”[12].

Thứ hai, quy trình yêu cầu tư vấn của ITLOS trong một chừng mực nào đó có thể nói là đơn giản hơn thủ tục của ICJ. Theo quy định tại Điều 96 của Hiến chương Liên hợp quốc, ICJ chỉ có thẩm quyền cho ý kiến tư vấn đối với các câu hỏi pháp lý được yêu cầu từ Đại Hội đồng hoặc Hội đồng bảo an Liên hợp quốc[13]. Đây có thể nói là quá trình khá dài dòng và phức tạp.

Trong trường hợp đưa vấn đề này ra Hội đồng bảo an, việc thông qua nghị quyết về việc yêu cầu ICJ cho ý kiến tư vấn sẽ phải thực hiện theo quy định tại Điều 27, Hiến chương Liên hợp quốc. Theo đó, trước hết Hội đồng bảo an sẽ xem xét đây là “vấn đề thủ tục” hay là “vấn đề khác”. Việc đưa ra quyết định về vấn đề này sẽ được thông qua nếu không nước thành viên thường trực nào của Hội đồng bảo an sử dụng quyền phủ quyết.

Hoặc việc xin ý kiến tư vấn của ICJ có thể đưa ra Đại Hội đồng Liên hợp quốc và phải được đa số các nước thành viên Đại hội đồng tham dự cuộc họp bỏ phiếu thông qua.[14] Tuy nhiên, việc vận động các thành viên Đại hội đồng ủng hộ một nghị quyết về việc xin ý kiến tư vấn của ICJ trong vấn đề xây dựng đảo nhân tạo không dễ dàng, đòi hỏi các quốc gia đề xuất phải tìm cách gắn vấn đề này với lợi ích của phần lớn các nước thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Trong khi đó, ITLOS có thể cho ý kiến tư vấn đối với một câu hỏi pháp lý được các quốc gia thống nhất đưa lên Tòa trên cơ sở một điều ước quốc tế nội dung phù hợp với mục đích của UNCLOS[15]. Trong điều ước quốc tế này, các quốc gia thành viên cần nêu rõ việc đề nghị ITLOS cho ý kiến tư vấn và cử một “đại diện” để đệ trình yêu cầu lên Toà[16].

Cuối cùng, thời gian giải quyết yêu cầu tư vấn của ITLOS có thể ngắn hơn so với ICJ vì ICJ có thẩm quyền rộng hơn nên tiếp nhận số lượng vụ việc nhiều hơn ITLOS. Hiện nay, ICJ đang giải quyết 19 vụ việc[17] còn ITLOS chỉ đang giải quyết một vụ việc[18].

2. Tiểu kết

Việc sử dụng biện pháp pháp lý là lấy ý kiến tư vấn của Toà án ngày càng trở nên hữu dụng và thiết thực hơn cho các quốc gia nhỏ trong việc vận dụng luật quốc tế để bảo vệ quyền lợi của mình. Việc Mauritius chiến thắng tuyệt đối trước Vương quốc Anh trong việc lấy ý kiến tư vấn của một toà án quốc tế về một vấn đề khó khăn và phức tạp liên quan đến chủ quyền đã chứng minh rõ điều này[19]. Rõ ràng, đây có thể là một xu thế mà các quốc gia cần cần nhắc trong trong tương lai. Đặc biệt các quốc gia tại khu vực biển Đông, trong đó có Việt Nam, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề này khi giải quyết các tranh chấp của mình tại khu vực biển ở đây.

Phạm Ngọc Minh Trang

(Bài viết có sự đóng góp của Nguyễn Đức Hải, Lê Ngọc Khánh Ngân và Chu Minh Phương, Khoa Quan hệ quốc tế, Trường ĐH KHXH&NV, Tp.HCM)

———————————————————————————–

[1] Điều 14, Hiến Chương Hội Quốc Liên:

Hội đồng đề xuất thành lập và đưa ra cho các Thành viên của Hội để thông qua kế hoạch thành lập một Toà án Thường trực Công lý Quốc tế. Toà án có thẩm quyền nghe và quyết định tất cả các tranh chấp mang tính chất quốc tế mà thành viên đệ trình đến Toà. Toà án cũng có thể đưa ra ý kiến pháp lý đối với các tranh chấp hoặc câu hỏi trình lên Toà bởi Hội Đồng hoặc bởi Đại Hội Đồng.

[2] Thẩm quyền đưa ra các lời khuyên pháp lý của SDC được nêu rõ tại điều 159 và điều 191 trong UNCLOS. Tuy nhiên, thẩm quyền tư vấn của ITLOS có nhiều tranh cãi và sẽ được làm rõ trong phần sau của bài viết.

[3] García, Miguel, Thẩm quyền giải quyết tranh chấp và tư vấn pháp lý của Toà án quốc tế về Luật biển, (The Contentious and Advisory Jurisdiction of the International Tribunal for Law of the Sea), NXB Brill Nijhoff, Leiden, năm 2015, tr. 288.

[4] Xem thêm đề xuất của Tổng Thư kí Boutros-Ghali (1992) rằng Tổng Thư kí cần được trao quyền lực yêu cầu tư vấn khi các bên của một tranh chấp mong muốn: Kế hoạch vì Hòa bình (Agenda for Peace).

[5] Vụ kiện Lãnh thổ và biên giới biển giữa Cameroon và Nigeria, Toà án công lý quốc tế (ICJ), năm 2002, xem thêm tại http://www.icj-cij.org/en/case/94 truy cập ngày 16 tháng 1 năm 2018.

[6] Tafsir Malick Ndiaye (2010), Chức năng Tư vấn của Tòa án Quốc tế về Luật Biển (The Advisory Function of the International Tribunal for the Law of the Sea), Tạp chí Chinese Journal of International Law, quyển 9, số 3, trang 566.

[8] Quy chế Tòa án ICJ (Statute of the Court), Điều 65.   [9] UNCLOS, Điều 191.   [10] Bộ Thủ tục hoạt động của ITLOS, Điều 138.   [11] Quy chế Tòa án ICJ (Statute of the Court), Điều 36, Khoản 1.   [12] UNCLOS, Phụ lục VI, Điều 21.

[13] Điều 96 Hiến chương Liên Hợp Quốc quy định rằng ICJ chỉ có chức năng tư vấn nếu như Đại Hội đồng hoặc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hoặc tất cả các cơ quan khác của Liên Hợp Quốc và các tổ chức chuyên môn mà đã được Đại Hội đồng cho phép yêu cầu.

[14] Rosenne, Shabtai (2006), Luật và thực hành của Toà án quốc tế 1920-2005, NXB. Martinus Nijhoff (Leiden/Boston), số 1 – Toà án và Liên hiệp quốc, trang 294-297.

[15] Điều 138.1 Quy chế ITLOS quy định quyền yêu cầu ITLOS tư vấn dành cho các cơ quan được ủy quyền yêu cầu tư vấn bởi một điều ước quốc tế có mục đích liên quan đến mục đích của UNCLOS và cho phép các bên kí kết sử dụng chức năng tư vấn của ITLOS

[16] Điều 138.2 Quy chế ITLOS: “Một yêu cầu về một ý kiến tư vấn phải được chuyển đến Toà án bởi bất cứ “đại diện”(body) được uỷ quyền bởi hoặc căn cứ theo hiệp ước [nêu ra tại điều 138.1] để đệ trình lên trước Toà”.

[17] ITLOS, Các Vụ việc đang được giải quyết (Pending Cases), http://www.icj-cij.org/en/pending-cases, truy cập ngày 8/10/2017.

[18] ITLOS, Danh sách và Trạng thái Vụ việc đang được Giải quyết (List of pending cases and current status), https://www.itlos.org/cases/docket/, truy cập ngày 8/10/2017.

[19] ICJ, Ý kiến tư  vấn về Các hệ quả pháp lý từ việc tách quần đảo Chagos từ Mauritius năm 1965, https://www.icj-cij.org/files/case-related/169/169-20190225-01-00-EN.pdf, truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2019.

Bình luận về bài viết này

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑