[118] Vụ kiện Biển Đông: “Huyền thoại pháp lý” kiểu Trung Quốc

Ngày 21 tháng 6 năm 2013, bất chấp sự phản đối và tẩy chay của Trung Quốc, Tòa Trọng tài phụ lục VII Công ước Luật Biển 1982 (sau đây gọi là “Tòa Trọng tài”) chính thức được thành lập theo đơn kiện của Philippines trước đó vào tháng 1 năm 2013[1]. Trong suốt quá trình tố tụng từ những khâu thủ tục đầu tiên cho đến khi Tòa Trọng tài ra phán quyết cuối cùng vào ngày 12 tháng 7 năm 2016, Trung Quốc không dưới 5 lần tuyên bố bác bỏ thẩm quyền của Tòa Trọng tài và hiệu lực pháp lý của các phán quyết. Và ngay khi đã có phán quyết cuối cùng của Tòa Trọng tài, Trung Quốc vẫn lặp lại quan điểm của mình về vụ kiện[2]. Bài viết này thảo luận những quan điểm của Trung Quốc và các học giả thân Trung Quốc phản đối phiên Toà; và chỉ ra tại sao những quan điểm này đều không có cơ sở trong UNCLOS nói riêng và Luật pháp quốc tế nói chung.

south-china-sea-philippines-01142013

Sau vụ kiện Biển Đông: Những huyền thoại về pháp lý “kiểu Trung Quốc”

 Lập luận 1: Ngoại lệ về quyền lịch sử

Philippines yêu cầu Tòa Trọng tài ra phán quyết về giá trị pháp lý của Đường chín đoạn và quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông[3]. Trung Quốc cho rằng yêu cầu này liên quan trực tiếp đến quyền lịch sử của nước này tại Biển Đông, nằm trong ngoại lệ được nêu tại Công ước Luật Biển 1982 (sau đây gọi là “UNCLOS”). Do đó, Tòa Trọng tài không có thẩm quyền giải quyết các vấn đề được Philippines nêu trong đơn kiện. Tại Phán quyết về thẩm quyền vào ngày 29 tháng 10 năm 2015, Tòa Trọng tài đã bảo lưu, chưa đưa ra quyết định về thẩm quyền của Tòa đối với 2 điểm này[4]. Và đến ngày 12 tháng 7 năm 2016, trong Phán quyết cuối cùng, Tòa Trọng tài không những tuyên bố có thẩm quyền xem xét vấn đề này mà còn bác bỏ toàn bộ yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông, khẳng định sự vô giá trị về mặt pháp lý của Đường chín đoạn[5].

Theo Tòa Trọng tài, ngoại lệ được quy định tại Điều 298 của UNCLOS nhằm loại trừ thẩm quyền của Tòa đối với các tranh chấp liên quan đến “vịnh lịch sử” hay “danh nghĩa lịch sử”, và yêu cầu của Philippines không nằm trong phạm vi của ngoại lệ này.

Thứ nhất, Biển Đông không phải là một vịnh dù là về mặt địa lý hay pháp lý[6]. Thứ hai, từ những hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông (như ban hành lệnh cấm đánh cá, phân lô khai thác dầu khí và những tuyên bố tôn trọng tự do hàng hải và tự do hàng không), Toà kết luận bản chất yêu sách Đường chín đoạn của Trung Quốc tại Biển Đông là quyền lịch sử đối với tài nguyên khoáng sản tại đây[7]. Khái niệm “quyền lịch sử” không đồng nghĩa với “danh nghĩa lịch sử” được quy định tại Điều 298. Danh nghĩa lịch sử gắn liền với chủ quyền của một quốc gia đối với những vùng biển nhất định trong suốt một thời gian dài và phải được thể hiện qua sự kiểm soát độc quyền của quốc gia đó. Bên cạnh đó, Tòa Trọng tài cũng nhấn mạnh yếu tố phản ứng của các quốc gia khác trong khu vực. Điều này có nghĩa là, tuyên bố danh nghĩa lịch sử của các quốc gia phải không bị phản đối từ các quốc gia khác. Thoả được các điều kiện trên, một yêu sách của 1 quốc gia mới được xem là yêu sách về “danh nghĩa lịch sử”.  Do vậy, từ các hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông, Toà kết luận yêu sách của Trung Quốc thông qua đường chín đoạn chỉ được xem là tuyên bố về quyền lịch sử và không thể xem là Trung Quốc tuyên bố danh nghĩa lịch sử tại đây. Vì vậy, yêu sách này của Trung Quốc không phải là một ngoại lệ được quy định tại Điều 298 của UNCLOS[8].

Đi vào vấn đề nội dung về giá trị pháp lý của tuyên bố về quyền lịch sử thông qua yêu sách Đường chín đoạn, Tòa nhìn lại quá trình hình thành và phân tích nội dung UNCLOS. Tòa nhận thấy quyền lịch sử về khai thác tài nguyên sinh vật và khoáng sản đã được nêu ra trong quá trình xây dựng Công ước tại Liên Hiệp Quốc. Vì vậy, tuy khái niệm “quyền lịch sử” tồn tại trong luật biển quốc tế nhưng khi trở thành thành viên của UNCLOS, các quốc gia đã từ bỏ quyền lịch sử đối với các vùng biển để chấp nhận các quyền của quốc gia ven biển đối với tài nguyên trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa được thiết lập theo quy định của Công ước[9]. Đồng thời, Tòa cũng phân tích các quy định của UNCLOS về quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển tại EEZ và thềm lục địa và khẳng định các quyền này không đồng nghĩa với khái niệm “quyền lịch sử” hình thành từ trước khi Công ước có hiệu lực[10].

Trên cơ sở đó, Tòa khẳng định UNCLOS chỉ cho phép các quốc gia thành viên có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với tài nguyên nằm trong EEZ và thềm lục địa của mình. Việc trở thành thành viên Công ước cũng đồng nghĩa với việc từ bỏ các quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển xa hơn EEZ và thềm lục địa. Do đó, cái gọi là “quyền lịch sử” mà Trung Quốc tuyên bố là hoàn toàn không phù hợp với UNCLOS. Từ đó, Tòa khẳng định yêu sách Đường chín đoạn của Trung Quốc tại Biển Đông hoàn toàn không có giá trị pháp lý[11].

 

Lập luận 2: Liệu Trung Quốc có ngoại lệ về chủ quyền đối với các thực thể tại Trường Sa

Trong đơn kiện gửi đến Tòa Trọng tài, Philippines yêu cầu Tòa làm rõ bản chất pháp lý của tám thực thể tại quần đảo Trường Sa là đảo, đá hay những thực thể lúc nổi lúc chìm. Theo Trung Quốc, vấn đề này liên quan đến việc xác định chủ quyền đối với các thực thể và liên quan đến việc phân định các vùng biển tại khu vực Trường Sa. Trung Quốc cho rằng theo quy định của UNCLOS, Tòa không có thẩm quyền giải quyết cả hai vấn đề này. Tuy nhiên, trong Phán quyết về thẩm quyền, Tòa Trọng tài đã khẳng định một tranh chấp có thể bao gồm nhiều vấn đề pháp lý khác nhau, nhưng việc một hoặc một số vấn đề nằm ngoài thẩm quyền giải quyết của Tòa, không làm mất đi thẩm quyền của Tòa đối với các vấn đề còn lại[12]. Quan điểm này đã nhiều lần được các Tòa án quốc tế khẳng định trong các án lệ trước đây[13].

Vì việc xác định bản chất pháp lý của các thực thể tại Trường Sa chính là giải thích và áp dụng các điều 13 và điều 121 của UNCLOS nên Tòa Trọng tài hoàn toàn có thẩm quyền giải quyết vấn đề này. Trong Phán quyết ngày 12 tháng 7 năm 2016, Tòa Trọng tài đã có quyết định cực kỳ quan trọng và táo bạo về bản chất pháp lý của không chỉ tám thực thể mà Philippines yêu cầu mà còn của toàn bộ các thực thể tại quần đảo Trường Sa.

Theo đó, sau khi xem xét các bằng chứng xác thực và đáng tin cậy nhất về địa lý, địa chất và địa mạo[14], Tòa đã khẳng định không một thực thể nào tại Trường Sa hội đủ các yếu tố để được coi là “đảo” theo quy định tại Điều 121 của UNCLOS [15]. Kết luận này của Tòa đồng nghĩa với việc khẳng định không một thực thể nào tại Trường Sa có thể tạo nên EEZ và thềm lục địa của riêng mình. Cụ thể hơn, Tòa đã xác định các thực thể Tư Nghĩa, Ga Ven Nam, Xu-bi, Vành Khăn và Cỏ Mây là thực thể lúc nổi lúc chìm[16]. Từ đó, gián tiếp loại bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại các thực thể này.

 

Lập luận 3: Philippines vi phạm các cam kết về giải quyết tranh chấp bằng con đường đàm phán được quy định tại Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và các thoả thuận khác

Trung Quốc cho rằng Philippines và Trung Quốc, thông qua DOC và các thoả thuận song phương khác giữa hai nước đã cam kết giải quyết tranh chấp tại Biển Đông chỉ bằng con đường đàm phán. Vì vậy, việc Philippines khởi kiện chống lại Trung Quốc tại Tòa Trọng tài là đi ngược lại chính các cam kết của Philippines. Trung Quốc không công nhận toàn  bộ quá trình tố tụng cũng như thẩm quyền của Tòa Trọng tài được thành lập theo yêu cầu của Philippines. Trên cơ sở đó, Trung Quốc không chấp nhận bất cứ phán quyết nào Tòa Trọng tài.

Trong Phán quyết về thẩm quyền, Tòa Trọng tài đã khẳng định DOC cũng như các thoả thuận song phương giữa Philippines và Trung Quốc là các văn bản không mang tính ràng buộc về pháp lý[17]. Do đó, việc Philippines sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Đông thông qua Tòa Trọng tài không vi phạm các quy định trong UNCLOS cũng như nghĩa vụ của Philippines theo luật quốc tế và Tòa hoàn toàn có thẩm quyền trong việc giải quyết tranh chấp này.

Bên cạnh đó, điều 288 của UNCLOS quy định nếu có bất cứ tranh chấp nào giữa các bên về thẩm quyền của Tòa, Tòa sẽ có toàn quyền xem xét việc Tòa có thẩm quyền hay không. Trên thực tế, ngày 29 tháng 10 năm 2015, Tòa đã ra Phán quyết khẳng định Tòa có thẩm quyền giải quyết một số yêu cầu trong đơn kiện của Philippines. Đến ngày 12 tháng 7 năm 2016, Tòa tiếp tục khẳng định thẩm quyền đối với các yêu cầu còn lại cũng như đưa ra kết luận về nội dung của từng vấn đề. Tòa cũng nhấn mạnh các Phán quyết của Tòa là chung thẩm và mang tính ràng buộc pháp lý đối với các bên của vụ kiện là Philippines và Trung Quốc. Do đó, việc Trung Quốc tuyên bố phản đối và không tuân thủ các quyết định của Tòa không làm mất đi giá trị pháp lý của các phán quyết này và đây là hành vi đi ngược, nếu không muốn nói là vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và những cam kết của Trung Quốc với tư cách là thành viên UNCLOS.

 

Lập luận 4: Phán quyết vô hiệu vì Tòa Trọng tài vượt quá thẩm quyền của mình (ultra vires)

Theo điều 296 của UNCLOS và quy định chung của luật pháp quốc tế, phán quyết của Tòa án quốc tế mang tính chất chung thẩm và bắt buộc phải được thực hiện bởi các bên trong vụ kiện. Tuy nhiên, cũng có một số ngoại lệ cho nguyên tắc này. Một trong số đó là trường hợp Tòa án đã thực hiện quá thẩm quyền cho phép của mình (ultra vires). Đây cũng là một trong những quan điểm của các học giả đứng về phía Trung Quốc đưa ra với mục đích hạ thấp uy tín của Tòa Trọng tài và giúp Trung Quốc thoát khỏi sự ràng buộc của phán quyết.

Một số lập luận tập trung vào nội dung của phán quyết ngày 12 tháng 7 vừa qua của Tòa Trọng tài. Đó là việc Tòa đã vượt qua thẩm quyền của mình khi xác định bản chất pháp lý của toàn bộ thực thể tại quần đảo Trường Sa, thay vì chỉ xác định 8 trong số đó theo yêu cầu trong đơn kiện của Philippines. Tuy nhiên, những lập luận này có thể bị bác bỏ một cách dễ dàng. Yêu sách số 5 của Philippines yêu cầu Tòa xác định Mischief Reef (Vành Khăn) và Second Thomas Shoal (Cỏ Mây) thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Philippines. Trước đó, Tòa đã xác định hai thực thể này là thực thể lúc chìm lúc nổi, và bản chất pháp lý của hai thực thể này là không thể có yêu sách chủ quyền hay quyền chiếm đóng. Nhưng chúng lại nằm trong vùng 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Philippines kẻ từ đảo Palawan[18].

Do đó, để trả lời yêu sách số 5 này của Philippines, Tòa cần phải xem xét trong vùng bán kính 200 hải lý lấy trọng tâm là 2 thực thể này, không có thực thể nào khác mang tính chất là đảo theo điều 121.3 của UNCLOS. Việc này là vô cùng cần thiết, bởi vì nếu trong vùng đường tròn đấy có một thực thể là đảo, nó sẽ dẫn đến hiện tượng chồng lấn giữa EEZ của thực thể ấy và EEZ của Philippines. Nếu có hiện tượng này xảy ra Tòa không thể trả lời yêu sách số 5 của Philippines vì tranh chấp lúc này sẽ rơi vào phân định biển, nằm ngoài thẩm quyền xem xét của Tòa. Bên cạnh đó, 2 đường tròn này gần như bao trọn quần đảo Trường Sa. Do đó, Tòa bắt buộc phải xác định bản chất pháp lý của tất cả các thực thể nằm trong quần đảo này. Điều này là hoàn toàn hợp lý và nằm trong thẩm quyền của Tòa, nên không thể nói Tòa đã vượt quá yêu cầu của Philippines.

Và khi Tòa đã xác định tất cả thực thể tại Trường Sa không thoả được các điều kiện nêu ra trong đều 121 của Công ước để có thể xem là đảo, và các thực thể này không thể tạo ra một vùng biển 200 hải lý bao quanh nó; Tòa có thể đi đến kết luận Mischief Reef (Vành Khăn) và Second Thomas Shoal (Cỏ Mây) thuộc về vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Philippines.

Ngoài ra, việc xác định này còn giúp Tòa dễ dàng trả lời yêu sách số 8 trong đệ trình của Philippines. Theo yêu sách này, Philippines yêu cầu Tòa tuyên bố rằng Trung Quốc đã ngăn chặn một cách phi pháp những hoạt động thuộc về quyền chủ quyền của Philippines trong vùng EEZ và thềm lục địa của mình, bao gồm các hoạt động khai thác sinh vật sống và tài nguyên kháong sản tại vùng này. Do Tòa đã xác định các thực thể tại Trường Sa không tạo ra EEZ và thềm lục địa cộng với việc Mischief Reef (Vành Khăn) và Second Thomas Shoal (Cỏ Mây) nằm hoàn toàn trong EEZ và thềm lục địa của Philippines, nên sẽ dẫn đến việc một số vùng biển tại Trường Sa, đặc biện vùng biển xung quanh hai thực thể kể trên, thuộc về quyền chủ quyền của Philippines và chỉ có Philippines được quyền đánh bắt cá và khai thác tài nguyên tại khu vực này.  Căn cứ vào đó, Tòa xác định việc Trung Quốc tiến hành phân lô khai thác dầu khí (lô GSEC101 và lô SC58), dùng tàu xua đuổi ngư dân Philippines và ra lệnh cấm đánh bắt cá gần khu vực Mischief Reef (Vành Khăn) và Second Thomas Shoal (Cỏ Mây) là những hành động phi pháp, vi phạm các điều khoản trong UNCLOS (cụ thể là các điều 56, 58 và 77)[19].

 

Các lập luận khác

Bên cạnh đó, còn có các lập luận khác của các học giả thân Trung Quốc tập trung công kích vào tính chính đáng của Tòa. Điển hình là các lập luận tấn công vào cựu giám đốc Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS), thẩm phán Shunji Yanai. Họ cho rằng việc ông Yanai là người Nhật và là người ra quyết định chọn Trọng tài cho vụ kiện của Phi-líp-pin và Trung Quốc, nên chắc chắn sẽ có hiện tượng thiên vị, không công bằng và không công tâm trong việc thành lập Tòa Trọng tài được thành lập bởi phụ lục VII giải quyết vụ kiện này. Ngoài ra có các lập luận cho rằng việc Tòa Trọng tài chỉ có 5 trọng tài viên nên phán quyết của họ không có sức thuyết phục bằng những phán quyết được đưa ra bởi những Tòa án quốc tế như ITLOS (21 thẩm phán) hoặc ICJ (15 thẩm phán). Nhưng những người đưa ra lập luận này đã quên rằng chính việc Trung Quốc từ chối xuất hiện trước Tòa, từ chối tham gia vào vụ kiện mới dẫn đến hai hậu quả pháp lý trên.

Trung Quốc đã có thể chấp nhận đơn kiện của Philippines và chọn Tòa ITLOS hoặc ICJ để cùng Philippines giải quyết tranh chấp.Nhưng Trung Quốc đã không làm thế. Họ chọn phương án vắng mặt trước Tòa. Do đó, căn cứ theo điều 287 của Công ước, một bên trong tranh chấp vẫn có thể đơn phương đệ đơn lên Tòa án quốc tế giải quyết tranh chấp và Tòa án thụ lý sẽ là Tòa Trọng tài phụ lục VII.

Trung Quốc đã có thể chấp nhận cùng Philippines giải quyết tranh chấp trước Tòa Trọng tài phụ lục VII và Trung Quốc hoàn toàn có quyền chọn Trọng tài viên theo ý muốn của mình Nhưng Trung Quốc đã không làm thế. Họ chọn phương án ẩy chay vụ kiện. Do đó, theo quy định tại điều 3 phụ lục VII của Công ước, giám đốc của ITLOS phải lựa chọn Trọng tài cho bên vắng mặt. Như vậy, những lập luận trên tấn công vào tính chính đáng của Tòa là hoàn toàn không thoả đáng, khi những hệ quả pháp lý trên đều xuất phát từ hành động của Trung Quốc.

Và cho đến ngày hôm nay, Trung Quốc đã có những tuyên bố và hành động thể hiện quan điểm Trung Quốc sẽ không tuân thủ theo phán quyết ngày 12 tháng 7 của Tòa Trọng tài. Hành vi này của Trung Quốc được biện minh rằng vì theo điều 38, Quy chế Tòa án quốc tế phán quyết của Tòa Trọng tài không nằm trong nguồn chính của Luật quốc tế, nên việc Trung Quốc không thực hiện phán quyết không đồng nghĩa Trung Quốc vi phạm Luật quốc tế. Lập luận này hoàn toàn sai lầm về mặt pháp lý. Như đã nói ở trên, điều 296 của Công ước Luật biển quy định, phán quyết của Tòa án quốc tế hoặc Tòa Trọng tài được thành lập theo Công ước (Tòa Trọng tài phụ lục VII) là chung thẩm và bắt buộc phải được thực hiện bởi các bên trong phán quyết. Trung Quốc, dù xuất hiện hay không xuất hiện trước Tòa, vẫn là một bên trong phán quyết. Do đó, Trung Quốc phải có nghĩa vụ thực hiện phán quyết này. Nếu không, Trung Quốc đã vi phạm điều 296 của Công ước, đây là nguồn của Luật quốc tế cũng chính theo điều 38, Quy chế Tòa án quốc tế đã dẫn ở trên. Như vậy, hành vi không tuân thủ phán quyết của Trung Quốc đồng nghĩa với việc Trung Quốc không tuân thủ luật pháp quốc tế.

Cuối cùng, có ý kiến đưa ra nếu Trung Quốc rút khỏi Công ước, Trung Quốc có thể tránh khỏi việc thực hiện phán quyết của Tòa. Lập luận này khó mang tính thuyết phục bởi hai điểm. Thứ nhất, theo điều 317 của UNCLOS, các quốc gia có quyền tuyên bố rút khỏi UNCLOS, nhưng việc rút khỏi Công ước không làm mất đi nghĩa vụ phải thực hiện của quốc gia này khi nó còn là thành viên trong ít nhất là một năm sau khi tuyên bố. Do đó, việc rút khỏi UNCLOS không làm mất đi nghĩa vụ phải thực thiện phán quyết của Tòa Trọng tài của Trung Quốc. Thứ hai, khi là thành viên của UNCLOS, Trung Quốc được hưởng lợi rất nhiều từ các quy định trong UNCLOS, điển hình là các chế định về vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa, do đó, ít có khả năng Trung Quốc từ chối những quyền lợi này chỉ để trốn tránh việc thực hiện phán quyết ngày 12 tháng 7 vừa qua.

Kết luận:

Những lập luận phán đối từ sự thành lập, thẩm quyền, đến phán quyết và tính chính đáng của Toà trọng tài phụ lục VII giải quyết vụ kiện giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc từ chính Trung Quốc hoặc các học giả thân Trung Quốc đều có thể bị bác bỏ một cách logic và hợp pháp theo luật quốc tế. Toà Trọng tài đã rất thận trọng trong việc tách quá trình tố tụng thành 2 phiên khác nhau. Một phiên chỉ để xem xét về thẩm quyền; một phiên cuối cùng giải quyết về nội dung tranh chấp. Đặc biệt phán quyết cuối cùng dài hơn 500 trang của Toà giải quyết rất cặn kẽ từng yêu sách của Phi-líp-pin cho thấy sự chi tiết của Toà, và tính chặt chẽ trong từng lập luận của đoàn thẩm phán. Do đó, có thể nói những tấn công vào phiên Toà này được đề cập ở trên thể hiện một thái độ xem thường công lý và sự hời hợt trong việc nghiên cứu luật biển quốc tế nói riêng và luật pháp quốc tế nói chung. Tuy nhiên, thái độ này không làm mất đi tính chất pháp lý bắt buộc của phán quyết, và những hành động không tuân thủ phán quyết cần bị chỉ trích mạnh mẽ bởi cộng đồng quốc tế.

Phạm Ngọc Minh Trang

Khoa Quan hệ quốc tế, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Tp. Hồ Chí Minh

(*) Bài viết là một phần của báo cáo trình bài tại tọa đàm quốc tế “Cập nhật các vấn đề pháp lý và chính sách tại biển Đông sau phán quyết của Tòa Trọng tài” vào sáng 22/7 do Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và chính sách quốc gia, Trường Đại học KHXH&NV, Tp HCM đồng tổ chức.

———————————————————

[1] Phán quyết về thẩm quyền, Vụ kiện Phi-líp-pin v Trung Quốc, (Toà Trọng tài Phụ lục VII, UNCLOS), ngày 29 tháng 10 năm 2013, đoạn 31.

[2] Full Text: China Adheres to the Position of Settling Through Negotiation the Relevant Disputes Between China and the Philippines in the South China Sea, Global Times, http://www.globaltimes.cn/content/993982.shtml, truy cập ngày 27 tháng 7 năm 2016.

[3] Yêu sách 1 và 2 của Phi-líp-pin đệ trình lên Toà Trọng tài phụ lục VII. Phán quyết (cuối cùng), Vụ kiện Phi-líp-pin v Trung Quốc, (Toà Trọng tài phụ lục VII, UNCLOS), ngày 12 tháng 7 năm 2016, đoạn 169.

[4] Phán quyết về thẩm quyền, đd, đoạn 398.   [5] Phán quyết (cuối cùng), đd,  đoạn 276-278.   [6] Phán quyết (cuối cùng), đd, đoạn 205.   [7] Phán quyết (cuối cùng) đd, đoạn 214.   [8] Phán quyết (cuối cùng), đd, đoạn 229.   [9] Phán quyết (cuối cùng), đd, đoạn 239.   [10] Phán quyết (cuối cùng), đd, đoạn 246.   [11] Phán quyết (cuồi cùng), đd, đoạn 276-278.   [12] Phán quyết về thẩm quyền, đd, đoạn 152.   [13] Như trên.   [14] Phán quyết (cuối cùng), đd, đoạn 306.   [15] Phán quyết (cuối cùng), đd, đoạn 626.   [16] Phán quyết (cuối cùng) đd, đoạn 382-384.   [17] Phán quyết về thẩm quyền, đd, đoạn 229, 289.   [18] Phán quyết cuối cùng, đd, đoạn 647.   [19] Phán quyết (cuối cùng), đd, đoạn 716.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: