[116] Vai trò của Việt Nam trong Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần hai: “chủ nhà”, môi giới, trung gian, hay hòa giải?

Bài viết đặc biệt nhân Thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên lần hai đang diễn ra tại Hà Nội.

Lý thuyết về giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp ngoại giao

Nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế cùng với nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực là hai trong các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế. Để giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, các bên có thể sử dụng mọi biện pháp hòa bình theo thỏa thuận của các bên đó, có thể là các biện pháp ngoại giao hoặc các biện pháp tài phán. Trong sự kiện Thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên, có thể thấy bốn biện pháp có thể liên quan: đàm phán (negotiation), môi giới (good office), trung gian (mediation), và hòa giải (conciliation).

Theo JG Merrills,[1] đặc trưng của các biện pháp trên là:

Biện pháp

Đặc trưng

Đàm phán

Không có sự tham gia của bên thứ ba.

Các bên tranh chấp trực tiếp trao đổi với nhau.

Môi giới

Có sự tham gia của bên thứ ba.

Bên thứ ba có vai trò kết nối, thuyết phục các bên tranh chấp ngồi lại với nhau.

Bên thứ ba không tham gia vào tiến trình đàm phán giữa các bên tranh chấp.

Trung gian

Có sự tham gia của bên thứ ba.

Bên thứ ba tham gia sâu hơn vào tiến trình đàm phán giữa các bên tranh chấp, tự đưa ra đề xuất giải pháp, trao đổi về các đề xuất của các bên.

Hòa giải

Có sự tham gia của bên thứ ba.

Bên thứ ba tham gia rất sâu vào tiến trình đàm phán, tự mình xem xét tranh chấp và đưa ra các đề xuất cho các bên tranh chấp.

Nếu dựa vào các đặc trưng trên để đánh giá vai trò của Việt Nam trong Thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên thì khó có thể có câu trả lời chính xác. Việt Nam không có vẻ có thể đóng vai trò trung gian và hòa giải, do Mỹ và Triều Tiên tiến hành đàm phán trực tiếp với nhau mà không có sự tham gia của Việt Nam một cách thực chất về nội dung.

Việt Nam cũng có vẻ không có vai trò môi giới vì thông tin công khai không cho thấy Việt Nam có tác động thuyết phục Mỹ và Triều Tiên tiến hành thượng đỉnh lần thứ hai, mà việc lựa chọn Việt Nam diễn ra sau khi có quyết định tổ chức thượng đỉnh. Trong cuộc hội đàm giữa Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ Pompeo ngày 26.02.2019, Việt Nam “đánh giá cao việc Mỹ và Triều Tiên lựa chọn Việt Nam là địa điểm cho Cuộc gặp Thượng đỉnh lần thứ hai,” còn phía Mỹ “cảm ơn và đánh giá cao Việt Nam cung cấp địa điểm cho cuộc gặp.”[2] Đương nhiên, có thể có nhiều thông tin vẫn chưa/không được công khai và có thể cho thấy vai trò lớn hơn của Việt Nam.

Trường hợp Thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên lần thứ 2 tại Việt Nam

Khung lý thuyết về các biện pháp phổ biến cùng với đặc trưng của từng biện pháp trên chỉ mang tính chất điển hình, và có thể không phản ánh được thực tế ngoại giao giữa các nước. Có đôi khi biện pháp được sử dụng lại là sự kết hợp, trộn lẫn giữa các biện pháp điển hình trên. Hoặc, vai trò của bên thứ ba có sự thay đổi trong tiến trình giải quyết tranh chấp, ví dụ như một bên là môi giới sau đó được tin tưởng và dần đóng vai trò trung gian, hoặc từ vai trò hòa giải nhưng các đề xuất không được như kỳ vọng thì thực tế sẽ chỉ có vai trò trung gian. Tiến trình ngoại giao có tính linh động, linh hoạt và phong phú hơn so với lý thuyết về các biện pháp giải quyết tranh chấp.

LHT Hanoi summit

Trong trường hợp Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần hai, vai trò rõ ràng của Việt Nam là vai trò chủ nhà cung cấp một địa điểm phù hợp cho hai nước gặp nhau. Với hai nước có quan hệ không mấy hữu hảo như Mỹ và Triều Tiên, và phục vụ mục đích của từng nước, không thể để lựa chọn một địa điểm mà hai bên cùng cảm thấy phù hợp. Việc Việt Nam được lựa chọn là đia điểm tổ chức, phục trách “đảm bảo vấn đề an ninh, hậu cần, vật chất, hậu cần, tổ chức để hội nghị thượng đỉnh thành công”[3] không có nghĩa là đóng góp của Việt Nam không có ý nghĩa cho Hội nghị này. Những lý do để Việt Nam được lựa chọn chính là những nhân tố đóng góp của Việt Nam vào Hội nghị này thông qua ý nghĩa biểu tượng và việc tạo một môi trường thân thiện cho Mỹ và Triều Tiên đám phán:

  • Việt Nam là đối tác tin cậy của các bên, và là một trong số ít các quốc gia có quan hệ truyền thống với Triều Tiên, có chính sách đóng góp cho hòa bình và ổn định ở khu vực và thế giới;
  • Việt Nam có kinh nghiệm biến kẻ thù thành bạn bè, đã hòa giải thành công quan hệ với các cựu thù Mỹ và Trung Quốc (lưu ý rằng “hòa giải” ở đây được hiểu là tự hòa giải với nhau không có nội hàm như một biệt pháp giải quyết tranh chấp có sự tham gia của bên thứ ba như nêu ở trên);
  • Việt Nam là một mô hình cho việc một quốc gia cộng sản một đảng có thể thành công trong quan hệ quốc tế;
  • Việt Nam đã chuẩn bị chu đáo, trọng thị, dành nguồn lực đáng kể chi cho quá trình tổ chức Hội nghị, tiếp đón nồng hậu, chân tình ở mức cao nhất hai phái đoàn của Mỹ và Triều Tiên.

Những yếu tố vô hình này có đóng góp hữu hình lên tiến trình đàm phán giữa các bên.

Nhìn từ bên ngoài vào có thể còn nhiều cách nhìn khác nhau về vai trò thực sự của Việt Nam. Nhưng, có thể khẳng định rằng phía Việt Nam đã biết rõ ngay từ đầu vai trò của mình trong việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh này, bởi vì: phải biết mình là ai và họ cần gì để không can thiệp quá sâu hoặc ngược lại làm việc quá hời hợt trong quá trình Mỹ và Triều Tiên đàm phán với nhau. Nói nôm na là, đóng đúng vai, hát đúng bài.

Viễn cảnh tương lai

Trên một bài phỏng vấn trên Báo Thế giới & Việt Nam của Bộ Ngoại giao ngày 25.02.2019, TS. Lê Đình Tĩnh (Học viện Ngoại giao) nhắc đến “ngoại giao hòa giải”, và tiếc rằng “một cách thẳng thắn Việt Nam vẫn có những hạn chế để có thể phát huy tối ưu vai trò hòa giải vì bản chất vấn đề phức tạp, nguồn lực, nhân lực của ta còn khiêm tốn.”[4] Hi vọng trong tương lai với đất nước có vị thế quốc tế ngày càng cao, tiếng nói ngày càng có trọng lượng, nguồn lực về kinh tế lớn hơn, và nhất là có nguồn nhân lực chất lượng hơn thì Việt Nam có thể có vai trò tích cực, thực chất hơn trong các tiến trình giải quyết tranh chấp quốc tế, đóng góp vào hòa bình và an ninh quốc tế.

Trần H.D. Minh

—————————————————————-

[1] JG Merrills, International Dispute Settlement, 5th ed. (Cambridge University Press 2011) 26.

[2] Anh Sơn, “Ngoại trưởng Mỹ cảm ơn Việt Nam đã cung cấp địa điểm cho cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ – Triều”, Báo Thế giới & Việt Nam, ngày 26.02.2019, http://baoquocte.vn/ngoai-truong-my-cam-on-viet-nam-da-cung-cap-dia-diem-cho-cuoc-gap-thuong-dinh-my-trieu-88332.html (truy cập ngày 27.02.2019).

[3] Hùng Cương, Hoàng Lê, ‘Việt Nam đã hết sức sẵn sàng cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều’, Báo điện tử VOV, ngày 23.02.2019, https://vov.vn/the-gioi/viet-nam-da-het-suc-san-sang-cho-hoi-nghi-thuong-dinh-mytrieu-879094.vov (truy cập ngày 27.02.2019).

[4] Hải An, ‘Cơ hội tốt phát huy vai trò ngoại giao hòa giải của Việt Nam’, Báo Thế giới & Việt Nam, ngày 25.02.2019, http://baoquocte.vn/co-hoi-tot-phat-huy-vai-tro-ngoai-giao-hoa-giai-cua-viet-nam-88250.html&secureURL=eb882c38209e1c3ba97463d4b13c31e7 (truy cập ngày 27.02.2019).

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: