Update: Ngày 14 tháng 4 năm 2018 Mỹ, Anh và Pháp thực hiện một cuộc tấn công bằng tên lửa vào Syria với mục đích tương tự như vụ ngày 06/4/2017. Các khía cạnh pháp lý trong hai vụ việc là giống nhau (trừ việc Anh biện minh bằng lập luận về can thiệp nhân đạo, xem thêm về Can thiệp nhân đạo). Xem phân tích của GS. Marko Milanovic (Đại học Nottingham) ngay sau vụ tấn công: The Syria Stkies: Still Clearly Illegal trên blog EJIL Talk!
Bối cảnh
Ngày 04.04.2017 Mỹ cáo buộc chính phủ Syria đã thực hiện một cuộc tấn công hóa học, giết chết hàng chục người tại tỉnh Idlib, tây nam thành phố Aleppo.[1] Nhà Trắng gọi cuộc tấn công này là “tàn ác” và nhấn mạnh “cuộc tấn công hóa học hôm nay ở Syria chống lại dân thường bao gồm cả phụ nữ và trẻ em là đáng trách và không thể phớt lờ bởi thế giới văn mình.”[2] Phía Mỹ cho rằng Chính phủ Syria của Tổng thống Bashar al-Assad đứng sau cuộc tấn công này.[3] Trong khi đó, Nga cho rằng không có bằng chứng cho thấy chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad dính líu đến cuộc tấn công, và cho rằng cuộc tấn công này là một âm mưu kích động của những kẻ muốn lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad.[4]
Ngày 06.04.2017, Tổng thống Trump ra lệnh tấn công vào các cơ sở sân bây của quân đội Syria.[5] Tổng cộng 59 tên lửa hành trình Tomahawk đã được phóng, trong đó 58 quả đánh trúng các mục tiêu dự kiến.[6] Trong tuyên bố của mình,[7] Tổng thống Trump giải thích rằng:
“… Lợi ích an ninh quốc gia sống còn của Mỹ là ngăn chặn và loại trừ việc phổ biến và sử dụng vũ khí hóa học chết người. Rõ ràng không thể tranh cãi rằng Syria đã sử dụng vũ khí hóa học bị cấm, vi phạm nghĩa vụ theo Công ước chống vũ khí hóa học, và phớt lờ việc hối thúc của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Các nỗ lực hàng năm qua nhằm thay đổi hành vi của Assad đều thất bại, và thất bại một cách thảm hại. Theo đó, cuộc khủng hoảng người di cư tiếp tục trầm trọng và khu vực tiếp tục bị bất ổn, đe dọa đến nước Mỹ và các đồng minh.
Hôm nay, tôi kêu gọi tất cả các quốc gia văn minh cùng với chúng tôi tìm kiếm giải pháp chấm dứt tình trạng lạm sát và đổ máu ở Syria, và cũng chấm dứt chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức…”
Từ tuyên bố của Tổng thống Trump có thể thấy có hai lý do dẫn đến quyết định tấn công tên lửa và Syria. Lý do dài hạn là nhằm chống khủng bố, chống chính quyền của Tổng thống Assad và ngăn chặn khủng hoảng di cư. Lý do trực tiếp là nhằm bảo vệ “lợi ích an ninh quốc gia sống còn” của Mỹ nhằm ngăn chặn và loại trừ vũ khí hóa học, và trừng phạt chính phủ Assad khi cho rằng chính phủ này đã tiến hành cuộc tấn công hóa học ngày 04.04.2017.
Bài viết này không phân tích đầy đủ và trọn vẹn về các biện minh mà Tổng thống Trump đưa ra mà chủ yếu tập trung vào một số khía cạnh nhất định: Liệu Mỹ có thể viện dẫn quyền tự vệ theo Điều 51 hay can thiệp nhân đạo? Liệu luật pháp quốc tế có cho phép một quốc gia được quyền cưỡng chế thi hành luật pháp quốc tế, trong trường hợp này là quy định liên quan đến cấm vũ khí hóa học, và trừng phạt hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của quốc gia khác?
Quy định chung về sử dụng vũ lực trong luật pháp quốc tế[8]
Luật pháp quốc tế quy định nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực. Đây là một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, ghi nhận trong nhiều điều ước quốc tế quan trọng, đồng thời là một quy định tập quán quốc tế và quy phạm jus cogen. Nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực có hai ngoại lệ được chấp nhận rộng rãi: tự vệ theo Điều 51 và sử dụng vũ lực theo sự cho phép của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc theo Chương VII Hiến chương Liên hợp quốc. Đôi khi các quốc gia cũng viện dẫn có lý do khác để sử dụng vũ lực như can thiệp nhân đạo hay sự đồng ý của quốc gia sở tại.
Trong trường hợp cuộc tấn công ngày 06.04.2017 của Mỹ vào Syria, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không có bất kỳ nghị quyết nào cho phép sử dụng vũ lực, và Syria cũng không hề đồng ý cho Mỹ được sử dụng vũ lực trong lãnh thổ của mình. Do đó, nhiều khả năng tự vệ và can thiệp nhân đạo là hai cơ sở cần phải xem xét trong trường hợp này. Bên cạnh đó, một số căn cứ khác cũng được Tổng thống Trump đưa ra do đó sẽ cũng cần được xem xét đến, cụ thể là sử dụng vũ lực để bảo vệ lợi ích quốc gia, cưỡng chế thi hành luật pháp quốc tế và trừng phát hành vi vi phạm luật pháp quốc tế.
Tự vệ[9]
Tự vệ theo Điều 51 Hiến chương yêu cầu phải có tấn công vũ trang. Trong trường hợp này, không có bất kỳ bằng chứng hay sự kiện nào cho thấy nước Mỹ bị tấn công vũ trang. Kể cả nếu viện dẫn đến tự vệ phủ đầu hay tự vệ phòng ngừa thì có vẻ cũng không đủ cơ sở để cho rằng có bất kỳ mối đe dọa trực tiếp gần kề nào từ phía Syria chống lại nước Mỹ. Trong các lần bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học trước đây, không lần nào việc sử dụng chống lại binh lính Mỹ hay cơ sở hạ tầng, thiết bị, phương tiện của Mỹ. Hơn nữa các vụ việc đó có phạm vi nhỏ, hẹp. Kể cả khi thực sự việc sử dụng vũ khí hóa học có xảy ra thì sẽ cần nhiều bằng chứng hơn để chứng minh nước Mỹ bị đe dọa tấn công vũ trang. Cũng cần lưu ý là học thuyết tự vệ phủ đầu hay tự vệ phòng ngừa không được thừa nhận rộng rãi.
Trong Vụ Nicaragua vs Mỹ, Tòa ICJ đã từng bác bỏ lập luận rằng Nicaragua đã vi phạm nhân quyền để biện minh cho hành vi sử dụng vũ lực của Mỹ.[10] Tòa cũng tuyên bố luật pháp quốc tế không cho phép việc sử dụng vũ lực để phản ứng lại một hành vi không cấu thành tấn công vũ trang.[11] Như vậy, có thể thấy việc vi phạm luật pháp quốc tế nhưng không đến mức tấn công vũ trang thì không thể bị đáp trả bằng việc sử dụng vũ lực. Trong trường hợp Syria, giải sử như Syria thực sự sử dụng vũ khí hóa học, vi phạm quy định cấm của luật pháp quốc tế nhưng rõ ràng hành vi này không thể được xem là tấn công vũ trang vào bất kỳ nước nào, bao gồm cả Mỹ, để là lý do hợp pháp để Mỹ tấn công bằng tên lửa vào Syria.
Điều 51 Hiến chương quy định khi một quốc gia có hành động tự vệ cần ngay lập tức thông báo cho Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc biết. Sau cuộc tấn công bằng tên lửa của Mỹ ngày 06.7.2017 Mỹ không có vẻ đã thông báo cho Hội đồng Bảo an. Đây có thể là một bằng chứng cho thấy chính nước Mỹ cũng không cho rằng mình đang thực thi quyền tự vệ theo Điều 51.
Trong Vụ Congo vs Uganda, Tòa ICJ đã dựa vào ba bằng chứng rằng Uganda không báo cáo lên Hội đồng Bảo an, không trực tiếp viện dẫn đến quyền tự vệ và không có bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào Uganda, để kết luận rằng Uganda không thể có cơ sở pháp lý và thực tế để thực thi quyền tự vệ theo Điều 51.[12]
Tóm lại, Mỹ gần như không thể biện minh hành động phóng tên lửa vào Syria ngày 06/7/2017 là hành động tư vệ theo Điều 51 của Hiến chương.
Can thiệp nhân đạo[13]
Can thiệp nhân đạo là một học thuyết gây nhiều tranh cãi, và chưa được chấp nhận là một ngoại lệ hợp pháp để sử dụng vũ lực trong luật pháp quốc tế. Trong bài viết này, tác giả giả định rằng nếu can thiệp nhân đạo là hợp pháp thì liệu bối cảnh vụ việc có thỏa mãn các điều kiện để tiến hành sử dụng vũ lực hay không? Thông thường, có ba điều kiện liên quan sau đây:
- Có bằng chứng thuyết phục, được toàn thể công đồng quốc tế công nhận rộng rãi về sự tồn tại của thảm họa nhân đạo nghiêm trọng cần thiết phải có hành động loại trừ ngay;
- Hoàn cảnh của vụ việc rõ ràng và khách quan là không có bất kỳ biện pháp thay thế nào ngoài sử dụng vũ lực – sử dụng vũ lực là biện pháp cuối cùng khả thi; và
- Việc sử dụng vũ lực ở mức cần thiết tối thiểu và tương xứng để loại trừ thảm họa nhân đạo đó.
Trong bối cảnh vụ việc liên quan đến cáo buộc tấn công bằng vũ khí hóa học ngày 04.04.2017 tại Syria, xét theo tiêu chuẩn rộng rãi và thấp nhất của các điều kiện trên, có vẻ không thỏa mãn cả tất cả các điều kiện. Việc sử dụng vũ khí hóa học, dù thiệt hại gây ra trong phạm vi hạn chế và cuộc tấn công đã chấm dứt, không còn tiếp tục, nhưng cũng có thể được xem là thảm họa nhân đạo nghiêm trọng, dựa vào bản chất của loại vũ khí này. Điều kiện thứ ba cũng có thể được xem là thỏa mãn do tính chất hạn chế của cuộc tấn công bằng tên lửa.
Tuy nhiên, điều kiện thứ hai khó có thể được thỏa mãn do việc sử dụng vũ lực không thể được xem là giải pháp cuối cùng khả thi. Thứ nhất, chưa có bằng chứng xác thực về việc ai đứng sau việc tấn công bằng vũ khí hóa học ngày 04.04.2017. Nếu như thông tin phía Nga đưa ra là chính xác thì việc tấn công vào các cơ sở quân sự của chính quyền Tổng thống Assad sẽ khuyến khích các nhóm chống chính phủ ở Syria thực hiện thêm các cuộc tấn công tương tự trong tương lai. Hơn nữa, giải pháp cho vấn đề ở Syria cần được tiến hành trên bàn đàm phán và việc chấm dứt cuộc nội chiến mới là giải pháp hiệu quả nhất để chấm dứt các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học trong tương lai.
Tóm lại, mặc dù có thể có ý kiến cho rằng hành động của Mỹ sẽ có tác dụng mạnh mẽ ngăn chặn mọi cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học trong tương lai, qua đó ngăn chặn thảm họa nhân đạo xảy ra, nhưng về mặt pháp lý, rất khó cho Mỹ để dựa trên căn cứ can thiệp nhân đạo để biện minh cho hành động tấn công bằng tên lửa ngày 06.04.2017. Và cũng cần nhấn mạnh, can thiệp nhân đạo vẫn không được chấp nhận rộng rãi là một ngoại lệ cho việc sử dụng vũ lực theo luật pháp quốc tế hiện nay.
Sử dụng vũ lực để cưỡng chế thi hành luật pháp quốc tế? để trừng phạt hành vi vi phạm luật pháp quốc tế?
Luật pháp quốc tế khác với luật pháp quốc gia ở rất nhiều khía cạnh quan trọng. Luật pháp quốc tế không có cơ chế tập trung, có hiệu lực chung để cưỡng chế thi hành luật (hành pháp) và bảo vệ pháp luật (tư pháp). Toàn bộ hệ thống pháp luật quốc tế được đặt trên cơ sở sự đồng ý của các quốc gia; sự đồng ý tạo ra luật, sự đồng ý thực thi luật và sự đồng ý chấp nhận thẩm quyền của cơ quan tài phán quốc tế khi có tranh chấp. Trong vấn đề thực thi pháp luật, luật pháp quốc tế quy định nguyên tắc pacta sunt servanda, theo đó, các quốc gia có nghĩa vụ tự nguyên thực thi các cam kết quốc tế có hiệu lực với mình. Nếu quốc gia đó không tự nguyên thực hiện, cộng đồng quốc tế hoặc các quốc gia riêng lẻ có thể gây áp lực bằng nhiều cách, tạo dư luận chung, hoặc trả đũa phi-vũ lực để buộc quốc gia đó phải thực hiện luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, dù bằng cách nào, thì các biện pháp trên phải không vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực, nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ và nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia.
Trong trường hợp cuộc tấn công bằng tên lửa của Mỹ vào Syria ngày 06.07.2017, Mỹ không thể tự nhận vai trò cưỡng chế hay trừng phạt Syria cho các cáo buộc vi phạm luật pháp quốc tế bằng vũ lực. Luật pháp quốc tế không trao cho bất kỳ quốc gia nào, kể cả các siêu cường, một vai trò pháp lý trong việc cưỡng chế hay trừng phạt. Mỹ có thể tiến hành các biện pháp chính trị-ngoại giao, kinh tế như cắt đứt quan hệ ngoại giao, kinh tế với Syria, nhưng việc sử dụng vũ lực sẽ vi phạm vào nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng vũ lực và nguyên tắc tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của quốc gia khác. Luật pháp quốc tế không vận hành theo cách thức trao cho một hay một vài quốc gia quyền được cưỡng chế thi hành hay trừng phạt vi phạm. Luật pháp vận hành theo một cách thức khác, dù có thể có ý kiến cho rằng cách thức vận hành như thế không hiệu quả, chậm chạp, trễ nãi và vô dụng.
Nhìn chung, qua các phân tích sơ bộ nêu trên, rất khó để tìm ra biện minh hợp lý cho hành động tấn công bằng tên lửa của Mỹ vào Syria ngày 06/04/2017 sau khi có cáo buộc chính quyền al-Assad tiến hành tấn công bằng vũ khí hóa học hai ngày trước đó. Việc sử dụng vũ khí hóa học vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, nhưng cần được xử lý theo cách thức bền vững và phù hợp luật pháp quốc tế hơn.
Trần H. D. Minh
————————————————————-
[1] Alexander Smith, Syria gas attack reportedly kills dozens in Idlib province, NBC News, ngày 04/04/2017, xem tại http://www.nbcnews.com/news/world/syria-chemical-attack-reportedly-kills-dozens-idlib-province-n742416
[2] William Gallo, White House: Syria chemical attack heinous, but Assad a ‘political reality’, VOA, ngày 04/04/2017, xem tại https://www.voanews.com/a/white-house-syria-chemical-attack-heinous-assad-political-reality/3796312.html
[3] Statement from President Donal J. Trump, ngày 04/04/2017, xem tại https://www.whitehouse.gov/the-press-office/2017/04/04/statement-president-donald-j-trump; BBC, Syria ‘cheminal attack’ down to Assad, US says, ngày 04/04/2017, xem tại http://www.bbc.com/news/world-middle-east-39493854
[4] Ian Phillips, Vladimir Isachenkov (AP), Putin: Syria chemical attack was provocation agaisnt Assad, ngày 02/06/2017, xem tại http://abcnews.go.com/International/wireStory/putin-syria-chemical-attack-provocation-assad-47790720
[5] Statement by President Trump on Syria, ngày 06/04/2017, xem tại https://www.whitehouse.gov/the-press-office/2017/04/06/statement-president-trump-syria
[6] Kube, Johnson, Jackson, Smith, U.S. launches missiles at Syrian base over chemical weapons attack, ngày 07/04/2017, xem tại http://www.nbcnews.com/news/us-news/u-s-launches-missiles-syrian-base-after-chemical-weapons-attack-n743636
[7] Statement by President Trump on Syria, ngày 06/04/2017, xem tại https://www.whitehouse.gov/the-press-office/2017/04/06/statement-president-trump-syria
[8] Phần này xem bài trước: Nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực (http://iuscogen-vie.org/2017/03/28/12/), và Quyền tự vệ chính đáng (https://iuscogens-vie.org/2017/03/31/13/) [9] Như trên.
[10] Vụ Nicaragua vs. Mỹ, Phán quyết năm 1986, đoạn 268. [11] Như trên, đoạn 210 – 211.
[12] Vụ Congo vs Uganda, Phán quyết 2005, đoạn 144 – 147.
[13] Xem chú thích 8.
This is a ggreat blog