[76] Mỹ, Anh và Pháp tấn công tên lửa vào Syria ngày 14.04.2018: Liệu một chuỗi vi phạm luật pháp quốc tế liên tục có dẫn đến hình thành một ngoại lệ hợp pháp?

Ngày 14 tháng 04 năm 2018 Mỹ, Anh và Pháp đã phóng tên lửa tấn công vào lãnh thổ của Syria. Hành động này của ba nước nhằm trừng phạt Syria với cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học. Anh là nước duy nhất trong ba nước đưa ra lập luận pháp lý biện minh cho hành động sử dụng vũ lực này dựa trên can thiệp nhân đạo (humanitarian intervention), xem lập luận của Chính phủ Anh tại đây. Hành động này của ba nước rõ ràng là vi phạm luật pháp quốc tế (xem chi tiết bài của Marko Milanovic tại EJIL Talk!: The Syria Strikes: Still Clearly Illegal, và bài của Kevin Jon Heller trên Opinio Juris: The Coming Attack on Syria Will Be Unlawful). Năm ngoái, vào ngày 06 tháng 04 năm 2017 Mỹ cũng tiến hành tấn công vào lãnh thổ Syria bằng tên lửa với cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tương tự (xem post này). Có thể thấy cả hai hành động sử dụng vũ lực này đều được biện minh giống nhau – nhằm trừng phạt và răn đe chống lại việc sử dụng vũ khí hóa học của một nước – và đều được xem là vi phạm nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực trong luật pháp quốc tế, hoàn toàn không rơi vào bất kỳ ngoại lệ nào của nguyên tắc này (quyền tự vệ chính đáng và sử dụng vũ lực theo Chương VII Hiến chương Liên hợp quốc). Bài viết này sẽ không phân tích tính chất bất hợp pháp của hành vi vi phạm này, mà nhìn vấn đề ở khía cạnh khác: Liệu một chuỗi các vi phạm luật quốc tế có cấu thành một ngoại lệ hợp pháp hay không?

US missle attack Syria 2018

Nguồn ảnh: VOANews

Hầu hết các quy định pháp luật, cả pháp luật quốc gia và quốc tế, đều có ngoại lệ. Một ngoại lệ là một quy định cho phép thực hiện những hành vi trái với một quy định chung hay một nguyên tắc chung, mà hành vi đó sẽ không được xem là vi phạm pháp luật quốc tế và do đó không làm phát sinh trách nhiệm pháp lý cho quốc gia thực hiện hành vi. Cũng lưu ý rằng một hành vi thực hiện theo một ngoại lệ thì không làm phát sinh trách nhiệm pháp lý, nhưng chiều ngược lại chưa chắc đúng: một hành vi không làm phát sinh trách nhiệm pháp lý hoàn toàn có thể là một hành vi vi phạm nhưng rơi vào trường hợp loại trừ tính chất sai phạm (xem thêm post này).

Về nguyên tắc, một chuỗi hành vi vi phạm một quy định của luật quốc tế có thể hình thành một quy định mang tính chất ngoại lệ đối với quy định bị vi phạm trong tập quán quốc tế. Sau đó, hành vi tương tự trong tương lai sẽ không được xem là vi phạm luật quốc tế nữa (những hành vi trước đó vẫn là vi phạm theo luật hiện hành tại thời điểm thực hiện hành vi). Về bản chất, việc hình thành một ngoại lệ mới là việc xuất hiện một quy định mới trong luật tập quán quốc tế làm thay đổi quy định chung hiện tồn tại thông qua việc quy định thêm một trường hợp mà quy định chung sẽ không được áp dụng. Các quốc gia cũng có thể ký kết điều ước quốc tế để tạo ra một ngoại lệ cho một quy định điều ước hiện tồn tại giữa họ.

Do không có quy định trong bất kỳ điều ước quốc tế nào cho phép sử dụng vũ lực trong trường hợp trừng phạt và răn đe việc sử dụng vũ khí hóa học, nên câu trả lời cho câu hỏi cho câu hỏi trên phụ thuộc vào việc có hay không một quy định tập quán quốc tế cho phép trường hợp sử dụng vũ lực này. Theo Điều 38(1)(b) Quy chế Tòa án Công lý Quốc tế, để chứng minh có tồn tại một quy phạm tập quán quốc tế cần có bằng chứng thỏa mãn hai yếu tố: thực tiễn chung và opinion juris (xem thêm tại post này). Trong vụ việc này, hành vi sử dụng vũ lực tấn công vào Syria mới chỉ xảy ra hai lần, và chỉ giới hạn trong ba nước là Mỹ, Anh và Pháp. Việc lần tấn công thứ nhất vào tháng 04 năm 2017 chỉ có Mỹ, sau đó trong lần thứ hai vào tháng 04 năm 2018 có thêm Anh và Pháp có thể là chỉ dấu cho thấy thực tiễn đang được mở rộng. Nhưng số lượng quốc gia và số lượng hành vi quá hạn chế để cho thấy một thực tiễn chung, thậm chí không thể xem là thực tiễn khu vực.

Giả sử như trong tương lai, nhiều quốc gia hơn thực hiện hành vi này và hành vi diễn ra nhiều hơn thì yếu tố opinion juris cũng khó đạt được. Mỹ, AnhPháp viện dẫn mục đích trừng phạt và răn đe việc sử dụng vũ khí hóa học. Tuy nhiên, cả Tổng thống Mỹ và Tổng thống Pháp không nhắc đến nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực hay biện minh cho hành động của mình không vi phạm nguyên tắc này. Anh làm rõ rằng mục đích trên dựa trên căn cứu can thiệp nhân đạo chứng không phải trực tiếp dựa trên việc trừng phạt, răn đe việc sử dụng vũ khí hóa học. Như vậy, cả hai yếu tố cấu thành một quy định tập quán quốc tế đều không thỏa mãn, và do đó, không thể hình thành một ngoại lệ mới cho nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực. Hành vi vi phạm liên tục nguyên tắc này khi sử dụng vũ lực chống lại Syria chỉ có thể được xem là một chuỗi các vi phạm luật pháp quốc tế.

Ngoài ra, quan điểm của các quốc gia khác và cộng đồng quốc tế nói chung cũng là yếu tố cần tính đến khi xem xét liệu một quy định tập quán có hình thành. Bởi vì tập quán có thể được xem là phản ánh nhận thức chung của đa số các quốc gia trong cộng đồng quốc tế, do được hình thành dựa trên thực tiễn của các quốc gia.[1] Trong Vụ Nicaragua vs. USA, Tòa ICJ từng nhận định rằng: “Việc một quốc gia dựa trên một quyền mới hoặc một ngoại lệ chưa có tiền lệ của một nguyên tắc có thể sẽ có xu hướng sửa đổi một quy phạm tập quán quốc tế, nếu được các quốc gia khác cũng chia sẽ quan điểm đó.”[2] Trong vụ việc tấn công bằng tên lửa vào Syria, rõ ràng các quốc gia có quan điểm khác nhau (hoặc im lặng) về tính (bất) hợp pháp của hành vi tấn công tên lửa vào Syria cũng cho thấy có sự chia sẽ quan điểm giữa các quốc gia, hoặc ít nhất không có nhận thức chung thống nhất. Do đó, thậm chí không thể có một xu hướng nào cho thấy dấu hiệu nội hàm của nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực trong tập quán quốc tế sẽ bị thay đổi.

Một nhận định rất đáng chú ý của GS Marko Milanovic là có vẻ với những nước ủng hộ hành động của Mỹ, Anh và Pháp, họ chấp nhận việc vi phạm Điều 2(4) Hiến chương Liên hợp quốc trong một hay hai lần vì những mục đích chính trị và đạo đức, hơn là chấp nhận khái quát hóa và sửa đổi quy định trên để áp dụng cho các vụ việc tương tự trong tương lai. Đây là một thực tế, dù là đó là một thực tế bất hợp pháp (Xem thêm bài viết của Marko Milanovic về tính hợp pháp và tính chính đáng trên EJIL Talk! Illegal but Legitimate?.) Và câu hỏi tiếp theo là liệu nếu thế giới tiếp tục chấp nhận những vi phạm riêng lẻ, thì có hình thành một quy định tập quán hợp pháp hóa thành một quy định cho phép trong một số trường hợp vi phạm riêng lẻ không còn là vi phạm?

Trần H. D. Minh

Summary in English: The U.S. conducted two strikes (the other was in April 2017) with the same justification: A deterrence against the use of chemical weapons allegedly by Syria government. It is clear that  the U.S. strikes are unlawful and violated the non-use of force principle. They cannot be justified by any accepted exceptions to the principle. This post raises another question: Is it possible to form a new exception to the non-use of force principle by repeated violations? The answer is no, but what if the U.S. (and other states) keeps systematically violating the principle in future.

—————————————————————

[1] Malcolm N Shaw, International Law, 6th ed. (CUP 2008) 79.

[2] Vụ Nicaragua vs. Mỹ [1986] (Phán quyết) ICJ Rep. tr. 109, đoạn 207.

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: