[102] Quy phạm erga omnes trong luật pháp quốc tế

Định nghĩa quy phạm erga omnes – Tiêu chí xác định – Một số quy phạm erga omnes đã được công nhận – Quan hệ giữa quy phạm erga omnes và quy phạm jus cogens

1. Định nghĩa

Bên cạnh các nguồn của luật quốc tế, có một số các quy định có tính chất đặc thù khác với các quy định thông thường: quy phạm jus cogens và nghĩa vụ erga omnes. Cả hai dạng quy phạm này không được xem là một nguồn riêng, mà là một tính chất pháp lý đi kèm với một số quy định cụ thể, bất kể nguồn của quy phạm đó. Quy phạm jus cogens là quy phạm có giá trị pháp lý tối cao trong luật pháp quốc tế (xem them tại post này). Còn, nghĩa vụ erga omnes được hiểu là nghĩa vụ đối với tất cả.

Theo từ điển tiếng Latin của Đại học Oxford, erga omnes là một tính từ sử dụng trong luật quốc tế để chỉ tính chất “against, to, for, or by everyone; with regard to all parties, in respect of all people, states, etc.”[1] Như vậy, hiểu theo nghĩa thông thường, một quy phạm có tính chất erga omnes là một quy phạm có giá trị pháp lý đối với tất cả chủ thể của luật quốc tế, bao gồm quốc gia và tổ chức quốc tế liên chính phủ.

erga omnes

Trong Vụ Barcelona Traction, Tòa ICJ lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ “nghĩa vụ erga omnes”. Tòa cho rằng: “Có sự khác nhau quan trọng giữa nghĩa vụ của một Quốc gia đối với toàn thể cộng đồng quốc tế, và các nghĩa vụ phát sinh trong quan hệ với quốc gia khác trong vấn đề bảo hộ ngoại giao. Về  bản chất, nhóm nghĩa vụ thứ nhất là mối quan tâm của tất cả các Quốc gia. Với tầm quan trọng mà các quyền có liên quan, tất cả các Quốc gia có thể được xem là có lợi ích pháp lý trong việc bảo vệ các quyền này; đây là các nghĩa vụ erga omnes.”[2]

Tòa đưa ra một số ví dụ về nghĩa vụ erga omnes như: nghĩa vụ nghiêm cấm hành vi xâm lược, diệt chủng, các nguyên tắc và quy định liên quan đến các quyền cơ bản của con người, bao gồm nghĩa vụ cấm phân biệt chủng tộc và nô lệ.[3] Một số quy phạm erga omnes như chống diệt chủng đã được ghi nhận trong luật pháp quốc tế chung, một số khác thì được ghi nhận trong các văn kiện quốc tế phổ quát hay bán phổ quát (quasi-universal).[4]

2. Tiêu chí xác định một nghĩa vụ erga omnes

Trong phán quyết vụ việc trên, Tòa không đưa ra được một tiêu chí hay bộ tiêu chí rõ ràng để xác định một quy phạm có phải là quy phạm erga omnes hay không. Mặc dù vậy, qua nhận định và ví dụ trên, có thể rút ra một số tính chất của một quy phạm erga omnes:

  • Quy phạm erga omnes phải là quy phạm mà việc bảo vệ quyền hay thực thi nghĩa vụ liên quan đến quy phạm đó thuộc về lợi ích chung của tất cả các quốc gia.
  • Quy phạm erga omnes phải là quy phạm có phạm vi hiệu lực rộng rãi, phổ quát. Có thể là quy phạm tập quán quốc tế rang buộc tất cả các quốc gia hoặc quy phạm của các điều ước đa phương phổ quát hay bán phổ quát. Tiêu chí này cho phép loại bỏ các quy phạm điều chỉnh quan hệ song phương, khu vực hay các nhóm nhỏ các quốc gia. Đương nhiên, cụm từ “bán phổ quát” (quasi-universal) mà Tòa dùng có thể còn gây tranh cãi về mức độ phổ quát cần thiết.

3. Một số ví dụ về quy phạm erga omnes

Như đã đề cập ở trên, trong Vụ Barcelona Traction (1970), Tòa ICJ đã công nhận các quy định về nghiêm cấm hành vi xâm lược, diệt chủng, phân biệt chủng tộc và nô lệ là quy phạm erga omnes. Riêng về các quy định về chống diệt chủng, năm 1996 Tòa khẳng định “các quyền và nghĩa vụ được ghi nhận trong Công ước [chống diệt chủng năm 1949] là những quyền và nghĩa vụ erga omnes.”[5] Trong Vụ Đông Timor (1995), Tòa công nhận quyền dân tộc tự quyết có tính chất erga omnes.[6] Trong Ý kiến tư vấn về Việc Israel xây dựng bức tường trên lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine năm 2004, Tòa ICJ khẳng định lại quyền dân tộc tự quyết là một quyền erga omnes và khẳng định thêm rằng một số các nghĩa vụ theo luật nhân đạo quốc tế cũng có tính chất erga omnes.[7] Tóm lại, án lệ của Tòa ICJ cho thấy có ít nhất 06 nhóm quy định có tính chất erga omnes:

  1. Quy định về cấm xâm lược;
  2. Quy định về chống diệt chủng;
  3. Quy định về cấm phân biệt chủng tộc;
  4. Quy định về cấm hành vi nô lệ;
  5. Quyền dân tộc tự quyết;
  6. Một số các quy định của luật nhân đạo quốc tế.

Ngoài ra, các điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ cũng được công nhận là có hiệu lực erga omnes. Trong Vụ Eritrea/Yemen, Tòa trọng tài nhận định rằng: “[Mặc dù] các điều ước về biên giới và lãnh thổ được ký kết giữa hai bên sẽ res inter alios acta [không ảnh hưởng đến] bên thứ ba. Nhưng các điều ước này là một nhóm đặc biệt thể hiện một thực tế pháp lý nhất thiết có tác động đến các quốc gia thứ ban bở vì các điều ước này có hiệu lực erga omnes.”[8] Nói cách khác, các điều ước về biên giới lãnh thổ có hiệu lực rang buộc các quốc gia khác phải tôn trọng, dù các quốc gia đó không là thành viên của điều ước.

4. Quan hệ giữa nghĩa vụ erga omnes và quy phạm jus cogens

Đây là hai nhóm quy định có tính chất đặc thù trong luật pháp quốc tế, có sự khác biệt. Thứ nhất, các quy phạm jus cogens đều có tính chất erga omnes, nhưng không tất cả các quy phạm erga omnes đều có tính chất jus cogens. Quy phạm jus cogens là những quy phạm được toàn thể cộng đồng quốc tế công nhận và không cho phép có vi phạm. Với bản chất như thế, quy phạm jus cogens phải có hiệu lực với tất cả các quốc gia trong cộng đồng quốc tế không có ngoại lệ – nói cách khác, có hiệu lực erga omnes. Erga omnes chỉ là một tính chất của quy phạm jus cogens, bên cạnh tính chất quan trọng nhất là hiệu lực pháp lý tối cao. Trong khi đó, các quy phạm erga omnes không phải lúc nào cũng có hiệu lực pháp lý tối cao.

Từ nhận định trên, điểm thứ hai cần lưu ý là quy phạm erga omnes không có ưu thế so với các quy định khác của luật pháp quốc tế. Xét về phạm vi hiệu lực ràng buộc, quy phạm erga omnes ràng buộc tất cả các quốc gia, nhưng xét về hiệu lực pháp lý thì một quy phạm erga omnes cũng chỉ ngang bằng với tất cả các quy định khác của luật quốc tế. Trong Vụ Đông Timor, Tòa ICJ đã bác bỏ lập luận của Bồ Đào Nha cho rằng Tòa ICJ có thẩm quyền xem xét vụ việc kể cả khi Indonesia là một bên có quyền lợi liên quan không đồng ý với thẩm quyền của Tòa bởi vì tranh chấp được đệ trình liên quan đến một quy phạm erga omnes – ràng buộc tất cả các quốc gia. Tòa cho rằng vấn đề quy phạm bị cáo buộc vi phạm là quy phạm erga omnes và vấn đề thẩm quyền của Tòa là hai vấn đề khác nhau; Tòa không có thẩm quyền khi các bên tranh chấp không đồng ý, kể cả khi tranh chấp đó có liên quan đến một quy phạm erga omnes.[9]

Trần H. D. Minh

—————————————————————————

[1] Tra cứu trực tuyến tại https://en.oxforddictionaries.com/definition/erga_omnes (truy cập ngày 30/9/2018).

[2] Vụ Công ty Năng lượng, Ánh sáng và Truyền tải Barcelona (Bỉ vs Tây Ban Nha) [1970] (Phán quyết về nội dung) ICJ Reports 3, 33 [33].

[3] Như trên, [34].   [4] Như trên.

[5] Vụ Áp dụng Công ước về Ngăn chặn và Trừng phạt Tội ác Diệt chủng (Bosnia and Herzegovina vs Serbia) [1996] (Phán quyết về thẩm quyền) Tòa ICJ 595, 616 [31].

[6] Vụ Đông Timor (Bồ Đào Nha vs Australia) [1995] (Phán quyết) Tòa ICJ 90, 102 [29].

[7] Vụ việc về Hệ quả pháp lý của việc Xây dựng Bức tường trong Lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng [2004] (Ý kiến tư vấn) Tòa ICJ 136, 199 [155]-[157].

[8] Vụ kiện trọng tài giữa Eritrea và Yemen (Eritrea/Yemen) [1998] (Phán quyết giai đoạn một về Chủ quyền lãnh thổ và phạm vi tranh chấp) Tòa trọng tài 47 [153], xem tại đây https://pcacases.com/web/sendAttach/517 (truy cập ngày 30/9/2018).

[9] Vụ Đông Timor (n 6).

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: