[36] Phán quyết ngày 23.9.2017 về vụ Phân định biển giữa Ghana và Côte d’lvoire

Đây là phán quyết mới nhất của một cơ quan tài phán quyết tế liên quan đến vấn đề phân định biển. Phán quyết này được đưa bởi Viện đặc biệt (Special Chamber) củaTòa án Luật Biển Quốc tế (ITLOS) ra ngày 23/9/2017 với ý kiến nhất trí của tất cả năm thẩm phán tham gia Viện đặc biệt.

Bối cảnh

Vụ phân định biển được Ghana khởi kiện vào tháng 11/2014 theo thủ tục trọng tài tại Phụ lục VII của UNCLOS. Sau đó, Ghana và Côte d’lvoire (Bờ Biển Ngà) đã tham vấn nhau với sự tham gia của Chủ tịch ITLOS đã ký một thỏa thuận đặc biệt (special agreement) ngày 03/12/2014 để chuyển vụ tranh chấp sang một viện đặc biệt của Tòa ITLOS theo Điều 15(2) Quy chế Tòa ITLOS. Theo Điều 15(2), “Tòa sẽ thành lập một viện để giải quyết một tranh chấp cụ thể được đệ trình nếu có yêu cầu của các bên. Thành phần của viện này sẽ được Tòa quyết định với sự đồng ý của các bên.”[1]

Ngày 12/01/2015 Tòa ITLOS chấp nhận thỏa thuận này và quyết định thành lập Viện đặc biệt để giải quyết tranh chấp phân định biển giữa hai nước, gồm năm thẩm phán. Trong đó ba người đang là thẩm phán của Tòa ITLOS: Bouguetaia (người Algeria), Wolfrum (người Đức), Paik (người Hàn Quốc); hai thẩm phán adhoc gồm 01 người là cựu thẩm phán ITLOS: Mensah (người Ghana, do Ghana chỉ định) và Abraham (người Pháp, do Côte d’lvoire chỉ định).

map p 27

Bản đồ trích từ Phán quyết ngày 23/9/2017, tr. 27.

Nội dung phân định biển

Ghana và Côte d’lvoire là hai nước có bờ biển liền kề nhau và bao quanh Vịnh Guinea ở Tây châu Phi.Khu vực biển cần phân định nằm ở Đại Tây Dương. Không có bất kỳ đảo nào trong khu vực phân định. Hai nước đề nghị Viện tiến hành phân định biển trong vùng biển chồng lấn lãnh hải, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, bao gồm cả thềm lục địa vượt quá 200 hải lý. Tuy nhiên Ghana yêu cầu Viện chỉ tiến hành phân định biển trong trường hợp Viện cho rằng hai nước chưa có thỏa thuận ngầm phân định biển (tacit agreement). Sau khi xem xét bằng chứng, Viện cho rằng không tồn tại bất kỳ thỏa thuận ngầm như thế nên đã tiến hành phân định biển.

map p 108

Bản đồ trích từ Phán quyết ngày 23/9/2017, tr. 108.

Nguyên tắc và phương pháp phân định biển

Dựa trên quan điểm của hai nước, Viện đặc biệt cho rằng các bên đồng ý cho Viện “sử dụng phương pháp phân định biển giống nhau cho cả lãnh hải, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, cụ thể là phương pháp được pháp triển để phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.”[2] Hai bên cũng đồng ý chỉ vẽ một đường phân định duy nhất chung cho tất cả các vùng biển trên. Tuy nhiên Viện cũng nhấn mạnh rằng theo quy định của Công ước thì các quy định khác nhau áp dụng cho việc phân định lãnh hải (Điều 15) và phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (Điều 74 và 83). (xem post về Phân định biển nói chung)

Ghana và Côte d’lvoire có hai bất đồng liên quan đến phương pháp phân định biển:. Ghana yêu cầu áp dụng phương pháp đường trung tuyết/hoàn cảnh hữu quan (equidistance/relevant cicrumstances methodology), trong khi Côte de’voire yêu cầu áp dụng phương pháp đường phân giác (angle bisector methodology). Cụ thể hai nước không đồng ý với nhau về (1) liệu phương pháp đường trung tuyết/hoàn cảnh hữu quan có phải là phương pháp chủ đạo, do đó cần ưu tiên áp dụng, hay phương pháp đường phân giác mới cũng có giá trị ngang nhau; (2) các hoàn cảnh nào trong vụ việc này có thể dẫn đến việc áp dụng phương pháp đường phân giác.

Theo Viện, Điều 74(1) và 83(1) của Công ước không quy định một phương pháp cụ thể. Mục đích của việc phân định biển là phải đạt được một giải pháp công bằng (equitable result) – đây là quan điểm chung của các tòa án và trọng tài trong các vụ việc phân định biển trước đây. Ngoài ra, Viện này còn bổ sung thêm rằng quá trình phân định phải bảo đảm tính minh bạch (transparency) và có thể dự đoán trước (predictability).[3]

Viện khẳng định lại rằng phương pháp đường trung tuyến/hoàn cảnh hữu quan là phương pháp được áp dụng trong đa số các vụ việc phân định và là phương pháp được ưu tiên. Phương pháp đường phân giác chỉ áp dụng khi có một số hoàn cảnh đặc biệt.[4] Viện đã bác bỏ việc viện dẫn một số án lệ quốc tế sử dụng phương pháp đường phân giác của  Côte d’lvoire do các án lệ này hoặc trong vụ việc mà đặc điểm địa lý đặc biệt, phức tạp, hoặc đã không được các án lệ sau đó ủng hộ.[5] Viện cũng bác bỏ các điều ước phân định biển có sử dụng phương pháp đường phân giác mà Côte d’lvoire viện dẫn, do chúng có thể chịu ảnh hưởng của các yếu tố ngoài-pháp lý không được công bố (extra-legal considerations).[6]

Trong kết luận của mình, Viện cho rằng “án lệ quốc tế về phân định biển về nguyên tắc ủng hộ phương pháp đường trung tuyến/hoàn cảnh hữu quan […] các án lệ quốc tế mà trong đó phương pháp đường phân giác được áp dụng là do có các hoàn cảnh đặc thù của từng vụ việc cụ thể. Án lệ quốc tế này xác nhận rằng, nếu không có các lý do thuyết phục (compelling reason) khiến cho không có khả năng hay không thích hợp để vẽ đường trung tuyến tạm thời, phương pháp đường trung tuyến/hoàn cảnh hữu quan nên được lựa chọn để phân định biển.”[7] Viện cũng nhắc lại một câu trong phán quyết vụ phân định biển ở Vịnh Bengal giữa Bangladesh và Myanmar rằng “Mỗi vụ việc là đặc thù và yêu cầu sự xem xét cụ thể, mục đích cuối cùng là đạt được một giải pháp công bằng.”[8] Viện cho rằng “sẽ là trái với nguyên tắc minh bạch và có thể dự đoán được đã nêu ở trên nếu không làm theo phương pháp phân định biển đạ được áp dụng chủ đạo trong thực tiễn bởi các tòa án và trọng tài quốc tế trong những thập niên vừa qua.”[9]

Như vậy có thể thấy, dựa vào ba nguyên tắc về giải pháp công bằng (equitable result), minh bạch (transparancy) và có thể dự đoán được (predictability), Viện đã quyết định áp dụng phương pháp đường trung tuyến/hoàn cảnh hữu quan trong vụ này. Phán quyết này một lần nữa khẳng định lại một cách chắc chắn phương pháp phân định biển trong các án lệ quốc tế, đặc biệt là từ phán quyết của Tòa ICJ trong vụ Biển Đen giữa Ukraine và Crotia năm 2008.

map p 148

Bản đồ trích từ Phán quyết ngày 23/9/2017, tr. 148.

Phân định thềm lục địa vượt quá 200 hải lý

Theo quy định ở Điều 76 UNCLOS, ranh giới ngoài của thềm lục địa vượt quá 200 hải lý (thềm lục địa mở rộng) sẽ được xác định bởi quốc gia ven biển trên cơ sở khuyến nghị của Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa. Trong vụ việc này giữa Ghana và Côte d’lvoire, CLCS đã ra khuyến nghị cho thềm lục địa mở rộng của Ghana trong khi Côte d’lvoire chỉ mới đệ trình và CLCS đang xem xét, chưa có khuyến nghị. Câu hỏi đặt ra là liệu việc Viện tiến hành phân định thềm lục địa vượt quá 200 hải lý trong khi chưa có khuyến nghị của CLCS có cản trở Ủy ban thực hiện chức năng của mình hay không? Đây là lần thứ hai một tòa án quốc tế ra phán quyết phân định thềm lục địa mở rộng.

Viện cho rằng để tiến hành phân định thềm lục địa mở rộng thì cần thiết phải chứng minh sự tồn tại của thềm lục địa mở rộng này. Khuyến nghị của CLCS cho Ghana đã khẳng định nước này có thềm lục địa mở rộng; Côte d’lvoire là quốc gia liền kề với Ghana có cấu trúc địa lý giống với Ghana do đó Viện cũng không nghi ngờ là Côte d’lvoire cũng có thềm lục địa mở rộng.[10] Nói cách khác Viện sẽ không chờ khuyến nghị của CLCS cho trường hợp của Côte d’lvoire. Quan trọng hơn, Viện đồng ý với quan điểm của Tòa ITLOS khi phân định thềm lục địa mở rộng trong vụ Phân định biển ở Vịnh Bengal giữa Bangladesh và Myanmar, theo đó, chức năng của Viện và chức năng của CLCS là khác nhau:

“Có sự phân biệt rõ ràng giữa vấn đề phân định thềm lục địa theo Điều 83 và vấn đề xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa theo Điều 76. Theo Điều 76, Ủy ban có chức năng đưa ra khuyến nghị cho các quốc gia ven biển về các vấn đề liên quan đến xác lập ranh giới ngoài của thềm lục địa, nhưng làm như thế sẽ không ảnh hưởng đến vấn đề phân định ranh giới trên biển. Chức năng giải quyết tranh chấp liên quan đến phân định ranh giới trên biển được trao cho các thủ tục giải quyết tranh chấp theo Điều 83 và Phần XV của Công ước, bao gồm các tòa án và trọng tài quốc tế.”[11]

Do đó, Viện kết luận rằng mình có thẩm quyền để phân định thềm lục địa vượt quá 200 hải lý giữa Ghana và Côte d’lvoire.

Trần H. D. Minh

————————————————————————–

[1] Điều 15(2) Quy chế Tòa ITLOS nguyên văn: “The Tribunal shall form a chamber for dealing with a particular dispute submitted to it if the parties so request. The composition of such a chamber shall be determined by the Tribunal with the approval of the parties.”

[2] Đoạn 259.

[3] Đoạn 281.

[4] Đoạn 284.

[5] Đoạn 285 – 287.

[6] Đoạn 288.

[7] Đoạn 289.

[8] Như trên.

[9] Như trên.

[10] Đoạn 491.

[11] Đoạn 493.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: