Bối cảnh – Bằng chứng và vấn đề quy trách nhiệm cho Nga – Cáo buộc sử dụng vũ lực – Cáo buộc vi phạm Công ước chống Vũ khí hóa học – Trục xuất nhà ngoại giao Nga: persona non grata
Bối cảnh
Chủ nhật, ngày 04 tháng 03 năm 2018, cựu điệp viên KGB Skripal (66 tuổi) và con gái của ông này Yulia (33 tuổi) được tìm thấy hôn mê bên ngoài một trung tâm mua sắm ở Salisbury, miền nam nước Anh. Một nhân viên cảnh sát tiếp cận hiện trường cũng bị hôn mê. Theo điều tra của cơ quan chức năng nước Anh, hai người này đã bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok – loại chất độc hóa học dùng trong quân sự được phát triển dưới thời Liên Xô.[1] Dấu vết chất độc này cũng được tìm thấy ở hai địa điểm khác trong thành phố Salisbury.
Với việc cho rằng Nga đã từng sản xuất loại chất độc này và hiện nay vẫn có năng lực để sản xuất, nước này cũng từng thực hiện các vụ ám sát và xem những người lưu vong là đối tượng ám sát, Anh cho rằng rất có khả năng Nga là thủ phạm cho vụ đầu độc cựu điệp viên KGB Skripal và con gái ông này.[2] Chất độc này được cho là vượt quá khả năng sản xuất của bất kỳ tổ chức hay thực thể phi-quốc gia nào;[3] nói cách khác, khả năng công nghệ sản xuất bị rò rỉ cho các tổ chức, cá nhân và được sản xuất để sử dụng ở Salisbury bị loại bỏ. Ngày 12/03/2018, trong phát biểu trước Hạ viện Anh, Thủ tướng Therasa May đưa ra hai khả năng: hoặc nước Nga trực tiếp thực hiện vụ đầu độc, hoặc chính phủ Nga mất kiểm soát đối với các chất độc hóa học và để lọt ra ngoài cho các đối tượng khác. Ngoại trưởng Anh đã triệu tập Đại sứ Nga tại Luân Đông và đề nghị phía Nga xác nhận hai khả năng trên để xác định chính xác làm cách nào chất độc Novichok đã được sử dụng trong vụ việc ở Salisbury, và đồng thời, yêu cầu phía Nga cung cấp ngay lập tức các thông tin đầy đủ về chương trình liên quan đến chất độc Novichok cho Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW).[4] Anh cho Nga một ngày để đưa ra giải thích của mình. Ngày 14/03/2018, trong phát biểu trước Hạ viện, Thủ tướng Anh cho biết phía Nga đã không có giải thích đáng tin cậy cho phía Anh. Theo đó, theo quan điểm của Anh, khả năng duy nhất là Nga là thủ phạm thực hiện vụ đầu độc cựu điệp viên KGB Skripal và con gái ông này, và đe dọa mạng sống của hàng trăm cư dân khác ở Salisbury, bao gồm một nhân viên cảnh sát.
Trong vụ việc này, phía Anh đưa ra hai cáo buộc Nga có hành vi vi phạm luật pháp quốc tế: (1) Nga đã sử dụng vũ lực trái phép chống lại Anh, và (2) Nga vi phạm nghĩa vụ theo Công ước chống vũ khí hóa học khi duy trì chương trình vũ khí hóa học bí mật của mình. Tuyên bố chung của lãnh đạo Pháp, Đức, Mỹ và Anh ngày 14/03/2018 cũng khẳng định đây là “một vụ tấn công vào chủ quyền của nước Anh và bất kỳ việc sử dụng [chất độc hóa học] nào như thế bởi một quốc gia thành viên là một vi phạm rõ ràng Công ước chống vũ khí hóa học và là một vi phạm luật pháp quốc tế.”
Anh đã thực hiện các biện pháp trừng phát Nga, cụ thể: Anh trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga được xác định là nhân viên tình báo ngầm và đình chỉ các tiếp xúc cấp cao giữa Anh và Nga, bao gồm cả việc rút lại lời mời Ngoại trưởng Nga Lavrov thăm Anh, không cử thành viên chính phủ hay hoàng gia tham gia FIFA World Cup năm 2018 vào mùa hè này tại Nga. Anh cũng yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn cấp để xem xét vu việc (xem videos của phiên họp tại đây).
Bằng chứng và vấn đề quy trách nhiệm cho Nga
Trong vụ việc này, Nga luôn phủ nhận có liên quan đến vụ đầu độc ờ Salisbury ngày 04/03/2018. Nga hi vọng Anh cung cấp mẫu chất độc để điều tra chung, và nếu hai nước không thể giải quyết với nhau thì Nga sẵn sang mang vụ việc ra OPCW để giải quyết.[5] Đại sứ Nga ở Liên hợp quốc cũng cho rằng Anh cũng sở hữu Novichok và có khả năng sản xuất bởi vì để xác định được chất độc trong vụ Salisbury thì Anh phải có mẫu và có năng lực sản xuất chất độc này![6]
Tuyên bố chung của lãnh đạo Pháp, Đức, Mỹ và Anh cũng không khẳng định trực tiếp nước Nga là thủ phạm của vụ việc. Tuyên bố ghi nhận với sự cẩn trọng rằng: “Anh đã thông báo nhanh cho các đồng minh rằng có khả năng lớn là nước Nga phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công. Chúng tôi chia sẽ đánh giá của phía Anh rằng không có bất kỳ một giải thích hợp lý nào khác, và ghi nhận rằng việc phía Nga đã không có giải thích phù hợp cho các yêu cầu chính đáng của chính phủ Anh làm trầm trọng hơn trách nhiệm của nước này.” Cũng lưu ý rằng có vẻ bằng chứng quy trách nhiệm cho phía Nga chưa thực sự thuyết phục qua phản ứng của Pháp. Ngày 14/03/2018, người phát ngôn của Tổng thống Pháp Macron cho biết Pháp sẽ đợi cho đến khi có “bằng chứng xác đáng” mới quyết định có hành động chống lại Nga. Ngày 15/04/2018, cùng với Tuyên bố chung với lãnh đạo Đức, Mỹ và Anh, Đại sứ quán Pháp tại Anh cũng đăng một dòng tweet nhấn mạnh rằng “không có bất kỳ giải thích nào khác” hơn kết luận của phía Anh về trách nhiệm của Nga trong vụ việc.[7] Có thể thấy rằng, bằng chứng trong vụ việc này chưa thực sự đầy đủ, ít nhất là cho đến thời điểm này. Kết luận của phía Anh về sự liên quan của phía Nga dựa trên suy luận loại trừ – “không có giải thích hợp lý nào khác” (no other plausible explanation). Trong khi đó, để quy trách nhiệm cho một quốc gia về một hành vi nào đó, bằng chứng cần thiết phải trực tiếp, đầy đủ và chắc chắn.
Để quy trách nhiệm được cho Nga, Anh cần phải có bằng chứng để chứng minh hành vi đầu độc của người trực tiếp thực hiện vụ việc (hiện có vẻ chưa có thông tin về nghi phạm) là hành vi của nước Nga mà không phải là hành vi của cá nhân hay thực thể phi-quốc gia. Một quốc gia, như trong vụ việc này là Nga, là chủ thể của luật pháp quốc tế nhưng là một chủ thể trừu tượng (an abstract subject) theo nghĩa mọi hoạt động hay hành vi của một quốc gia đều được thực hiện thông qua các cá nhân. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để xác định được hành vi của một cá nhân (người tiến hành vụ đầu độc ở Salisbury) là hành vi của chính nước Nga chứ không phải là hành vi của cá nhân người đó hay của một thực thể nào khác. Trong Các điều khoản về Trách nhiệm quốc tế của Quốc gia cho hành vi sai phạm quốc tế (ARSIWA) do Ủy ban Luật pháp Quốc tế Liên hợp quốc (ILC) soạn thảo, có 08 trường hợp mà một hành vi có thể được quy cho một quốc gia, ví dụ như hành vi trực tiếp của cơ quan nhà nước, hành vi của người/thực thể được luật pháp quốc gia trao quyền thực thi quyền lực nhà nước, hay hành vi mà quốc gia đó công nhận là hành vi của mình (xem them về Trách nhiệm pháp lý quốc tế của Quốc gia ở đây).
Cáo buộc sử dụng vũ lực
Nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế là một quy định jus cogens trong luật pháp quốc tế, được ghi nhận trong tập quán quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và nhiều điều ước quốc tế khác. Theo nghĩa truyền thống, việc sử dụng vũ lực thường dưới hình thức tấn công vũ trang hay xung đột quân sự giữa hai nước, hoặc tình huống một nước xâm lược quân sự quốc gia khác. Trong vụ đầu độc Salisbury này, Anh đưa ra một tình huống sử dụng vũ lực mới (ít nhất với tác giả): một quốc gia sử dụng vũ khí hóa học đầu độc một người và đe dọa đến tính mạng của các cư dân khác trên lãnh thổ của một quốc gia khác!
Từ các phát biểu của Thủ tướng Anh, có thể thấy phía Anh dựa trên bốn tình tiết này để cho rằng vụ đầu độc ở Salosbury là hành vi sử dụng vũ lực vi phạm nguyên tắc cấm nêu trên:
- Vụ việc do một Quốc gia thực hiện;
- Thực hiện trái phép trên lãnh thổ của nước Anh;
- Đe dọa tính mạng của cộng đồng dân cư; và
- Vũ khí được sử dụng là vũ khí quân sự, và bị luật pháp quốc tế nghiêm cấm.
Bốn tình tiết trên cho thấy so với bất kỳ một vụ việc hình sự thông thường nào thì vụ đầu độc ở Salisbury có mức độ nghiêm trọng hơn hẳn. Thủ tướng Anh cũng nhấn mạnh rằng: “vụ giết người này có sử dụng chất độc thành kinh ở mức độ vũ khí ở một thành phố của nước Anh không chỉ là một hành vi tội phạm chống lại gia đình Skripal. Đây là một hành vi bừa bãi và liều lĩnh chống lại nước Anh, đặt mạng sống của dân thường vô tội vào vòng nguy hiệm. Và chúng ta sẽ không khoan nhượng cho một hành vi vô liêm sĩ như thế giết hại dân thường vô tội trên lãnh thổ của chúng ta.”[8] Tuy nhiên, thực sự không rõ ràng liệu luật pháp quốc tế có thực sự cho rằng một vụ việc như thế là vi phạm vào nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực hay không. Có thế nếu bằng chứng đầy đủ, vụ việc này được xem là hành vi xâm phạm chủ quyền quốc gia của Anh.
Xem thêm thảo luận trên trang EJIL Talk! về việc vụ đầu độc ở Salisbury: một bài đánh giá liệu có hành vi sử dụng vũ lực hay không (International Use of Force in Salisbury? của GS. Marc Weller của Đại học Cambridge), và nếu có thì có hệ quả pháp lý gì (bài The Use of Nerve Agents in Salisbury: Why does it matter whether it amounts to a use of force in international law? của GS. Dapo Akande của Đại học Oxford). Các comments trong hai posts trên cũng cho thấy cần có nhiều góc nhìn đa chiều trong vụ việc này, đặc biệt là vấn đề bằng chứng.
Cáo buộc vi phạm Công ước chống vũ khí hóa học
Công ước chống vũ khí hóa học ra đời năm 1993 và có hiệu lực vào năm 1997. Hiện nay, Công ước có 192 quốc gia thành viên. Điều I về Các nghĩa vụ chung quy định cam kết của các quốc gia thành viên sẽ không phát triển, sản xuất, mua bán, tài trữ, duy trì, chuyển giao, sử dụng vũ khí hóa học. Các quốc gia cũng cam kết không tiến hành chuẩn bị quân sử để sử dụng vũ khí hóa học, cũng như hỗ trợ, khuyến khích hay dụ dõ bằng bất kỳ cách nào các bên khác tham gia vào các hoạt động bị cấm bở công ước.
Điều II của Công ước quy định định nghĩa về vũ khí hóa học. Theo đó, vũ khí hóa học là các chất độc hóa học, vũ khí hay thiết bị được thiết kế để giết người hay gây tổn thương bằng chất độc hóa học. Chất độc hóa học là bất kỳ chất hóa học nào mà phản ứng hóa học của chất đó trên tiến trình sự sống có thể gây chất người, mất khả năng tạm thời hoặc tổn hại vĩnh viễn cho con người hoặc động vật. Các tiền chất của chất độc hóa học cũng được xem là vũ khí hóa học. Công ước loại trừ các chất độc hóa học được sản xuất và sử dụng cho mục đích không bị cấm. Các mục đích không bị cấm bao gồm: (1) mục đích công nghiệp, nông nghiệp, nghiên cứu, ý khoa, dược học và các mục đích hòa bình khác, (2) mục đích bảo vệ, như các mục đích liên quan trực tiếp đến bảo vệ chống lại các chất độc hóa học và vũ khí hóa học, (3) mục đích quân sự không liên quan đến việc sử dụng vũ khí hóa học và không phụ thuộc và việc sử dụng dụng đặc tính độc của chất hóa học như một biện pháp chiến tranh, và (4) mục đích thực thi pháp luật bao gồm việc kiểm soát bạo loạn.[9] Trong vụ việc này, nếu đúng là Novichok được sử dụng thì rõ ràng đây là một chất độc hóa học, và mục đích sử dụng rõ ràng không thuộc những mục đích không bị cấm nêu trên.
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an vào ngày 14/03/2018, Đại sứ Anh cáo buộc Nga vi phạm nghĩa vụ khai thác theo Điều III của Công ước. Điều III yêu cầu các quốc gia thành viên phải khai báo cho Tổ chức chống Vũ khí Hóa học danh sách các vũ khí hóa học mà họ có. Nga chưa bao giờ khai báo về chất độc Nivochok.
Về phía Nga,[10] Nga cho rằng tại Liên bang Nga không có bất kỳ chương trình quân sự nào mang tên Novichok. Nga đã hoàn thành nghĩa vụ phát hủy tất cả các vũ khí hóa học vào năm 2016, trong khi các nước khác như Mỹ vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ này theo Công ước. Hơn nữa, Nga cho rằng Anh có nghĩa vụ theo Điều IX của Công ước về hợp tác giữa các quốc gia khi có nghi ngờ vi phạm nghĩa vụ của Công ước. Điều IX quy định khi có nghi ngờ các quốc gia nên nỗ lực hợp tác thông qua trao đổi thông tin và tham vấn với nhau, và nếu có yêu cầu về nghi ngờ vi phạm thì quốc gia được yêu cầu cung cấp thông tin làm sáng tỏ nghi ngờ đó cần trả lời nhanh chóng và không chậm hơn 10 ngày khi có yêu cầu. Trong vụ việc Salisbury, Anh từ chối điều tra chung, không cung cấp mẫu, và chỉ cho phía Nga 01 ngày để trả lời yêu cầu giải thích về chất độc Novichok.Có thể thấy ở đây Anh đã có vẻ không tuân thủ một cách thiện chí nghĩa vụ ở Điều IX này.
Việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga
Trong phát biểu của mình trước Hạ viện, Thủ tướng Anh Therasa May đã đúng khi viện dẫn Công ước Viên về Quan hệ ngoại giao năm 1961 làm cơ sở pháp lý để yêu cầu 23 nhà ngoại giao Nga rời khỏi lãnh thổ của Anh trong vòng một tuần. Điều 9 của Công ước này quy định quốc gia sở tại có thể tại bất kỳ thời điểm nào và không cần giải thích lý do thông báo cho quốc gia gửi phái đoàn ngoài giao rằng một nhân viên ngoại giao bất kỳ là persona non grata – nghĩa đen theo tiếng latin là người không được chào đón – và yêu cầu người đó phải rời khỏi lãnh thổ của mình trong thời gian hợp lý. Đương nhiên, phía Nga cũng có thể viện dẫn Điều 9 này để trục xuất không cần giải thích lý do các nhà ngoại giao Anh tại Nga.
Dù Điều 9 không yêu cầu quốc gia sở tại phải giải thích lý do nhưng trong vụ việc này Anh đã nêu rõ lý do của việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga: trừng phạt Nga liên quan đến cáo buộc của Anh trong vụ đầu độc ở Salisbury. Ngoài ra, Anh cũng giải thích rõ lý do lựa chọn 23 nhà ngoại giao này. Các nhà ngoại giao này được Anh cho là các nhân viên tình báo của Nga hoạt động bí mật. Việc trục xuất nhằm là suy giảm mạnh năng lực tình báo của Nga tại Anh.[11]
Trần H. D. Minh
————————————————————————-
[1] Phát biểu của Thủ tướng Anh Therasa May trước Hạ viện Anh ngày 12/03/2018, xem tại https://www.gov.uk/government/speeches/pm-commons-statement-on-salisbury-incident-12-march-2018
[2] Như trên.
[3] Phát biểu của Đại sứ Anh trong cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an ngày 14/03/2018, xem tại https://www.youtube.com/watch?v=USYfRVqG2lk
[4] Xem Chú thích 1.
[5] Phát biểu của Đại sứ Nga tại Hội đồng Bảo an ngày 14/03/2018, xem tại https://www.youtube.com/watch?v=USYfRVqG2lk
[6] Như trên.
[7] http://www.euronews.com/2018/03/15/france-agrees-with-uk-that-russia-to-blame-for-spy-poison-attack
[8] Phát biểu của Thủ tướng Anh ngày 12/03/2018, xem tại https://www.gov.uk/government/speeches/pm-commons-statement-on-salisbury-incident-12-march-2018
[9] Công ước chống vũ khí hóa học, Điều II(9).
[10] Phát biểu của Đại sứ Nga tại Hội đồng Bảo an ngày 14/03/2018, xem tại https://www.youtube.com/watch?v=USYfRVqG2lk
[11] Phát biểu của Thủ tướng Anh ngày 14/03/2018 trước Hạ viện, xem tại https://www.gov.uk/government/speeches/pm-commons-statement-on-salisbury-incident-response-14-march-2018