[07] Án lệ về giá trị của bản đồ trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ

Hiện nay có khá nhiều ý kiến viện dẫn đến các bản đồ cổ để chứng minh Việt Nam có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải nghiên cứu giá trị thực sự của các bản đồ này. Các cơ quan tài phán quốc tế đã xét xử nhiều vụ tranh chấp chủ quyền, biên giới mà trong đó các bên đệ trình nhiều bản đồ để chứng minh quan điểm của mình. Qua các kết luận của tòa án và trọng tài liên quan đến giá trị pháp lý của các bản đồ trong các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên thế giới, chúng ta sẽ hình dung ra được sức nặng pháp lý của các bản đồ của chúng ta và trả lời cho câu hỏi: Liệu các bản đồ có thực sự có giá trị để chứng minh chủ quyền lãnh thổ hay chỉ mang tính chất tham khảo là chính?

toan do 1a

Đại Nam Nhất thống Toàn đồ (1838)[1]

***

Vụ việc điển hình nhất mà một cơ quan tài phán quốc tế cho ý kiến về giá trị của các bản đồ trong việc chứng minh chủ quyền lãnh thổ là Vụ Tranh chấp biên giới giữa Burkina Faso và Mali, Phán quyết của Viện giải quyết tranh chấp thuộc Toà án Công lý Quốc tế (ICJ) năm 1986 (xem tóm tắt vụ việcphán quyết). Viện giải quyết tranh chấp trong vụ này cho rằng:

“53. Ngoài các văn bản hành chính và pháp lý được trích dẫn phía trên, các bên còn đệ trình một bộ sưu tập phong phú và dồi giàu các tài liệu bản đồ học, bao gồm một seri bản đồ và phác thảo khác nhau về niên đại, nguồn gốc, tiêu chuẩn kỹ thuật và mức độ chính xác. Các bên cũng tranh luận trong bản tranh tụng viết và phần tranh tụng nói của mình rất chi tiết các câu hỏi lý thuyết về hiệu lực bằng chứng của các bản đồ. Trong suốt quá trình xét xử, các bên tranh luận khá dài về câu hỏi về hiệu lực pháp lý nên được xem xét dựa trên nhiều yếu tố khác nhau cũng như ưu tiên tương ứng của từng yếu tố. Cả hai bên đều đồng ý rằng danh nghĩa được xem là ưu trội trong hệ thống thuộc địa là danh nghĩa mang tính lập pháp và quy định. Mali có quan điềm rằng độ tin cậy của ‘các bằng chứng khác” bao gồm các bản đồ và hành vi của chính quyền hành chí phải được đánh giá dựa trên một bộ tiêu chí. Về phần mình, Burkina Faso chấp nhận rằng các văn kiện sẽ có tính ưu trội hơn so với bản đồ, nhưng cho rằng danh nghĩa có thể thể hiện qua câu chữ hoặc bản đồ.

54. Tại điểm này trong lập luận của mình, Viện có thể giới hạn chính mình đối với một phát biểu về một nguyên tắc. Trong vấn đề hoạch định biên giới hoặc các xung đột lãnh thổ quốc tế, bản đồ chỉ mang tính chất thông tin và có độ chính xác rất khác nhau giữa các vụ việc cụ thể; chính các bản đồ này và chỉ bởi vì chúng tồn tại, chúng không cấu thành danh nghĩa lãnh thổ, theo nghĩa chúng được xem là một văn bản được luật pháp quốc tế công nhận có hiệu lực pháp lý nội tại để xác lập các quyền đối với lãnh thổ. Dĩ nhiên, trong một số trường hợp bản đồ có thể có hiệu lực pháp lý, nhưng  trong trường hợp đó hiệu lực pháp lý không phát sinh chỉ dựa trên nội dung nội tại của chúng: bởi vì những bản đồ như thế thuộc vào loại các bằng chứng vật chất của ý chí một hoặc nhiều Quốc gia liên quan. Ví dụ như trường hợp khi bản đồ được đính kèm vào một văn kiện chính thức mà chúng là một bộ phận không thể tách rời. Trừ khi rơi vào trường hợp rõ ràng trên, các bản đồ chỉ được xem là bằng chứng ngoại cảnh với độ tin cậy khác nhau hoặc không thể tin cậy được và do đó có thể được sử dụng, cùng với các bằng chứng hoàn cảnh khác, để xác lập hoặc cấu thành bằng chứng thực sự.

55. Sức nặng thực sự của các bản đồ như là bằng chứng phụ thuộc vào một loạt yếu tố phải xem xét. Một vài yếu tố liên quan đến độ tin cậy về kỹ thuật của các bản đồ. Độ tin cậy của bản đồ ngày càng được tăng cường đáng kể, đặc biệt là do các tiến bộ đạt được thông qua chụp ảnh vệ tinh và không trung từ những năm 1950. Nhưng kết quả duy nhất là việc phản ánh tự nhiên trung thực hơn trên bản đồ, và có độ trùng khít ngày càng chính xác giữa hai thứ trên [tự nhiên và bản đồ vẽ tự nhiên]. Thông tin từ sự can thiệp của con người, như tên địa danh và các thực thể địa lý (địa danh học) và việc miêu tả biên giới và các ranh giới chính trị khác, không theo đó mà trở nên đáng tin cậy hơn. Dĩ nhiên, độ tin cậy của các thông tin địa danh học cũng đã được tăng cường, mặc dù ở mức độ thấp hơn, do phải xác thực trên thực địa; nhưng theo quan điểm của các nhà bản đồ học, sai sót vẫn thường xuyên xảy ra trong việc phản ánh đường biên giới, đặc biệt là khi chúng được thể hiện trên khu vực biên giới khó tiếp cận.

56. Các yếu tố cần phải xem xét khác để xác định sức nặng của các bản đồ như là bằng chứng liên quan đến tính trung lập của nguồn cung cấp đối với tranh chấp đang xem xét và các bên trong tranh chấp. Từ thời tương đối xa xôi, các phán quyết tư pháp đã đối xử các bản đồ với sự cẩn trọng đáng kể: ít hơn trong các phán quyết gần đây, ít nhất là khi liên quan đến độ tin cậy kỹ thuật của bản đồ. Nhưng thậm chí khi có các yếu tố bảo đảm nêu ở trên, các bản đồ có thể vẫn không có giá trị pháp lý lớn hơn giá trị của một bằng chứng để củng cố một kết luận mà tòa đã đưa ra dựa trên các biện pháp khác không liên quan đến bản đồ. Theo đó, trừ khi các bản đồ thuộc dạng được xem là biểu hiện vật lý của ý chí quốc gia, chúng không thể tự mình được xem như bằng chứng về một đường biên giới, bởi vì nếu như thế chúng sẽ tạo ra một giả định không thể phản bác, tương ứng trên thực tế với danh nghĩa pháp lý. Giá trị duy nhất mà các bản đồ có được là được xem như một dạng bằng chứng phụ trợ hay xác thực lại, và điều này cũng có nghĩa các bản đồ không thể được xem như có tính chất của một giả định không thể phản bác juris tantum để có thể tác động đến việc đảo ngược trách nhiệm chứng minh.

Kết luận này được trích dẫn lại trong nhiều vụ việc liên quan đến tranh chấp chủ quyền sau này, theo đó cho thấy đây là một nhận định pháp lý có cơ sở pháp lý vững chắc và chắc chắn sẽ được áp dụng trong các vụ việc tương tự trong tương lai. Các vụ trích dẫn lại bao gồm Vụ Đảo Kasikili/Sedudu Island (Bostwana/Namibia) (Phán quyết năm 1999);[2] Vụ Tranh chấp biên giới giữa Benin/Niger (phán quyết năm 2005),[3] Vụ Tranh chấp lãnh thổ và biển giữa Nicaragua và Honduras ở Biển Caribe (Phán quyết năm 2007);[4] Vụ tranh chấp lãnh thổ và biển giữa Nicaragua và Colombia (Phán quyết năm 2012).[5] Trước đó, trong phán quyết năm 1928 Vụ Đảo Palmas, trọng tài Huber cũng đã thể hiện sự cẩn trọng lớn khi xem xét các bản đồ.[6]

Có thể thấy theo quan điểm của Tòa ICJ, các bản đồ có giá trị bằng chứng pháp lý khá hạn chế trong việc chứng minh danh nghĩa chủ quyền đối với lãnh thổ hay đường biên giới tranh chấp. Sức nặng pháp lý của bản đồ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất có vẻ là yếu tố độ tin cậy kỹ thuật (tính chính xác) và tính trung tập của nguồn gốc bản đồ. Theo đó, bản đồ sẽ có sức nặng pháp lý cao nếu được vẽ chính xác, chi tiết và không do hai bên tranh chấp vẽ. Ngược lại, nếu bản đồ được vẽ mang tính hình tượng (như các bản đồ cổ), và do chính bên tranh chấp vẽ thì sẽ gần như không có sức nặng pháp lý nào. Cũng lưu ý rằng nếu một bản đồ cho thấy vùng lãnh thổ tranh chấp thuộc về một bên nhưng bản đồ lại do bên kia vẽ thì sẽ có sức nặng pháp lý cao hơn.[7]

Mặc dù có giá trị bằng chứng pháp lý rất hạn chế, nhưng việc thu thập các bản đồ phục vụ cho việc chứng minh chủ quyền lãnh thổ không nên bị coi nhẹ. Bởi lẽ, ít nhất, các bản đồ cũng được xem là bằng chứng phụ trợ.

Trần H. D. Minh

——————————————————————-

[1] Tạp chí Xây dựng Đảng, Đại Nam Nhất Thống toàn đồ, ngày 04/11/2011, xem tại http://www.xaydungdang.org.vn/Home/vankientulieu/Bien-dao-Viet-Nam/2011/4368/Dai-Nam-Nhat-Thong-toan-do.aspx; trang website Biên giới Lãnh thổ, xem tại http://biengioilanhtho.gov.vn/sites/vi/home.aspx; Nguyễn Hồng Thao, “Quan điểm của Việt Nam về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển ở Biển Đông”, in trong Đặng Đình Quý, Tìm kiếm Giải pháp vì Hòa bình và Công lý ở Biển Đông, NXB. Thế giới, 2015, tr. 284.

[2] Đoạn 84.

[3] Đoạn 44.

[4] Đoạn 215 – 216.

[5] Đoạn 100.

[6] Vụ Palmas (Hà Lan/Mỹ), Phán quyết trọng tài, 1928, RIAA, Vol. II, tr. 8525 – 853. Theo ông, điều kiện đầu tiên khi xem xét một bản đồ có thể làm bằng chứng pháp lý hay không là yếu tố độ chính xác địa lý.

[7] Vụ Pedra Branca/Pulau Batu Puteh (Malaysia/Singapore) (Phán quyết năm 2008), đoạn 272.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: