[166] Ý kiến tư vấn ngày 25.02.2019 của Tòa ICJ trong Vụ liên quan đến việc Anh chia tách Quần đảo Chagos khỏi Mauritius năm 1965: Nội dung thực chất

Ngày 25.02.2019, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đã ra Ý kiến tư vấn theo yêu cầu của Đại hội đồng Liên hợp quốc liên quan đến việc Anh chia tách quần đảo Chagos khỏi Mauritius năm 1965 (xem post về bối cảnh vụ việc, và Khía cạnh thẩm quyền trong vụ việc này). Quần đảo Chagos trước năm 1965 là một bộ phận của thuộc địa Mauritius của Anh, và việc chia tách này xảy ra ngay trước khi Anh trao trả độc lập cho Mauritius. Anh đã cho Mỹ thuê làm căn cứ quân sự từ những năm 1970 đến nay. Mauritius mong muốn Anh trao trả lại quần đảo này. Còn Anh, và cả Mỹ, đương nhiên không mong muốn. Đây là lần gần đây nhất Tòa ICJ cho ý kiến về quyền tự quyết dân tộc (the right to self-determination), do đó, cũng phản ánh quan điểm pháp lý đương thời của Tòa về giá trị pháp lý và nội hàm của quyền này.

Trong vụ việc này, Đại hội đồng gửi đến Tòa hai câu hỏi: (1) Liệu tiến trình phi thuộc địa hóa Mauritius đã hoàn tất một cách hợp pháp theo luật quốc tế hay chưa? Và (2) Có hệ quả pháp lý nào cho việc Anh tiếp tục quản lý quần đảo Chagos?

Tòa ICJ có ba kết luận với 13 phiếu thuận và 01 phiếu chống (của thẩm phán Donoghue, người Mỹ) rằng:

  • Tiến trình phi thuộc địa hóa của Mauritius chưa hoàn tất hợp pháp kể cả khi nước này giành độc lập năm 1968 sau khi quần đảo Chagos bị chia tách;
  • Anh có nghĩa vụ phải chấp dứt việc quản lý quần đảo Chagos sớm nhất có thể;
  • Tất cả Quốc gia thành viên Liên hợp quốc có nghĩa vụ hợp tác với Liên hợp quốc để hoàn tất tiến trình phi thuộc địa hóa Mauritius.

Xem toàn văn Ý kiến tư vấntóm tắt bằng tiếng Anh, giới thiệu chung về vụ việc.

Trả lời cho câu hỏi 1: Tiến trình phi thực dân hóa Mauritius chưa hoàn tất hợp pháp theo luật quốc tế về quyền dân tộc tự quyết

a. Luật áp dụng

Tòa xác định rằng giai đoạn trung tâm là từ năm 1965 khi quần đảo Chagos bị Anh chia tách cho đến năm 1968 khi Mauritius được trao trả độc lập [140]. Tuy nhiên, Tòa cũng sẽ xem xét đến giai đoạn trước đó để làm rõ quá trình phát triển của luật quốc tế về quyền tự quyết (the law on self-determination) kể từ khi Hiến chương Liên hợp quốc được thông qua năm 1945, và Đại hội đồng ra nghị quyết 1514 (XV) năm 1960 có tiêu đề “Tuyên bố về Trao trả độc lập cho các quốc gia và dân tộc thuộc địa” [142].

Luật áp dụng được xác định là quyền tự quyết dân tộc. Theo đó, Tòa cần xem xét “bản chất. nội dung và phạm vi điều chỉnh của quyền tự quyết áp dụng cho tiến trình phi thuộc địa hóa Mauritius, một lãnh thổ được công nhận là một vùng lãnh thổ chưa tự trị, từ năm 1946 về sau” [144].

Tòa khẳng định rằng Nghị quyết 1514 (năm 1960) có “tính chất tuyên bố về quyền tự quyết như một quy phạm tập quán” [152]. Sau đó, Điều 1 chung của Công ước về Quyền dân sự và chính trị và Công ước về Quyền kinh tế, văn hóa và xã hội năm 1966 cũng tái khẳng định quyền tự quyết của mọi dân tộc [154]. Đến năm 1970, Tuyên bố về các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế trong Nghị quyết 2625 của Đại hội đồng đã khẳng định rằng “quyền tự quyết là một trong những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế”, do đó, cũng xác nhận “tính chất quy phạm của quyền này theo luật tập quán quốc tế” [155]. Tóm lại, Tòa cho rằng trước năm 1965, quyền dân tộc tự quyết đã là một quy định của luật quốc tế, cụ thể là luật tập quán quốc tế.

Về nội dung, Tòa cho rằng Nghị quyết 1514 có quy định nhằm ngăn chặn bất kỳ hành vi chia tách các lãnh thổ chưa tự trị [153]. Đoạn 6 của Nghị quyết quy định: “Bất kỳ nỗ lực nhằm chia tách một phần hoặc toàn bộ sự toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất quốc gia của một đất nước là trái với mục đích và các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc.” Nghị quyết 2625 năm 1970 cũng khẳng định lại yêu cầu phải tôn trọng “sự toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất quốc gia của một Quốc gia hoặc đất nước” [155]. Tòa khẳng định “tính chất luật tập quán của quyền của một vùng lãnh thổ chưa tự trị được toàn vẹn lãnh thổ mà quyền này là hệ quả tất yếu của quyền tự quyết” [160]. Tòa nhất mạnh rằng:

“Đại hội đồng hay bất kỳ cơ quan nào của Liên hợp quốc từng công nhận tính hợp pháp của việc Quốc gia quản lý chia tách một phần của một vùng lãnh thổ chưa tự trị nhằm mục đích duy trì phần lãnh thổ đó dưới sự cai trị thực dân của mình. Các Quốc gia nhất quán nhấn mạnh rằng việc tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của vùng lãnh thổ chưa tự trị là yếu tố cốt lõi để thực thi quyền tự quyết theo luật quốc tế. Tòa cho rằng các dân tộc của các vùng lãnh thổ chưa tự trị có quyền thực thi quyền tự quyết của mình đối với toàn bộ lãnh thổ của họ, mà sự toàn vẹn lãnh thổ phải được Quốc gia quản lý tôn trọng.”

Chagos 1

Tòa công nhận rằng việc chia tách lãnh thổ của vùng lãnh thổ chưa tự trị có thể hợp pháp nếu “dựa trên ý chí thực sự và được thể hiện tự do của dân tộc của vùng lãnh thổ liên quan” [160].

Tóm lại, qua Ý kiến tư vấn của mình, Tòa khẳng định rằng luật quốc tế quy định nghĩa vụ phải tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của các thuộc địa như một nghĩa vụ đi kèm với quyền tự quyết dân tộc. Việc quốc gia thực dân chia tách lãnh thổ của thuộc địa nhằm giữ lại một phần lãnh thổ đó cho mình là vi phạm quyền trên, và theo đó cũng vi phạm quyền tự quyết dân tộc của dân tộc thuộc địa.

b. Áp dụng vào trường hợp quần đảo Chagos

Trước hết, Tòa khẳng định tại thời điểm năm 1965, quần đảo Chagos là một phần gắt kết của thuộc địa Mauritius [170]. Theo Thỏa thuận Lancaster House năm 1965, Thủ tướng và đại diện của thuộc địa Mauritius đồng ý việc chia tách quần đảo Chagos với điều kiện là Anh không được chuyển nhượng cho bên thứ ba, và sau này phải trao trả lại cho Mauritius [171]. Mặc dù có thỏa thuận như vậy, Tòa không công nhận Thỏa thuận Lancaster House là “một thỏa thuận quốc tế khi một bên ký kết là Mauritius … đang dưới quyền quản lý của bên còn lại” [172]. Xem xét hoàn cảnh lúc đó, Tòa cho rằng “việc chia tách không dựa trên sự thể hiện thực sự và tự do ý chí của dân tộc liên quan” theoo quy định của luật quốc tế về quyền tự quyết dân tộc [172]. Chính Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng ra các nghị quyết yêu cầu Anh phải tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Mauritius [172]. Do đó, Tòa kết luận rằng tiến trình phi thuộc địa hóa Mauritius vẫn chưa hoàn tất hợp pháp.

Chagos 2

Trả lời cho câu hỏi 2: Hệ quả pháp lý cho việc Anh tiếp tục quản lý quần đảo Chagos

Với kết luận rằng tiến trình phi thuộc địa hóa Mauritius chưa hoàn thành một cách hợp pháp, Tòa xem xét tiếp câu hỏi thứ hai liên quan đến việc Anh tiếp tục quản lý quần đảo Chagos. Tòa lưu ý rằng hệ quả pháp lý được xem xét dựa trên luật quốc tế hiện hành tại thời điểm Tòa cho Ý kiến tư vấn, tức là năm 2019 [175].

Thứ nhất, với việc tiến trình phi thuộc địa hóa Mauritius không được thực hiện đúng theo quyền tự quyết dân tộc, Tòa kết luận việc Anh tiếp tục quản lý quần đảo Chagos cấu thánh một hành vi sai phạm quốc tế, làm phát sinh trách nhiệm pháp lý quốc tế cho nước này [177]. Theo đó, Anh có nghĩa vụ phải chấm dứt sớm nhất có thể việc quản lý quần đảo này để cho phép Mauritius hoàn thành tiến trình phi thuộc địa hóa lãnh thổ của mình theo cách thức phù hợp với quyền tự quyết dân tộc [178]. Tuy vậy, Tòa không chỉ rõ cách thức mà tiến trình phi thuộc địa hóa Mauritius sẽ hoàn tất, mà cho rằng đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng Liên hợp quốc [179].

Chagos 3

Thứ hai, do quyền tự quyết dân tộc là một nghĩa vụ erga omnes, nên tất cả mọi Quốc gia đều có lợi ích pháp lý trong việc bảo vệ quyền này. Do đó, trong khi việc xác định cách thức phi thuộc địa hóa thuộc về Đại hội đồng, tất cả Quốc gia thành viên Liên hợp quốc phải hợp tác với Liên hợp quốc để hiện thực hóa cách thức đó [180].

Chagos 4

Trần H. D. Minh

1 bình luận về “[166] Ý kiến tư vấn ngày 25.02.2019 của Tòa ICJ trong Vụ liên quan đến việc Anh chia tách Quần đảo Chagos khỏi Mauritius năm 1965: Nội dung thực chất

Add yours

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: