[213] Quy chế khách quan (objective regime) trong luật điều ước quốc tế

Nguyên tắc điều ước quốc tế không ràng buộc bên thứ ba

Một trong những nguyên tắc cơ bản của luật điều ước quốc tế là điều ước quốc tế chỉ có hiệu lực pháp lý ràng buộc với các quốc gia thành viên, và không tạo ra quyền hay nghĩa vụ cho quốc gia không là thành viên (post). Xuất phát của nguyên tắc này là từ Luật La Mã: pacta tertiis nec nocent nec prosunt – thỏa thuận không áp đặt nghĩa vụ hay trao quyền cho bên thứ ba.[1] Nguyên tắc này quy định tại Điều 34 của Công ước Viên về Luật Điều ước quốc tế năm 1969 (vie, eng). Điều này quy định rằng:

“Một điều ước quốc tế không tạo ra nghĩa vụ hay quyền cho Quốc gia thứ ba mà không có sự đồng ý của Quốc gia đó.”

Theo Điều 2(1)(h), Quốc gia thứ ba (a third State) là “một Quốc gia không là thành viên của điều ước quốc tế”. Theo Điều 35 và 36, tùy thuộc vào điều ước quốc tế trao quyền (rights) hay áp đặt nghĩa vụ (obligations) mà sự đồng ý (consent) của quốc gia thứ ba có thể là ngầm định (assent) hoặc minh thị bằng văn bản (acceptance in writing).

Ủy ban Luật pháp Quốc tế và vấn đề quy chế khách quan

Theo các quy định nêu trên của Công ước Viên, ngoại lệ duy nhất cho nguyên tắc trên là sự đồng ý của quốc gia thứ ba. Không có sự đồng ý đó, quốc gia thứ ba không có quyền và cũng không có nghĩa vụ tuân thủ các quy định của điều ước quốc tế. Tuy vậy, trong quá trình dự thảo các Điều khoản về luật điều ước quốc tế, Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC) của Liên hợp quốc tế đã từng xem xét đến một ngoại lệ khác: Quy chế khách quan (objective regime).

Theo ILC, “quy chế khách quan” được hiểu là “các điều ước quốc tế tạo ra […] các nghĩa vụ và quyền có giá trị erga omnes”.[2] Erga omnes theo nghĩa đen là “đối với tất cả”. Nghĩa vụ erga omnes là nghĩa vụ đối với tất cả các quốc gia (post).

Năm 1964, Báo cáo viên đặc biệt của ILC về luật điều ước quốc tế Humphrey Waldock đệ trình dự thảo các điều khoản về luật điều ước quốc tế lên ILC. Trong dự thảo đó có Điều 63 về “Điều ước quốc tế quy định về quy chế khách quan” (Treaties providing for objective regimes).[3] Theo đó, loại điều ước quốc tế này được định nghĩa như sau:

“Điều ước quốc tế xác lập một quy chế khách quan khi lời văn và hoàn cảnh ký kết cho thấy ý định của các bên là tạo ra các nghĩa vụ và quyền chung vì lợi ích chung liên quan đến một khu vực, một Quốc gia, một lãnh thổ, địa phương, dòng sông hay tuyến đường thủy cụ thể, hoặc liên quan đến một khu vực biển, đáy biển hay không phân cụ thể.[4]

Theo dự thảo của Waldock, hiệu lực “khách quan” của loại điều ước quốc tế này là:

“Một Quốc gia không là thành viên của điều ước quốc tế, cũng không phải đối hoặc công khai bác bỏ một quy chế như thế trong một khoảng thời gian X sau khi điều ước quốc tế được nộp lưu chiểu cho Tổng thư ký Liên hợp quốc thì sẽ được xem là ngầm chấp nhận quy chế đó.”[5]

Theo ông, quy chế khách quan được hình thành dựa trên sự im lặng (silence) hay không phản đối (non-protest, non-opposition) của các quốc gia không là thành viên của điều ước quốc tế. Tiêu chí theo đó thấp hơn so với trường hợp quốc gia thứ ba “đồng ý” (consent) chấp nhận các quyền hay nghĩa vụ của điều ước quốc tế mà mình không là thành viên.

Khi thảo luận dự thảo Điều 63 do Humphrey Waldock đệ trình, nội bộ ILC có hai luồng quan điểm. Một vài thành viên Ủy ban cho rằng “khái niệm điều ước quốc tế tạo ra quy chế khách quan đã tồn tại trong luật quốc tế và nên được xem xét đặc biệt trong dự thảo các điều khoản này”.[6] Các thành viên này cho một số ví dụ về dạng điều ước quốc tế tạo ra quy chế khách quan như điều ước quốc tế xác lập quy chế trung lập hoặc quy chế phi quân sự của một khu vực hay vùng lãnh thổ nhất định, các điều ước quốc tế quy định về tự do qua lại trên các dòng sông quốc tế hay tuyến hàng hàng hải.[7] Hiệp ước Nam cực như một ví dụ gần đây về loại điều ước quốc tế này.[8] Sau này, Anthony Aust đưa thêm một số ví dụ khác như điều ước về trung lập hay phi quân sự (Hiệp ước về Quần đảo Svalbard (post), các điều ước về không gian vũ trụ), điều ước về tự do qua lại trên vùng nước quốc tế (điều ước về Kênh đào Suez, Eo biển Thổ Nhĩ Kỳ (Biển Đen), Eo biển Magellan).[9]

Ngược lại, một số thành viên khác thì cho rằng mặc dù trong một số trường hợp quyền và nghĩa vụ điều ước có thể có giá trị erga omnes, nhưng chúng không tạo thành một khái niệm pháp lý hay chế định đặc biệt trong luật điều ước quốc tế.[10] Trong các trường hợp đặc biệt đó, hiệu lực erga omnes có được là do quốc gia thứ ba đồng ý với các quyền từ một điều ước mà họ không là thành viên, hoặc là kết quả của việc quy định điều ước phát triển thành quy định tập quán quốc tế.[11]

Do lý thuyết về quy chế khách quan còn đang tranh cãi và nhiều khả năng không có sự chấp nhận rộng rãi một quy định về điều ước quốc tế trực tiếp tạo ra quy chế khách quan, ILC quyết định không đề cập đến vấn đề này trong dự thảo.[12] Hơn nữa, đồng ý với quan điểm thứ hai, ILC cho rằng các quy định về điều ước quốc tế tạo ra quyền cho quốc gia thứ ba và điều ước quốc tế chuyển hóa thành tập quán quốc tế đã đủ để thúc đẩy “việc hình thành các quyền và nghĩa vụ điều ước có giá trị erga omnes”.[13] ILC tiếp tục giữ nguyên quan điểm này cho đến dự thảo cuối cùng năm 1966.[14]

Trần H. D. Minh


[1] Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC), Draft articles on the law of treaties 1966, tr. 226, đoạn (1), https://legal.un.org/ilc/texts/instruments/english/commentaries/1_1_1966.pdf truy cập ngày 03/05/2021.

[2] Như trên, tr. 231, đoạn (4).

[3] Humphrey Waldock, Third Report on the Law of Treaties, 1964, tr. 26, https://legal.un.org/ilc/documentation/english/a_cn4_167.pdf truy cập ngày 03/05/2021.

[4] Dự thảo Điều 63(1), như trên, tr. 26.

[5] Dự thảo Điều 63(2)(b), như trên, tr. 26-27.

[6] Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC), Report of the International Law Commission covering the work of its sixteenth session, 11 May – 27 July 1964, tr. 184-185, đoạn (3), https://legal.un.org/ilc/documentation/english/reports/a_cn4_173.pdf truy cập ngày 03/05/2021.

[7] Như trên.

[8] Như trên.

[9] Anthony Aust, Modern Treaty Law and Practice (Cambridge Unviersity Press, 2002), tr. 209.

[10] Như trên.

[11] Như trên.

[12] Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC), Report of the International Law Commission covering the work of its sixteenth session, 11 May – 27 July 1964 (chú thích số 6) tr. 184-185, đoạn (3).

[13] Như trên.

[14] Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC), Draft articles on the law of treaties 1966 (chú thích số 1) tr. 231, đoạn (4).

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: