Giới thiệu Hiệp ước INF – Việc Mỹ và Nga rút khỏi INF – Viễn cảnh một hiệp ước mới với ba bên: Mỹ, Nga và Trung Quốc?
Ngày 01.02.2019 Tổng thống Mỹ tuyên bố đình chỉ thi hành các nghĩa vụ theo Hiệp ước về Loại trừ tên lửa tầm trung và tầm ngắn (thường gọi tắt là Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung – Hiệp ước INF) từ ngày 02.02.2019. Tuyên bố cũng nêu rõ “[Mỹ] sẽ bắt đầu tiến trình rút khỏi Hiệp ước INF trong vòng 06 tháng trừ khi Nga quay lại tuân thủ [Hiệp ước] phá hủy tất cả các tên lửa, bệ phóng và các thiết bị đi kèm vi phạm của mình.”[1]
Một ngày sau đó, ngày 02.02.2019, trong cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao, Tổng thống Putin cũng kết luận: “Phản ứng của chính ta cũng sẽ tương tự. Đối tác Mỹ đã tuyên bố họ đình chỉ tham gia Hiệp ước INF, và chúng ta cũng sẽ đình chỉ tương tự.”[2]
Hiệp ước INF năm 1987
Hiệp ước INF được ký kết giữa Mỹ và Liên Xô vào năm 1987, có hiệu lực vào ngày 01.06.1988 (xem thêm tóm tắt, và nguyên văn Hiệp ước INF trên website của Bộ Ngoại giao Mỹ tại đây).
Đối tượng và mục đích của Hiện ước là nhằm phá hủy các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km, cùng với các bệ phóng, cơ sở và thiết bị liên quan. Nghĩa vụ chung của hai nước tại Điều 1 quy định: “..mỗi Bên sẽ phá hủy các tên lửa tầm trung và tầm ngắn, sau đó sẽ không duy trì các hệ thống như thế…” Như vậy, hai nước đồng ý sẽ phá hủy các tên lửa hiện có, và cam kết không tiến hành sản xuất, tang trữ, triển khai các loại tên lửa đó trong tương lại. Việc phá hủy phải được thực hiện trong vòng 03 năm sau ngày Hiệp ước có hiệu lực,[3] tức ngày 01.06.1991.
Điều II của Hiệp ước định nghĩa chung về các loại tên lửa và hệ thống, thiết bị đi kèm. Điều III liệt kê các loại tên lửa hiện Mỹ và Liên Xô có tại thời điểm đó. Theo đó, loại tên lửa được yêu cầu phá hủy là tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa hành trình phóng từ mặt đất được sử dụng để mang vũ khí. Trong đó, tên lửa tầm trung có tầm bắn từ 1.000 đến dưới 5.500 kilomet gồm tên lửa Pershing II và BGM-109G của Mỹ và tên lửa RSD-10, R-12 và R-14 của Liên Xô (ở Mỹ được biết với tên gọi SS-20, SS-4 và SS5. Tên lửa tầm ngắn có tầm bắn từ 500 đến dưới 1.000km, gồm tên lửa Pershing IA của Mỹ và tên lửa OTR-22 và OTR-23 của Liên Xô (ở Mỹ được biết đến với tên gọi SS-12 và SS-23).
Về cơ chế giám sát thực hiện, Điều XI quy định các bên có quyền thanh sát các cơ sở của nhau, bao gồm cả cơ sở trên lãnh thổ của bên đó cũng như ở quốc gia khác mà hai bên có triển khai các tên lửa (basing countries). Quyền thanh sát này sẽ được thực hiện trong vòng 13 năm kể từ khi Hiệp ước có hiệu lực. Quyền thanh sát chấm dứt vào nửa đêm ngày 31.05.2001.
Việc rút khỏi Hiệp ước INF
Theo Điều XV, Hiệp ước có hiệu lực vô thời hạn, nhưng các bên có quyền rút khỏi Hiệp ước. Khoản 2, Điều XV quy định:
“Thực thi chủ quyền quốc gia của mình, mỗi Bên có quyền rút khỏi Hiệp ước này nếu Bên đó cho rằng các sự kiện đặc biệt liên quan đến nội dung của Hiệp ước đã gây tổn hại đến lợi ích tối cao của mình. Bên đó sẽ thông báo quyết định rút khỏi Hiệp ước cho Bên còn lại 06 tháng trước khi chính thức rút khỏi Hiệp ước. Thông báo đó phải nêu rõ các sự kiện đặc biệt mà Bên thông báo cho rằng đã gây tổn hại đến lợi ích tối cao của mình.”
Như vậy, Mỹ và Nga đã sử dụng Điều XV.2 trên khi tuyên bố rút khỏi Hiệp ước, và đã tiến hành cũng đúng về mặt thủ tục.
Một Hiệp ước INF mới bao gồm cả Trung Quốc?
Trong tuyên bố của Tổng thống Mỹ và Nga, khả năng đàm phán không bị loại trừ. Viễn cãnh có thể là (a) một cơ chế giám sát việc tuân thủ, ví dụ như phục hồi quyền thanh sát theo Điều XI của Hiệp ước, hoặc (b) một hiệp ước mới với Trung Quốc là một bên. Nếu viễn cảnh thứ nhất xảy ra thì sẽ có một thỏa thuận sửa đổi, bổ sung Hiệp ước theo thủ tục tại Điều XVI.
Viễn cãnh thứ hai có vẻ thú vị hơn. Việc Hiệp ước INF chỉ bao gồm Mỹ và Nga có thể phù hợp tại thời điểm năm 1987 khi hai nước là siêu cường của thế giới, và Trung Quốc vẫn duy trì chính sách “giấu mình chờ thời”. Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng thể hiện sức mạnh của mình với một nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới, và Nga ở vị thế yếu, việc tiếp tục để Trung Quốc tự do phát triển vũ khí trong khi Mỹ và Nga bị hạn chế sẽ không còn phù hợp. Chính Tổng thống Trump đã gợi ý rằng Trung Quốc cần phải nằm trong một cơ chế kiểm soát vũ khí tương lại.[4] Tổng thống Trump phát biểu rằng:
“Chúng ta sẽ phát triển các vũ khí đó, trừ khi Nga đến với chúng ta và Trung Quốc đến với chúng ta và tất cả hai nước đến với chung ta và nói, ‘Hãy thông minh lên và đừng để bất kỳ ai trong chúng ta phát triển các vũ khí đó’ […] Nhưng nếu Nga đang phát triển các vũ khí và nếu Trung Quốc đang phát triển các vũ khí và chúng ta lại phải tuân thủ thỏa thuận này, điều đó là không thể chấp nhận được.”[5]
Trong một báo cáo của Ủy ban Rà soát An ninh và Kinh tế Mỹ – Trung (UCESRC) của Quốc hội Mỹ ngày 04.02.2019 cũng xác nhận Trung Quốc là nguyên nhân chính (a major reason) của quyết định rút khỏi INF của Mỹ. Như vậy có thể thấy rằng Mỹ mong muốn một hiệp ước INF (bất kể nội dung có thay đổi hay giữ nguyên như INF 1987) phải là một điều ước đa phương với ba bên: Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Thủ tướng Đức Merkel cũng có vẻ đã nhận ra cơ hội để buộc Trung Quốc vào một cơ chế kiểm soát vũ khí nên tại Hội nghị An ninh Munich ngày 16.02.2019 bà đã kêu gọi kiểm soát vũ khí giữa Mỹ, châu Âu, Nga và Trung Quốc.[6]
Cũng tại Hội nghị Munich này, đại diện của Trung Quốc Yang Jiechi đã bác bỏ đề xuất đa phương hóa INF này của Đức.[7] Trước đó, ngày 02.02.2019, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang đã nêu quan điểm phản đối của Trung Quốc trước khả năng đa phương hóa INF. Trả lời cho câu hỏi liệu Trung Quốc có đồng ý đàm phán một hiệp ước đa phương mới về kiểm soát vũ khí thay thế cho Hiệp ước INF không, Geng trả lời rằng:
“Việc đa phương hóa Hiệp ước INF liên quan đến một loạt các vấn đề phấn tạp từ chính trị, quân sự đến pháp lý, và sẽ gây quan ngại cho nhiều quốc gia. Trung Quốc phản đối việc đa phương hóa hiệp ước này. Cái quan trọng nhất tại thời điểm này là tôn trọng và thực hiện hiệp ước hiện có hơn là tạo ra một hiệp ước mới.”[8]
Báo cáo của UCESRC cũng dẫn lời một số học giả Trung Quốc về khả năng sau khi Mỹ rút khỏi INF, sẽ triển khai các tên lửa ở khu vực châu Á, và do đó, đe dọa trực tiếp đến Trung Quốc. Có thể Trung Quốc sẽ cần cứng rắn với các đồng minh của Mỹ (Hàn Quốc, Nhật Bản) có ý định cho Mỹ triển khai các tên lửa đó, hoặc sẽ tăng cường sản xuất và triển khai tên lưởng để đối trọng với Mỹ.
Viễn cảnh một Hiệp ước INF đa phương có thể hập dẫn và phục vụ lợi ích cho cả Nga, Mỹ, châu Âu, và do đó, các nước này có thể sẽ tận dụng cơ hội mà Mỹ tạo ra này để nhắm đến Trung Quốc; không thể để một Trung Quốc ngày càng lớn mạnh ở ngoài vòng kiểm soát trong khi các nước tự trói tay của mình. Kết quả của “màn kịch INF” này còn phụ thuộc vào đấu tranh ngoại giao và trên thực địa giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trần H.D. Minh
———————————————————————————–
[1] Statement from the President Regarding the Intermediate-Range Nuclear Forces (INF) Treaty, ngày 01.02.2019, https://www.whitehouse.gov/briefings-statements/statement-president-regarding-intermediate-range-nuclear-forces-inf-treaty/ (truy cập ngày 12.02.2019).
[2] ‘Vladimir Putin holds a working meeting with Foreign Minister Sergey Lavrov and Defence Minister Sergay Shoigu’, ngày 02.02.2019, http://www.mid.ru/en/web/guest/foreign_policy/news/-/asset_publisher/cKNonkJE02Bw/content/id/3495751 (truy cập ngày 12.02.2019).
[3] Hiệp ước INF, Điều IV.1.
[4] A Taylor, ‘How China plays into Trump’s decision to pull out of INF treaty with Russia’’, The Washington Post, ngày 23.10.2018, https://www.washingtonpost.com/world/2018/10/23/how-china-plays-into-trumps-decision-pull-out-inf-treaty-with-russia/?noredirect=on&utm_term=.4ff7eca3b35d (truy cập ngày 12.02.2019).
[5] Trích lại trong VOA News, ‘Russia wants explanation of Trump withdrawal from arms treaty’, VOA News, ngày 22.10.2018, https://www.voanews.com/a/russia-wants-explanation-of-trump-withdrawal-from-arms-treaty/4622702.html (truy cập ngày 12.02.2019).
[6] AFP, ‘German Chancellor Angela Merkel says disbarment efforts must include China as well as US, Russia, ngày 17.02.2019, ’https://www.scmp.com/news/world/united-states-canada/article/2186484/german-chancellor-angela-merkel-says-disarmament (truy cập ngày 18.02.2019).
[7] Như trên.
[8] Foreign Ministry Spokesperson Geng Shuang’s Remarks on the US Suspending INF Treaty Obligations and Beginning Withdrawal Process, ngày 02.02.2019, https://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/xwfw_665399/s2510_665401/2535_665405/t1635268.shtml (truy cập ngày 12.02.2019).
Trả lời