[60] Phán quyết ngày 02.02.2018 của Tòa ICJ về Phân định biển giữa Costa Rica và Nicaragua

Giới thiệu – 1. Phân định lãnh hải: điểm đầu đường phân định có tính chất di động do địa hình không ổn định – Một phần lãnh thổ nhỏ của Nicaragua nằm trong lãnh thổ của Costa Rica – 2. Phân định EEZ và thềm lục địa: Tác động của các hiệp định và phán quyết phân định biển trong khu vực Biển Caribê – Quy chế đảo/đá

Phán quyết ngày 02 tháng 02 năm 2018[1] của Tòa án Công lý Quốc tế là phán quyết chung cho hai vụ việc mà Costa Rica khởi kiện chống lại Nicaragua vào năm 2014 (Vụ phân định biển ở Biển Carribe và Thái Bình Dương) và năm 2017 (Vụ biên giới đất liền ở khu vực phía bắc của Isla Portillos). Do hai vụ việc có liên hệ chặt chẽ với nhau nên Tòa ICJ đã quyết định gộp hai vụ việc để xem xét chung theo Điều 47 Quy tắc thủ tục của Tòa.[2] Điều này cho phép Tòa có thể xem xét đồng thời tổng thể các vấn đề tranh chấp có liên quan đến nhau trong vụ việc, bao gồm cả vấn đề về bằng chứng và pháp lý mà hai vụ việc có điểm chung.

Liên quan đến vấn đề phân định biển giữa hai nước, vụ việc này là lần đầu tiên một tòa án quốc tế xem xét phân định hai khu vực biển tách biệt nhau giữa hai quốc gia: một ở Biển Caribe và một ở Thái Bình Dương. Tòa ICJ đã xem xét tách biệt và lần lượt hai khu vực biển trên. Ở từng khu vực biển, Tòa được yêu cầu phân định lãnh hải, đặc quyền kinh tế và thềm lực địa. Qua phán quyết này, Tòa một lần nữa khẳng định lại các phương pháp phân định biển – phương pháp hai bước trong phân định lãnh hải và phương pháp ba bước trong phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa – mà Tòa đã phát triển và áp dụng trong các án lệ của mình, góp phần củng cố các phương pháp này thành phương pháp thống nhất trong phân định biển (xem Phân định biển). Do vụ việc có một số đặc thù, nên ngoài việc khẳng định lại các phương pháp phân định biền, phán quyết góp thêm một số điểm mới khá thú vị.

Phân định lãnh hải

Về phân định lãnh hải, Tòa ICJ áp dụng Điều 15 Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và phương pháp hai bước đã được Tòa phát triển và áp dụng thống nhất trong các án lệ của mình. Tòa đầu tiên sẽ vạch đường phân định tạm thời bằng đường cách đều, sau đó xem xét xem có bất kỳ hoàn cảnh đặc biệt nào cần phải tính đến để điều chỉnh đường phân định tạm thời hay không. Tòa xem xét đến hai hoàn cảnh đặc biệt – và có vẻ như chưa từng xuất hiện trong các vụ việc trước đầy: (1) điểm bắt đầu của đường phân định là điểm linh hoạt, và (2) một phần lãnh thổ của Nicaragua nằm bên trong lãnh của Coasta Rica.

Thứ nhất, thông thường điểm bắt đầu của đường phân định biển là điểm cuối của đường biên giới trên đất liền. Các điểm này là các điểm cố định. Tuy nhiên do đặc thù của điểm cuối đường biên giới trên đất liền giữa Costa Rica và Nicaragua là một mũi cát (sandspit) ở cửa sông San Juan có tính chất rất không ổn định và hẹp (high instability and narrowness), do đó bắt buộc Tòa phải chọn một điểm cố định của đường phân định ở trên biển.[3] Điểm cố định trên biển này cách bờ biển 2 hải lý, và đường phân định từ điểm này về phía đất liền sẽ là đường di động (mobile line) nối điểm đó với một điểm trên đất liền gấn nhất với mũi cát ở cửa sông nhất.[4] Do mũi cát này không ổn định nên vị trí điểm đầu đường phân định này có thể thay đổi theo thời gian.[5] Trước đây, các cơ quan tài phán cũng đã từng xác định điểm đầu đường phân định có tính chất không cố định, như trong Vụ Nicaragua v. Honduras (phán quyết của Tòa ICJ năm 2007, đoạn 311) và Vụ Guinea/Guinea-Bissau (phán quyết trọng tài năm 1985, đoạn 129).

Thứ hai, hoàn cảnh đặc biệt khác của vụ việc này là có một phần lãnh thổ nhỏ của Nicaragua – Đầm Harbor Head (Harbor Head Lagoon – nằm bên trong và dọc theo một phần bờ biển của Costa Rica. Phần lãnh thổ này là một đầm nước mặn cạnh biển, ngăn cách với Biển Caribe bởi một dãi cát dài (sandbar) không ổn định. Theo Tòa, nếu phần lãnh thổ nhỏ này của Nicaragua cũng được trao một lãnh hải thì cũng chẳng mấy hữu dụng với Nicaragua mà lại tạo ra sự chia cắt trong lãnh hải của Costa Rica.[6] Do đó, Tòa sẽ không xem xét đến bất kỳ vùng biển nào tạo ra bởi phần lãnh thổ nhỏ này trong vụ việc phân định lãnh hải giữa hai nước.[7] Kết luận này khá mơ hồ và không rõ nghĩa. Một mặt Tòa không xác nhận phần lãnh thổ nhỏ này có tạo ra vùng biển nào hay không, mặt khác Tòa ngầm phủ nhận có những vùng biển đó do nếu như thế sẽ “tạo ra sự chia cắt trong lãnh hải của Costa Rica.” Hi vọng Nicaragua sẽ vì “không mấy hữu dụng” mà sẽ không yêu sách lãnh hải từ phần lãnh thổ nhỏ đó!

“105. The Court considers that another special circumstance is relevant for the delimitation of the territorial sea. The instability of the sandbar separating Harbor Head Lagoon from the Caribbean Sea and its situation as a small enclave within Costa Rica’s territory call for a special solution. Should territorial waters be attributed to the enclave, they would be of little use to Nicaragua, while breaking the continuity of Costa Rica’s territorial sea. Under these circumstances, the delimitation in the territorial sea between the Parties will not take into account any entitlement which might result from the enclave.”

33

Phân định đặc quyền kinh tế và thềm lục địa

Tòa áp dụng Điều 74 và 83 của UNCLOS làm cơ sở pháp lý để phân định và tiếp tục sử dụng phương pháp ba bước đã được Tòa phát triển và sử dụng trong các án lệ của mình và đã được các tòa án và trọng tài quốc tế khác áp dụng.[8] Đầu tiên , Tòa sẽ vẽ đường phân định tạm thời bằng đường cách đều, sau đó Tòa xem xét có bất kỳ hoàn cảnh hữu quan nào cần phải tính đến để điều chỉnh đường tạm thời hay không.[9] Cuối cùng Tòa sẽ kiểm tra tính công bằng của đường tạm thời sau khi điều chỉnh thông qua xem xét liệu có sự bất tương xứng đáng kể nào giữa chiều dài bờ biển liên quan (relevant coasts) và khu vực biển được phân chia cho hai bên hay không.[10] Ngoài ra, trong phân quyết của mình Tòa có xem xét đến hai điểm mới.

Thứ nhất, Tòa xem xét liệu các hiệp định phân định biển song phương và phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế liên quan đến quốc gia thứ ba có ảnh hưởng đến việc xác định vùng biển liên quan (relevant area) để phân định biển hay không.[11] Đặc thù của vùng biển Caribe là một vùng biển nửa kín, bao quanh bởi nhiều quốc gia, tạo ra các vùng biển chồng lấn phức tạp nhau. Trong lịch sử một số quốc gia đã ký kết các hiệp định phương định biển với nhau hoặc đã được phân định theo phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế. Trong khu vực biển 200 hải lý tính từ bờ biển của Nicaragua và Costa Rica có đường phân định biển giữa Nicaragua và Colombia do Tòa ICJ vạch trong một phán quyết năm 2012,[12] có đường phân định biển theo Hiệp định năm 1980 giữa Costa Rica và Panama. Câu hỏi đặc ra là khi xác định vùng biển liên quan những vùng biển nằm trong phạm vi của các phán quyết và hiệp định trên có phải bị loại trừ hay không?

27

Trước hết, Tòa khẳng định rằng về nguyên tắc: “vùng biển liên quan không thể mở rộng vượt quá khu vực mà yêu sách của các bên chồng lấn nhau. Theo đó, nếu bất kỳ Bên nào không có quyền yêu sách đối với một khu vực cụ thể, theo thỏa thuận mà bên đó ký kết với quốc gia thứ ba hoặc do khu vực đó nằm bên kia đường biên giới được xác định bởi cơ quan tài phán giữa Bên đó và quốc gia thứ ba, khu vực đó không thể được xem là một phần của vùng biển liên quan.”[13] Bên cạnh đó, Tòa khẳng định là vùng biển liên quan giữa hai bên hoàn toàn có khả năng nằm trong yêu sách biển của bên thứ ba. Về nguyên tắc, phán quyết của Tòa chỉ có hiệu lực với các bên trong vụ việc mà không ảnh hưởng đến yếu sách của bên thức ba hoặc yêu sách của từng bên trong vụ việc với một bên thứ ba khác. Tòa có thể dẫn chiếu đến các yêu sách đó nhưng sẽ không đánh giá về giá trị pháp lý của các yêu sách này. Ngược lại, phán quyết của Tòa giữa một Bên trong vụ việc và một bên thức ba hay giữa bên thứ ba với nhau cụng không có ảnh hưởng đến việc phân địnhbiển giữa hai Bên trong vụ việc. Điều này cũng áp dụng với các điều ước được ký kết giữa một Bên và bên thứ ba hay giữa các bên thứ ba. Theo đó, vùng biển liên quan giữa Nicaragua và Costa Rica trong Biển Caribê sẽ loại trừ vùng biển thuộc Colombia theo phán quyết của Tòa ICJ năm 2012 và vùng biển của Panama theo Hiệp định năm 1980. Nếu đẩy suy luận xa hơn thì kết luận của Tòa có thể hiểu là không có nghĩa Costa Rica không được yêu sách vùng biển của Colombia do vùng biển này chỉ thuộc về Colombia trong quan hệ với Nicaragua, và Nicaragua không được yêu sách vùng biển của Panama do vùng biển này chỉ thuộc về Panama trong quan hệ với Costa Rica. Kết luận này thể hiện rõ đặc trưng phân mảnh của luật quốc tế, cũng như là một ví dụ kinh điểm cho nguyên tắc phán quyết của cơ quan tài phán chỉ ràng buộc các bên trong vụ việc và nguyên tắc điều ước quốc tế không ràng buộc quốc gia thứ ba.

66

Thông thường, chỉ ở những vùng biển nửa kín và hẹp mới xuất hiện tình trạng một vùng biển chồng lấn bởi yêu sách hợp pháp của nhiều hơn hai quốc gia, ví dụ như Biển Caribe, Biển Bắc, Biển Baltic, Địa Trung Hải, và Biển Đông. Các quốc gia dọc theo các đại dương lớn đều chỉ có vùng biển chồng lấn với quốc gia liền kề hoặc quốc đảo đối diện. Đối với Việt Nam, kết luận của Tòa nhắc nhở rằng các đường phân định thềm lục địa giữa Việt Nam và Indonesia (năm 2003)[14] ở phía nam Biển Đông và Thái Lan (năm 1997)[15] trong Vịnh Thái Lan chỉ có giá trị pháp lý giữa Việt Nam và từng nước trên mà không có giá trị với các quốc gia khác như Malaysia, Campuchia và Brunei. Các quốc gia này có thể yêu sách vùng biển mà Việt Nam, Thái Lan và Indonesia đã phân định miễn sao họ có đầy đủ cơ sở pháp lý theo quy định của luật biển quốc tế.

Thứ hai, Tòa công nhận một đảo của Nicaragua là đảo với đầy đủ các vùng biển theo Điều 121(2). Nhóm đảo Corn Islands, gồm một đảo lớn (Great Corn Island, 9,6 km2) và một đảo nhỏ (Little Corn Island, 3 km2) với tổng dân số 7,400 người.[16] Tòa xem các đảo này có số lượng dân cư đáng kể (a significant number of inhabitants) và duy trì được đời sống kinh tế, do đó, thỏa mãn các yêu cầu ở Điều 121 để có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.[17] Cần lưu ý rằng mức độ các yếu tố dân cư và kinh tế thỏa mãn điều kiện trong vụ này không nên được xem mức tối thiểu (lowest threshold) khi xem xét câu hỏi đảo/đảo đá theo Điều 121(3). Nhóm đảo Corn Islands với dân cư và đời sống kinh tế như thế đã có thể xem là vượt khá xa mức tối thiểu yêu cầu.

Trần H.D. Minh

———————————————————————–

[1] Vụ phân định biển ở Biển Caribê và Thái Bình Dương (Costa Rica v. Nicaragua) & Vụ biên giới đất liền ở khu vực phía bắc Isla Portillos (Costa Rica v. Nicaragua), Phán quyết của Tòa ICJ năm 2018, đoạn 98.

[2] Vụ phân định biển ở Biển Caribê và Thái Bình Dương (Costa Rica v. Nicaragua) & Vụ biên giới đất liền ở khu vực phía bắc Isla Portillos (Costa Rica v. Nicaragua), Lệnh của Tòa ICJ năm 2017, đoạn 16 – 17.

[3]  Phán quyết của Tòa ICJ năm 2018, đoạn 104.

[4] Như trên.

[5] Như trên.

[6] Như trên, đoạn 105.

[7] Như trên.

[8] Như trên, đoạn 135.

[9] Như trên.

[10] Như trên.

[11] Như trên, đoạn 123 – 134.

[12] Vụ Tranh chấp lãnh thổ và biển (Nicaragua v. Colombia), Phán quyết của Tòa ICJ năm 2012.

[13] Như trên, đoạn 117, Tòa dẫn lại Vụ Tranh chấp lãnh thổ và biển (Nicaragua v. Colombia), Phán quyết của Tòa ICJ năm 2012, đoạn 163.

[14] Hiệp định giữa Việt Nam và Indonesia về phân định ranh giới thềm lục địa, ngày 26/6/2003.

[15] Hiệp định giữa Việt Nam và Thái Lan về phân định ranh giới trên biển giữa hai nước trong Vịnh Thái Lan, ngày 09/8/1997.

[16] Như trên, đoạn 49.

[17] Như trên, đoạn 140.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: