[52] Các kỳ họp đặc biệt khẩn cấp của Đại hội đồng Liên hợp quốc

Nghị quyết 377A (V) năm 1950 – Các khía cạnh pháp lý – Danh sách các kỳ họp đặc biệt khẩn cấp trong lịch sử – Quyền phủ quyết (quyền veto)

Ngày 21 tháng 12 năm 2017 Đại hội đồng Liên hợp quốc đã triệu tập lại kỳ họp đặc biệt khẩn cấp thứ 10 (emergency special sessions) để xem xét việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel vào ngày 06/12/2017. Đây là phiên họp thứ 17 trong chuỗi các phiên họp thuộc kỳ họp đặc biệt khẩn cấp thứ 10. Cho đến hiện nay, Đại hội đồng chỉ có 10 kỳ họp đặc biệt khẩn cấp; có kỳ họp chỉ họp một phiên, có kỳ họp được triệu tập và triệu tập lại nhiều phiên (xem danh sách bên dưới).

Cơ sở pháp lý để triệu tập phiên họp này là Nghị quyết 377 (V) của Đại hội đồng thông qua ngày 03/11/1950. Tiêu đề của Nghị quyết này là “Đoàn kết vì Hoà bình” (Uniting for Peace), do đó, đôi khi cũng được gọi là Nghị quyết Đoàn kết vì Hoà bình. Nghị quyết này được đưa ra nhằm phản ứng lại tình trạng bế tắc của Hội đồng Bảo an khi Liên Xô với quyền phủ quyết (quyền veto, xem giải thích thêm về quyền này ở cuối bài) của mình liên tục ngăn Hội đồng thông qua các hành động trong bối cảnh Chiến tranh Triều Tiên năm 1950.

Để phá vỡ thế bế tắc này Mỹ đã thuyết phục Đại hội đồng thông qua Nghị quyết 377 (V) nhận một phần trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, bên cạnh trách nhiệm chính yếu của Hội đồng Bảo an (xem lịch sử Nghị quyết tại đây). Theo đó, Nghị quyết quyết định:

 “… nếu Hội đồng Bảo an, do không có sự thống nhất giữa các thành viên thường trực, thất bại trong việc thực thi trách nhiệm chính yếu trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế trong bất kỳ trường hợp nào có mối đe dọa đến hòa bình, vi phạm hòa bình hay có hành vi xâm lược, Đại hội đồng sẽ xem xét vấn đề ngay lập tức với quan điểm nhằm đưa ra khuyến nghị phù hợp cho các Thành viên về các biện pháp tập thể, bao gồm việc sử dụng lực lượng vũ trang khi cần thiết trong trường hợp vi phạm hòa bình hay có hành vi xâm lược nhằm duy trì hay khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế. Nếu không đang trong kỳ họp, Đại hội đồng có thể họp trong một phiên họp đặc biệt khẩn cấp trong 24 giờ kể từ khi có yêu cầu. Phiên họp đặc biệt khẩn cấp sẽ được triệu tập nếu được Hội đồng Bảo an bằng bỏ phiếu của bảy thành viên bất kỳ hoặc được đa số Thành viên của Liên hợp quốc yêu cầu.”

Như vậy, có ba điều kiện để triệu tập một kỳ họp đặc biệt khẩn cấp bao gồm: (i) Hội đồng Bảo an không thể thực thi trách nhiệm của mình do việc sử dụng quyền phủ quyết của thành viên thường trực, (ii) có mối đe dọa đến hòa bình, vi phạm hòa bình hay có hành vi xâm lược, và (iii) có nghị quyết triệu tập của Hội đồng Bảo an hay theo đa số các quốc gia thành viên.

GAres377A(v)-1-1-1

***

Hiến chương Liên hợp quốc quy định trách nhiệm chính yếu duy trì hòa bình và an ninh quốc tế là của Hội đồng Bảo an, do đó, việc Đại hội đồng tự ra nghị quyết nhận trách nhiệm này – nếu Hội đồng không làm tròn được trách nhiệm đó – đặt ra câu hỏi liệu Nghị quyết 377 (V) có vi phạm vào quyền hạn của Hội đồng hay không. Trong các án lệ của mình, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đã khẳng định trách nhiệm của Đại hội đồng đối với việc duy trì hòa bình an ninh quốc tế theo Nghị quyết 377 (V). Trong khi trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế được quy định là “trách nhiệm chính yếu” (primary responsibility) của Hội đồng Bảo an, thì trách nhiệm này không phải là độc quyền (exclusive).[1] Việc Đại hội đồng thực thi trách nhiệm của mình như Nghị quyết 377 (V) nằm trong phạm vi quyền hạn của mình theo Hiến chương, trong đó có quyền hạn đưa ra khuyến nghị về các điều chỉnh hòa bình cho các tình huống ở Điều 14.[2]

Một câu hỏi quan trọng khác là liệu việc thực hiện trách nhiệm theo Nghị quyết 377 (V) có vi phạm giới hạn ở Điều 12 hay không? Điều 12 quy định Đại hội đồng không đưa ra khuyến nghị đối với các vấn đề mà Hội đồng Bảo an đang xem xét. Nói cách khác, nếu một vấn đề đang nằm trong chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an thì Đại hội đồng không được thông qua nghị quyết để khuyến nghị các biện pháp liên quan đến vấn đề đó, cho đến khi vấn đề đó không còn nằm trong chương trình nghị sự của Hội đồng nữa. Trong Vụ tính hợp pháp của việc Israel xây dựng bức tường trên lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, Tòa ICJ đã xem xét vấn đề này.[3] Theo Tòa, qua thực tiễn, Điều 12 này đã phát triển theo hướng mà cả Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng có thể đồng thời xem xét cùng một vấn đề liên quan đến duy trì hòa bình an ninh quốc tế. Thông thường Hội đồng Bảo an tập trung vào khía cạnh hòa bình và an ninh, trong khi Đại hội đồng xem xét vấn đề rộng hơn như nhân đạo, kinh tế và xã hội. Ý kiến tư vấn của Tòa trong vụ việc trên được đưa ra theo nghị quyết thông qua trong một phiên họp năm 2003 thuộc Kỳ họp đặc biệt khẩn cấp thứ 10 triệu tập trên cơ sở Nghị quyết 377 (V).[4]

***

Trong 10 kỳ họp đặc biệt khẩn cấp, 07 kỳ do Hội đồng Bảo an triệu tập, 03 kỳ do sáng kiến của các quốc gia. Cụ thể:[5]

  1. Kỳ thứ 1 về tình hình Trung Đông do Hội đồng Bảo an triệu tập theo đề xuất của Ai Cập và Nam Tư (01 – 10/11/1956) sau khi Anh và Pháp phủ quyết liên tiếp hai dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an liên quan đến xung đột Israel – Ai Cập với sự can dự của lực lượng vũ trang của Anh và Pháp.
  2. Kỳ thứ 2 về tình hình Hungary do Hội đồng Bảo an triệu tập theo đề xuất của Mỹ (04 – 10/11/1956) sau khi Liên Xô phổ quyết dự thảo nghị quyết liên quan đến cáo buộc Liên Xô can thiệp vào công việc nội bộ của Hungary, bao gồm việc gửi thêm quân đội vào lãnh thổ Hungary, ảnh hưởng đến quyền dân tộc của người dân Hungary.
  3. Kỳ thứ 3 về tình hình Trung Đông do Hội đồng Bảo an triệu tập theo đề xuất của Mỹ (08 – 21/08/1958) sau khi Liên Xô phủ quyết liên tiếp hai dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an liên quan đến khuyến nại của Li Băng và Jordan đối với việc Cộng hòa Ả-rập Thống nhất (United Arap Republic, tồn tại từ 1958 – 1961 bao gồm Ai Cập và Syria hiện nay) can thiệp vào công việc nội bộ của Li Băng và Jordan.
  4. Kỳ thứ 4 về vấn đề Côngô do Hội đồng Bảo an triệu tập theo đề xuất của Mỹ (17 – 19/9/1960) khi Liên Xô phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an về tình hình bất ổn tại Côngô sau đảo chính với sự can dự của Bỉ (Côngô giành độc lập từ Bỉ vào ngày 30/6/1960).
  5. Kỳ thứ 5 về tình hình Trung Đông theo đề xuất của Liên Xô gửi đến Tổng thư ký LHQ (17 – 18/6/1967) sau khi Liên Xô phủ quyết hai dự thảo nghị quyết liên quan đến tình hình Trung Đông và vấn đề Palestine.
  6. Kỳ thứ 6 về tình hình Afganishtan và tác động đến hòa bình và an ninh quốc tế do Hội đồng Bảo an triệu tập theo đề xuất của Mexico và Philippines (10 – 14/01/1980) sau khi Liên Xô phủ quyết dự thảo nghị quyết liên quan đến việc can thiệp quân sự nước ngoài vào Afghanistan.
  7. Kỳ thứ 7 về vấn đề Palestine do Senegal triệu tập (22 – 29/7/1980; 20 – 28/04/1982; 25 – 26/6/1982; 16 – 19/8/1982 và 24/9/1982) sau khi Mỹ phủ quyết một dự thảo nghị quyết vào năm 1980 và 07 dự thảo nghị quyết vào năm 1982 lên án Israel và khẳng định quyền của dân tộc Palestine.
  8. Kỳ thứ 8 về vấn đề Namibia do Zimbabwe triệu tập (13 – 14/9/1981) khi Anh, Pháp và Mỹ phủ quyết 04 nghị quyết liên quan đến việc lực lượng quân sự của chế độ apartheid Nam Phi tiếp tục hiện diện trên lãnh thổ Namibia.
  9. Kỳ thứ 9 về tình hình các lãnh thổ Ả-rập bị chiếm đóng do Hội đồng Bảo an triệu tập theo đề xuất của Jordan (29/01 – 05/02/1982) sau khi Mỹ phủ quyết nghị quyết lên án việc Israel ban hành luật áp đặt pháp luật, thẩm quyền và hành chính lên vùng cao nguyên Golan bị Israel chiếm đóng.
  10. Kỳ thứ 10 về các hành vi trái phép của Israel trong Đông Jeruselam bị chiếm đóng và phần còn lại của lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng do Qatar triệu tập (16 phiên họp từ 1997 – 2009) với thực tế là Mỹ luôn phủ quyết tất cả các nghị quyết lên án Israel trong vấn đề Palestine.

***

Quyền phủ quyết (quyền veto) là đặc quyền của năm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, bao gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Trung Quốc. Quyền phủ quyết được ngầm quy định tại Điều 27(2) của Hiến chương Liên hợp quốc liên quan đến thủ tục bỏ phiếu thông qua nghị quyết tại Hội đồng Bảo an. Điều này quy định nghị quyết của Hội đồng bảo an về các vấn đề không phải vấn đề thủ tục sẽ được thông qua với phiếu thuận của chín thành viên bao gồm các phiếu không chống (concurring votes) của các thành viên thường trực. Phiếu không chống có thể là phiếu thuận hoặc phiếu trắng.

Trần H. D. Minh

—————————————————————

[1] Vụ một số chi phí của Liên hợp quốc, Ý kiến tư vấn của Tòa ICJ năm 1962, tr. 163; Vụ tính hợp pháp của việc Israel xây dựng bức tường trên lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, Ý kiến tư vấn của Tòa ICJ năm 2004, đoạn 26.

[2] Ý kiến tư vấn của Tòa ICJ năm 2004, đoạn 26.   [3] Như trên, đoạn 27.

[4] Xem Nghị quyết ES-10/14 ngày 12/12/2003.

[5] Tổng hợp từ: Đại hội đồng Liên hợp quốc, Emergency special sessions, xem tại http://www.un.org/en/ga/sessions/emergency.shtml; các nghị quyết và văn bản liên quan cho từng và tất cả kỳ hợp đặc biệt khẩn cấp, xem tại http://research.un.org/en/docs/ga/quick/emergency; và thống kê việc sử dụng quyền phủ quyết (veto) của các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, xem tại http://research.un.org/en/docs/sc/quick; và dự thảo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an tại http://repository.un.org/handle/11176/9

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: