[211] Phán quyết ngày 03.02.2021 của Toà ICJ về thẩm quyền trong Vụ cáo buộc vi phạm Hiệp ước Thân thiện, Quan hệ kinh tế và Quyền lãnh sự giữa Iran và Mỹ

Ngày 03.02.2021, Toà án Công lý Quốc tế (ICJ) đã ra phán quyền khẳng định Toà có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong Vụ cáo buộc vi phạm Hiệp ước Thân thiện, Quan hệ kinh tế và Quyền lãnh sự giữa Iran và Mỹ. Trước đó, vào ngày 03.10.2018, khi quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Toà ICJ đã xác định có thẩm quyền prima facie (post).

Vụ kiện này là vụ thứ hai mà Iran khởi kiện Mỹ ra trước Toà ICJ nhằm bác bỏ các lệnh trừng phạt mà Tổng thống Donald Trump tái áp đặt lên Iran sau khi Mỹ rút khỏi thoả thuận hạt nhân Iran (Joint Comprehehensive Plan of Action – JCPA) – thoả thuận này được ký giữa Iran với Mỹ (thời Tổng thống Obama), Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Đức và Liên minh châu Âu. Vụ đầu tiên là Vụ một số tài sản của Iran (Iran v. Mỹ), Toà ICJ đã ra phán quyết về thẩm quyền vào ngày 13.02.2019 (post), và đang trong giai đoạn xem xét về nội dung (link).

Xem nguyên văn Phán quyết (eng), tóm tắt của Thư ký Toà (eng), Tuyên bố của Thẩm phán Tomka (eng), Ý kiến riêng nửa đồng thuận, nửa phản đối của Thẩm phán ad hoc Brower (eng).

*

Ngày 16.7.2018, Iran gửi thông báo khởi kiện Mỹ lên Toà ICJ, cáo buộc Mỹ vi phạm các nghĩa vụ theo Hiệp ước Thân thiện, Quan hệ kinh tế và Quyền lãnh sự khi áp dụng các lệnh trừng phạt đơn phương với Iran. Hiệp ước được hai nước ký vào năm 1955, có hiệu lực năm 1957. Đồng thời với thông báo khởi kiện, Iran đề nghị Toà áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Ngày 03.10.2018, Toà xác định có thẩm quyền prima facie và áp dụng một số biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với Mỹ (post).

Mỹ đưa ra bốn lý do cho rằng Toà ICJ không có thẩm quyền. Tòa bác bỏ cả bốn lý do này.

Thứ nhất, Mỹ cho rằng bản chất tranh chấp không liên quan đến Hiệp ước năm 1955 mà là tranh chấp về việc thực hiện JCPA

Theo Mỹ, các yêu cầu của Iran là nhằm mục đích khôi phục lại việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp dụng với Iran đúng như thoả thuận JCPA [42]. Nhận định này của Mỹ là đúng bởi vì theo JCPA, Mỹ sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, đổi lại Iran sẽ chấm dứt chương trình hạt nhân của mình. Hơn nữa, bối cảnh của vụ kiện phát sinh khi Tổng thống Donald Trump tái áp dụng (re-impose) các lệnh trừng phạt mà Tổng thống Obama đã gỡ bỏ theo JCPA.

Phản bác lại lập luận của Mỹ, Iran cho rằng các yêu cầu của Iran gửi đến Toà chỉ liên quan đến việc giải thích và áp dụng Hiệp ước năm 1955, cụ thể là liệu các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ có vi phạm Hiệp ước hay không.

Để xác định bản chất của tranh chấp (the subject of a dispute), Toà ICJ cho rằng trong khi nguyên đơn cần chỉ rõ bản chất tranh chấp mà nước này đệ trình trước Toà, chính Toà mới có quyền quyết định vấn đề này sau khi xem xét đệ trình của các bên tranh chấp [52]. Toà dẫn lại kết luận của mình trong Vụ thử hạt nhân như sau:

“Đây là nghĩa vụ của Toà cần phải khu biệt hoá vấn đề thực sự trong một vụ việc và cần xác định đối tượng của một đệ trình. Không ai phản đối rằng Toà có quyền giải thích các đệ trình của các bên tranh chấp, và thực tế Toà có nghĩa vụ phải làm như vậy; đây là một khía cạnh trong chức năng tư pháp của Toà” (Vụ thử hạt nhân (Australia v. Pháp) (Phán quyết) [1974] ICJ Rep, tr. 262 [29]; Vụ thử hạt nhân (New Zealand v. Pháp) (Phán quyết) [1974] ICJ Rep, tr. 466 [30]).

Screen Shot 2021-02-04 at 15.19.10

Cụ thể, việc xác định bản chất của tranh chấp (subject-matter of the dispute) cần được “dựa trên cơ sở khách quan”, đồng thời “xem xét đến cách Nguyên đơn đặt vấn đề”, cụ thể Toà dựa vào thông báo khởi kiện của nguyên đơn, tranh tụng viết và miệng của các bên tranh chấp, cũng như các bằng chứng mà Nguyên đơn sử dụng làm cơ sở cho đệt rình của mình [53].

Dựa trên các căn cứ trên, trong vụ việc này, Toà cho rằng mặc dù các đệ trình và yêu cầu của Iran có thể liên quan đến việc Mỹ rút khỏi JCPA nhưng điều này không đồng nghĩa với việc tranh chấp này là tranh chấp về JCPA và không phải là một tranh chấp liên quan đến Hiệp ước năm 1955. Toà tái khẳng định quan điểm nhất quán trong các án lệ của mình rằng: các tranh chấp pháp lý có thể chỉ là một khía cạnh của một tranh chấp lớn hơn, nhưng điều này không đồng nghĩa Toà nên từ chối giải quyết tranh chấp đó [55]. Toà nói rõ rằng:

“Một số hành vi có thể thuộc phạm vi điều chỉnh của nhiều hơn một văn kiện và một tranh chấp liên quan đến các hành vi đó có thể liên quan đến “việc giải thích và áp dụng”c ủa nhiều hơn một điều ước quốc tế hay văn kiện.” [56]

Screen Shot 2021-02-04 at 15.20.21

Tóm lại, một tranh chấp có thể liên quan đến việc giải thích và áp dụng của hai hay nhiều điều ước quốc tế, và chỉ cần trong các điều ước đó, có một điều ước trao thẩm quyền cho Toà thì Toà sẽ có thẩm quyền trong chừng mực liên quan đến điều ước đó. Ở đây, có thể tranh chấp giữa Iran và Mỹ có liên quan đồng thời đến JCPA và Hiệp ước năm 1955. Toà ICJ vẫn có thẩm quyền xem xét trong chừng mực và chỉ trong chừng mực tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng Hiệp ước năm 1955.

Thứ hai, Mỹ cho rằng tuyệt đại đa số các lệnh trừng phạt của Mỹ áp dụng cho quan hệ giữa Iran và các nước khác, chứ không áp dụng cho quan hệ giữa Mỹ và Iran, do đó, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp ước năm 1955

Các lệnh trừng phạt của Mỹ đa số đều áp dụng nhằm ngăn chặn quan hệ kinh tế và thương mại giữa Iran và các quốc gia khác, chứ không trực tiếp nhằm vào “chủ thể Mỹ” [61]-[62]. Do đó, quan hệ là đối tượng của lệnh trừng phạt không phải là quan hệ giữa Iran và Mỹ, do đó, chúng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp ước năm 1955. Điều này có nghĩa là tranh chấp mà Iran khởi kiện không thể là tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng Hiệp ước này. Nói cách khác, không có tranh chấp như thế tồn tại. Toà ICJ, theo đó, không có thẩm quyền.

Toà không chấp nhận lập luận của Mỹ. Thứ nhất, như Mỹ trình bày, mặc dù đa số các lệnh trừng phạt nhằm vào quan hệ giữa Iran và các quốc gia thứ ba, thì vẫn có một số là nhằm vào quan hệ giữa Iran và Mỹ [76]. Thứ hai, để xem liệu các lệnh trừng phạt có vi phạm nghĩa vụ của Mỹ theo Hiệp ước năm 1955 hay không cần phải xem xét “liệu từng biện pháp – hay nhóm biện pháp – liên quan xem về bản chất có làm tổn hại đến quyền của Iran theo các quy định của Hiệp ước” hay không [80]. Và, “chỉ có thể thông qua việc xem xét chi tiết từng biện pháp liên quan,phạm vi và tác động thực tế của chúng, thì Toà mới có thể xác định liệu các biện pháp này có tác động đến việc thực thi các nghĩa vụ của Mỹ phát sinh từ các quy định của Hiệp ước hay không” [81]. Điều đó có nghĩa Toà cần xem xét cả khía cạnh pháp lý và bằng chứng, do đó, sẽ được xem xét trong giai đoạn xem xét về nội dung (merits) [82].

Từ việc bác bỏ hai lý do Mỹ viện dẫn để phản đối thẩm quyền của Toà, Toà cho rằng Toà có thẩm quyền về nội dung (jurisdiction ratione materiae) để xem xét vụ kiện này [84].

Thứ ba, Mỹ cho rằng các đệ trình của Iran không thể thụ lý (inadmissible) bởi vì chúng cấu thành hành vi lạm dụng thủ tục (an abuse of process) và ảnh hưởng đến tính hợp lý tư pháp của Toà (judicial proriety).

Mỹ cho rằng mặc dù không có một định nghĩa chung về thế nào là hành vi lạm dụng thủ tục, việc xác định một hành vi như thế có thể thông qua hoàn cảnh cụ thể của từng vụ việc [86]. Trong vụ việc này, Mỹ cho rằng Iran đang lạm dụng Toà để đạt lợi thế chính trị trong vấn đề hạt nhân Iran [87]. Iran muốn Toà buộc Mỹ dỡ bỏ các lệnh cấm vận mà theo JCPA chỉ có thể được gỡ bỏ nếu Iran tuân thủ các cam kết trong JCPA. Nếu Toà phán quyết buộc Mỹ dỡ bỏ các lệnh cấm vận này thì Iran sẽ đạt được các lợi ích theo JCPA trong khi chẳng cần phải thực thi các nghĩa vụ của nước này theo JCPA (nt). Mỹ cho rằng Toà nên tuyên bố không thụ lý vụ kiện bởi vì vụ việc này sẽ đặt ảnh hưởng đến “tính toàn vẹn tư pháp” (judicial integrity) của Toà, đặc biệt là nếu Toà gỡ bỏ các lệnh cấm vận liên quan đến JCPA [88].

Toà nhắc lại nguyên tắc rằng “chỉ trong trường hợp ngoại lệ mà Toà nên bác bỏ một đệ trình mà Toà có thẩm quyền xem xét dựa trên căn cứ hành vi lạm dụng thủ tục” và rằng “phải có “bằng chứng rõ ràng” cho thấy hành vi của Nguyên đơn cấu thành một hành vi lạm dụng thủ tục” [93].

Toà cũng không thấy bất kỳ hoàn cảnh ngoại lệ này để bác bỏ đệ trình của Iran [95]. Đệ trình của Iran chỉ đơn giản yêu cầu Toà xem xét tính hợp pháp của các lệnh trừng phạt theo quy định của Hiệp ước năm 1955. Tuy vậy, Toà cũng nhắc lại rằng phán quyết của Toà không bị ảnh hưởng của động cơ chính trị mà một quốc gia khởi kiện một quốc gia khác ra trước Toà. Cụ thể, “phán quyết của Toà không thể tự mình liên quan đến động cơ chính trị mà có thể là nguyên nhân dẫn đến việc một Quốc gia, tại một thời điểm nhất định, hoặc trong một hoàn cảnh cụ thể, lựa chọn [giải quyết tranh chấp bằng] biện pháp tài phán [95].

Screen Shot 2021-02-04 at 15.21.34

Toà không xem xét lập luận của Mỹ liên quan đến tính hợp lý tư pháp (judicial proriety) hay sự toàn vẹn tư pháp (judicial integrity), có lẻ bởi vì nội hàm của các khái niệm này rất mơ hồ và có vẻ chưa từng được giải thích cụ thể.

Thứ tư, Mỹ cho rằng các đệ trình của Iran thuộc pạhm vi loại trừ của Điều XX, khoản 1(b ) và (d) của Hiệp ước năm 1955

Điều XX(1)(b) và (d) quy định rằng:

“Hiệp ước này không loại trừ việc áp dụng các biện pháp: […] (b) liên quan đến vật liệu phân tác, sản phẩm phóng xạ phát sinh hay các nguồn phát sinh; […] (d) cần thiết để thực thi các nghĩa vụ của các Bên ký kết liên quan đến duy trì hay khôi phục hoà bình và an ninh quốc tế hoặc cần thiết để bảo vệ lợi ích an ninh thiết yếu của mình.”

Mỹ cho rằng các lệnh trừng phạt mà Iran muốn Toà gỡ bỏ đều liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran, do đó, thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều XX(1)(b) [1000]. Mỹ còn cho rằng khái niệm “lợi ích an ninh thiết yếu” đủ rộng và trao cho các bên ký kết quyền tự quyết rộng rãi để xác định liệu an ninh quốc gia có bị đe doạ hay không và liệu biện pháp nào cần thiết để bảo vệ lợi ích an ninh của mình [102]. Do đó, các lệnh trừng phạt của Mỹ thuộc phạm vi loại trừ của Điều XX(1) của Hiệp ước. Viện dẫn Điều 79 Quy tắc của Toà, Mỹ cho rằng Toà nên tuyên bố các đệ trình của Iran là không thể thụ lý, mặc dù vấn đề liên quan đến Điều XX(1) thuộc về nội dung (merits) chứ không phải về thẩm quyền sơ bộ.

Toà nhắc lại rằng trong Vụ giàn khoan dầu mà Mỹ khởi kiện Iran vào những năm 1990, Toà đã kết luận rằng: “Điều XX, khoản 1(d) không đặt ra giới hạn về thẩm quyền cho vụ kiện này, nhưng là hạn chế cho các lập luận của các Bên tranh chấp trong giai đoạn xem xét về nội dung” [109]. Chính Mỹ và Iran cũng chấp nhận Điều XX không ảnh hưởng đến thẩm quey62n của Toà hay liệu vụ kiện có thể thụ lý hay không [110]. Do đó, Toà cho rằng lập luận của Mỹ không có tính chất sơ bộ (preliminary) và nên để lại xem xét trong giai đoạn xem xét về nội dung (merits) [110].

Trần H.D. Minh

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: