Giới thiệu – Các nguyên tắc pháp lý điều chỉnh vấn đề bồi thường thiệt hại – Bồi thường thiệt hại về môi trường – Phương pháp đánh giá thiệt hại môi trường – Phán quyết năm 2018 và “Các điều khoản về trách nhiệm quốc gia” năm 2001 của ILC
Đây là phán quyết thứ hai trong cùng ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Tòa ICJ trong hai vụ việc cùng liên quan giữa Costa Rica và Nicaragua (vụ việc liên quan đến bồi thường thiệt hại và một vụ việc liên quan đến biên giới và phân định biển). Trong phán quyết về bồi thường thiệt hại, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đã điểm lại các nguyên tắc pháp lý chính áp dụng để xem xét vấn đề bồi thường thiệt hại cho Costa Rica gây ra bởi hành vi sai phạm quốc tế của Nicaragua theo phán quyết năm 2015 trong Vụ một số hoạt động của Nicaragua trong khu vực biên giới. Trong phán quyết năm 2015, Tòa đã kết luận Nicaragua đã có hành vi vi phạm chủ quyền của Costa Rica và do đó, Nicaragua có nghĩa vụ phải bổi thường cho Costa Rica các thiệt hại vật chất gây ra do hành vi sai phạm của mình.[1] Tuy nhiên, Tòa không xem xét và đưa ra quyết định về mức bồi thường ngay trong phán quyết năm 2015, vì theo Tòa “các Bên nên đàm phán với nhau để đạt được thỏa thuận về các vấn đề này.”[2] Nếu các bên không thể thỏa thuận được với nhau trong vòng 12 tháng từ ngày ra phán quyết thì Tòa sẽ xem xét mức bồi thường theo yêu cầu của bất kỳ bên nào.[3] Đây là thực tiễn nhất quán trong án lệ của Tòa ICJ không ra quyết định về bồi thường ngay mà tạo cơ hội cho các bên tự dàng xếp với nhau. Chỉ khi các bên không thể dàn xếp thì Tòa mới mở thủ tục xem xét vấn đề bồi thường và ra quyết định áp mức bồi thường. Cho đến hiện nay Tòa tổng cộng chỉ mới ra ba phán quyết riêng về bồi thường, cụ thể Vụ eo biển Corfu (1949), Vụ Ahmadou Sadio Diallo (2012) và phán quyết năm 2018 này. Trong các vụ việc khác, bồi thường cũng được đề cập trực tiếp trong phán quyết về nội dung nhưng thông thường không xác định mức bồi thường cụ thể mà để các bên tự thỏa thuận.
Đại diện của Costa Rica và Nicaragua trong phiên công bố phán quyết ngày 02 tháng 02 năm 2018. Nguồn: http://www.icj-cij.org
Sau hơn 12 tháng, Costa Rica và Nicaragua không thể thỏa thuận được mức mà Nicaragua phải bồi thường cho Costa Rica. Ngày 16 tháng 01 năm 2017 Costa Rica gửi yêu cầu Tòa ICJ xem xét vấn đề bồi thường. Ngày 02 tháng 02 năm 2018, Tòa ICJ ra phán quyết buộc Nicaragua bồi thường tổng cộng 378.890,59 USD, trong đó gồm 120.000 USD để khắc phục thiệt hại môi trường, 2.708,39 chi phí khôi phục nguyên trạng khu vực ngập nước, 236.032,16 USD cho thiệt hại trực tiếp từ hành vi sai phạm của Nicaragua, và 20.150,04 USD là tiền suất phát sinh từ khoản bồi thường thiệt hại trực tiếp trên trong giai đoạn từ ngày ra phán quyết năm 2015 đến ngày ra phán quyết năm 2018 với lãi suất 4%.[4]
Các nguyên tắc pháp lý áp dụng trong vấn đề bồi thường thiệt hại
Trong phán quyết năm 2018, Tòa chỉ ra một số nguyên tắc pháp lý như sau:[5]
- Một vi phạm cam kết làm phát sinh nghĩa vụ phải khắc phục hậu quả (reparation), và phải khắc phục đầy đủ tất cả các hậu quả gây ra từ hành vi sai phạm (full reparation). Nghĩa vụ này được Tòa án Thường trực Công lý Quốc tế (PCIJ) lần đầu tiên đề cập trong Vụ nhà máy Chorzów (Mexico v. Mỹ) vào những năm 1920,[6] sau đó đã được Tòa ICJ công nhận trong các vụ việc mà Tòa xét xử.[7]
- Bồi thường thiệt hại là một hình thức khắc phục hậu quả, đặc biệt là trong các trường hợp việc khôi phục nguyên trạng là không thể hoặc tạo gánh nặng quá mức. Bồi thường thiệt hại không có tính chất trừng phạt (punitive or exemplary character).
- Để quyết định Bị đơn có phải bồi thường thiệt hại hay không, Tòa cần xác định hai câu hỏi liên quan đến thiệt hại và mối liên hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi sai phạm. Cụ thể:
- Có thiệt hại xảy ra như Nguyên đơn cáo buộc, và nếu có thì đến mức độ nào?
- Các thiệt hại có phải là hậu quả của hành vi sai phạm của Bị đơn hay không, thông qua việc xác định liệu có mối liên hệ nhân quả chắc chắc, trực tiếp đầy đủ giữa hành vi sai phạm của Bị đơn và thiệt hại mà Nguyên đơn phải chịu?
Nếu chứng minh được thiệt hại xảy ra và mối liên hệ nhân quả, thì Tòa sẽ xem xét tiếp đến đánh giá mức bổi thường cụ thể.
- Thông thường, bên đưa ra cáo buộc có nghĩa vụ chứng minh cáo buộc của mình. Tuy nhiên trong một số trường hợp quy định chung trên có thể được áp dụng linh hoạt, vi dụ như khi bị đơn có thể thuận lơi hơn để cung cấp chứng cứ.
- Riêng đối với thiệt hại về môi trường, một số vấn đề đặc thù có thể phát sinh liên quan đến việc chứng minh có thiệt hại và mối liên hệ nhân quả. Thiệt hại môi trường có thể là hệ quả của nhiều nguyên nhân đồng thời, hoặc trình độ hiện thời của khoa học không thể chắc chắn về mối liên hệ nhân quả. Các khó khăn này phải được xem xét đến với những bằng chứng hiện có trước Tòa để Tòa đưa ra quyết định chính xác.
- Khi đánh giá thiệt hại gây ra, có thể Tòa không có đủ bằng chứng về mức độ thiệt hại nhưng điều đó không là lý do để từ chối đưa ra quyết định bồi thường. Quyết định bồi thường có thể được đưa ra dựa trên các yếu tố công bằng (on the basis of equitable considerations).
Bồi thường thiệt hại gây ra cho môi trường
Phán quyết năm 2018 là phán quyết đầu tiên mà Tòa ICJ xem xét trực tiếp đến việc bồi thường cho các thiệt hại gây ra cho môi trường bởi hành vi sai phạm của một quốc gia. Thực tiễn quốc tế có ghi nhận một số trường hợp yêu cầu bồi thường do gây ô nhiễm môi trường như trường hợp vệ tinh của Liên Xô rơi xuống Canada năm 1978 hay Ủy ban Bồi thường Liên hợp quốc yêu cầu Iraq phải bồi thường cho thiệt hại về môi trường của Kuwait trong chiến tranh Vùng Vịnh.[8] Năm 1978 vệ tinh Cosmos 954 của Liên Xô rơi xuống lãnh thổ của Canada, và Canada đã yêu cầu Liên XÔ bồi thường các chi phí liên quan đến việc định vị, tìm kiếm, thu gôm và kiểm tra các mãnh vỡ phóng xạ và làm sạch khu vực bị ảnh hưởng. Năm 1981 Liên Xô và Canada đạt được thỏa thuận bồi thường theo đó Liên Xô trả cho Canada 3 triệu đô Canada (một nửa mức mà Canada yêu cầu ban đầu). Về bồi thường trong Chiến tranh Vùng Vịnh, Ủy ban Bồi thường Liên hợp quốc (United Nations Compensaton Commission – UNCC) do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thành lập để xác định mức bồi thường mà Iraq phải trả cho Kuwait trong giai đoạn nước này xâm lược và chiếm đóng Kuwait năm 1990 và 1991, trong đó có thiệt hại môi trường và hủy diệt tài nguyên thiên nhiên.[9] Theo ILC
“Trong các trường hợp ấn định hay thỏa thuận được vấn đề bồi thường cho hành vi sai phạm quốc tế đã gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại về môi trường, các khoản chi trả phải được trực tiếp bồi hoàn cho quốc gia bị thiệt hại các chi phí hợp lý phát sinh để ngăn chặn hay khắc phục ô nhiễm, hoặc chi trả bồi thường cho việc giảm giá trị tài sản bị ô nhiểm. Tuy nhiên, các thiệt hại về môi trường thường ảnh hưởng rộng hơn những thiệt hại có thể định lượng như chi phí làm sạch hay mức giá tài sản. Thiệt hại về giá trị môi trường (đa dạng sinh học, cảnh quan,… – đôi khi được gọi là ‘các giá trị không sử dụng’ (non-use values) về nguyên tắc vẫn xảy ra và có thể được bồi thường giống như các thiệt hại gây ra cho tài sản, mặc dùng thiệt hại về môi trường có thể khó định lượng được.”[10]
Trong phán quyết năm 2018,[11] Tòa ICJ lần đầu tiên tuyên bố rằng các thiệt hại về môi trường có thể được yêu cầu bồi thường (compensable). Theo Tòa, kết luận này phù hợp với các nguyên tắc của luật quốc tế điều chỉnh hệ quả pháp lý của hành vi sai phạm quốc tế, bao gồm nguyên tắc khắc phục hậu quả đầy đủ. Tòa cho rằng các thiệt hại về môi trường, và hệ quả kéo theo là các tổn hại hay mất khả năng của môi trường trong việc cung cấp hành hóa và dịch vụ có thể được bồi thường. Bồi thường sẽ có thể bao gồm cả các tổn hại hoặc mất mát các hàng hóa và dịch vụ môi trường trong giai đoạn trước khi hồi phuc và các khoản chi trả cho việc phục hồi môi trường bị tổn hại. Các khoản chi trả cho việc phục hồi môi trường được tính đến là do thực tế việc hồi phục tự nhiên đôi khi không đủ để hoàn trả lại môi trường cho quốc gia bị thiệt hại như trước khi thiệt hại xảy ra, ví dụ như các biện pháp chủ động phục hồi môi trường.
Tòa ICJ cũng lần đầu tiên xác định phương pháp đánh giá thiệt hại về môi trường.[12] Costa Rica và Nicaragua đã đề xuất nhiều phương pháp thường được sử dụng trong quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên Tòa sẽ không lựa chọn một trong các phương pháp đó mà tùy thuộc vào từng vấn đề Tòa sẽ chọn biện pháp hợp lý nhất. Lý do được Tòa đưa ra là: thức nhất, luật quốc tế không quy định bất kỳ phương pháp đánh giá cụ thể nào để xác định bồi thường thiệt hại môi trường, và thứ hai là Tòa thấy cần thiết phãi tính đến các hoàn cảnh và đặc thù cụ thể của từng vụ việc.
Phán quyết và quy định của ILC về bồi thường thiệt hại
Năm 2001 ILC đã đệ trình lên Đại hội đồng và được thông qua văn bản “Các điều khoản về Trách nhiệm quốc gia đối với các hành vi sai phạm quốc tế” (Articles on Responsibility of States for International Wrongful Acts). Trong đó, có các quy định về bồi thường thiệt hại ở Điều 34, 36, 38 và 39. Điều 34 quy định bồi thường thiệt hại (compensation) là một trong những hình thức khắc phục hậu quả (reparation) trong luật quốc tế về trách nhiệm pháp lý của quốc gia. Điều 36 quy định trực tiếp về bồi thường thiệt hại như sau:
“1. Quốc gia chịu trách nhiệm cho hành vi sai phạm quốc tế có nghĩa vụ phải bồi thường cho các thiệt hại đã gây ra trong phạm vi mà thiệt hại đó không thể được khắc phục nguyên trạng.
- Bồi thường thiệt hại phải khắc phục bất kỳ thiệt hại nào có thể đánh giá về mặt tài chính, bao gồm các thiệt hại về lợi nhuận trong phạm vi có thể chứng minh.”
Quy định về khắc phục nguyên trạng (restitution) ở Điều 35. Điều 38 quy định về tiền lãi và lãi suất. Điều 39 quy định riêng về trường hợp bên bị thiệt hại hoặc bên thứ ba có hành vi cố ý hoặc vô ý góp phần gây ra thiệt hại.
Mặc dù chỉ dẫn chiếu đến văn bản trên của ILC khi xem xét vấn đề tiền lãi và lãi suất,[13] Tòa đã gián tiếp công nhận một số quy định ở Điều 34 và 36. Về tiền lãi và lãi suất, Tòa cho rằng tiền lãi có thể được áp dụng nếu cần thiết để khắc phục hậu quả đầy đủ. Tuy nhiên, tiền lãi không tự động là một hình thức khắc phục hậu quả, và cũng không là một phần nhất thiết phải có trong bồi thường thiệt hại của tất cả các vụ việc. Một điểm đặc biệt là trong khi Tòa áp mức lãi suất 4% thì Tòa cũng quyết định nếu Nicaragua chậm trễ chi trả thì mức 4% này sẽ được nâng lên thành 6%.[14]
Trần H. D. Minh
—————————————————————————-
[1] Vụ một số hoạt động của Nicaragua trong khu vực biên giới (Costa Rica v. Nicaragua), Phán quyết của Tòa ICJ năm 2015, đoạn 142.
[2] Như trên.
[3] Như trên.
[4] Phán quyết năm 2018, đoạn 157.
[5] Như trên, đoạn 29 – 35.
[6] Vụ nhà máy Chorzów (Mexico v. Mỹ), Phán quyết về thẩm quyền của Tòa PCIJ năm 1927, tr. 21, và Phán quyết về nội dung của Tòa PCIJ năm 1928, tr. 47.
[7] Phán quyết năm 2018, đoạn 30.
[8] ILC, Articles on Responsibility of States for Internationally Wrongful Acts with commentaries (2001), tr. 101, đoạn 13 – 15.
[9] Nghị quyết 687 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (03/4/1991) S/RES/687, đoạn 16.
[10] ILC, tr. 101, đoạn 15.
[11] Phán quyết năm 2018, đoạn 41 – 43.
[12] Như trên, đoạn 52.
[13] Phán quyết năm 2018, đoạn 151.
[14] Như trên, đoạn 155.
Trả lời