[129] Phán quyết ngày 10.04.2019 của Toà ITLOS trong Vụ tàu Norstar

Bối cảnh – Ba nội dung chính của phán quyết năm 2019 – Tóm tắt những điểm đáng lưu ý 

Năm 2015, Panama khởi kiện Italy ra Toà án Luật Biển Quốc tế (ITLOS) cáo buộc Italy đã vi phạm các nghĩa vụ theo Công ước Luật Biển năm 1982 khi bắt giữ tàu Norstar vào năm 1998. Tàu Norstar mang cờ của Panama là một tàu dầu, hoạt động cung cấp dầu (bunkering) cho các du thuyền trên biển. Năm 1998 cơ quan chức năng của Italy ra lệnh bắt giữ tàu này với cáo buộc tàu này vi phạm các quy định về tài chính và hải quan khi mua dầu miễn thuế ở cảng Italy, sau đó bán lại cho các du thuyền này, mà các du thuyền lại thường neo đậu tại các cảng của Italy và các nước Liên minh Châu Âu. Hoạt động bán dầu xảy ra trên vùng biển bên ngoài lãnh hải của Italy. Italy đã không thể thu thuế cho lượng dầu bán cho các du thuyền này.

Đến năm 2003, toà án Italy ra lệnh thả tàu vì cho rằng tàu không có hành vi vi phạm vì hoạt động bán dầu phát sinh trên biển cả, không nằm trong lãnh hải của Italy. Chủ tàu không cho rằng mình nhận được thông báo thả tàu nên đã không đến nhận lại.

Năm 2015 tàu được mang ra bán đấu giá, với giá khởi điểm là 3.000EUR, và được bán vào tháng 08.2015. Cùng năm này, tháng 11, Panama khởi kiện Italy đòi bồi thường cho thiệt hại gây ra cho tàu Norstar vi phạm các quy định của Công ước, cụ thể là Điều 87 về quyền tự do hàng hải và Điều 300 về nghĩa vụ thiện chí và không lạm quyền. Năm 2016 Toà ITLOS ra phán quyết khẳng định có thẩm quyền xét xử vụ việc.

Thông tin vụ kiện trên website của ITLOS, phán quyết về thẩm quyền năm 2016, và phán quyết về nội dung năm 2019.

Nội dung phán quyết về nội dung năm 2019

Phán quyết về nội dung ngày 10.04.2019 của Toà ITLOS có ba phần chính, xem xét (1) cáo buộc vi phạm quyền tự do hàng hải theo Điều 87, (2) cáo buộc vi phạm nghĩa vụ thiện chí và không lạm quyền theo Điều 300, và (3) xem xét yêu cầu bồi thường.

Về cáo buộc Italy vi phạm quyền tự do hàng hải, Toà chấp nhận cáo buộc của Panama. Toà ITLOS cho rằng hoạt động bán dầu trên biển cả nằm trong nội hàm của quyền tự do hàng hải (đoạn 219), do đó, việc Italy ra lệnh bắt giữ và tiến hành bắt giữ tàu Norstar đã vi phạm quyền tự do hàng hải. Hai điểm đáng lưu ý nữa là:

  • Toà bác bỏ lập luận của Panama cho rằng Italy vi phạm quyền tự do hàng hải khi ngăn cản tàu Norstar được rời khỏi cảng và đi ra biển cả. Toà cho rằng không có quyền như thế vì trong nội thuỷ, gồm cả vùng nước cảng biển, quốc gia ven biển có chủ quyền (đoạn 221).
  • Toà nói thêm rằng nguyên tắc tự do biển cả không cho phép bất kỳ quốc gia nào áp dụng hay ban hành pháp luật của mình đối với tàu thuyền di chuyển trên biển cả, trừ khi có quy định của Công ước hoặc các điều ước quốc tế khác (đoạn 222 – 225). Như vậy, kể cả khi một quốc gia ban hành luật hình sự hoá một hành vi của tàu thuyến nước ngoài trên biển cả nhưng trên thực tế không cưỡng chế quy định đó cũng vi phạm vào quyền tự do biển cả ở Điều 87. Xem thêm post về Quy chế pháp lý của Biển cả.

Về cáo buộc vi phạm nghĩa vụ theo Điều 300, Toà ITLOS bác bỏ lập luận của Panama, và cho rằng Italy không vi phạm nghĩa vụ ở điều này. Có một điểm lưu ý có ý nghĩa án lệ trong phần này là Toà nhắc lại một nhận định rằng Điều 300 không thể là căn cứ riêng biệt để quy trách nhiệm cho một quốc gia mà luôn cần viện dẫn trong quan hệ với một nghĩa vụ cụ thể theo Công ước (đoạn 241). Nghĩa vụ thiện chí và không lạm quyền là một quy định có tính chất “đi kèm” cho một vi phạm cụ thể, không thể viện dẫn độc lập. Ví dụ, trong vụ việc này, Panama cáo buộc vi phạm Điều 300 trong quan hệ với vi phạm Điều 87, cụ thể là Panama cho rằng Italy đã không thiện chí và đã lạm quyền trong khi vi phạm Điều 87.

Về bồi thường thiệt hại cho Panama, Toà khẳng định lại nguyên tắc là bồi thường chỉ dành cho các thiệt hại “gây ra trực tiếp” bởi hành vi sai phạm quốc tế (đoạn 332-333). Trong vụ việc này, Toà còn xét thêm yếu tố là dù chủ tàu cho rằng mình không biết có lệnh thả tàu năm 2003 nhưng Toà cho rằng chủ tàu đã nhất thiết phải biết, mà lại không nhận lại tàu, không có biện pháp để hạn chế thiệt hại cho tàu nên đã vi phạm vào nghĩa vụ của bên bị thiệt hại phải cố gắng giảm thiểu thiệt hại (đoạn 382), và do Italy đã ra lệnh thả tàu nên những thiệt hại sau đó do chủ tàu không nhận tàu không thể tính vào mức bồi thường thiệt hại do khi thả tàu Italy đã không còn vi phạm Điều 87 (đoạn 365). Toà xác định Italy phải bồi thường 285,000 USD cho Panama, cộng thêm khoản lãi xuất tính từ ngày bắt giữ tàu đến ngày Toà ra phán quyết (đoạn 455-462). Xem thêm post về việc xác định trách nhiệm pháp lý quốc tế của Quốc gia khi có hành vi sai phạm quốc tế.

Document1_page-0001

Tóm tắt những điểm đáng lưu ý của phán quyết này:

  • Toà ITLOS giải thích nội hàm của quyền tự do hàng hải theo Điều 87, với hai trụ cột chính là quy định biển cả là mở và tự do và thẩm quyền độc quyền của quốc gia mà tàu mang cờ. Toà khẳng định hoạt động bán dầu trên biển cả là một phần của quyền tự do hàng hải, và khẳng định rằng không một quốc gia nào có quyền ban hành hay áp dụng quy định pháp luật của mình đối với tàu thuyền nước ngoài trên biển cả, trừ khi được Công ước cho phép hoặc theo quy định của các điều ước quốc tế khác.
  • Toà khẳng định rằng bản chất Điều 300 không thể được viện dẫn độc lập mà cần thiết phải luôn đi cùng một nghĩa vụ cụ thể trong các điều khoản khác của Công ước.
  • Toà khẳng định rằng bồi thường thiệt hại chỉ tính đến các thiệt hại gây ra trực tiếp bởi hành vi sai phạm quốc tế, và nghĩa vụ phải cố gắng giảm thiểu thiệt hại của phía bị thiệt hại.

Trần H. D. Minh

———————————————————————————-

1 bình luận về “[129] Phán quyết ngày 10.04.2019 của Toà ITLOS trong Vụ tàu Norstar

Add yours

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: