[180] Ba ghi chú về hoạt động của Việt Nam trong tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Đánh giá chung và hai điểm nhất nổi bật – Các quyết định, văn bản cụ thể – Vấn đề tranh chấp Biển Đông xuất hiện “đầy bất ngờ”tại Hội đồng Bảo an: Dịch nguyên văn và bốn nhận định sơ bộ

Tháng 01.2020, Việt Nam chính thức bắt đầu đảm nhận vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đồng thời tiếp nhận vai trò Chủ tịch. Bài viết khái quát ba điểm nổi bật trong tháng Chủ tịch của Việt Nam vừa qua.

1. Đánh giá chung và hai điểm nhấn nổi bật

Về phía Bộ Ngoại giao, các đánh giá tổng kết đã được đưa ra từ: Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ) Đặng Đình Quý ngày 01.02.2020 trên Báo Thế giới & Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung ngày 02.02.2020 trên VTV1, và của Vụ trưởng Vụ các Tổ chức Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt ngày 05.02.2020 trên Báo Thế giới & Việt Nam. Qua ba đánh giá trên, có thể thấy có sự đồng thuận trong Bộ Ngoại giao về hai điểm nhấn nổi bật nhất của Việt Nam trong tháng chủ tịch Hội đồng Bảo an.

VN ĐĐQ UNSC

Thứ nhất, Việt Nam đã thành công trong việc đưa ra sáng kiến thảo luận chủ đề “75 năm Hiến chương LHQ”. Thảo luận đã thành công rực rỡ khi thu hút được số lượng đông đảo kỷ lục các quốc gia tham gia thảo luận với 111 phát biểu, kéo dài ba ngày 09, 10 và 13.01.2020 (xem biên bản ngày ba ngày họp tại đây, đây đây). Hơn nữa, đây là lần đầu tiên Hội đồng Bảo an ra được Tuyên bố chủ tịch về vấn đề tuân thủ Hiến chương LHQ (S/PRST/2020/1).

Thứ hai, Việt Nam đã thúc đẩy vấn đề “Hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực và tiểu khu vực trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”, trong đó có ASEAN. Lần đầu tiên, Hội đồng Bảo an đã tổ chức một cuộc họp (briefing) thúc đẩy quan hệ giữa LHQ và ASEAN vào  ngày 30.01.2020 (xem tóm tắt nội dung thảo luận tại đây). Trước đó, quan hệ giữa LHQ và ASEAN đã từng được thảo luận tại Đại hội đồng LHQ, ví dụ gần đây là Nghị quyết A/RES/73/259 (2019).

2. Các quyết định, văn bản cụ thể

Báo chí trong nước ghi nhận trong tháng chủ tịch của Việt Nam, Hội đồng Bảo an đã thông qua 13 quyết định, bao gồm “bốn nghị quyết và một quyết định về việc gia hạn các pháp bộ, lực lượng và cơ chế LHQ, một tuyên bố của Chủ tịch, năm tuyên bố báo chí và hai thông tin báo chí”. Dưới đây là các quyết định có thể tìm thấy trên website của Hội đồng bảo an (cập nhật lần cuối vào 19h00 ngày 08.02.2020 giờ Amsterdam). Do không rõ “13 quyết định” được hiểu với nghĩa nào nên danh sách dưới đây nhiều hơn con số 13.

  • 01 tuyên bố chủ tịch (Statement by the President) được Việt Nam đưa ra trên danh nghĩa của Hội đồng Bảo an sau thảo luận mở chủ đề “Duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” (S/PRST/2020/1, ngày 09.01.2020).
  • 04 nghị quyết (resolutions): nghị quyết S/RES/2504 (ngày 10.01.2020, số phiếu 11(VN)-0-04) và S/RES/2505 (ngày 13.01.2020, số phiếu 15(VN)-0-0) về tình hình Trung Đông, S/RES/2506 (ngày 30.01.2020, số phiếu 15(VN)-0-0) về vấn đề Cyprus, S/RES/2507 (ngày 31.01.2020, số phiếu 13(VN)-0-2) về tình hình tại Cộng hòa Trung Phi.
  • 04 tuyên bố báo chí (press statements) của Chủ tịch Hội đồng Bảo an về vấn đề Haiti (SC/14070, ngày 08.01.2020), Colombia (SC/14081, ngày 15.01.2020), Mali (SC/14083, ngày 17.01.2020) và Abyei (SC/14089, ngày 29.01.2020).
  • 01 ghi chú (Note) của Chủ tịch Hội đồng Bảo an về bổ nhiệm chủ tịch và phó chủ tịch Ủy ban Trừng phạt và các cơ quan giúp việc khác (S/2020/2, ngày 02.01.2020).
  • 04 thư (Letters) gửi cho Tổng thư ký LHQ về bổ nhiệm chỉ huy Phái bộ tại Cộng hòa Trung Phi (S/2020/60, ngày 21.01.2020), về gia hạn nộp báo cáo về tình hình tại Sudan (S/2020/73, ngày 27.01.2020), về chỉ định ủy viên tham gia Ủy ban tổ chức của Ủy ban Xây dựng hòa bình (S/2020/76, ngày 28.01.2020), và về quyền hạn và chức năng của Văn phòng LHQ tại Tây châu Phi và vùng Sahel (UNOWAS) (S/2020/85, ngày 31.01.2020).

3. Vấn đề Biển Đông xuất hiện “đầy bất ngờ” tại Hội đồng Bảo an

Trong cuộc họp kéo dài 2h20’ ngày 30.01.2020 để thảo luận về quan hệ giữa LHQ và ASEAN, vấn đề Biển Đông đã được đại diện 08 nước và Tổng thư ký LHQ nhắc đến. Trong đó, đại diện của Mỹ và Trung Quốc có bài phát biểu khá dài để chỉ trích trực tiếp lẫn nhau, Mỹ hơn 2 phút, Trung Quốc hơn 5 phút. Việt Nam không nhắc đến vấn đề Biển Đông và cũng không cần thiết phải nhắc đến, nhắc đến cũng không lợi thêm được gì, mà không thấy lợi thêm thì không nói.

Gọi là “bất ngờ” bởi vì trong concept note mà Việt Nam chuẩn bị trước đó cho cuộc họp, vấn đề Biển Đông hay bất kỳ vấn đề cụ thể nào cũng không được nhắc đến. Concept note định hướng 04 câu hỏi có tính chất khung, định hướng lớn mà Việt Nam với tư cách Chủ tịch mong muốn cuộc họp nên tập trung thảo luận ([12]). Nói thêm rằng ngoài vấn đề Biển Đông, một vấn đề cụ thể khác cũng được nhắc đến nhiều là vấn đề người Rohingya tại Myanmar (xem thêm post về vụ Gambia kiện Myanmar với cáo buộc diệt chủng chống lại người Rohingya tại đây đây). Các vấn đề được nêu ra có thực sự bất ngờ và bất ngờ với ai thì chỉ những nhà ngoại giao mới biết rõ.

3.1. Dịch nguyên văn các phát biểu

Sau đây là các phát biểu cụ thể được dịch, trích từ biên bản cuộc họp (S/PV.8711, so với video của cuộc họp, biên bản này ghi lại gần như toàn vẹn nguyên văn phát biểu của các nhà ngoại giao tại cuộc họp). Một số chỗ biên bản không rõ ràng được bổ sung từ video của cuộc họp. Trong biên bản tạm thời của cuộc họp (S/PV.8711), cụm từ “South China Sea” được nhắc đến 27 lần. Xem thêm video của cuộc họp.

Tổng thư ký LHQ António Guterres: “LHQ cũng hoan nghênh đối thoại có tính xây dựng giữa ASEAN và Trung Quốc hướng đến duy trì hòa bình khu vực và an ninh biển. Chúng tôi mong đợi Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông được ký kết nhằm giúp ngăn chặn các tranh chấp lãnh thổ và biển.” (tr. 2)

Đại sứ, Trưởng đại diện Đức Christoph Heusgen: “Về vấn đề ngăn chặn xung đột mà Tổng thư ký ASEAN đã nhắc đến, tôi xin tiếp tục ý mà Tổng thư ký LHQ nêu lên, cụ thể là tình hình tại Biển Đông. Với tư cách là một quốc gia thành viên của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS), Đức xin nhấn mạnh lợi ích của mình trong việc áp dụng phổ quát UNCLOS, văn kiện đặt ra một khuôn khổ pháp lý toàn diện cho việc thực hiện tất cả các hoạt động trên biển và đại dương, bao gồm việc thực thi các phán quyết trọng tài.” (tr. 11)

Đại sứ, Quyền phó trưởng đại diện Mỹ Cherith Norman-Chalet: “Biển Đông là một trong số các khu vực mà tự do trên biển bị đe dọa nhất. Việc đưa ra các yêu sách biển thái quá và bất hợp pháp, cả bằng các hành vi chọc phá đang diễn ra chống lại các hoạt động phát triển dầu khí và đánh bắt cá của các nước khác, đang đe dọa trật tự dựa trên luật lệ mà chính nhờ trật tự đó khu vực này đã phát triển thịnh vượng. Lập trường của chúng tôi về Biển Đông và bất kỳ nơi nào khác trên thế giới rất đơn giản: các quyền và lợi ích của tất cả các nước, bất kể lớn nhỏ, quyền lực hay năng lực quân sự, phải được tôn trọng. Chúng tôi kêu gọi tất cả các Quốc gia giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và biển một cách hòa bình mà không có cưỡng ép; định hình các yêu sách biển và thực thi các hoạt động trên biển phù hợp với luật quốc tế, như được phản ánh trong Công ước LHQ về Luật Biển; và tôn trọng tự do hành hải và hàng không và các việc sử dụng biển hợp pháp khác.

Chúng tôi ghi nhận việc đàm phán đang diễn ra về một bộ quy tắc ứng xử cho Biển Đông. Chúng tôi luôn thể hiện sự ủng hộ cho một bộ quy tắc ứng xử có ý nghĩa, phù hợp hoàn toàn với luật pháp quốc tế và cam kết tất cả các bên hạn chế cách hành xử gây hấn và suy giảm ổn định. Tuy nhiên, chúng tôi quan ngại rằng, trong khi văn kiện đang được đàm phán, Cộng hòa Nhân dân trung Hoa đã nhiều lần có hoạt động gây hấn và gây mất ổn định nhắm đến gây áp lực buộc các Quốc gia có yêu sách ở Đông Nam Á tham gia vào các dàn xếp phát triển chung các tài nguyên biển. Ví dụ gần đây nhất của loại hành vi cưỡng ép này là việc hiện diện một đội lớn các tàu cá mang cờ Trung Quốc với hộ tống vũ trang gần một đảo thuộc về một nước ASEAN. Sau đó Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã can thiệp vào hoạt động dầu khí lâu dài của một nước ASEAN khác bằng việc triển khai một tàu khảo sát thuộc sở hữu của Chính phủ, cùng với hộ tống vũng trang vào vùng biển ngoài khơi của nước đó. Các hành vi như vậy, đặc biệt trong khi đang đàm phán về bộ quy tắc ứng xử, đặt ra nghi ngờ nghiêm túc về ý định của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về việc đạt được thỏa thuận một bộ quy tắc ứng xử có hiệu quả. Nếu bộ quy tắc ứng xử được một số bên sử dụng để hợp pháp hóa các hành vi đặc biệt nghiêm trọng và các yêu sách biển bất hợp pháp, hoặc không phù hợp với luật quốc tế, bộ quy tắc này sẽ làm tổn hại đến khu vực và cho tất cả những bên tôn trọng tự do trên biển.” (tr. 12)

Đại sứ, Trưởng đại diện Bỉ Marc Pecsteen de Buytswerve: “Tôi cũng muốn đề cập đến hai vấn đề cụ thể mà ASEAN có thể đóng vai trò quyết định và tích cực. Đầu tiên, về việc giải quyết tranh chấp liên quan đến Biển Đông, tôi hi vọng rằng các bên sẽ có thể giải quyết vấn đề này một cách hòa bình, thông qua đối thoại, và tuân thủ với các quy định của Công ước LHQ về Luật Biển. Các nỗ lực hiện nay của các Quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc nhằm ký kết một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông cho thấy rằng mong đợi này là trong tầm tay. Do đó, tất cả các bên nên hạn chế các hành vi đơn phương trái với luật quốc tế. Thêm nữa, các nước nên thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin. An toàn và an ninh hàng hải và tự do hàng hải và hàng không, cũng như việc đấu tranh hiệu quả chống lại cướp biển và cướp có vũ tran trên biển đang bị đe dọa.” (tr. 15)

Phó trưởng đại diện Pháp Anne Gueguen: “… như chúng tôi đã phát biển vào tháng tám rồi cùng với Đức và Anh, chúng tôi hoan nghênh các đàm phán đang diễn ra giữa các Quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc để xây dựng một bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông, phù hợp với Công ước LHQ về Luật Biển và bảo đảm hợp tác với các nước thứ ba. Pháp kêu gọi tất cả các Quốc gia ven biển thực thi các biện pháp ngăn chặn và giảm thiểu căn thẳng và thúc đẩy và duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và an toàn trong khu vực.” (tr. 17)

Phó thứ nhất trưởng đại diện Nga Dmitry A. Polyanskiy: “Liên quan đến các ý tưởng đã được phét biểu tại đây về các tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông, tôi muốn nhấn mạnh rằng lập trường của chúng tôi là bất kỳ tranh chấp lãnh thổ nào trong khu vực đó phải được giải quyết giữa các Quốc gia liên quan trên cơ sở song phương. Trong bối cảnh chủ đề thảo luận của cuộc họp hôm nay là hướng đến xây dựng quan hệ hợp tác và thúc đẩy chương trình nghị sự đoàn kết trong khu vực, việc áp đặt một tầm nhìn cụ thể về giải pháp và giải quyết tranh chấp và về các vấn đề gai góc trên cơ sở lợi ích quốc gia hạn hẹp là không thể chấp nhận, đặc biệt nếu việc đó do các Quốc gia nằm cách xa khu vực này hàng ngàn kilômét.” (tr. 18)

Phó trưởng đại diện Anh Jonathan Guy Allen: “Về vấn đề Biển Đông, chúng tôi kêu gọi tất cả các Quốc gia ven biển có bước đi giảm thiểu căng thẳng và ủng hộ việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và an toàn trong khu vực. Chúng tôi hoan nghênh các đàm phán đang diễn ra giữa các thành viên ASEAN và Trung Quốc để đạt được một bộ quy tắc ứng xử hiệu quả, hợp tác và dựa trên luật lệ tại Biển Đông, phù hợp với Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS). Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các Quốc gia tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý quốc tế, cụ thể là UNCLOS.” (tr. 20)

Đại sứ, Trưởng đại diện Estonia Sven Jugenson: “Chúng tôi hoan nghênh các nỗ lực của các Quốc gia thành viên ASEAN thúc đẩy các thảo luận với Trung Quốc về một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Chúng tôi khuyến khích cả hai bên, ASEAN và Trung Quốc, thực thi trọn vẹn Tuyên bố Ứng xử của các bên tại Biển Đông năm 2002.” (tr. 21)

Đại sứ, Trưởng đại diện Trung Quốc Zhang Jun: “Trong các phát biểu của họ hôm nay, một vài đại diện đã đề cập đến vấn đề Biển Đông. Đại diện Mỹ đã đưa ra các cáo buộc không có căn cứ chống lại Trung Quốc mà nước tôi phản đối mạnh mẽ. Cần lưu ý rằng LHQ không phải là một diễn đàn thích hợp để thảo luận vấn đề Biển Đông, và Hội đồng Bảo an cũng như thế. Hiện tại, tình hình tại Biển Đông nhìn chung là ổn định và đang cải thiện. Các tranh chấp cụ thể đang được giải quyết giữa các quốc gia liên quan trực tiếp thông qua đàm phán và tham vấn. Mặc khác, Trung Quốc và các thành viên ASEAN cùng nhau cam kết duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông. Các bằng chứng cho thấy cách tiếp cận kép này là cách phù hợp để giải quyết vấn đề Biển Đông. Đáng tiếc là tiến trình này đang bị tác động tiêu cực từ sự can thiệp và quấy phá liên tục của một vài nước bên ngoài khu vực, như Mỹ.

Trung Quốc luôn tôn trọng và ủng hộ tự do hàng hải và hàng không của các Quốc gia tại Biển Đông theo luật quốc tế, bao gồm Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS). Khi các nước thực thi các quyền tự, do đó, các Quốc gia nên tôn trọng đầy đủ chủ quyền và lợi ích an ninh của các Quốc gia ven biển. Trung Quốc phản đối mạnh mẽ nỗ lực của bất kỳ nước này xâm phạm vào chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc dưới danh nghĩa tự do hàng hải.

Thực tế, chưa bao giờ có bất kỳ vấn đề nào với tự do hàng hải hay hàng không tại Biển Đông. Cái thực sự đáng lo ngại là thực tế một vài nước, như Mỹ, đã gửi tàu và máy bay quân sự đến Biển Đông nhằm thị uy sức mạnh. Đấy là một hành vi gây hấn và đe dọa đối với các Quốc gia ven biển. Điều đó đặt ra nguy cơ to lớn nhất cho an ninh tại Biển Đông và nên bị tất cả các Quốc gia lên án kiên quyết.

Là một quốc gia bảo hộ kiên định cho hòa bình và an ninh khu vực, Trung Quốc luôn theo đuổi chính sách quốc phòng mang bản chất tự vệ. Theo luật quốc tế, một Quốc gia có chủ quyền có quyền triển khai cơ sở quốc phòng trên chính lãnh thổ của nước đó. Mỹ đã liên tục cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông. Tuy nhiên, chính Mỹ là nước có hành trăm căn cứ quân sự khắp thế giới và đã triển khai hàng trăm ngàn lính ngoài lãnh thổ của mình. Mỹ yêu cầu các nước khác tuân thủ luật quốc tế nhưng chính nước Mỹ thậm chí không gia nhập UNCLOS. Hơn nữa, nước Mỹ đã rút khỏi các thỏa thuận và cơ chế quốc tế hết cái này đến cái khác.

Tại đây Mỹ nói về hòa bình và ổn định tại Biển Đông, những nước này đã gây ra tất cả các thể loại tranh chấp ở nhiều khu vực trên thế giới, trở thành một nguồn bất ổn trên thế giới. Làm thế nào một quốc gia như thế lại có tư cách cáo buộc các nước khác ở nới khác? Căn cứ vào đâu? Tôi có thể nói với đại diện của Mỹ rằng việc gắn nhãn quân sự hóa không phải cho Trung Quốc mà nó phù hợp hơn cho Mỹ.

Bây giờ, một vài đại diện đề cập đến vụ kiện trọng tài Biển Đông. Tôi muốn nhân cơ hội này để nhấn mạnh rằng Chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố trịnh trọng rằng phán quyết trọng tài Biển Đông là vô hiệu và không có giá trị và không có hiệu lực ràng buộc. Trung Quốc đã không chấp nhận hay tham gia vào vụ kiện. Trung Quốc cũng không chấp nhận hay công nhận phán quyết.” (tr. 23)

3.2. Một số nhận định sơ bộ

Qua các phát biểu, bốn nhận định sơ bộ có thể được rút ra. Thứ nhất, trừ Mỹ và Trung Quốc, các phát biểu còn lại mang tính chất chung, với một số ý thú vị sau đây. Đức nhắc rằng UNCLOS phải được tôn trọng, bao gồm các phán quyết trọng tài (arbitration rulings), có thể hàm ý phán quyết trong Vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc. Bỉ mong muốn tranh chấp tại Biển Đông được giải quyết hòa bình “thông qua trao đổi” (through dialogue). Với việc nhắc đến giải quyết tranh chấp Biển Đông “thông qua trao đổi”, không rõ Bỉ có hàm ý ủng hộ quan điểm của Trung Quốc về việc chỉ giải quyết tranh chấp bằng đàm phán và hiệp thương, và bác bỏ khả năng sử dụng biện pháp pháp lý, hay chỉ đơn thuần mong muốn các bên tăng cường trao đổi. Pháp mong đợi vào COC và “bảo đảm hợp tác với các nước thứ ba” (guaranteeing cooperation with third countries), kêu gọi các bên hạn chế căng thẳng và thúc đẩy hòa bình và ổng định. Cụm từ “bảo đảm hợp tác với các nước thứ ba” của Pháp khá mơ hồ, có thể hàm ý rằng COC không nên thiết lập một khuôn khổ “đóng” chỉ giữa ASEAN và Trung Quốc mà cần mở ra với các nước khác ngoài khu vực bởi vì các nước khác, ít nhất là Pháp, có lợi ích tại Biển Đông.

Thứ hai, phát biểu của Nga chia sẻ quan điểm với phát biểu của Trung Quốc khi đều cho rằng Hội đồng Bảo an không phải là nơi thích hợp để giải quyết tranh chấp Biển Đông xa xôi. Nghe video qua phiên dịch, đại diện của Nga cho rằng việc “sử dụng” cuộc họp này theo cách đó là “không thể chấp nhận được”. Cũng cùng lập trường với Trung Quốc, Nga cho rằng việc giải quyết tranh chấp cần thực hiện “giữa các Quốc gia liên quan trên cơ sở song phương”. Lưu ý rằng từ “tranh chấp lãnh thổ” (territorial disputes) mà Nga sử dụng nếu được hiểu chặt chẽ về pháp lý thì chỉ liên quan đến một trong hai loại tranh chấp chính tại Biển Đông, loại còn lại là tranh chấp biển (maritime disputes). Hai loại tranh chấp này có sự khác nhau quan trọng do luật điều chỉnh từng loại là khác nhau: luật quốc tế về thủ đắc lãnh thổ và luật biển quốc tế.

Russia view SCS UNSC

Thứ ba, phát biểu của Mỹ nhấn mạnh 04 ý. Một, tại Biển Đông, tự do hàng hải, tự do hàng không và các việc sử dụng biển hợp pháp khác là lợi ích của Mỹ. Hai, Trung Quốc đang có hành vi gây hấn và gây bất ổn tại Biển Đông, dẫn ra hai vụ việc gần đây mà không nêu rõ quốc gia là nạn nhân của hành vi Trung Quốc: ngăn cản hoạt động dầu khí của một nước ven biển, và hộ tống vũ trang nhiều tàu cá vào vùng biển một nước khác nữa. Điều này gợi nhớ đến việc tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 vào thềm lục địa Việt Nam mùa hè năm 2019 (post) và vụ xung đột nóng gần đảo Natuna của Indonesia cuối năm 2019 và đầu năm 2020 (post). Ba, Mỹ cho rằng hành vi gây hấn như trên là nhằm buộc các nước tranh chấp khác phải tham gia vào các dàn xếp phát triển chung tài nguyên biển với Trung Quốc. Đây là thông tin mới, đặt ra câu hỏi các dàn xếp phát triển chung nào mà Trung Quốc muốn các nước quanh Biển Đông tham gia. Bốn, đại diện Mỹ có nhắc đến “Nếu bộ quy tắc ứng xử được một số bên sử dụng để hợp pháp hóa các hành vi đặc biệt nghiêm trọng và các yêu sách biển bất hợp pháp, hoặc [bộ quy tắc đó] trái với luật quốc tế, điều này sẽ gây tổn hại cho khu vực và tất cả các bên có lợi ích từ tự do trên biển”. Điều này đặt ra câu hỏi Mỹ đã nhận được thông tin hay có thông tin như thế nào về tiến trình đàm phán COC, và thông tin đó đáng lo ngại để Mỹ nhắc đến khả năng hoặc COC bị sử dụng để hợp pháp hóa cái bất hợp pháp hoặc bản thân COC có nội dung trái luật quốc tế, có thể bao gồm cả phán quyết trọng tài. Có thể thông tin mà Mỹ có không chính xác hay đầy đủ.

US view on SCS UNSC

Thứ tư, phát biểu của đại diện Trung Quốc chủ yếu nhắm vào chỉ trích Mỹ theo logic: Mỹ làm điều sai trái khắp mọi nơi nên không có tư cách chỉ trích Trung Quốc (logic?). Trung Quốc cũng nhắc đến việc các nước phải tôn trọng chủ quyền và lợi ích an ninh của trung Quốc. Việc nhắc đến “lợi ích an ninh” (security interests) và việc Mỹ đưa tàu chiến và máy bay quân sự đến Biển Đông cho thấy Trung Quốc xem Biển Đông là khu vực nằm trong lợi ích an ninh của nước này và Trung Quốc không muốn thấy sự hiện diện quân sự của nước khác tại đây. Mặc dù bài phát biểu của Trung Quốc chỉ chỉ trích Mỹ như nhân tố bất ổn tại Biển Đông do đại diện Mỹ trước đó cũng gọi tên chỉ trích Trung Quốc, bài phát biểu cũng có thể thể hiện rằng: đối với vấn đề Biển Đông, Trung Quốc rất tự tin giải quyết “tốt” với các nước liên quan trong ASEAN, các nước này không phải là trợ ngại gì quá lớn, mà chỉ có Mỹ mới là nhân tố mà Trung Quốc khó kiểm soát trên bàn cờ Biển Đông. Quan điểm này của Trung Quốc đã được thể hiện nhiều lần khi nước này luôn chống lại xu hướng quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông ra ngoài khu vực mà một số quốc gia liên quan đang thúc đẩy.

China view SCS UNSC

 Trần H. D. Minh

————————————————————————

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog trên WordPress.com

Up ↑

%d người thích bài này: