Trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (2019-nCoV) gây ra đang bùng phát tại Trung Quốc, hiện tượng người Trung Quốc bị phân biệt đối xử đang dần được bộc lộ. Tình trạng kỳ thị không chỉ dừng lại với người Trung Quốc mà còn lan rộng ra cho cả người châu Á nói chung (xem bài viết “Người Á không lạ chuyện bị kỳ thị, virus corona còn làm mọi thứ tệ hơn” tại đây). Điều này gợi nhớ đến vấn đề phân biệt chủng tộc mà luật pháp quốc tế đã nghiêm cấm từ hơn nửa thế kỷ trước. Do đó, bài viết xin giới thiệu về nguyên tắc cấm phân biệt chủng tộc theo Công ước chống Phân biệt chủng tộc (CERD) năm 1965. Bài viết không nhằm đánh giá liệu một hành vi cụ thể có hành vi vi phạm CERD hay không, mà chỉ như một lời nhắc nhở rằng có một ranh giới pháp lý mà nếu vượt qua ranh giới đó một hành vi cẩn trọng trong mùa dịch có thể vô tình cấu thành hành vi phân biệt chủng tộc.
Nguyên tắc cấm phân biệt chủng tộc
Văn kiện nền tảng đầu tiên ghi nhận nguyên tắc không phân biệt đối xử là Tuyên ngôn Nhân Quyền Phổ quát năm 1948 (Universal Declaration on Human Rights – UDHR) của Đại hội đồng Liên hợp quốc.[1] Sau đó, cộng đồng quốc tế đã dành riêng một điều ước quốc tế để nghiêm cấm hành vi phân biệt chủng tộc: Công ước quốc tế về Xóa bỏ tất cả hình thức phân biệt chủng tộc năm 1965 (CERD, bản dịch tiếng Việt, và bản gốc tiếng Anh), hiện nay có 182 quốc gia thành viên.[2] Nguyên tắc cấm phân biệt chủng tộc cũng tồn tại trong tập quán quốc tế, và còn được cho là một quy phạm jus cogens.[3]
Lời nói đầu của CERD ghi nhận rằng “bất kỳ học thuyết dựa trên phân loại chủng tộc đều sai về khoa học, đáng lên án về đạo đức, nguy hiểm và không công bằng về xã hội, và không có bất kỳ biện minh nào cho việc phân biệt chủng tộc, về lý thuyết hay thực tiễn, ở bất kỳ đâu.”
Điều 1 CERD định nghĩa hành vi phân biệt chủng tộc (racial discrimination) là:
“bất kỳ sự phân biệt, loại trừ, hạn chế hay ưu tiên dựa trên chủng tộc, mày da, gốc gác hậu duệ, hay nguồn gốc sắc tộc hay quốc gia nhằm mục đích hoặc có tác động làm vô hiệu hay tổn hại đến việc công nhận, hưởng hay thực hiện một cách bình đẳng các quyền con người và tự do cơ bản trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa hay các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.”
Với định nghĩa như thế, để một hành vi được xem là phân biệt chủng tộc cần thỏa mãn ba điều kiện: (1) có hành vi phân biệt, loại trừ, hạn chế hay ưu tiên, (2) căn cứ phân biệt dựa trên chủng tộc, màu da, gốc gác hậu duệ, nguồn gốc sắc tộc hay nguồn gốc quốc gia, và (3) mục đích hay hệ quả của hành vi là làm vô hiệu hay tổn hại đến việc bình đẳng hưởng các quyền con người và các tự do cơ bản.
CERD dành 6 điều khoản liệt kê chi tiết các nghĩa vụ của quốc gia thành viên trong việc lên án, ngăn chặn, loại trừ, giáo dục một cách triệt để nhất để loại bỏ hoàn toàn bất kỳ và mọi hành vi phân biệt chủng tộc. Trong đó, Điều 4 quy định rằng:
“Các Quốc gia thành viên phải lên án tất cả việc tuyên truyền và tất cả các tổ chức dựa trên các tư tưởng hay học thuyết về sự thượng đẳng của một chủng tộc hay một nhóm người thuộc một màu da hay nguồn gốc sắc tộc, hoặc có ý đồ biện minh hay thúc đẩy sự thù ghét và phân biệt chủng tộc dưới bất kỳ hình thức nào, và cam kết thực thi các biện pháp tích cực và lập tức nhằm loại trừ tất cả sự kích động, hay hành vi phân biệt như thế.”
Điều 5 của CERD quy định các Quốc gia thành viên phải bảo đảm việc hưởng các quyền con người và tự do cơ bản mà không bị phân biệt đối xử, trong đó có “quyền được tiếp cận với y tế công cộng, chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội và dịch vụ xã hội” và “quyền được tiếp cận với bất kỳ địa điểm và dịch vụ dành cho công chúng sử dụng, như giao thông, khách sạn, quán café, rạp hát và công viên.”
Công ước về các Quyền dân sự và chính trị năm 1966 (ICCPR, 173 thành viên) và Công ước về các Quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966 (ICESCR, 170 thành viên) cũng ghi nhận lại nguyên tắc không phân biệt chủng tộc.[4]
Tóm lại, luật quốc tế nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử dựa trên các căn cứ như chủng tộc, màu da, gốc gác hậu duệ, nguồn gốc sắc tộc, nguồn gốc quốc gia, tôn giáo, ngôn ngữ hay các căn cứ khác. Trong đó, liên quan đến việc phân biệt đối xử chống lại người Trung Quốc nói riêng và người gốc châu Á nói chung, các căn cứ chủng tộc, màu da, nguồn gốc sắc tộc và nguồn gốc quốc gia có thể cần tập trung xem xét, nghiên cứu thêm. Xem thêm một trường hợp có một số khía cạnh tương tự: Khuyến nghị chung số 34 về vấn đề phân biệt chủng tộc chống lại người gốc Phi (General recommendation No. 34 on Racial discrimination against people of African descent), trong đó có khuyến nghị có biện pháp nghiêm ngặt chống lại việc kích động phân biệt chủng tộc trên môi trường Internet ([29]).
Nói thêm rằng, các biện pháp phòng ngừa mà một số quốc gia áp dụng để ngăn dịch bệnh 2019-nCoV lây lan cần được xem xét thích đáng để tránh suy diễn theo hướng kích động phân biệt chủng tộc trong dư luận. Ngôn từ cẩn trọng nên được sử dụng. Ví dụ, như ngày 01.02.2020, Thủ tướng Australia thông báo “từ chối nhập cảnh vào Australia với những người đi từ hay quá cảnh qua Trung Quốc đại lục… biện pháp này cũng áp dụng cho hành khác quá cảnh tại Australia.” Biện pháp này có vẻ đã được xem xét thấu đáo, nên không nhắm đến “người Trung Quốc” mà nhắm đến “khu vực địa lý nơi có dịch” và áp dụng “tất cả mọi người, trừ công dân Australia và người liên quan”. Ngôn từ cẩn trọng tương tự cũng được sử dụng trong thông báo cấm nhập cảnh của Mỹ vào ngày 31.01.2020: “… chính thức đình chỉ và hạn chế việc nhập cảnh vào Mỹ … tất cả người nước ngoài đã từng có mặt tại Công hòa Nhân dân Trung Hoa, trừ Đặc khu hành chính Hồng Kông và Macau, trong giai đoạn 14 ngày trước ngày nhập cảnh hoặc dự kiến nhập cảnh vào Mỹ”. Mặc dù điều này không bảo đảm dư luận không khởi tư tưởng phân biệt chủng tộc chống lại người Trung Quốc hay người gốc Á nói chung, nhưng ít nhất ngôn từ của cơ quan nhà nước không chứa đựng yếu tố kích động phân biệt chủng tộc.
Ngoại lệ của nguyên tắc cấm phân biệt đối xử
Về nguyên tắc, các quốc gia không được dung thứ cho hành vi phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, CERD cũng quy định ba ngoại lệ tại Điều 1(2), (3) và (4) như sau:
- Công ước này không áp dụng đối với việc phân biệt, loại trừ, hạn chế hay ưu tiên giữa công dân (citizens) và người không phải công dân (non-citizens). Xem thêm Khuyến nghị chung số 30 của Ủy ban CERD năm 2002.
- Công ước cũng sẽ không được giải thích theo cách ảnh hưởng đến các quy định pháp lý của quốc gia thành viên liên quan đến quốc tịch, công dân hay nhập tịch trong chừng mực các quy định này không phân biệt đối với bất kỳ quốc tịch cụ thể nào.
- Công ước cho phép các biện pháp đặc biệt dù mang tính chất phân biệt đối xử nhưng nhằm mục đích bảo đảm và thúc đẩy quyền con người của một nhóm người hay các cá nhân cụ thể, với điều kiện các biện pháp đó không có hệ quả duy trì các quyền khác biệt cho các nhóm chủng tộc khác nhau và cũng không tiếp tục áp dụng sau khi mục đích trên đã đạt được. Xem thêm Khuyến nghị chung số 32 của Ủy ban CERD năm 2009.
Trần H. D. Minh
———————————————————-
[1] UDHR, Điều 7.
[2] Thông tin về CERD (https://treaties.un.org/Pages/ViewDetails.aspx?src=TREATY&mtdsg_no=IV-2&chapter=4&clang=_en) truy cập ngày 04.02.2020.
[3] Patrick Thornberry, The Convention on the Elimination of All Forms of Racial Discrimination: A Commentary, NXB. Oxford University Press, 2016, tr. 484; Patrick Thornberry cũng trích ý kiến của Ian Brownlie, Principles of Public International Law, 4th ed., NXB. Oxford University press, 1990, tr. 513; Ủy ban CERD, ‘Statement on racial discrimination and measures to combat terrorism’, Doc. Supplement No. 18, A/57/18, 2002, tr. 107 [4].
[4] ICCPR, Điều 2(1), 4(1), 24(1) và 26. ICESCR, Điều 2(2). Thông tin về thành viên của ICCPR (https://treaties.un.org/Pages/ViewDetails.aspx?src=TREATY&mtdsg_no=IV-4&chapter=4&clang=_en) và của ICESCR (https://treaties.un.org/Pages/ViewDetails.aspx?src=TREATY&mtdsg_no=IV-3&chapter=4&clang=_en), truy cập ngày 04.02.2020.
Trả lời